Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 53
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1567
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ đoạn thứ bảy trong phần Kệ Tụng. Đoạn thứ bảy có tổng cộng hai mươi hai bài kệ; hôm nay chúng ta xem hai bài cuối cùng, xem từ bài thứ hai mươi mốt:
(Kinh) Phạn thực dĩ ngật, đương nguyện chúng sanh, sở tác giai biện, cụ chư Phật pháp.
(經)飯食已訖。當願眾生。所作皆辦。具諸佛法。
(Kinh: Ăn cơm đã xong, nguyện cho chúng sanh, việc làm đều xong, đủ các Phật pháp).
Từ bài kệ thứ mười lăm cho đến bài kệ này đều là “khất thực, dùng cơm”. Dùng cơm trong tự viện, am đường hiện thời hãy còn có nghi thức Quá Đường (過堂). Dùng cơm theo nghi thức Quá Đường thì trước hết vị duy-na sẽ nhắc nhở mọi người “thực tồn ngũ quán” (食存五觀, khi ăn, trong tâm quán tưởng năm điều), và cũng nhắc nhở chúng ta khi thọ thực phải biết tam đức lục vị. “Tam đức, lục vị” đều là nói theo phương diện ẩm thực, có thể nói là đã bao hàm tất cả chuyện ăn uống trong ấy. Đức thứ nhất trong Tam Đức là quý vị ăn món gì mềm mại, nay chúng ta nói là “dễ tiêu hóa”, đấy là đức thứ nhất. Đức thứ hai là “sạch sẽ”, nói theo hiện thời là “vệ sinh”. Đức thứ ba là “như pháp”. Luôn chiếu theo những quy củ do đức Phật đã dạy để làm, chẳng trái nghịch giáo huấn của đức Phật; đấy là “như pháp”.
“Lục vị”: Người Hoa nói là “ngũ vị”, tức chua, ngọt, đắng, cay, mặn, đấy là ngũ vị. Còn có một vị là nhạt; trong thực phẩm, chẳng có các thành phần này. Vì thế, nói gộp chung lại thành lục vị. Lục vị hòa hợp, ngon lành khôn xiết. Do vậy, nêm nếm là một môn học vấn rất lớn. Vì thế, chỗ đáng quý của những đầu bếp nổi tiếng là gì? Đáng quý ở chỗ họ có kinh nghiệm nêm nếm hết sức phong phú. Trong nhà bếp, những món gia vị thảy đều có, người Hoa nói tách ra thành bảy chuyện [phải lo toan hằng ngày] là “củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”, những món ấy thảy đều có. Vấn đề là quý vị có thể nêm nếm [khéo léo] hay không. Nêm nếm không khéo, cũng rất khó nuốt; nếu nêm nếm khéo thì mùi vị sẽ hết sức ngon lành.
Chúng ta biết phương diện ẩm thực là một thứ ham muốn to lớn của con người. Các vị thánh nhân xưa, nay, trong, ngoài nước cũng đều nói như vậy. Trong các dục vọng của người thế gian, dục vọng lớn nhất là hai chuyện, thứ nhất là ăn uống, thứ hai là sắc, tức nam sắc, nữ sắc. Đấy là dục vọng to lớn của con người. Nếu nghiên cứu kỹ về phương diện ẩm thực này thì trong Phật pháp sẽ có thể tiếp dẫn chúng sanh. Trong quá khứ, tôi ở Úc, tôi hết sức bội phục sứ quán ngoại giao Trung Quốc tại Úc. Đúng là có trí huệ, sứ quán mời một đầu bếp nổi tiếng, chúng tôi dùng cơm tại sứ quán, họ hoàn toàn nấu món chay, khiến cho quý vị dùng cơm một lần, sẽ suốt đời chẳng thể quên, vậy là đã thành công. “Người nọ nấu thức ăn ngon lắm”, chẳng có ai không khen ngợi. Đại sứ từng nói với tôi: “Trong ngoại giao, chuyện ẩm thực hết sức quan trọng. Họ ăn một lần, hai lần, vẫn muốn quay lại, sẽ thường tìm đến, tình bằng hữu sẽ kết chặt, làm chuyện gì cũng thực hiện dễ dàng!”
Để tiếp dẫn đại chúng, trong Phật môn cũng rất coi trọng chuyện này. Đương nhiên là thuở đức Thế Tôn tại thế, người xuất gia đều đi khất thực. Khất thực là tu hành, bất luận [thí chủ] cho món gì, khi chúng ta niệm chú Cúng Dường, vẫn là “tam đức lục vị, cúng Phật cập Tăng, pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường” (ba đức, sáu vị, cúng Phật và Tăng, pháp giới hữu tình, cúng dường trọn khắp). Mỗi lần dùng cơm, đều phải niệm điều này. Sáng sớm thường là dùng cháo: “Chúc hữu thập lợi, nhiêu ích hành nhân” (Cháo có mười điều lợi, hữu ích cho người tu hành). Những điều ấy đều là đại nguyện của đức Phổ Hiền, niệm niệm chẳng quên. Ăn cơm cũng là tu hành. Đương nhiên, người xuất gia tu hành chớ nên tham đắm lục vị, đừng nên tham đắm! Nhưng quý vị phải hiểu: Chuyện này là một loại phương thức nhằm tiếp dẫn chúng sanh. Đấy là như trong kinh đức Phật đã dạy: “Tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí” (Trước là dùng dục để lôi kéo, sau là khiến cho [người được lôi kéo ấy sẽ] nhập Phật trí). Trước hết, quý vị có phương pháp khiến cho họ rất hoan hỷ tiến nhập Phật môn; sau đấy, mới lại dần dần dạy họ, lại giúp họ khai ngộ. Vì thế, ẩm thực là một phương pháp rất tốt.