/ 57
382

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 49

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1559


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ bảy trong phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ năm:


(Kinh) Đáo nhân môn hộ, đương nguyện chúng sanh, nhập ư nhất thiết, Phật pháp chi môn.

(經)到人門戶。當願眾生。入於一切。佛法之門。

(Kinh: Đến cửa người ta, nguyện cho chúng sanh, vào trong hết thảy các môn Phật pháp).


Đây là khất thực. Nói thông thường, chúng ta đến cửa nhà trai chủ. Phải nên hiểu những lễ tiết, quy củ này! Người xuất gia là gương mẫu khuôn phép cho trời, người noi theo, nay chúng ta nói là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hạnh làm khuôn mẫu cho cõi đời). Nhất cử nhất động đều phải nêu gương tốt đẹp cho đại chúng trong xã hội. Chẳng thể gõ cửa, gõ cửa rất vô lễ! Hiện thời chẳng giống xưa kia, hiện nay đến nhà người ta, thường là có chuông điện. Thích đáng nhất là liên lạc trước bằng điện thoại, nói rõ “khi nào tôi sẽ đến nhà quý vị thăm viếng”. Chủ nhân đã đồng ý, sẽ theo đúng giờ [đã ước hẹn] mà tới. Có khi phải xét tới thân phận và địa vị của chủ nhân, chúng ta đến thăm người ấy, có chuyện gì, cần bao nhiêu thời gian, đều phải ước định sẵn. Vì khách khứa mỗi ngày của người ấy không chỉ một mình chúng ta! Đặc biệt là những nhân vật chánh trị trong xã hội, cuộc sống hằng ngày của họ phải tiếp khách hết sức bận rộn, nhất định phải ước định thời gian vừa khéo. Chẳng hạn như nửa tiếng, một giờ, thậm chí ngắn ngủi mười lăm phút, nhất định phải khống chế thời gian cho khéo. Vì sao? Trước đó, người ấy có khách, mà sau đó, người ấy cũng có khách!

Đây là khất thực vào thời cổ, đương nhiên là chẳng như hiện thời, công việc bận rộn dường ấy. Đến cửa nhà người ta bèn rung tích trượng. Người xuất gia ra khỏi cửa đi khất thực đều cầm theo tích trượng. Trong phần trước, chúng ta đã đọc [điều này]; vì thế, rung tích trượng ngoài cửa. Tích trượng cũng chỉ có thể rung ba lượt, chẳng thể rung quá nhiều lần. [Rung tích trượng] ba lượt mà chẳng có ai mở cửa, họ ở bên trong chẳng nghe thấy, vậy thì sang nhà thứ hai. Những điều này đều thuộc về lễ tiết. Thông thường, quý vị rung ba lượt, họ nhất định sẽ mở cửa, biết là có người xuất gia đến khất thực, họ đã chuẩn bị sẵn sàng. “Đáo nhân môn hộ” (Đến cửa nhà người ta), trông thấy cánh cửa ấy. Loại cửa có hai cánh gọi là Môn (門), loại một cánh gọi là Hộ (戶). Thông thường, hễ nói đến Môn thì là Đại Môn (大門, cổng chánh), còn các cửa phòng khác thì đều coi là Hộ, đều chỉ có một cánh. Trông thấy Môn Hộ bèn dẫn phát đại nguyện, “nhập ư nhất thiết, Phật pháp chi môn” (vào trong hết thảy các môn Phật pháp).

Phật pháp gọi là “pháp môn”, Môn (門) có nghĩa là “thông đạt”. Do từ cửa nẻo này mà có thể thông đạt Phật pháp. Có bao nhiêu? Trong kinh giáo, đức Phật thường nói là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, thật sự có con số ấy. Nói theo nghĩa rộng, [sẽ là] vô lượng pháp môn. Quý vị xem Tứ Hoằng Thệ Nguyện, sẽ đọc thấy câu:“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đã nêu gương khế nhập Phật pháp như thế nào. Nhưng trong phẩm Ly Thế Gian, bộ kinh này có bốn đoạn lớn là Tín, Giải, Hành, Chứng; Hành chỉ có một phẩm kinh, nhưng phẩm kinh ấy cũng rất dài, tức là phẩm Ly Thế Gian. Trong ấy đã nói hai ngàn pháp môn; đấy là nói đại lược. [Kinh] Hoa Nghiêm [trong hiện thời] chính là lược bổn Hoa Nghiêm, bản dịch tiếng Hán của kinh này vẫn chưa phải là hạ bổn. Hạ bổn [trong nguyên văn tiếng Phạn] có mười vạn kệ, bản dịch tiếng Hán đại khái chỉ có khoảng hơn năm vạn bài kệ, tức là một nửa, [mới được] một nửa của hạ bổn!

Bộ kinh này quá to! Phàm là đối với những bộ kinh điển lớn, chúng ta đều có kiến thức thông thường này: Rất dễ bị thất lạc. Sau khi đã thất lạc, phần còn sót lại bị tàn khuyết, chẳng hoàn chỉnh. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm được truyền đến Trung Hoa chẳng phải là toàn bộ kinh văn, chỉ là một nửa của toàn văn mà thôi. Lại còn được truyền đến trong ba đợt thời gian khác nhau! Tuy là nửa bộ, đã có thể nhìn thấy rõ ràng giáo nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, hết sức khó có. Hiện thời, đại khái là bản dịch tiếng Hán của kinh này có phân lượng được bảo tồn nhiều nhất, nguyên bản bằng tiếng Phạn đã sớm thất truyền! Nghe nói bản tiếng Phạn của Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm hãy còn, được cất giữ ở nơi nào chúng ta không biết, chỉ biết bản dịch hoàn chỉnh nhất là bản bằng tiếng Hán.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57