Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 42
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1545
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ ba trong đoạn lớn thứ sáu của phần kệ tụng thứ sáu, tức phần Sở Ngộ Nhân Vật (所遇人物, những nhân vật được gặp gỡ). Xem từ bài kệ thứ mười một:
(Kinh) Kiến báo ân nhân, đương nguyện chúng sanh, ư Phật, Bồ Tát, năng tri ân đức.
(經)見報恩人。當願眾生。於佛菩薩。能知恩德。
(Kinh: Thấy người báo ân, nguyện cho chúng sanh, hay biết ân đức của Phật, Bồ Tát).
Hôm nay vừa khéo là ngày lễ Mẹ (Mother Day). Trong kinh Chánh Pháp Niệm, đức Phật đã dạy có bốn loại ân khó báo đáp nhất. Loại thứ nhất là ân mẹ, thứ hai là ân cha, thứ ba là ân Như Lai Phật Đà, thứ tư là ân pháp sư thuyết pháp. Trong kinh, đức Phật đã dạy, nếu có ai cúng dường bốn hạng người ấy, sẽ được vô lượng phước. Hiện thời, được kẻ khác tán thán; đời vị lai, nếu có duyên gặp Phật, nhất định sẽ có thể đắc Bồ Đề. Trong đoạn kinh văn ngắn này, đặc biệt là hôm nay chúng ta đọc đến bài kệ tụng này trong phẩm Tịnh Hạnh, lại gặp đúng dịp lễ Mẹ. Ở đây, tuy đức Phật nói đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta: Trông thấy người biết ơn, báo ơn, Bồ Tát nhất định dẫn phát hoằng nguyện, nguyện cho hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới “ư Phật, Bồ Tát, năng tri ân đức” (có thể biết ân đức của Phật, Bồ Tát). Vì sao không nói tới cha mẹ, mà lại nói Phật, Bồ Tát? Xác thực là ân đức của Phật, Bồ Tát to nhất. Vì sao chúng ta biết ơn cha mẹ? Do được Phật, Bồ Tát dạy. [Nếu] Phật, Bồ Tát chẳng dạy, chúng ta sẽ sơ sót, quên sạch ân đức của cha mẹ. Do vậy có thể biết, ân đức của Phật, Bồ Tát to tát dường ấy.
Trong kinh giáo có nói ân Tam Bảo sâu nặng, tức là [ân đức của] Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Đức Phật xuất thế, đối với chúng sanh, ân đức bậc nhất, ân đức vô lượng là gì? Là giáo hóa chúng sanh. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành đạo lúc ba mươi tuổi; từ đấy trở đi, Ngài dạy học. Nói theo kiểu hiện thời, sẽ là “mở lớp dạy học”. Vì thế, Ngài giảng kinh hơn ba trăm hội. “Hơn ba trăm hội” chính là như chúng ta mở khóa học, khóa học theo quy mô lớn, khóa học quy mô nhỏ. Suốt một đời, Thích Ca Mâu Ni Phật đã mở các khóa học hơn ba trăm lần. Khóa học có quy mô nhỏ nhất thì số người ít, thời gian ngắn, chỉ có một, hai buổi dạy; nhưng khóa học theo quy mô lớn, có khóa phải kéo dài đến mấy năm, giống như mở trường học vậy. Đạo tràng trước kia có hệ thống như vậy để dạy học, số lượng thính chúng cũng đông đảo, mở khóa học dài hạn. Vì thế, lão nhân gia giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm.
Giống như hiện thời chúng ta làm công việc tương tự, khóa học ở đây là dài hạn. Chúng tôi cũng mở khóa học ngắn hạn. Hiện thời, vào thứ Tư trong tuần lễ đầu tiên của mỗi tháng, sẽ đặc biệt diễn giảng một lần cho các đồng tu thường trụ và làm công quả. Lớp học ấy mỗi tháng mở một lần, mỗi lần hai tiếng đồng hồ. Ngoài ra, như chúng tôi trả lời, giải đáp các câu hỏi, đó cũng là một lớp học khác. Buổi học ấy được tiến hành vào thứ Sáu mỗi tuần nhằm giải đáp nghi vấn. Hoặc như lần trước (hình như là năm ngoái), chúng tôi mở hai khóa giảng về Đệ Tử Quy ở đây, có một lần dài đến mười ngày, tổng cộng là bốn mươi tiếng đồng hồ. Thuở đức Phật tại thế, tình hình cũng giống như thế, thính chúng khác nhau, đối tượng khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, nhu cầu khác nhau, đức Phật đều rất từ bi. Đó gọi là “chỉ văn lai học” (只聞來學, chỉ nghe nói [học trò] tìm đến xin học). Chỉ cần quý vị chịu đến học, đức Phật chưa hề cự tuyệt, hết sức từ bi khiến cho mọi người được mãn nguyện. Từ kinh điển, chúng ta thấy được chuyện này.
Kinh điển chính là ghi chép những lời dạy của đức Thế Tôn đối với đại chúng trước kia. Mỗi bộ kinh là một hội, còn có khá nhiều kinh được tập hợp thành một hội, như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh chẳng phải là một bộ kinh! Ba mươi chín phẩm trong ấy chính là ba mươi chín bộ, tình hình này rất nhiều! Mỗi phẩm độc lập, nhưng cũng liên quan đến phẩm trước và sau đó. Những kinh như vậy thuộc loại [mở khóa học] theo quy mô lớn. Sau khi quý vị đã nhận biết điều này, sẽ hiểu thực chất của Phật giáo là gì. Bởi lẽ, Phật giáo chẳng phải là tôn giáo, chẳng chú trọng nghi thức tôn giáo! Chư vị phải biết các nghi thức tôn giáo [trong Phật giáo] là do các vị tổ sư chế định sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ. Thuở đức Phật tại thế, chẳng có nghi thức, hết sức đơn giản, mà cũng hết sức sống động, lại còn hết sức tự do, chẳng có ai không hoan hỷ!