308

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 45

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1551

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ ba trong đoạn lớn thứ sáu của phần Kệ Tụng. Xin xem bài kệ thứ mười ba:

 

   (Kinh) Nhược kiến sa-môn, đương nguyện chúng sanh, điều nhu tịch tĩnh, tất cánh đệ nhất.

  (經)若見沙門。當願眾生。調柔寂靜。畢竟第一。

  (Kinh: Nếu thấy sa-môn, nguyện cho chúng sanh, điều nhu, tịch tĩnh, rốt ráo bậc nhất).

 

  Đấy là khi khất thực ở bên ngoài, nhất định sẽ gặp đồng hành. Đồng hành đều là người xuất gia, nhưng ở đây chẳng nói nhất định là đệ tử Phật! Bởi lẽ, tại Ấn Độ vào thời cổ, Sa-môn (Śramaṇa) gần như là tiếng để gọi chung người xuất gia trong tất cả các tôn giáo! Đấy là [từ ngữ] phiên âm từ chữ Phạn; trong phần chú giải, Thanh Lương đại sư đã nói:

 

  (Sớ) Thử vân Chỉ Tức.

  (疏)此云止息。

  (Sớ: Cõi này dịch là Chỉ Tức).

 

  “Thử” (此) là “thử phương” (此方, phương này), tức Trung Hoa. Trong nghĩa tiếng Hán, [Sa-môn] có nghĩa là Chỉ Tức (止息, ngưng dứt). Nhưng trong giới kinh (戒經, kinh dạy về giới luật, luật tạng), chúng ta thường dịch là Cần Tức (勤息, siêng năng dứt trừ), chữ Cần trong Cần Phấn (勤奮, siêng năng, phấn chấn), ý nghĩa càng rõ rệt hơn. Vì thế, “cần tu Giới, Định, Huệ, tức diệt tham, sân, si” (siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt diệt tham, sân, si); đấy là ý nghĩa của chữ Sa-môn trong Phật môn. Ở đây, cách dịch của ngài Thanh Lương có thể là cách giải thích thông dụng trong xã hội Ấn Độ thời cổ, nên nói là Chỉ Tức. Ý nghĩa trong Phật môn hay hơn, “siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt diệt tham, sân, si”. Nói chung, ý nghĩa được bao hàm trong ấy tuyệt đối là “dứt ác”, ngưng dứt hết thảy ác niệm, ác ngôn, và ác hạnh.

  Tại Ấn Độ, chúng ta biết trong thời đại đức Thế Tôn xuất thế, có thể nói Ấn Độ là “đất nước tôn giáo” trên thế giới này. Kinh Phật nói [thuở ấy] có chín mươi sáu loại [tôn giáo khác nhau], các đồng học học Phật theo thói quen thường gọi họ là chín mươi sáu thứ ngoại đạo. “Ngoại đạo” chẳng phải là biếm nhẽ, hạ thấp người khác đâu nhé, chẳng phải là ý nghĩa ấy! Trong Phật pháp, “ngoại đạo” nghĩa là: Cầu pháp ngoài tâm thì gọi là ngoại đạo. Đồng học học Phật nếu chẳng biết nội quán tự tánh thì cũng biến thành ngoại đạo, thuật ngữ trong Phật môn gọi là “môn nội ngoại” (門內外), tức là ngoại đạo ngay trong Phật môn! Chúng ta ngẫm xem, chúng ta có phải là “môn nội ngoại” như nhà Phật đã nói hay không? Có phải vẫn là cầu pháp ngoài tâm hay không? Cẩn thận quan sát, tư duy, đại khái là bảy, tám phần mười trong Phật môn vẫn là cầu pháp ngoài tâm, chẳng biết trở về tự tánh. Nếu mọi người đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm, quý vị sẽ hiểu được chuyện này: Làm thế nào để giống như Quán Thế Âm “xoay cái nghe lại để nghe tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”? Cổ nhân thường nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (Có chuyện gì chẳng làm được, hãy quay lại xét mình). Nếu chúng ta nói theo cách hiện thời, “phản quán” (反觀) là như thế nào? Phàm đối với mọi chuyện, bất luận chuyện gì, nhất định là phải thường xuyên nhìn vào bên trong, quý vị mới có thể thật sự khơi mở, sanh khởi trí huệ. Nếu việc gì cũng nhìn ra ngoài, chắc chắn sẽ nẩy sanh phiền não. Vì sao Phật, Bồ Tát chẳng sanh phiền não, chỉ sanh trí huệ? Chẳng có gì khác, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, các Ngài đều có thể phản tỉnh sâu xa. Do vậy, các Ngài chẳng sanh phiền não.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net