/ 57
29

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 57

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1575


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin hãy xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn Kệ Tụng cuối cùng. Xem từ bài thứ hai trong đoạn thứ mười:


(Kinh) Dĩ thời tẩm tức, đương nguyện chúng sanh, thân đắc an ổn, tâm vô động loạn.

(經)以時寢息。當願眾生。身得安隱。心無動亂。

(Kinh: Ngủ nghỉ đúng thời, nguyện cho chúng sanh, thân được an ổn, tâm chẳng động loạn).


Đây là nói tới lúc ngủ nghỉ. Một người thân tâm khỏe mạnh, tâm là chúa tể, tâm phải chân thành, phải thanh tịnh. “Thân” là nói tới nhục thể. Đối với hai phương diện thân và tâm, tâm phải tĩnh, thân phải động. Thân là một thứ vật chất, cũng giống như một cỗ máy. Hễ là vật chất, chúng ta biết chúng đều cần phải bảo dưỡng. Nếu khéo bảo dưỡng, thời gian sử dụng của nó sẽ dài. Lũ bình phàm chúng ta thường nói đến “thọ mạng thông thường” (tuổi thọ bình quân); nếu chẳng khéo bảo dưỡng, mặc tình hủy phá, thọ mạng của nó sẽ bị rút ngắn. Xác thực là mỗi người đều có thọ mạng thông thường. Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta: Người trong thế giới Sa Bà, thọ mạng dài nhất là tám vạn bốn ngàn năm, đó là khi dài nhất. Sau [khi tuổi thọ đã đạt tới] tám vạn bốn ngàn năm, cứ mỗi trăm năm bèn giảm một tuổi, giảm cho đến [khi chỉ còn] mười tuổi. Mười tuổi là lúc thọ mạng của con người ngắn nhất. Từ mười tuổi, cứ sau mỗi trăm năm, lại tăng thêm một tuổi. Lại tăng thêm như vậy cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Phật pháp gọi [chu kỳ] một tăng, một giảm như vậy là một tiểu kiếp. Nói tới đơn vị thời gian to lớn, nhà Phật dùng Kiếp (Kalpa) để nói. Kiếp có đại kiếp, trung kiếp, và tiểu kiếp. [Chu kỳ] một tăng một giảm như vậy là một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp, bốn trung kiếp là một đại kiếp. Trong kinh đức Phật thường nhắc tới điều này.

Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, danh xưng của kiếp này là Hiền Kiếp (Bhadrakalpa). Vì sao gọi là Hiền Kiếp? Chư Phật giáng sanh trong kiếp này rất nhiều, thường nói là “một ngàn vị Phật xuất thế”, nên gọi là Hiền Kiếp. Hiền Kiếp là nói tới đại kiếp. Trong tiểu kiếp này, Thích Ca Mâu Ni Phật ứng hóa nhằm lúc giảm kiếp, tức là thọ mạng một mực giảm xuống, đang trong lúc giảm, chẳng phải là lúc đang tăng. Thời đức Phật, thọ mạng của loài người là một trăm năm, tức thọ mạng thông thường là một trăm năm, cũng có người sống lâu hơn, cũng có kẻ chẳng đạt đến độ tuổi ấy. Sống lâu hơn là gì? Đó là do tu được. Chưa đến [trăm tuổi đã chết] là do chính người ấy chẳng biết bảo dưỡng, hoặc là tạo tác ác nghiệp [khiến cho thọ mạng bị] chiết khấu.

Từ thời đức Phật cho đến hiện tại, theo cách ghi chép của Trung Hoa, năm nay dường như là sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ ba ngàn lẻ ba mươi ba năm. Nói cách khác, trong ba ngàn năm, cứ mỗi trăm năm bèn giảm bớt [một tuổi], tức là giảm đi ba mươi tuổi, thọ mạng bình quân trong hiện thời phải là bảy mươi tuổi. Cổ nhân nói “nhân sanh thất thập cổ lai hy” (người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm). Chúng ta nhìn vào lịch sử Trung Hoa, đúng là từ xưa tới nay, người có thể sống đến bảy mươi tuổi xác thực chẳng phải là đa số. Sống lâu hơn bảy mươi tuổi, đó là quý vị rất biết cách bảo dưỡng. “Cỗ máy” này lẽ ra phải bị đào thải vào lúc bảy mươi tuổi, quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng một thời gian! Thậm chí, hiện thời còn có người sống đến một trăm tuổi. Một trăm tuổi tức là quý vị sử dụng [thân thể] nhiều hơn ba mươi năm. Nếu vượt quá một trăm tuổi, vậy là quý vị có thể dùng thêm bốn mươi năm, năm mươi năm, rất khó có! Đấy nhất định là người rất khéo bảo dưỡng. Bảo dưỡng tấm thân như thế nào? Ở Bắc Kinh có thầy lang họ Lưu, ông ta có hai bài giảng diễn hết sức hữu ích về đạo dưỡng thân, giảng hết sức hay! Hôm nay, khéo sao chúng ta nói đến “dĩ thời tẩm tức” (ngủ nghỉ đúng thời), khiến cho chúng tôi nghĩ tới thuở đức Thế Tôn tại thế, Tăng đoàn làm việc và nghỉ ngơi có thời gian nhất định, xác thực là hoàn toàn tương đồng với nguyên tắc và nguyên lý do thầy lang họ Lưu đã nói.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57