/ 8
607

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương

Tập 5

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Mời xem giảng nghĩa. “Niệm Phật tam muội, diệc danh nhất hành tam muội, diệc danh Chư Phật hiện tiền tam muội, bát nhã tam muội, phổ đẳng tam muội”.

Trong tiết này, ý nghĩa quan trọng là nói rõ pháp môn này. Như tông Hiền Thủ nói về ngũ giáo, tông Thiên thai nói về bát giáo. Đây là chư vị cổ đức xưa nay, đem những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế, gọi là giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm, phân toàn bộ quá trình dạy học thành năm loại lớn. Năm loại lớn này, ở đây chúng ta áp dụng phán giáo của đại sư Hiền Thủ tông Hoa Nghiêm: “tiểu, thỉ, chung, đốn, viên”, đây là ngũ giáo. Dụng ý dùng những danh từ này, chính là câu A Di Đà Phật này, là then chốt của tất cả pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, là trung tâm. Làm sao có thể chứng thực? Chính là năm câu nói ở đây. “Niệm Phật tam muội”, đây là tiểu giáo, vì sao nói nó là tiểu giáo? Ở trước chúng ta từng nói, niệm Phật có sự niệm, có lý niệm. Sự niệm chính là tiểu giáo, hoàn toàn chú trọng trên sự tướng, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, Phật hiệu câu này tiếp câu kia. Thật sự làm được không xen tạp, không gián đoạn, đây thuộc về sự niệm. Phàm những gì chú trọng về sự tướng, điều này trong dạy học thuộc về dạy học sơ cấp. Nhưng chư vị phải biết, trong các pháp môn khác, tiểu học chính là tiểu học. Tiểu không thể thông đại, không thể thông đốn, cũng không thể thông viên. Phương pháp này rất đặc thù, gọi là “một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Nó đã có thứ lớp, lại là viên dung, như ở trước chúng ta nói rất nhiều về chân tướng sự thật. Về phương diện quả báo mà nói, bốn cõi ở thế giới tây phương cũng viên dung, về quả báo viên dung, về nhân nhất định viên dung.

Niệm Phật tam muội chính là “nhất hành tam muội”, nhất hành tam muội, trong Đàn Kinh Lục Tổ Huệ Năng nói rất nhiều, cũng nói rất tường tận, Thiền của Lục tổ truyền là đốn ngộ. Trong Thiền tông nói về “thiền”, không phải thiền định trong lục độ, chư vị nhất định phải biết điều này. Mà bát nhã ba la mật trong lục độ là trí tuệ, tuy nói là thiền tông, trên thực tế họ tu là trí tuệ.

Mở đầu Đàn Kinh, đại sư Huệ Năng dạy người: “tổng niệm ma ha bát nhã ba la mật đa”, là chỉ ra một cách rõ ràng minh bạch, sở tu của thiền tông là ma ha bát nhã ba la mật đa. Pháp môn này gọi là nhất hành tam muội. “Nhất hành” chính là chuyên chú, nhất là chuyên nhất.

Pháp môn Tịnh tông này, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Từ sự niệm có thể nhập lý niệm, vì thế pháp môn này cũng thuộc về nhất hành tam muội. Nhất hành tam muội là pháp môn đốn giáo, là đốn ngộ, tuy có thể đốn ngộ, ngộ rồi khởi tu, chưa chắc người người đều có thể đốn chứng. Pháp môn niệm Phật tuy không bằng đốn ngộ của Thiền tông, nhưng về phương diện đốn chứng hơn hẳn Thiền tông.

Một bên là siêu thắng về ngộ, một bên siêu thắng về chứng. Chư vị nhất định phải biết chứng quan trọng hơn ngộ, ngộ chưa chắc có thể chứng, sau khi chứng nhất định ngộ nhập. Cổ đức từng nói: “đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ”, chính là đạo lý này. Thiền tông đốn ngộ chưa chắc vãng sanh, chưa chắc có thể thấy được Phật A Di Đà. Pháp môn này nhất định thấy được Phật A Di Đà, thấy Phật A Di Đà đâu có chuyện không khai ngộ. Quý vị thử quan sát tường tận xem, pháp môn này thù thắng hơn Thiền, quả thật nó có điểm thù thắng, nó có đạo lý thù thắng. Đây là thông “đốn giáo”.

Câu tiếp theo nói, “cũng gọi là Chư Phật hiện tiền tam muội”. Chư Phật là chỉ hết thảy Chư Phật, câu này là cảnh giới chung giáo của đại thừa. “Chung” là gì? Đến viên mãn, pháp đại thừa sắp viên mãn, mới có thể chứng được Chư Phật hiện tiền tam muội.

Pháp môn niệm Phật, ở trước chúng ta thấy rất nhiều, trong năm loại bất tư nghì từng nói với quý vị, niệm một câu A Di Đà Phật không khác gì niệm danh hiệu tất cả Chư Phật, há chẳng phải tất cả Chư Phật đều hiện tiền ư. Niệm chư Phật khác, không nhất định bao hàm tất cả Chư Phật, nhưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhất định bao hàm hết thảy Chư Phật, không sót một vị Phật nào. Quý vị hỏi vì sao? Trong Kinh Di Đà nói rất rõ ràng, đề Kinh A Di Đà vốn gọi là Kinh Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm, đề kinh này vốn là như vậy. Nói cách khác, tất cả Chư Phật đều nói cho chúng sanh bộ kinh này, các kinh khác tất cả Chư Phật không nhất định nói. Vì sao vậy? Phật giảng kinh thuyết pháp là tùy căn cơ mà thuyết pháp, nếu hỏi Phật ngài muốn giảng kinh gì? Phật không biết, chúng sanh cần gì ngài liền nói cái đó. Kinh điển là vô lượng vô biên, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngài giảng suốt 49 năm, chỉ nói vài ngàn bộ mà thôi, vài ngàn loại không thể sánh với vô lượng vô biên. Kinh điển truyền đến Trung quốc, người Trung quốc dịch sang tiếng Trung, hiện nay tổng cộng có hơn 3000 bộ, đương nhiên còn có rất nhiều chưa truyền đến Trung quốc, chưa truyền đến. Cũng có một số truyền đến rồi, nhưng chưa dịch sang tiếng Trung thì đã mất, làm mất, thất truyền. Đại khái chủ yếu đều dịch sang tiếng Trung, trong Đại Tạng Kinh tiếng Trung chúng ta có thể thấy. Từ đây cho thấy, những gì Phật nói ra rất có hạn, chưa nói ra thật là vô lượng vô biên, những điều nói ra quả thật như giọt nước trong biển cả.

/ 8