Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 50
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1561
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn lớn thứ bảy trong phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ chín:
(Kinh) Nhược kiến không bát, đương nguyện chúng sanh, kỳ tâm thanh tịnh, không vô phiền não.
(經)若見空缽。當願眾生。其心清淨。空無煩惱。
(Kinh: Nếu thấy bát trống, nguyện cho chúng sanh, tâm họ thanh tịnh, chẳng có phiền não).
Khất thực không có ai cúng dường thì là “không bát” (空缽, bát trống rỗng). Chuyện này cũng phải nên nói là cũng thường có, hoàn toàn chẳng có gì hiếm lạ. Có lúc cũng xin được đầy bát, có khi xin được đầy bát từ một nhà, có khi phải xin từ vài nhà. Chúng ta biết thuở ấy người xuất gia mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Nếu bát trống rỗng, ngày hôm ấy chẳng có gì để ăn. Một ngày không ăn, có sanh phiền não hay chăng? Chẳng sanh phiền não, nhìn vào lời nguyện của Bồ Tát sẽ biết. Huống hồ là ở trong một Tăng đoàn; [ở trong] Tăng đoàn thì đi khất thực [chỉ được] bát trống rỗng không sao cả. Trở về, người khác xin được nhiều sẽ chia cho quý vị. Nhưng chùa nhỏ, như tại Thái Lan, Miến Điện, Tư Lý Lan Ca (Sri Lanka) trong hiện thời vẫn hành trì chế độ khất thực, người trong chùa nhỏ chẳng nhiều, quý vị đi khất thực, thật sự là hôm nay không xin được gì, xác thực là ngày hôm nay chẳng có gì ăn! Huống hồ Tiểu Thừa “luận sự, chẳng luận tâm”; do đó, họ nghiêm ngặt tuân giữ “qua khỏi giữa trưa bèn không ăn” nơi sự tướng. Người Hoa gọi là “quá Ngọ” (過午), trên thực tế họ là “quá trung” (過中), [tức là] qua khỏi giữa trưa, cũng là như chúng ta nói trong hiện thời là mười hai giờ. Sau mười hai giờ, chắc chắn chẳng ăn gì cả! Họ ăn vào lúc nào? Phải nên từ mười một giờ cho đến mười một giờ rưỡi, chắc chắn là chẳng thể ăn sau giữa trưa. Thời gian nhất định là [dựa theo] thời gian tại địa phương. Chư vị đều biết, mỗi địa phương có giờ giấc khác nhau. Nói cách khác, thời gian giữa trưa ở mỗi nơi đều khác nhau. [Xét theo kinh độ], địa cầu chia thành ba trăm sáu mươi độ, cứ mỗi độ sẽ chênh lệch bốn phút. Vì thế, giờ giấc sai khác nhau.
Từ chuyện này, chúng ta hiểu theo nghĩa mở rộng, sẽ là nghịch cảnh và thuận cảnh, bất luận vì chính mình, hay vì Phật pháp, hay là vì chúng sanh, phát tâm làm một chuyện tốt, chuyện tốt ấy gặp chướng duyên, chẳng làm thành công, [đấy chính là] “nhược kiến không bát” (nếu thấy bát trống rỗng). Thực hiện chuyện ấy rất thuận lợi, được rất nhiều người giúp sức, sẽ giống như “mãn bát” (滿缽, bát đầy ắp). Chúng ta xem lời nguyện này, khi thấy bát trống rỗng, “kỳ tâm thanh tịnh, không vô phiền não” (cái tâm thanh tịnh, chẳng có phiền não). Điều này hết sức trọng yếu! Quý vị hãy ngẫm xem, nghịch cảnh có phải là cảnh giới ấy hay chăng? Điều này giống như mấy hôm trước chúng ta đã thấy người ngoại quốc trong lúc sử dụng thôi miên ở mức độ sâu, đã gặp thần linh truyền đạt tin tức, truyền đạt rất nhiều tin tức! Nếu tập hợp lại, sẽ thành một quyển sách lớn. Tuyệt đối chẳng phải là do người ta bịa ra, chẳng phải là ngụy tạo, chuyện ấy là thật! Phàm mọi sự, chỉ cần vì chính mình thì sẽ chẳng thanh tịnh, sẽ có phiền não. Vì sao? Chắc chắn xen tạp lợi hại của cá nhân vào đó, [xen lẫn] sự yêu thích cá nhân vào đó. Nói chung, sẽ là như kinh Hoa Nghiêm đã dạy, xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, [dẫu là] chuyện tốt cũng chẳng thanh tịnh. Nếu quý vị có thể lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, dẫu vì chính mình, tâm vẫn thanh tịnh. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng, phải nắm vững điều này!
Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật dạy chúng ta cương lãnh tu hành trọng yếu và mục tiêu trọng yếu, mục tiêu là thành Phật. Thành Phật là gì? Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là thành Phật. Vì sao sẽ thành Phật? Vì quý vị vốn đã thành Phật. Người thế gian thường nói “phản phác quy chân” (反璞歸真, trở về cái chất phác, chân thật), thành Phật là Chân! Nói cách khác, chẳng thành Phật thì là hư vọng. Từ hư vọng trở về chân thật thì gọi là “thành Phật”. Từ ô nhiễm trở về thanh tịnh thì gọi là “thành Phật”. Thành Phật là chuyện đáng nên, vì đấy là diện mạo vốn sẵn có của chính mình. Chỉ vì một niệm bất giác mà có vô minh, từ vô minh mới sanh khởi đủ mọi nỗi hư vọng, huyễn hóa thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Những thứ ấy đều chẳng thật. Giống như người nằm mộng, thành Phật là gì? Từ trong mộng tỉnh giấc, tỉnh giấc bèn gọi là “thành Phật”. Khi đang nằm mộng bèn đọa trong mười pháp giới. Quý vị hãy nói xem, thành Phật có trọng yếu hay không? Đấy là đã tìm được mục tiêu rõ ràng, xác đáng trong học tập. Chúng ta phải chuyển hư huyễn trở về chân thật, chuyển hết thảy ác nghiệp trở về thuần thiện. Vì tự tánh chẳng có ác; do vậy, tự tánh là thuần thiện, đúng như Tam Tự Kinh đã nói “tánh con người vốn lành”: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, trở về bổn thiện! Từ ô nhiễm trở về thanh tịnh, từ mê hoặc trở về Chánh Giác, đấy đều gọi là “thành Phật”. Nếu quý vị không thành Phật, sẽ có phiền não, phải hứng chịu nỗi phiền não ấy, đời đời luân hồi điên đảo hứng chịu đủ mọi đường. Sau khi đã trở về, chẳng có phiền não. Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não đều đoạn sạch, đấy là “thành Phật”.