/ 8
1.029

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương

Tập 2

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Xin mời giảng nghĩa, “chứng liễu nghĩa, hoạch nhị thắng, phát tam dụng”. Đây là giải thích “tu chứng liễu nghĩa”. Ở trước chúng ta nói về tu, đây là công phu tu hành. Công phu đạt đến tiêu chuẩn nhất định, nó sẽ khởi tác dụng, nghĩa là những gì nói trong điều này, họ nhất định đạt được hai loại thù thắng.

Loại thù thắng thứ nhất là “trên với Chư Phật đồng nhất từ lực”. Từ là đại từ đại bi, lực dụng của từ bi không thể nghĩ bàn, đương nhiên tác dụng lớn nhất của nó là cứu hộ tất cả chúng sanh. Đối với chính mình mà nói, có thể trừ tất cả tai họa. Loại năng lực thứ hai là “dưới với chúng sanh đồng nhất bi ngưỡng”. Nói một điều ở trên, một điều ở dưới. Nói cách khác, năng lực của họ và tất cả hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, tự nhiên có thể cảm ứng đạo giao.

Chúng ta thường thấy cảm ứng không thể nghĩ bàn của Phật Bồ Tát, sức mạnh này từ đâu mà có? Chúng ta đọc Kinh Lăng Nghiêm sẽ biết, năng lực này có được từ “chứng liễu nghĩa”. Tuy nói được, nhưng thực tế là năng lực vốn đầy đủ trong tự tánh, chẳng qua do công phu tu chứng hiển phát mà thôi. Đức Phật dạy rằng, năng lực này mỗi chúng ta đều có, nhưng vì mê mất tự tánh, tuy có đức năng này, nó không khởi tác dụng. Do đó, tánh đức cần phải nương vào tu đức để hiển bày, nếu không có tu đức, tuy có tánh đức nó không khởi tác dụng.

“Phát tam dụng”, đây cũng là đưa ra một ví dụ, ba loại này là tác dụng thù thắng nhất. Thứ nhất là “32 ứng”, gọi là “32 ứng”, 32 là nói về chủng loại, 32 loại lớn. Trong mỗi loại nói không cùng tận, vô lượng vô biên. Hàng phàm phu thường có quan niệm sai lầm, cho rằng Phật Bồ Tát đều có một tướng mạo nhất định, thật ra là sai. Có người hỏi, Bồ Tát Quan Âm rốt cuộc là nam hay nữ? Là người Trung quốc hay người Ấn độ? Phàm những ai hỏi như vậy, có thể nói là hoàn toàn không hiểu Phật pháp. Thật sự chứng được tu chứng liễu nghĩa, không có tướng mạo để nói, vì sao vậy? Vì họ có thể tùy loại hóa thân, quý vị thích tướng như thế nào, họ liền hiện tướng đó. Phật Bồ Tát không có tâm, không có tâm nghĩa là không có vọng tâm, không có vọng niệm, không có phân biệt, không có chấp trước, họ mới có thể “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Chúng sanh này thích Phật như thế nào, ngài liền hiện như thế, đây là 32 ứng. Như trong kinh nói: “người đáng dùng thân Phật để được độ”, người này thích thân Phật, ngài liền “hiện thân Phật nói pháp cho họ”, nói pháp cho họ tức là hiện thân tướng Phật đến dạy họ. Họ thích Bồ Tát, chính là người đáng dùng thân Bồ Tát để độ, liền hiện thân Bồ Tát mà nói pháp cho họ. Ta thích thân tướng gì, họ sẽ hiện thân như thế, họ đâu có thân? Không có thân, đây là nói thật với chúng ta. Vì thế họ có thể tận hư không biến pháp giới, không những hiện vô số thân ở nhân gian, trên thiên giới họ cũng hiện thân. Trong đường súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, họ hiện thân đồng loại với tất cả hữu tình chúng sanh. Họ có năng lực này, tác dụng này.

Chư vị phải biết, tác dụng này, Đức Phật nói mỗi người đều có, mỗi người đều có thể biến hóa vô lượng vô biên thân, đều có năng lực này. Bây giờ chúng ta đánh mất năng lực này, do ta làm mê mất tự tánh. Chỉ cần giác ngộ, năng lực này liền hiện tiền. Tâm giác là bất động, tâm giác là thanh tịnh, tâm giác là quang minh. Trong tâm có vọng niệm, có ý niệm lên xuống, có dao động, đây đều là mê hoặc điên đảo, chúng ta nhất định chú ý điều này.

Thực tế mà nói, tu hành Phật pháp, bất luận tông phái nào, bất luận pháp môn nào, then chốt tu hành đều là thiền định. Cũng chính là chúng ta nói tâm thanh tịnh, Phật dạy chúng sanh tu tâm thanh tịnh, chỉ cần được tâm thanh tịnh, năng lực trí tuệ liền hiện tiền.

Tác dụng thứ hai là “thập tứ vô úy”, đây là 14 loại. “Vô úy” là xuất xứ của năng lực, trong bất kỳ trường hợp nào họ không có sợ hãi. 14 loại, bao gồm đối với năng lực thông đạt thấu triệt tất cả pháp thế xuất thế gian. Pháp nào ta không hiểu không thấu triệt, khi người ta hỏi không biết phải làm sao, như vậy mới có sợ hãi. Mọi thứ đều thông đạt, mọi thứ đều rõ ràng, vậy thì sợ gì nữa.

Trong kinh Phật chúng ta thấy, đưa ra vấn đề thỉnh giáo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bất kỳ vấn đề nào cũng có, quả thật không có ai làm khó được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà đại học vấn. Có một số người nói, nhà đại học vấn, đại khái là không biết đến những điều nhỏ nhặt. Có người đến thỉnh giáo ngài về mục ngưu, giữ trâu bò như thế nào? Kinh Phật có Kinh Mục Ngưu, ngài dạy chúng ta giữ trâu bò phải chú ý đến những gì, giữ trâu bò như thế nào, những điều này không làm khó được ngài. Như các loại này chính là được đại vô úy, họ mới có thể giáo hóa cửu giới chúng sanh.

/ 8