/ 57
374

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 48

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1557


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ bảy trong phần Kệ Tụng, [tức phần] “đáo thành khất thực thời nguyện” (到城乞食時願, nguyện khi đã đến thành thị, khất thực). Chúng ta xem bài kệ thứ nhất:


(Kinh) Nhược kiến thành quách, đương nguyện chúng sanh, đắc kiên cố thân, tâm vô sở khuất.

(經)若見城郭。當願眾生。得堅固身。心無所屈。

(Kinh: Nếu thấy thành quách, nguyện cho chúng sanh, được thân kiên cố, tâm chẳng khuất lấp).


Đây là đến chỗ khất thực. Đoạn lớn phía trước gồm hai mươi bốn nguyện, đều là từ trên đường trông thấy hết thảy người và sự việc mà dẫn phát đại nguyện. Đã đến đích, trong quá khứ, chúng ta đọc kinh đã thấy: Thông thường, người xuất gia lập đạo tràng ở ngoài thành. Thời đức Thế Tôn, chúng ta biết trong đạo tràng hoàn toàn chẳng có phòng ốc, chẳng hề có. Các Ngài đều ở dưới cội cây, thật sự là “giữa trưa ăn một bữa, đêm nghỉ dưới cội cây”. Vì thế, chỗ nghỉ ngơi hằng ngày đều thay đổi! Đức Thế Tôn chẳng cho phép. Chẳng hạn như cội đại thụ này rất to, quý vị thấy bóng râm rất ưa thích, mỗi ngày đều đến nơi đây để tĩnh tọa, hoặc nghỉ ngơi. Đức Thế Tôn sợ quý vị nẩy sanh lòng lưu luyến đối với nơi đây; vì thế, chỉ cho phép nghỉ lại một tối, đến hôm sau, ắt phải chọn nơi khác để nghỉ ngơi. Quý vị thấy trong thuở đó, đức Phật đã ngăn ngừa cho các đệ tử, sợ sẽ dẫn khởi phiền não nẩy sanh. Ái dục là phiền não, ưa thích hoàn cảnh ấy chính là phiền não. Hết thảy đều phải dùng cái tâm bình đạm, tâm bình thường để cư xử. Sự thọ dụng trong tu học Phật pháp ở ngay trong cuộc sống hằng ngày; nếu chẳng đạt được sự thọ dụng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta học Phật để làm gì cơ chứ? Học để sử dụng, chớ nên không biết đạo lý này!

Khất thực cũng không cho phép quý vị hằng ngày chỉ tới khất thực ở một nhà, chẳng được phép! Quy củ là chỉ có thể khất thực bảy nhà. Nếu một nhà cúng dường rất phong phú, quý vị đã đựng đầy bát rồi, chẳng cần đến nhà thứ hai. Nếu cảm thấy cơm chẳng đủ, quý vị có thể xin tại nhà thứ hai, nhà thứ ba. Tới khi quý vị nghĩ là đủ rồi, sẽ chẳng cần [đến xin những nhà sau đó nữa]. Nhưng nếu liên tục cả bảy nhà đều chẳng xin được, chẳng thể lại đến nhà thứ tám, hãy nhanh chóng quay về. Trở về thì có cái để ăn hay chăng? Có chứ! Vì khất thực chẳng phải là một mình ta ăn. Sau khi đã xin được cơm, nhất định phải quay về đạo tràng; sau đấy, mỗi người đem cơm xin được trộn lẫn với nhau, lại chia ra. Do vậy, cơm ấy được gọi là “ca-sa phạn”. Ngạn ngữ Trung Hoa thường nói “nhất bát thiên gia phạn” (một bát cơm ngàn nhà), chẳng giả! Quý vị thấy các đệ tử thường tùy của đức Thế Tôn là một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, mỗi vị khất thực, chẳng phải là cơm ngàn nhà ư? Trộn lẫn lại rồi chia ra, xét theo bản thân quý vị cần nhiều hay ít mà chia, xác thực là “một bát cơm ngàn nhà”. Đấy là thật sự đạt đến công bằng, chẳng có đối xử trọng hậu hay bạc bẽo. Đối với Lục Hòa Kính như nhà Phật đã nói, đấy mới là thật sự thực hiện Lợi Hòa Đồng Quân, ăn uống hoàn toàn như nhau! Chẳng phải là quý vị xin cơm từ nhà này đồ ăn ngon lành, nhà kia tệ hơn, [mà là] thảy đều trộn lẫn với nhau. Quý vị thấy cuộc sống của Tăng đoàn công bằng như thế đó!

Nơi Tăng đoàn tụ tập cách biệt thành thị hoặc hương trấn, [thành thị hoặc hương trấn] là chỗ khất thực, chẳng thể cách biệt quá xa. Theo kinh điển ghi chép, thông thường gần như là khoảng ba, bốn dặm. Ba, bốn dặm thời cổ chẳng hơn hai cây số trong hiện thời. Quý vị đi và về gần như là đi bốn cây số. Khoảng cách ấy chẳng thể coi là dài, sẽ không làm quý vị mất nhiều thời gian. Không giống đạo tràng của Phật giáo Trung Hoa! Đạo tràng của Phật giáo Trung Hoa chẳng cần khất thực. Đạo tràng [tại Trung Hoa] đều xây dựng theo kiểu cung điện, có phòng ốc, chẳng phải là qua đêm dưới cội cây. Đạo tràng như vậy thường kiến lập trong núi sâu, cách đô thị khá xa, [vì] họ chẳng cần khất thực.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57