/ 57
26

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 54

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1569


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ tám trong phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ tư.


(Kinh) Thịnh thử viêm độc, đương nguyện chúng sanh, xả ly chúng não, nhất thiết giai tận.

(經)盛暑炎毒。當願眾生。捨離眾惱。一切皆盡。

(Kinh: Nắng gắt, nóng độc, nguyện cho chúng sanh, bỏ lìa các não, hết thảy đều tận).


Đây là lúc khí trời oi bức vào mùa Hạ, Bồ Tát cảm phát đại nguyện, “đương nguyện chúng sanh, xả ly chúng não, nhất thiết giai tận” (nguyện cho chúng sanh, bỏ lìa các phiền não, hết thảy đều tận). “Não” (惱) là phiền não; vì sao phải bỏ sạch phiền não? Vì trong tự tánh chẳng có phiền não. Phiền não do đâu mà có? Sau khi đã mê tự tánh. Nói cách khác, Tánh Đức thuần tịnh thuần thiện biến hiện thành phiền não; hễ giác ngộ, nó sẽ lại khôi phục. Chúng tôi dùng thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng để mọi người có thể lý giải chuyện này. “Thuần tịnh thuần thiện”: Thiện ở đây chẳng phải là thiện trong “thiện - ác”. Thiện trong “thiện - ác” là tương đối, chẳng phải là thanh tịnh thật sự. Bất quá sự cấu nhiễm của nó (thiện) tương ứng với Tánh Đức, chẳng trái nghịch Tánh Đức, còn ác thì hoàn toàn trái nghịch Tánh Đức.

Trái nghịch có mức độ sai khác. Chúng ta nói 0 độ (không độ) là thuần tịnh, thuần thiện. Một độ, hai độ là có sai lệch, nhưng mức độ sai lệch chẳng lớn. Đến tám độ, chín độ, mười độ, vẫn chưa coi là to lớn. Nếu sai lệch đến bốn mươi độ, bốn mươi lăm độ, đấy là rất lớn. Một trăm tám mươi độ là hoàn toàn điên đảo. Giả sử chúng ta nói đến mười pháp giới, quý vị dùng tỷ dụ này [để so sánh] xác thực là chẳng khó lãnh hội! Trái nghịch Tánh Đức một trăm tám mươi độ thì Phật pháp nói đó là tội nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác, và địa ngục A Tỳ, khi ấy, cảnh giới được biến hiện là địa ngục A Tỳ; đấy là [sai lệch] một trăm tám mươi độ. [Sai lệch] một trăm sáu mươi độ sẽ là cảnh giới giống như địa ngục. Quý vị cứ suy dần dần lên cao hơn, sẽ liễu giải trạng huống này. Trong tự tánh chẳng có điều này! “Nhất thiết giai tận” (Hết thảy đều tận): Hoàn toàn khôi phục Tánh Đức, đấy chính là hàng Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Trụ trong Hoa Nghiêm.

Trong mười Tín vị (các địa vị thuộc về Thập Tín Bồ Tát), nói thật ra, rất tuyệt diệu. Hàng Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín thật sự xả ly phiền não, đã thật sự xả ly, [nhưng là] xả ly ít phần. Phải biết điều này: Cái được xả ly chỉ là tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, tương đương với Sơ Quả của Tiểu Thừa, còn theo kinh Hoa Nghiêm trong Đại Thừa thì là Bồ Tát thuộc hạng địa vị Sơ Tín. Đấy là đã thật sự xả ly phiền não. Nói cách khác, từ lục đạo phàm phu cho đến Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên, và Vô Sắc Giới Thiên, chẳng xả ly! “Chẳng xả ly” có nghĩa là họ có năng lực khống chế phiền não, tức là đối với hai đường trời người, họ sẽ có thể khống chế được, chứ đối với A Tu La đạo, ngạ quỷ, địa ngục, và súc sanh thì chẳng thể khống chế. Sự trái nghịch ấy quá to lớn! Đạt đến một nửa, chín mươi độ là một nửa, một nửa thì giống như là nhân đạo. Bảy mươi, tám mươi độ thì là thiên đạo.

Chúng tôi vừa mới nói đến sự xả ly của Tu Đà Hoàn. Nếu dùng cái hình tròn này để xem, [sẽ thấy] xả ly phiền não bèn dần dần tiếp cận tự tánh. Ở chỗ này, có mười địa vị, nếu chúng ta dùng hình vẽ để xét xem, [sẽ thấy] bắt đầu từ bốn mươi lăm độ, đã thật sự xả ly phiền não mãi cho đến khi bằng zero, sẽ là mười đoạn, mỗi đoạn là bốn độ rưỡi, dần dần tiến cao hơn. Phàm phu xả phiền não thì cũng có thể xả, nhưng chẳng phải là thật sự xả; hễ gặp duyên, các phiền não lại phát tác. Một người rất có tu dưỡng, mấy chục năm đều chẳng nổi giận; sự tu dưỡng ấy khá lắm, nhưng dưới một tình huống nào đó, người ấy sẽ phát tác. Đấy là gì? Đấy là xả, nhưng chẳng ly! Trong Phật pháp, trạng huống ấy được gọi là “phục phiền não” (伏煩惱, chế ngự phiền não), thông tình đạt lý, người ấy thông hiểu. Qua lại với người khác nói chung là phải học nhẫn nại, nhẫn nại thì sẽ có thể khống chế tình tự của chính mình. Tuy chẳng buông xuống thất tình ngũ dục, nhưng ở trong hoàn cảnh thất tình ngũ dục, sẽ có thể đúng mức bèn dừng; đấy là nhân đạo. Nho gia nói đến Lễ, Lễ có chừng mực, chớ nên bất cập, mà cũng chớ nên thái quá, tức là nó có tiêu chuẩn.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57