/ 8
2.379

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương

Tập 1

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Chư vị đồng tu, lần này chúng ta chọn đề kinh, là một đoạn kinh văn quan trọng nhất trong Kinh Lăng Nghiêm_Chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.

Kinh Lăng Nghiêm rất nổi tiếng trong Phật giáo Trung quốc. Cổ nhân thường nói: “Lăng Nghiêm khai tuệ, Pháp Hoa thành Phật”. Do đây có thể biết, mọi người rất coi trọng bộ kinh điển này. Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh khai trí tuệ, trong giới Phật giáo hầu như mọi người đều công nhận điều này.

Vì sao gọi là Pháp Hoa thành Phật? Trong rất nhiều kinh luận đại thừa Thế Tôn thường nói, thành Phật, thành Phật chỉ có nhất xiển đề không thể thành Phật, Đức Phật thường nói như vậy. Xiển đề là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là người đoạn thiện căn, người không có thiện căn không thể thành Phật, đây là điều Phật thường nói. Nhưng trong Kinh Pháp Hoa nói, nhất xiển đề cũng có thể thành Phật, đây mới nói đến cứu cánh viên mãn, vì thế mới gọi là Pháp Hoa thành Phật. Trong Kinh Pháp Hoa nói thành Phật, là tất cả chúng sanh, bao gồm xiển đề đều có trong đó, cho nên nói là Pháp Hoa thành Phật.

Kinh Lăng Nghiêm truyền đến Trung quốc, nhân duyên cũng rất đặc biệt. Ở đây chúng ta không thể nói tường tận, kinh điển Phật giáo, đa phần đều là các cao tăng đại đức từ Ấn độ đến Trung quốc truyền giáo, bao gồm không ít cư sĩ. Thời kỳ đầu có không ít cư sĩ phiên dịch kinh điển đại thừa, điều này chúng ta thường thấy trong Phật pháp sơ khởi. Ngoài ra là do các vị tăng Trung quốc đến Ấn độ du học mang về, như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh đều ở Ấn độ nhiều năm. Những vị lưu học tăng này, ở Ấn độ đều chưa tiếp xúc với Lăng Nghiêm, chưa từng thấy. Nguyên nhân này đến sau cùng thông qua truyền thuyết chúng ta hiểu được, vương triều đương thời của Ấn độ, nghĩa là chính phủ xem bộ kinh này như quốc bảo, không cho phép lưu thông ra nước ngoài. Vì thế những lưu học tăng nước ngoài, họ không thấy được bộ kinh này.

Bộ kinh này truyền đến Trung quốc, do một vị cao tăng Ấn độ tên Bát Lạt Mật Đế, ông vượt biên để đem bộ kinh này đến Trung quốc, mà còn vượt biên rất gian khổ. Trong chú sớ Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, Ban Lạt Mật Đế hai lần ra nước ngoài đều bị hải quan lục soát được, sau khi lục soát được khi trở về còn bị ngồi tù, vì kinh điển không cho phép lưu thông đến nước ngoài. Lần sau cùng ngài dùng hết tâm tư, viết bộ kinh này lên vào một thứ rất nhỏ, không biết loại lụa gì, viết chữ rất nhỏ lên đó. Cuộn lại rồi tự xẻ tay mình ra, dấu kinh điển vào trong đó, đợi vết thương lành lặn, ra nước ngoài như vậy hải quan không kiểm soát được, đem kinh điển đến Trung quốc. Sau khi đến Trung quốc, đương nhiên lại mổ bắp tay ra, lấy kinh điển ra rửa sạch sẽ, ngài đã dùng phương pháp vượt biên này. Người xuất gia rất thành thật, mang kinh điển đến nước ngoài, là đã phạm pháp luật của quốc gia. Ở Trung quốc phiên dịch, sau khi phiên dịch xong, lập tức trở về đợi chính phủ xử phạt, không trốn ở Trung quốc để tránh hình phạt. Đây là điều rất khó được của người xuất gia, tôi trộm kinh điển, cần phải chịu sự trừng phạt của chính phủ. Bộ kinh điển này đến Trung quốc, có một nhân duyên đặc thù như thế. Nhưng trước khi bộ kinh này truyền đến Trung quốc, người Trung quốc đã nghe danh từ lâu. Nguyên nhân nghe danh, là đại sư Trí Giả Thiên thai tông cuối nhà Tùy đầu nhà Đường, chúng ta gọi ngài là Thiên thai đại sư. Ngài là một nhân vật rất quan trọng trong Thiên thai tông, có thể nói Thiên thai tông được hoàn thành trong tay ngài. Ngài căn cứ nghĩa thú của Kinh Pháp Hoa, phát minh “tam chỉ tam quán”. Thiên thai chỉ quán không phải truyền đến từ Ấn độ, mà là phương pháp tu học này do đại sư Trí Giả phát minh.

Đương thời có một vị cao Tăng Ấn độ đến Trung quốc tham bái đại sư Trí Giả, thấy đại sư Trí Giả dạy về tam chỉ tam quán, ông rất tán thán. Ông ta nói tư tưởng này, rất gần với những gì trong Kinh Lăng Nghiêm nói, do đó người Trung quốc mới biết, Ấn độ còn có một bộ kinh điển đại thừa gọi là Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, chưa truyền đến Trung quốc. Phàm những vị cao tăng đại đức đến Ấn độ lưu học, cũng chưa thấy bộ kinh này.

Lúc đó giao thông không phương tiện, muốn đến Ấn độ là một vấn đề vô cùng gian nan. Nhưng tinh thần của đại sư Thiên thai, quả thật rất đáng để xưa nay kính ngưỡng. Ngài dựng một cái đài trên núi Thiên thai, hiện nay vẫn còn, nếu quý vị lên núi Thiên thai tham bái chiêm ngưỡng, đài đó vẫn còn, gọi là đài bái kinh. Mỗi ngày ngài lên đài đó xoay mặt về hướng tây lễ lạy, hy vọng có cảm ứng đạo giao, bộ kinh này sớm ngày được truyền đến Trung quốc. Đại sư Trí Giả lạy suốt 18 năm, mãi đến khi ngài viên tịch, có thể nói không hề gián đoạn, tinh thần nghị lực này thật đáng khâm phục.

/ 8