/ 57
28

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 52

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1565


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn lớn thứ bảy trong phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ mười bảy:


(Kinh) Đắc nhu nhuyễn thực, đương nguyện chúng sanh, đại bi sở huân, tâm ý nhu nhuyễn.

(經)得柔軟食。當願眾生。大悲所熏。心意柔軟。

(Kinh: Được món ăn mềm, nguyện cho chúng sanh, đại bi hun đúc, tâm ý mềm mỏng).


Hai bài kệ mười bảy và mười tám cũng đều là nói đến thức ăn xin được khi khất thực. Hai bài kệ trong phần trước nói đến đồ ăn ngon và đồ ăn dở. Đồ ăn ngon và đồ ăn “nhu nhuyễn” có gì sai khác? Có thể nói đều là do sự ưa chuộng của mọi người. Nhu nhuyễn và thô tháp có thể nói là phẩm chất của thức ăn có tinh tế hay không? Nhìn từ chỗ này! Do đó, nó cũng có những sai khác. Thô tháp thì khá khó ăn, tại nông thôn thường gọi là “thô lương” (粗糧). Nói thật ra, đối với người đã quen sống tại đô thị, thỉnh thoảng ăn thô lương thì cũng có phong vị đặc biệt, nhưng chẳng thể ăn trong một thời gian dài. Ăn lâu ngày, sẽ chẳng dễ tiêu hóa. Do phương Nam và phương Bắc khác nhau, tức là mỗi nơi khác nhau; do đó, nói “những thứ sản xuất ở nơi nào, sẽ nhằm nuôi người sống nơi đó”. Họ đã sống từ bé ở nơi ấy, cuộc sống đã quen thuộc, quen với thức ăn tại địa phương, những thức ăn ấy [đối với họ] là bổ dưỡng nhất. Nếu đổi sang nơi khác, sẽ không quen nước, quen cái! Chúng ta thường nghe người bình phàm nói kiểu này: “Chẳng hợp thủy thổ”, có nghĩa là người ấy chẳng quen với các món ăn sản xuất tại nơi đó. Phương Nam và phương Bắc cách biệt rất lớn. Khi phương Đông và phương Tây cách xa nhau thì cũng có sai biệt, ắt cần phải biết những điều này. Ăn những thứ khác nhau, nhiệt độ cũng khác nhau, thời gian chênh lệch cũng khác nhau, thời gian làm việc và nghỉ ngơi cũng chẳng giống nhau. Chẳng rời khỏi quả địa cầu này, [thế mà] ở những chỗ khác nhau trên địa cầu còn có sự biến hóa khác biệt to lớn ngần ấy!

Chúng ta vừa thấy chữ “nhu nhuyễn” (柔軟) bèn hiểu là món ăn ấy tinh tế, rất dễ tiêu hóa, và cũng rất bổ dưỡng. Bồ Tát có được món ăn ấy, bèn dẫn phát đại nguyện: “Đương nguyện chúng sanh, đại bi sở huân, tâm ý nhu nhuyễn” (Nguyện cho chúng sanh, đại bi hun đúc, tâm ý mềm mỏng). Nguyện này đều là tự nhiên sanh khởi; bởi lẽ, khi Căn tiếp xúc Trần, bi nguyện xứng tánh sẽ có thể sanh khởi. Chúng ta xem một trăm bốn mươi mốt nguyện trong phẩm Tịnh Hạnh, nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không cần suy tư, trăn trở, tức là không cần “tác ý”, tự nhiên là trong cuộc sống từ sáng đến tối, đối với những món ăn trong ba bữa cơm, đối với những thức ăn quý vị rất ưa thích hoặc không ưa thích, đều có thể tự nhiên sanh khởi nguyện vọng giống như Bồ Tát, vậy thì chúc mừng quý vị, công phu của quý vị đã đắc lực! Nói “công phu đắc lực” [tức là] quý vị có năng lực (chúng ta nói theo kiểu hiện thời) khống chế tình tự của quý vị. Đấy chính là “đại bi sở huân” trong nguyện này!

Chư vị phải biết, nhà Phật nói “từ bi”, người thế gian nói “ái tâm”. Truyền thống Trung Hoa nói là “nhân ái”, người phương Tây nói là “ái tâm” (lòng yêu thương), ý nghĩa đều rất gần gũi, nhưng từ bi, nhân ái, và ái tâm vẫn có một chút sai biệt. Cảnh giới của từ bi cao hơn, cao ở chỗ nào? Kể từ tình yêu thương cho đến lòng nhân ái của người thế gian, đều là vẫn y như cũ chẳng lìa khỏi tình chấp, trong từ bi chẳng có tình chấp. Tình (情) là gì? Thất tình. “Chấp” (執) là chấp trước. Chấp trước là Kiến Tư phiền não. Tình tự rất phức tạp, cổ đại đức quy nạp nó thành bảy loại lớn, tức là “mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, dục”. Bảy chữ ấy gọi là “thất tình”. Người Hoa nói là “thất tình, ngũ dục”. Chữ cuối trong thất tình là Dục (欲), tức ngũ dục. Trong ngũ dục, bao gồm tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, đấy là ngũ dục. Vì thế, người thế gian yêu ghét đều chẳng có cách nào lìa khỏi thất tình, ngũ dục, nhưng từ bi là buông xuống thất tình, ngũ dục. Thông thường, để giới thiệu với mọi người, tôi chỉ dùng những câu chữ đơn giản nhất, họ lý giải rất dễ dàng! Từ bi là Ái trong lý tánh, hoặc [nói cách khác] là yêu thương theo lý trí. Người thế gian nói đến Ái, trong ấy có cảm tình, khác hẳn! Còn như đại bi, [hoặc nói đầy đủ là] “đại từ đại bi”, chính là yêu thương vô điều kiện, chẳng kèm thêm bất cứ điều kiện nào. Nói theo Phật pháp, sẽ là “xứng tánh ái” (lòng yêu thương tương ứng với tánh). Đấy là Tánh Đức. Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh; do vậy, từ bi là Tánh Đức. Quý vị thấy chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, “đắc nhu nhuyễn thực” (được cơm mềm mại), có thể hiểu theo nghĩa mở rộng là trong một ngày, hễ gặp thuận cảnh, thiện duyên, [những tình huống] đó đều là “thông”, tức là có thể thông suốt. Trong thuận cảnh, thiện duyên, những kẻ bình phàm thường sanh khởi tâm yêu mến, trong lòng yêu mến ấy có tâm tham, tham là phiền não. Vì thế, nhà Phật không nói là Ái, mà nói là “từ bi”. Trong từ bi chẳng có phiền não, chẳng có tình chấp.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57