/ 51
318

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 51

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1563

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ bảy trong phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ mười ba:

 

  (Kinh) Kiến tàm sỉ nhân, đương nguyện chúng sanh, cụ tàm sỉ hạnh, tàng hộ chư căn.

  (經)慚恥人。當願眾生。具慚恥行。藏護諸根。

  (Kinh: Thấy người hổ thẹn, nguyện cho chúng sanh, trọn hạnh hổ thẹn, che giữ các căn).

 

  Đây cũng là chuyện sẽ gặp trong khi khất thực. Đối với những người này, từ bài kệ thứ bảy cho đến bài kệ thứ mười bốn, tổng cộng là tám bài kệ đều là nói đến người cúng dường. Tâm thái của người cúng dường khác nhau, căn tánh khác nhau, có thể nói là các loại, các hạng người nào cũng có. Khi khất thực mà gặp gỡ [những người ấy], sẽ dẫn phát đại nguyện xứng tánh của Bồ Tát. Gặp gì vậy? Gặp người có lòng hổ thẹn, biết xấu hổ, người như vậy rất khó có. Đấy là người tốt. Vì thế, Bồ Tát phát nguyện [chính mình] cũng trọn đủ tâm hổ thẹn, cũng tức là trọn đủ hành vi biết nhục. “Hổ thẹn, biết nhục” sẽ có thể “hộ chư căn” (gìn giữ các căn). Hiện thời, xã hội động loạn, tại Trung Hoa, trình độ của học nhân trong ba nhà Nho, Thích, Đạo xác thực là “đọa lạc ngàn trượng” như cổ nhân đã nói! Người thật sự tu hành ít ỏi; chẳng phải là không có, mà là đại đa số đều chẳng đúng pháp. Có nghĩa là chẳng có kẻ thật sự y giáo phụng hành. Đấy chính là điều mà hai bài kệ, tức bài kệ này và bài kệ kế tiếp muốn nói tới.

  Trước hết, chúng tôi giải thích “tàm quý” là gì? Trong Bách Pháp Minh Môn Luận có nói hai mươi sáu loại phiền não: Sáu Căn Bản Phiền Não, tám Đại Tùy Phiền Não, hai Trung Tùy Phiền Não, còn có mười Tiểu Tùy Phiền Não. Nói thật ra, Tùy Phiền Não hết sức nghiêm trọng. Đối với hai mươi sáu món phiền não trong Bách Pháp, Du Già Sư Địa Luận đã nói rộng [các món phiền não], Thiên Thân Bồ Tát quy nạp sáu trăm sáu mươi pháp trong Du Già Sư Địa Luận thành một trăm pháp. Ngài đơn giản hóa vì đối với người sơ học, [nói theo kiểu ấy] sẽ tiện lợi khá nhiều! Người sơ học mà học nhiều quá, sẽ chẳng dễ dàng khế nhập được! Không chỉ là chẳng dễ khế nhập, mà ngay cả nhớ cũng chẳng nhớ nổi. Đã nhớ không nổi, làm sao quý vị có thể quán tưởng cho nổi? Trong cuộc sống hằng ngày, quá rắc rối, quý vị sẽ chẳng dấy khởi [quán tưởng] được. Vì thế, phải nắm lấy cương lãnh của hành môn, càng đơn giản càng hay! Tàm và Quý là hai món thuộc Trung Tùy trong Tùy Phiền Não. Trung Tùy gồm có hai món, tức là Tàm và Quý. Tàm (慚) có nghĩa là gì? Chính là cái mà ta nay thường nói là ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, thường tự hỏi lòng có hổ thẹn hay không. Đấy là “cụ túc tàm quý” (trọn đủ lòng hổ thẹn). Quý (愧) là gì? “Quý” là dư luận, tức là sự phê bình từ dư luận bên ngoài. Người Hoa nói Tàm là “lương tâm”, tức là đối với chính mình. Quý vị khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, bèn tự hỏi chính mình: “Có xấu hổ đối với lương tâm của chính mình hay không?” Đương nhiên là bên trong chẳng trái nghịch lương tâm, bên ngoài sẽ tự nhiên chẳng bị dư luận phê bình, chỉ trích, sẽ chẳng có! Vì thế, vào thời cổ, hai điều này chính là thiện hạnh.

  Vô Tàm, Vô Quý là phiền não. Đấy là Trung Tùy Phiền Não. Chúng ta thường gọi Vô Tàm bằng một thuật ngữ là “chẳng có lương tâm”, Vô Quý là chẳng sợ người khác phê bình, chẳng quan tâm lời chỉ trích của kẻ khác, kẻ ấy vẫn cứ làm như thế! Do vậy có thể biết, hai chữ Tàm Quý, [tức là] trọn đủ lòng hổ thẹn đã uốn nắn, quy định hành vi của chính mình. Nhất định phải nghĩ bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng và tạo tác có đúng pháp hay không? Người Hoa phản tỉnh: [Chính mình] có xứng đáng với cha mẹ hay không? Có thể xứng đáng với tổ tiên hay không? Có xứng đáng với thiên lương của chính mình hay không? Đấy là trọn đủ lòng thẹn. Có thể chẳng khiến cho kẻ khác phê bình, chỉ trích ta (chẳng đến nỗi bị dư luận chỉ trích) hay không? Đấy là sức mạnh từ bên ngoài ràng buộc chính mình. Khổng Tử biên soạn kinh Xuân Thu, trong kinh Xuân Thu có những lời phê bình. Thiện thì khen ngợi, đối với ác thì những hành vi ác thảy đều viết ra. Viết ra những chuyện ấy để người đương thời và kẻ đời sau trông thấy những lời phê bình ấy, kẻ trọn đủ hổ thẹn sẽ chẳng dám làm chuyện sai quấy, xấu xa. Đó là kinh Xuân Thu dấy lên tác dụng. Xuân Thu là [bộ sử ghi chép những sự kiện] khởi đầu của lịch sử Trung Hoa, dụng ý của nó là ở chỗ này. Nếu [là kẻ] chẳng biết thẹn, vô sỉ, đối với kẻ ấy, kinh Xuân Thu của Khổng Tử chẳng dấy lên tác dụng! Kẻ đó làm chuyện ác, chẳng màng người khác phê bình, chỉ quan tâm dục vọng tham lam của chính mình, chẳng nghĩ đến thứ gì là luân lý hay đạo đức chi cả! Về căn bản, kẻ đó chẳng quan tâm đến những thứ ấy; đấy chính là “vô tàm, vô sỉ”.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51