Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 55
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1571
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ chín trong phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ tư:
(Kinh) Kiến Phật tháp thời, đương nguyện chúng sanh, tôn trọng như tháp, thọ thiên nhân cúng.
(經)見佛塔時。當願眾生。尊重如塔。受天人供。
(Kinh: Khi thấy Phật tháp, nguyện cho chúng sanh, tôn trọng như tháp, được trời, người cúng).
“Tháp” (塔) là một kiến trúc cao, rõ rệt. Vào thời cổ, quá nửa là dùng để cất giữ xá-lợi; sau này, tháp cũng trở thành một biểu tượng trong Phật môn. Tại Trung Hoa, hai ngàn năm qua, đại đa số chùa Phật đều có tháp, có những tòa tháp được xây cất rất cao, rất lớn, hình thành một thứ giống như trong hiện tại được gọi là “địa tiêu” (地標, đặc điểm tiêu biểu của một vùng). Tháp đặt tại đó, có một loại tác dụng dường như để trấn tà, tránh tà. Từ xưa đến nay, người phương Đông chú trọng Phong Thủy. Trong Phong Thủy, tháp cũng dấy lên tác dụng nhất định. Chỗ có tháp thì nhất định có chùa Phật, tự viện am đường nhất định có người tu hành. Do vậy, Bồ Tát trông thấy tháp Phật, tự nhiên sẽ xứng tánh, phát ra đại nguyện “đương nguyện chúng sanh, tôn trọng như tháp, thọ thiên nhân cúng” (nguyện cho chúng sanh, tôn trọng như tháp, nhận trời, người cúng), “cúng” (供) là cúng dường, [“thọ thiên nhân cúng” là] tiếp nhận sự cúng dường của trời, người. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa biểu thị pháp trong kinh giáo. Trong bài kệ này, quan trọng nhất là hai chữ “tôn trọng” (尊重). Đặc biệt là trong xã hội hiện tiền, điều thiếu sót phổ biến là “tự tôn, tự trọng”. Tự tôn tự trọng chắc chắn chẳng phải là tự đại cuồng vọng, chẳng phải vậy! “Tôn” (尊) là tôn nghiêm, “trọng” (重) là trọng hậu. Người Hoa thường nói là “trung hậu, lão thành”; đấy cũng là Tánh Đức, tương ứng với tự tánh. Tự tánh vốn là tôn trọng.
Con người phải như thế nào thì mới là tự tôn? Người đã tự tôn rồi sau đó sẽ được kẻ khác tôn trọng. Chính mình chẳng biết tôn trọng chính mình, ai sẽ tôn trọng quý vị? Vậy thì chúng ta phải nói: Như thế nào mới là tôn trọng chính mình? Trong kinh giáo, đức Phật đã dạy chúng ta, hết thảy chúng sanh (ở đây là nói đến hữu tình chúng sanh) đều có Phật Tánh, hễ có Phật Tánh thì sẽ đều làm Phật. Nói theo pháp thế gian, con người tánh vốn lành, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thoạt đầu tánh vốn lành). Do vậy, chúng ta thấu hiểu như thế nào là tự tôn tự trọng: Trong cuộc sống hằng ngày, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác có tương ứng với bổn thiện hay không? Tương ứng với bổn thiện thì là tự tôn tự trọng. Ta tôn trọng Tánh Đức của ta, ta tôn trọng bổn thiện của ta, người như vậy sẽ chẳng có ác niệm. Trong Phật pháp, ta tôn trọng Phật Tánh của ta, ta tôn trọng Tánh Đức của ta, nói theo tổng cương lãnh sẽ là đại Bồ Đề tâm, nói theo cái nhân thì là Bồ Đề tâm, nói theo cái quả sẽ là đại Niết Bàn.
Đối với Bồ Đề tâm, trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói rất rõ ràng: “Thể của Bồ Đề tâm là chân thành”. Hai chữ Chân Thành rất khó hiểu. Nói thật ra, để hiểu thì chẳng dễ hiểu, đương nhiên là rất khó giảng giải. Do rất khó giảng giải, tự nhiên sẽ là rất khó hiểu. Đấy là một cảnh giới mà người đã thật sự giác ngộ, thật sự thông đạt sẽ hiểu rõ; bởi lẽ, nó là Thể. Cổ nhân chú giải đã [từ ngữ này đã] chú giải rất hay, nhưng nghĩa lý ấy quá sâu, xác thực là chẳng dễ dàng lãnh hội. Chân là gì? Lìa khỏi hết thảy hư vọng là Chân. Chân là chẳng giả. Thành sẽ chẳng hư vọng. Hư tình giả ý tương phản với Thành. Phản diện của Thành là hư tình giả ý; phản diện của hư tình giả ý là chân thành. [Đối với người] đã từng học Phật Học, hơi khế nhập Phật pháp đôi chút, khi diễn tả [ý nghĩa của Chân Thành] thì khá dễ dàng. Nếu quý vị sử dụng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở thì chẳng phải là chân thành, chẳng có Bồ Đề tâm. Nếu quý vị có thể buông bỏ tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, chẳng sử dụng chúng, đấy là chân thành, Tánh Đức liền hiện tiền. Vì sao? Tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở là vọng tâm. Vọng tâm chướng ngại chân tâm. Chân thành là chân tâm, là tự tánh, bổn tánh, Chân Như của chúng ta.