/ 8
472

Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương

Tập 7

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Xin mời mở giảng nghĩa ra. “Như nhiễm hương nhân, thân hữu hương khí, thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm”. Đoạn trước Đại Thế Chí Bồ Tát đem phương pháp tu học cho đến hiệu quả tu học, đều nói ra cho chúng ta rồi. Hôm nay đem danh xưng pháp môn này dạy cho chúng ta. Chư vị xem tiểu chú. Hai câu đầu là ví dụ, hai câu sau đã nói ra danh xưng của pháp môn này, hương quang trang nghiêm.

“Thân cận Phật thân, tâm khai Phật tâm, như nhiễm hương nhân”. Thân thể con người không có mùi hương, bây giờ thuận tiện hơn ngày xưa rất nhiều rồi, bây giờ nước hoa, thoa mùi hương, xông hương, tiến bộ hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa y phục phải xông hương, người thời nay đều chưa nhìn thấy, dùng hương thơm để xông lên y phục, giống như sấy khô vậy, xông lâu rồi y phục liền có mùi hương, ví dụ cho người nhiễm mùi hương.

Phật Pháp trong kinh luận thường nói năm loại pháp thân hương, gọi là “ngũ phần pháp thân”. Đây là điều mà trong kinh luận Đại thừa Tiểu thừa thường nhìn thấy. Năm loại nào vậy? Chính là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương, năm loại này gọi là ngũ phần pháp thân hương.

“Thân cận Phật thân”, làm thế nào tiếp cận với Phật thân? Chư vị nên biết, tuyệt đối không phải ngày ngày bên cạnh Phật thì đó gọi là gần Phật thân, cũng không hoàn toàn như vậy. Ngôn ngữ, hành động của Phật, đem ghi chép nó lại thì gọi là giới luật. Nói cách khác, giới luật chính là nhất ngôn nhất hành của Phật. Ngôn hành của Phật có thể làm gương cho người thế gian chúng ta, có thể làm thành tiêu chuẩn ngôn hành của thế gian. Vậy gọi đó là giới luật. Đức Phật có phải là vị rất trì giới luật? Trong quan niệm của Phật không có giới luật. Những hành động tạo tác của Ngài là như vậy, nhưng ngôn hành của chúng ta phạm lỗi lầm quá nhiều, ngài là từ trong tâm thanh tịnh mà hiển lộ ra ngôn hạnh, chắc chắn không có lỗi lầm. Chúng ta dùng hành vi của Ngài làm gương mẫu, sửa đổi lại những sai trái trên tất cả hành vi của bản thân chúng ta. Đây gọi là trì giới, gọi là giữ giới. Cũng là chiếu theo tiêu chuẩn này mà học tập, là ý nghĩa này vậy. Đây gọi là thực sự thân cận Phật thân.

“Tâm khai Phật tâm”, tâm của Phật và tâm của chúng ta không giống nhau. Điều này chư vị nên ghi nhớ. Nếu như nói chân tâm, nói bổn tâm là giống nhau, Phật tâm và chúng sanh tâm không hai không khác. Hiện tại vì sao lại không giống nhau? Một bên mê, một bên ngộ. Đức Phật hoàn toàn giác ngộ, không có mảy may mê hoặc nào. Tướng giác ngộ là định, tướng của mê là động. Tâm phàm phu chúng ta là động. Một niệm khởi lên, một niệm đã diệt, niệm đang khởi diệt. Đây gọi là tâm động, tâm động là mê. Cho nên trong kinh Phật thường nói “vô minh”, vô minh chính là tướng động. Minh chính là tướng thanh tịnh, tức bất động rồi. Tâm nếu làm được bất động, đây gọi là định, tức không có vọng niệm. Lúc tâm bất động, tác dụng của nó chính là trí tuệ chân chánh, trí tuệ chân thật. Phàm phu chúng ta tâm này là động. Tâm động có trí tuệ hay không? Cũng có. Đó là tiểu trí tuệ, không phải là đại trí tuệ, cũng không phải là trí tuệ chân thật. Đây là điều mà Đức Phật trong kinh luận thường nói thông minh trí tuệ của phàm phu gọi là “thế trí biện thông”, chính là thông minh tài trí của thế gian, không phải là trí tuệ chân thật. Vì sao nói không phải là trí tuệ chân thật? Bởi vì đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh hoàn toàn không hiểu. Rất nhiều sự việc họ nghĩ sai, họ nhìn sai. Vì sao vậy? Vì họ dùng tư duy, dùng tưởng tượng, dùng suy luận, đều không thấy được sự thật thật sự. Sai lầm này nhất định không thể tránh khỏi. Định tâm giống như một tấm gương vậy, nó không có phân biệt, không có dao động, tấm kính này chiếu bên ngoài sẽ chiếu rõ ràng, sáng suốt. Cho nên định tâm nhìn thấy là chân tướng của sự thật, vậy làm sao mà có sai lầm được? Không những chân tướng sự thật trước mắt họ nhìn thấy, họ có thể nhìn thấy quá khứ, cũng có thể nhìn thấy vị lai. Có lẽ chúng ta cảm thấy kỳ quái làm sao mà có thể nhìn thấy quá khứ, vị lai? Quá khứ thì đã qua rồi, vị lai còn chưa đến, làm sao mà họ lại thấy được? Chư vị nên biết, phàm là có quá khứ, hiện tại, vị lai, là hiện tượng trong tâm sanh diệt của chúng ta. Một niệm sanh khởi, một niệm diệt đi, đã diệt rồi là quá khứ, hiện tại khởi lên là hiện tại, còn chưa khởi lên niệm tiếp theo đó là vị lai. Bởi vì quí vị có tâm sanh diệt, hiện tượng ba đời này hiển lộ ra rồi. Giả sử như tâm quí vị không có ý niệm, nói cách khác, căn bản là không có quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại, không tồn tại. Cho nên mười phương ba đời, ‘ba đời’ chính là quá khứ, hiện tại, vị lai. “Mười phương” chúng ta nói đông tây nam bắc tứ duy thượng hạ là một chỉnh thể. Bởi vì quí vị có phân biệt, có chấp trước, cho nên mới sản sanh hiện tượng này. Hiện tượng này không phải là chân thật.

/ 8