/ 57
1.170

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 46

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1553


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ ba trong đoạn lớn thứ sáu của phần Kệ Tụng, xem từ bài kệ thứ mười bảy:


(Kinh) Kiến trước giáp trụ, đương nguyện chúng sanh, thường phục thiện khải, thú vô sư pháp.

(經)見著甲胄。當願眾生。常服善鎧。趣無師法。

(Kinh: Thấy mặc giáp trụ, nguyện cho chúng sanh, thường khoác giáp lành, đạt pháp không thầy).


Ở đây, Thanh Lương đại sư có chú thích đôi chút:


(Sớ) Thế chi giáp trụ, tùy ư sư lữ, tấn nhẫn giáp trụ, thú ư vô sư.

(疏)世之甲胄,隨於師旅,進忍甲胄,趣於無師。

(Sớ: Giáp trụ trong cõi đời, thuận theo biên chế của quân đội[1]. Giáp trụ Tinh Tấn và Nhẫn Nhục [giúp hành giả] hướng đến pháp không có thầy).


Lời chú giải tuy chẳng nhiều, đại ý nhằm bảo chúng ta: Khi đang khất thực, hoặc đang đi đường xa, trông thấy những binh lính võ trang đeo giáp trụ. “Giáp” (甲) là áo giáp để bảo vệ thân thể, để hộ thân, đó gọi là Giáp. Trước kia, thứ này có thể chống đỡ đao, cung tên, [nói chung là “phòng ngự”] đao tiễn. “Trụ” (冑) loại mũ che đầu nhằm bảo vệ đầu, giống như loại nón sắt trong hiện thời. Trong lúc giao tranh, nó sẽ bảo vệ đầu khỏi bị thương. [Điều này] dẫn phát đại nguyện, vì trong kinh Phật có nói đến tinh tấn, có câu “bị giáp tinh tấn” (mặc giáp tinh tấn). Đấy là tỷ dụ, mặc giáp tinh tấn [có ý nghĩa như thế đó]. Vì thế, “thường phục thiện khải” (thường mặc áo giáp tốt lành), “khải” (鎧) có chút khác biệt với “trụ” trong câu trước. “Trụ” quá nửa là làm bằng da thuộc, loại da thuộc dầy cộp; còn Khải quá nửa là do những mảnh sắt ghép lại, có tác dụng bảo vệ thân thể mạnh mẽ hơn. Nó làm bằng từng miếng sắt ghép lại mà. Đương nhiên là “khải” khá nặng, nặng hơn Trụ khá nhiều. Có thể nói Trụ cũng khá nặng, nhưng Khải nặng hơn vì Khải do các miếng sắt ghép lại. “Bị giáp tinh tấn” (Mặc giáp tinh tấn): Vào lúc chiến tranh thuở trước, binh lính mặc khôi giáp (“Trụ” “khôi” (盔, cái mũ bịt đầu), Giáp là áo giáp sắt khoác trên thân) để xung phong, hãm trận. Chiến tranh hiện thời tuy khác xưa kia, nhưng xung phong, hãm trận nói chung là phải có trang thiết bị phòng ngự tốt đẹp. Chư vị đều biết, xung phong, hãm trận hiện thời dùng chiến xa, tức xe tăng. Xe tăng [giống như] mặc giáp, người ẩn trong xe ấy. Xe được phủ giáp rất dầy, có thể ngăn ngừa những thứ đạn pháo thông thường, đạn pháo chẳng có cách nào xuyên qua. Dùng chiến xa để xung phong; vì thế, ý nghĩa chẳng khác thời cổ. Trong Phật pháp, đã dùng điều này để tỷ dụ tinh tấn. Dũng mãnh tinh tấn giống như quân lính xung phong, hãm trận trong chiến tranh, dùng chuyện này để tỷ dụ sự vô úy, tức là chẳng sợ hãi, dũng mãnh, tinh tấn chẳng e sợ, mang ý nghĩa này; dẫn phát đại nguyện “thường phục thiện khải” (thường khoác áo giáp tốt lành). Nói chung, chiến tranh chẳng phải là chuyện tốt đẹp; ở đây, Phật pháp nhằm nói đến Tinh Tấn Ba La Mật. Vì thế, phải nói tới “bị giáp tinh tấn” (mặc giáp tinh tấn), cái áo giáp ấy nhất định là “thiện khải” (áo giáp tốt lành).

“Thú vô sư pháp” (Hướng đến pháp không có thầy): “Thú” (趣) là hướng đến, là mục tiêu. Mục tiêu ở chỗ nào? Mục tiêu là “vô sư pháp”. “Vô sư pháp” là Phật pháp, là thành Phật. Thành Phật sẽ đạt được trí huệ là Vô Sư Trí. Vì sao? Vô lượng trí huệ vốn trọn đủ trong tự tánh, chẳng do học từ bên ngoài. Phải hiểu rõ đạo lý và sự thật này; sau đấy, quý vị mới có thể thật sự dũng mãnh, tinh tấn, đột phá khá nhiều chướng ngại. Các chướng ngại ấy, nói chung, không gì chẳng phải là nghiệp chướng. Nói “nghiệp chướng” là đã bao gồm toàn bộ. Dũng mãnh tinh tấn thì mới có thể đột phá nghiệp chướng. Trong giáo pháp Đại Thừa, nói chi tiết thì Phiền Não Chướng gồm có ba loại lớn: Kiến Tư phiền não là loại thứ nhất, Trần Sa phiền não là loại thứ hai, Vô Minh phiền não là loại thứ ba. Ba cửa ải ấy, đột phá mỗi cửa ải đều khá khó khăn, do nguyên nhân nào? Tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay! Vì thế, phải có tinh thần đại vô úy, mặc giáp tinh tấn, thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật, điều gì cũng đều có thể chịu đựng. Trong chú giải, Thanh Lương đại sư đã nói đến Tấn và Nhẫn, tức là đối với Nhẫn Nhục Ba La Mật và Tinh Tấn Ba La Mật, đều cần phải có quyết tâm, nghị lực.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57