/ 51
394

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 43

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1547

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ sáu trong phần kệ tụng [nói về] lúc khất thực đi đường, tiểu đoạn thứ ba tức phần “sở ngộ nhân vật” (所遇人物, những nhân vật sẽ gặp gỡ). Chúng ta vẫn xem bài kệ thứ mười một. Trước hết, hãy đọc bài kệ ấy một lượt.

 

  (Kinh) Kiến báo ân nhân, đương nguyện chúng sanh, ư Phật, Bồ Tát, năng tri ân đức.

  (經)報恩人。當願眾生。於佛菩薩。能知恩德。

  (Kinh: Thấy người báo ân, nguyện cho chúng sanh, hay biết ân đức của Phật, Bồ Tát).  

 

  Ngài Thanh Lương đã giảng mười thứ đại ân của đức Phật đối với hết thảy chúng sanh. Trong phần trước, chúng ta đã đọc bốn thứ; hôm nay, xem từ loại thứ năm.

 

  (Sao) Tùy trục chúng sanh ân, thượng biện hoành biến lục đạo, kim ước trường kiếp bất xả.

  (鈔)隨逐眾生恩,上辨橫遍六道,今約長劫不捨。

  (Sao: Ân luôn theo sát chúng sanh. Trong phần trước đã biện định trên phương diện “theo chiều ngang thì trọn khắp lục đạo”, nay xét theo phương diện “bao kiếp dài lâu chẳng bỏ”).

 

  Bốn điều trước là nói về chuyện “theo chiều ngang, trọn khắp mười phương”. Từ đây trở đi là nói về “theo chiều dọc, tột cùng ba đời”. Do vậy có thể biết, ân đức của Phật, Bồ Tát trọn khắp vũ trụ, chẳng có bất cứ thứ gì có thể sánh bằng! Đấy là do nguyên nhân gì? Người xem đọc kinh tạng đôi chút sẽ biết: Đấy là do Tánh Đức trong tự tâm lưu lộ viên mãn. Hễ là người minh tâm kiến tánh, chẳng có ai không phải là như vậy, đúng như kinh điển thường nói “pháp nhĩ như thị” (法爾如是), [nghĩa là] tình trạng vốn sẵn như vậy đó, chẳng có mảy may miễn cưỡng. Chúng ta phải hiểu đạo lý và sự thật này; sau đấy, quý vị sẽ tự nhiên phát tâm nghiêm túc học tập, đấy mới gọi là “học Phật”. Tuyệt đối chẳng phải là chúng ta sau khi nghe xong, sanh khởi tâm ngưỡng mộ, tâm tán thán Phật, Bồ Tát, [rồi tự nhủ] “đó là chuyện của Phật, Bồ Tát, chẳng phải là chuyện của ta”. Sai mất rồi! [Nếu nghĩ như vậy] quý vị học thứ gì cũng đều chẳng học được!

  Chuyện của chư Phật, Bồ Tát là chuyện thuộc về trách nhiệm, là chuyện thuộc về bổn phận của chính mình! Nói cách khác, chúng ta thấy Phật làm bằng cách nào thì đối với chính mình, đối với công việc, đối với hết thảy chúng sanh, nhất định phải hiểu chúng ta hãy nên thực hiện như thế nào. Cách làm ấy là đúng, tùy thuận tự tánh mà! Nếu cách nghĩ và cách làm của chúng ta trái nghịch những gì kinh Phật đã dạy, vậy thì quý vị phải cảnh giác, đấy chính là trái nghịch Tánh Đức. Tự tánh của chúng ta chẳng phải là như vậy, Tánh Đức trong tự tánh hoàn toàn giống như kinh giáo đã nói. Tùy thuận tự tánh là đạo thành Phật. Tùy thuận tự tánh là như trong Phật môn thường nói, “phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục” (bộ mặt vốn sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra), vốn là hình trạng như vậy. Từ kinh luận, chúng ta thấy Phật và các vị Pháp Thân Bồ Tát đã thật sự tìm được “bộ mặt vốn sẵn có trước khi được cha mẹ sanh ra”, lại còn hiển lộ viên mãn, thật sự được thọ dụng. Trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn, tướng hảo viên mãn, vì hết thảy chúng sanh thị hiện thiện xảo như thế, chúng ta phải nên học tập.

  Đọc mỗi điều, chúng ta đều phải lắng lòng tư duy, lãnh hội. Trong phần trước, chúng ta đã đọc “phát tâm phổ bị” (phát tâm độ trọn khắp các căn cơ), chúng ta có phát đại tâm hay không? Đúng là hằng ngày niệm Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nhưng đó là ngoài cửa miệng! Niệm suốt mấy chục năm, hiệu quả như thế nào? Chẳng ảnh hưởng đến nội tâm chi cả! Ý niệm ấy trọn chẳng sanh khởi! Hằng ngày đều tụng niệm công khóa sáng tối, chẳng dẫn phát Tánh Đức của chính mình, học Phật kiểu ấy có thể đạt thành tựu gì chăng? Chẳng thể nào không luống uổng một đời! [Đối với] “nan hành, khổ hạnh” (hạnh khó làm, hạnh khó khăn), phải khích lệ chính mình, quyết định chớ nên ham an nhàn, ngại nhọc nhằn, tham cầu hưởng thụ. Người càng sợ khổ, chắc chắn là quý vị chẳng trốn khỏi quả báo. Người càng chẳng sợ khổ, người ấy thật sự có thể lìa khổ, được vui.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51