/ 57
67

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 56

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1573


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn lớn thứ chín trong phần Kệ Tụng, xem từ bài thứ chín:


(Kinh) Tán Phật công đức, đương nguyện chúng sanh, chúng đức tất cụ, xưng thán vô tận.

(經)讚佛功德。當願眾生。眾德悉具。稱歎無盡。

(Kinh: Khen công đức Phật, nguyện cho chúng sanh, các đức đều đủ, khen ngợi vô tận).


Đệ tử đức Phật trông thấy tháp miếu, thấy hình tượng của Phật, Bồ Tát bèn lễ bái, xưng tán, cúng dường. Đấy là do trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát đã dạy chúng ta, [hay nói cách khác, đấy chính] là ba câu đầu trong mười đại nguyện vương. “Lễ kính chư Phật”: Chúng ta phải lạy, lễ bái. “Xưng tán Như Lai”: Khen ngợi Như Lai thì chủ yếu là ca ngợi công đức của Phật. Sau đấy là “quảng tu cúng dường”. Câu thứ tư thuộc về cá nhân, “sám hối nghiệp chướng”, tuy là tự hành, mà cũng là hóa độ người khác.

Phật pháp là sư đạo. Có thể nói chỗ bất đồng lớn nhất giữa Phật giáo và các tôn giáo lớn khác là [Phật giáo] không lôi kéo tín đồ. Chẳng như các tôn giáo khác, họ dùng đủ mọi phương pháp và thủ đoạn, thường nói là “thu hút tín đồ”, chúng ta thường nói là “chèo kéo tín đồ”. Trong Phật môn chẳng có [chuyện chèo kéo tín đồ], đây là một điều kỵ húy rất lớn trong Phật môn, nhưng trong thời Mạt Pháp hiện tại, cũng có hiện tượng này. Nói thật ra, hiện tượng ấy, nếu đức Phật còn tại thế, trông thấy, sẽ rơi nước mắt, sẽ rất đau lòng. Giáo huấn của thánh nhân và thánh hiền thế gian và xuất thế gian đều hết sức khiêm hư. Đạo đức của Nho gia được thực hiện bằng lễ giáo và lễ nhạc. Tinh thần của lễ là “tự ty, tôn nhân” (hạ thấp mình, đề cao người khác). Dùng rất nhiều phương pháp và thủ đoạn để thu hút tín đồ, đấy là chẳng khiêm tốn, nhún nhường. Nhất là [rêu rao] “đạo của ta tốt đẹp, lại còn cao hơn đạo của ngươi”, làm sao có thể thốt ra lời ấy cho được? Người đức hạnh càng cao, càng khiêm tốn, nhún nhường. Các vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật có mảy may tâm ngạo mạn hay chăng? Có mảy may nào ca ngợi chính mình, chê trách hạ thấp kẻ khác hay không? Chẳng có! Cuối kinh Hoa Nghiêm, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử đã nêu gương rất hay. Năm mươi ba vị thiện tri thức, ai nấy đều hết sức khách sáo, hết sức khiêm hư: “Ta hiểu rất ít, chẳng biết nhiều, chẳng như các vị thiện tri thức khác. Ngươi đến tham học ở chỗ ta, những gì ta đã học đã tu đều nói hết với ngươi rồi, hãy lại tiến cao hơn”. Ngài giới thiệu với quý vị: “Ngươi đến nơi nào đó, tham phỏng vị đại thiện tri thức nào đó”. Chẳng có vị nào là “tự tán, hủy tha” (tự ca ngợi mình, hủy báng kẻ khác). Chẳng hề có! Tự tán hủy tha là một trọng giới trong giới Bồ Tát.

Nếu chúng ta hỏi, Phật, Bồ Tát đại đức đại năng, từ bi giáo hóa dường ấy, làm thế nào để khiến cho người khác biết đến? Biết gì vậy? Biết để chính mình đến học. Bởi lẽ, để học, chư vị phải biết là cần phải đến [chỗ thầy hay thiện tri thức] để cầu học. Cổ nhân đã nói rất hay: “Chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo” (chỉ nghe nói trò đến học, chưa nghe chuyện thầy đến dạy). Quý vị tìm đến, đến chỗ thầy để học, điều này biểu thị sự kiền thành, cung kính của chính mình. Đối với đạo học, dùng phương pháp gì thì quý vị mới có thể đạt được? Không gì chẳng phải là hai chữ “thành kính”. Bên trong quý vị có lòng chân thành, bề ngoài có cung kính. Ấn Quang đại sư đã nói rất hay: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính sẽ được mười phần lợi ích”. Do đó, thầy luôn khiêm hư, làm sao dám làm thầy của kẻ khác? Chẳng dám! Quý vị đến học thì tôi hoan nghênh, chúng ta đều là đồng học. Hoan nghênh quý vị tụ họp, chúng ta chí đồng đạo hợp, cùng nhau học tập. [Coi nhau là] bạn học, chẳng dám tự coi mình là thầy.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57