924

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương

Tập 3

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập:Bình Minh

Đại ý đề kinh ở trước đã giới thiệu rồi, hôm nay chúng ta chính thức đọc đến kinh văn.

Đoạn thứ nhất của kinh văn. “Đại Thế Chí pháp vương tử, dữ kỳ đồng luân ngũ nhị thập Bồ Tát, tức tùng tọa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn”. Đoạn kinh văn này thuật lại, nói như hiện nay, đây gọi là lễ tiết. Bồ Tát Đại Thế Chí là một đại biểu, đại diệncho tất cả những người chuyên tu pháp môn niệm Phật, là hàng Bồ Tát này.

Đại Thế Chí, ở đây giới thiệu về nguồn gốc của danh hiệu trước. Đây là Tư Ích Kinh và Quán Kinh, trong những kinh điển này Đức Phật giới thiệu về vị Bồ Tát này cho chúng ta. Tư Ích Kinh là Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, ở đây tỉnh xưng, gọi là Tư Ích Kinh. Trong kinh này nói: “Ngã đầu túc chi xứ”. “Ngã” là Bồ Tát Đại Thế Chí tự xưng. “Chấn động tam thiên đại thiên thế giới, cập ma cung điện, cố danh Đại Thế Chí”. Danh hiệu này là do oai thế của Bồ Tát mà kiến lập. Bồ Tát trong tây phương tam thánh, ngài tượng trưng cho trí tuệ. Chỉ có trí tuệ cứu cánh viên mãn, mới là oai đức thù thắng nhất, oai đức này chấn động đại thiên thế giới, chấn động cung điện của ma vương, vì thế xưng ngài là Đại Thế Chí. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng có dạy ta quán tưởng hai vị Bồ Tát, chính là Quan Âm và Thế Chí.

“Thử Bồ Tát hành thời, thập phương thế giới, nhất thiết chấn động. Thử Bồ Tát tọa thời, thất bảo quốc độ, nhất thời động dao”. Ý nghĩa phảng phất như trong Kinh Tư Ích nói, đều là hình dung trí tuệ oai đức của Bồ Tát không thể nghĩ bàn. Hai cách nói này, ở trước chúng ta có một tiêu đề nhỏ, đều nói từ phương diện tự lợi, hoàn toàn từ oai đức của Bồ Tát để nói danh hiệu của ngài.

“Bi Hoa Kinh vân, nguyện ngã thế giới, như Quan Thế Âm đẳng vô hữu dị”. Đây là nguyện của Bồ Tát Đại Thế Chí. “Bảo Tạng Phật ngôn, do nhữ nguyện thủ, đại thiên thế giới, kim đương tự nhữ, vi đại thế chí”. Trong Kinh Bi Hoa nói là về đại nguyện của ngài, trong kinh Đức Phật dạy chúng ta, thế giới tây phương Cực Lạc, Phật A Di Đà cũng có khi nhập niết bàn. Khi nào Phật A Di Đà nhập diệt? Chư vị đọc Kinh Vô Lượng Thọ sẽ biết, thọ mạng của Phật A Di Đà rất dài. Trong kinh Phật đưa ra một ví dụ, giả sử chúng sanh khắp mười phương thế giới đều chứng được quả Bích Chi Phật, thần thông, năng lực đều như Đại Mục Kiền Liên, tính hết tất cả, tính số tuổi của Phật A Di Đà, tận vạn ức tuổi cũng không tính hết. Từ ví dụ này chúng ta biết, Vô Lượng Thọ Phật thọ mạng quả thật là vô lượng, nhưng vô lượng này chúng ta tính cũng không tính ra được, số lượng quá lớn. Có khi nào hết chăng? Có, tương lai khi Phật A Di Đà thọ mạng đến, sau khi nhập diệt, nghĩa là sau khi nhập bát niết bàn, thế giới đó rất kỳ diệu, không có tượng pháp, mạt pháp, diệt pháp, không có. Khi Phật A Di Đà nhập bát niết bàn, Bồ Tát Quán Thế Âm liền thành Phật, thành Phật tiếp theo. Bồ Tát Quan Âm thành Phật, y chánh trang nghiêm của thọ mạng và thế giới, còn thù thắng hơn thế giới Cực Lạc hiện tại của Phật A Di Đà, thọ mạng cũng rất dài lâu. Tương lai Bồ Tát Quan Thế Âm nhập diệt, Bồ Tát Đại Thế Chí thành Phật. Phật ở thế giới tây phương là vị này nối tiếp vị kia, không có thời kỳ tượng pháp cũng không có thời kỳ mạt pháp, càng không có thời kỳ diệt pháp.

Có thể sau khi chư vị nghe xong điều này liền hoài nghi, tương lai ở thế giới tây phương Cực Lạc còn phải chết, vậy chúng ta đến đó làm gì? Nói thực với quý vị, Phật A Di Đà thị hiện nhập diệt là ứng thân nhập diệt, pháp thân bất sanh bất diệt, báo thân có sanh không diệt. Vì thế, nói đến nhập diệt là nói đến ứng thân của Phật A Di Đà. Ở thế giới tây phương Cực Lạc, cõi phàm thánh đồng cư, cõi phương tiện hữu dư, thấy được Phật A Di Đà là ứng hóa thân. Cõi thật báo trang nghiêm, ta nhìn thấy là báo thân Phật A Di Đà, cõi thường tịch quang là pháp thân của Phật A Di Đà, cần phải hiểu điều này.

Trong tất cả kinh điển Đức Thế Tôn thường nói, phàm phu tu thành quả Phật cần bao nhiêu thời gian? Ba đại a tăng kỳ kiếp, nếu so tam đại a tăng kỳ kiếp với vô lượng thọ, thực tế mà nói thì quá ngắn ngủi, ta cần phải hiểu rõ chân tướng sự thật này. Sau khi đến thế giới tây phương Cực Lạc, không có ai không thành Phật. Vì sao vậy? Vì thọ mạng của ta giống như Phật A Di Đà, vô lượng thọ, quý vị còn nôn nóng làm gì?