Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương
Tập 4
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Mời xem giảng nghĩa: “Hoan Hỷ Quang”, đây là vị thứ tám trong 12 Như Lai. Hoan hỷ, ở trước có vô đẳng, “vô đẳng quang” nghiêng nặng về tâm đại bi. Tâm đại bi, nói như hiện nay, là tâm thương xót chúng sanh, bây giờ chúng ta thường gọi là tâm đồng tình. Nhà Nho gọi là tâm trắc ẩn, rất gần với điều này. “Từ” là ban vui cho tất cả chúng sanh, đây gọi là từ. “Hoan hỷ” là “từ khiến an lạc”, hợp từ và bi lại gọi là đại từ đại bi.
Thứ chín là “Giải Thoát Quang”, trong Vô Biên Quang Phật ở trước, có ý nghĩa của giải thoát. Vô biên là quả của giải thoát, giải thoát là nhân của vô biên, danh từ này đều ứng dụng phổ biến trong Phật pháp đại tiểu thừa. Rốt cuộc “giải” là gì? “Thoát” là gì? Cần phải hiểu rõ điều này. Danh từ này đọc khứ thanh, đọc giải (xie) thoát, làm động từ, không phải danh từ, động từ. Giải là nhân, thoát là quả. “Thoát” trong tiểu thừa Phật pháp nói, thoát ly luân hồi trong tam giới lục đạo. Giải là giải gì? “Giải”, người thế gian nói là mở vô số nút thắt trong tâm ra, “nút thắt” này là gì? Là phiền não. Giải trừ phiền não, ta mới có thể thoát ly tam giới lục đạo, đây là nói từ phương diện của tiểu thừa.
Trong Phật pháp đại thừa ý nghĩa sâu rộng hơn tiểu thừa, tiểu thừa chỉ đoạn kiến tư phiền não là vượt thoát luân hồi. Đại thừa ngoài kiến tư phiền não, còn có trần sa phiền não, vô minh phiền não, cần phải đoạn tận toàn bộ một cách rốt ráo, như vậy mới có thể thoát ly hai loại sanh tử, là phân đoạn sanh tử và biến dị sanh tử, viên mãn chứng được vô thượng bồ đề, đó chính là “thoát”.
Trong tiểu chú nói “ly tướng phổ ích”, ly tướng nghĩa là không chấp trước tất cả pháp tướng thế xuất thế gian, sau đó mới có thể phổ biến lợi ích hết thảy quần sanh.
Thứ mười là “An Ổn Quang”, An ổn, ý nghĩa rất gần với Thủ Lăng Nghiêm trong đề kinh này. Thủ Lăng Nghiêm là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là “mọi sự cứu cánh kiên cố”, ở trước chúng ta đã học. Sự việc như thế nào mới cứu cánh kiên cố? Ở đây nói “ly tướng sanh diệt”, nói cách khác, có sanh có diệt là không an ổn. Khi nào thật sự đạt đến bất sanh bất diệt, lúc đó sẽ an ổn. Bất sanh bất diệt mới cứu cánh kiên cố.
Về lý mà nói, chân tâm bổn tánh của chúng ta là bất sanh bất diệt, chân tâm bổn tánh mỗi người đều có, tuy chúng ta có nhưng không dùng được nó. Vì sao không dùng được nó? Vì có một ý niệm sanh diệt đang tác quái, ý niệm này chướng ngại bổn tánh, che mất chân tâm, vì thế phải chịu rất nhiều khổ nạn oan uổng. Những khổ nạn này chính là luân hồi lục đạo, thực tế đều là giả, không phải thật. Đã không phải thật, vậy thì không có gì lo lắng, nhưng cũng không thể nói như vậy. Mọi người đều biết ban đêm nằm mộng là giả, không phải thật. Nếu mỗi tối đều thấy ác mộng, quý vị nói có dễ chịu chăng? Bây giờ chúng ta mê mất chân tâm, đồng nghĩa với ngày ngày đều thấy ác mộng. Không những ban đêm thấy ác mộng, ban ngày cũng thấy ác mộng, ác mộng này liên tục không gián đoạn, cuộc sống này thật đáng sợ. Giả như ta thật sự hiểu được điều này, sửa đổi tập khí khuyết điểm này, vậy là ta đã tỉnh ngộ, không còn thấy ác mộng. Đây gọi là Phật Bồ Tát, là ý nghĩa của an ổn quang.
“Siêu Nhật Nguyệt Quang”, trong 12 loại quang này, mười loại trước tức là đến An Ổn Quang, thực tế mà nói toàn là thường quang. Cho thấy trí tuệ đức năng cứu cánh viên mãn của Phật A Di Đà, từ trong mười danh tướng này có thể hiển thị vô dư, từ đây chúng ta có thể lãnh hội được một ít. Vì sao xưng ngài là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”.
Hai loại bên dưới là chỉ phóng quang, bên dưới là phóng quang. “Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghì Quang”, hai loại này là phóng quang. Thường quang thông thường gọi là tự thọ dụng, phóng quang là lợi ích tất cả chúng sanh. “Siêu Nhật Nguyệt”, ở thế giới này của chúng ta quang minh lớn nhất, nổi bật nhất là nhật nguyệt. Phật vì chúng sanh ở khu vực này mà thuyết pháp, lấy ví dụ rất gần, điều này mắt chúng ta có thể nhìn thấy, vừa nói ta có thể lãnh hội được ngay. Ánh sáng của Phật hơn hẳn ánh sáng nhật nguyệt, dùng ví dụ này để hình dung sự thù thắng của Phật quang. Phật quang có lợi ích gì? Câu bên dưới nói “bất tư nghì quang”, là nói rõ lợi ích chân thật của Phật quang, mà ánh sáng của nhật nguyệt không có. Công đức bất tư nghì, chư vị cổ đức quy nạp nó thành năm loại lớn, gọi là năm loại không thể nghĩ bàn, năm là năm loại lớn. Dùng để tán thán quang minh của Phật A Di Đà, chúng ta cần phải ghi nhớ điều này. Đối với việc tu học pháp môn này, đoạn nghi sanh tín, cầu nguyện vãng sanh có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là hoành siêu tam giới, không đợi đoạn hoặc.