Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 47
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1555
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ ba trong đoạn lớn thứ sáu của phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ hai mươi mốt:
(Kinh) Nhược kiến ư vương, đương nguyện chúng sanh, đắc vi pháp vương, hằng chuyển chánh pháp.
(經)若見於王。當願眾生。得為法王。恆轉正法。
(Kinh: Nếu trông thấy vua, nguyện cho chúng sanh, được làm pháp vương, luôn chuyển chánh pháp).
Đây là người xuất gia khất thực, trên đường gặp quốc vương, hiện thời, chúng ta gọi [quốc vương] là “người lãnh đạo đất nước”. [Chuyện này] dẫn phát đại nguyện của Bồ Tát, mong mỏi vị vua ấy có thể làm “pháp vương”. “Pháp vương” (法王) là Phật, [“làm pháp vương” là] giống như Phật, dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh. [Đi khất thực] ở ngoài, cũng có thể [gặp hạng người này]. Trước kia, quốc vương đi tuần; hiện thời, cơ hội [gặp gỡ] càng nhiều hơn, nhưng quý vị trông thấy xe của ông ta chạy qua, chẳng dễ gì gặp mặt ông ta được! Nhưng cũng có duyên phận đặc biệt, như trong hiện thời, do giao thông nhanh chóng và tiện lợi, thông tin phát triển, giữa mọi người với nhau giao tiếp mật thiết, giữa các quốc gia, giữa các dân tộc, cho đến giữa các tôn giáo, đều qua lại hết sức mật thiết. Trong những dịp gặp gỡ ấy, có rất nhiều trường hợp có thể thật sự gặp mặt. Giống như vậy, bất luận là người lãnh đạo quốc gia, người lãnh đạo dân tộc, người lãnh đạo tôn giáo, cho đến người lãnh đạo trong giới xí nghiệp, hoặc giới công thương, đều có thể gọi là Vương. Họ có nhiều thuộc hạ, giống như các công ty đa quốc gia trong hiện thời, công nhân viên chức đến mấy vạn người, hoặc mấy chục vạn người, [người cầm đầu những công ty ấy] xác thực là vua! Hiện thời, xã hội động loạn, bất an. Nếu trông thấy [vua hoặc người lãnh đạo], đó là [những người] có sức ảnh hưởng lớn nhất, chúng ta có nghĩa vụ khuyến cáo họ.
Hiện thời, người trên cả cõi đời quan tâm nhất, mong muốn bức thiết là ổn định, chẳng mong động loạn. Những người lãnh đạo có thể làm được [điều ấy], nhưng trên thực tế, họ cũng hằng ngày cầu mong, dùng phương pháp gì để hóa giải xung đột. Nhất là những người lãnh đạo cao cấp, điều họ bận tâm nhất chính là nỗi oán thán của người dân. Dân chúng có niềm oán hận, có điều bất bình, đấy là cội nguồn của các nỗi động loạn trong xã hội. Mọi người chỉ chú ý tới chuyện giàu nghèo chênh lệch, ai có thể khiến cho giàu nghèo đều nhau? Thưa cùng chư vị, chẳng làm được! Cổ thánh tiên vương cũng chẳng làm được, Thượng Đế cũng chẳng làm được. Quý vị thấy các tín đồ tôn giáo, tín đồ tôn giáo ngoại quốc đều là con cái của Thượng Đế, [thế mà] họ giàu nghèo vẫn chênh lệch, trí huệ cũng chẳng bình đẳng, năng lực cũng chẳng đều nhau! Vì thế, ngay cả Thượng Đế cũng chẳng làm được! Phật, Bồ Tát cũng chẳng làm được.
Làm thế nào để có thể khiến cho lòng người của đại chúng trong xã hội bình đẳng? Đối với chuyện này, xét theo năm ngàn năm lịch sử của Trung Hoa, quý vị thấy cổ thánh tiên vương dùng phương pháp gì? Giáo dục! Giáo dục luân lý, khiến cho mọi người liễu giải mối quan hệ giữa con người với nhau, điều này rất quan trọng! Cư xử tốt đẹp trong các mối quan hệ như thế nào? Khoa mục thứ hai là đạo đức. Đạo đức là biết thân phận, biết bổn phận của chính mình. Phải thực hiện tốt đẹp chuyện thuộc về bổn phận của chính mình, phải phối hợp mật thiết với đại chúng, sáng tạo một xã hội an định, hòa bình. Điều thứ ba rất trọng yếu, [tức là] giáo dục nhân quả. Vì sao có bất bình? Mỗi người tạo cái nhân khác nhau, làm sao đạt cái quả giống nhau cho được? Nhân do ai tạo? Do chính mình tạo! Tại Trung Hoa, Nho, Thích, Đạo đều nói đến nhân quả. Quý vị hãy chú tâm quan sát, đọc tụng bộ Nhị Thập Tứ Sử, đó là một bộ hồ sơ nhân quả! Biết nhân quả, mới biết vì sao xã hội bất bình? Hiểu rõ đạo lý nhân quả, liễu giải chân tướng sự thật, tâm sẽ bình. Phú quý thì ở yên nơi phú quý, nghèo hèn an phận nghèo hèn, xã hội sẽ an định, “an” rất quan trọng! Kẻ phú quý chớ nên lấn hiếp kẻ nghèo hèn, đôi bên phải tôn trọng lẫn nhau. Kẻ nghèo hèn phải tôn trọng kẻ phú quý, kẻ phú quý cũng phải tôn trọng kẻ nghèo hèn, xã hội mới có thể hài hòa. Phải hỗ trợ, kẻ nghèo hèn giúp đỡ kẻ phú quý, kẻ phú quý cũng phải bố thí cho kẻ nghèo hèn. Như vậy thì mới có thể điều hòa.