Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 41
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1543
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, phần Sở Ngộ Nhân Vật (所遇人物, những nhân vật gặp gỡ) trong tiểu đoạn thứ ba thuộc đoạn lớn thứ sáu của phần kệ tụng. Chúng ta xem từ bài kệ thứ sáu:
(Kinh) Kiến khổ não nhân, đương nguyện chúng sanh, hoạch Căn Bản Trí, diệt trừ chúng khổ.
(經)見苦惱人。當願眾生。獲根本智。滅除眾苦。
(Kinh: Thấy kẻ khổ não, nguyện cho chúng sanh, đắc Căn Bản Trí, diệt trừ các khổ).
Thanh Lương đại sư chú giải bài kệ này khá dài, có Sớ và Sao. Chúng ta xem trước những điều được nói trong phần Sớ.
(Sớ) Lục vân.
(疏)六云。
(Sớ: Điều thứ sáu là nói).
Đây là những điều được nói trong bài kệ thứ sáu.
(Sớ) Hoạch Căn Bản Trí diệt chúng khổ giả, nhược đắc Kiến Đạo Vô Phân Biệt Căn Bản Trí, tắc đoạn ác đạo nghiệp vô minh cố. Tam đồ nhược diệt, tắc tam khổ, bát khổ diệc giai tùy diệt, Tử cập Thủ Uẩn, trực chí Kim Cang hậu Căn Bản Trí, tắc năng vĩnh đoạn.
(Sao) Tam khổ, bát khổ diệc giai trừ diệt giả, do tam đồ khổ diệt, cố sanh, lão, bệnh, khổ diệc diệt. Do đoạn thử Hoặc, bất tạo Thập Ác nghiệp, cố vô Oán Tắng Hội khổ. Do đoạn phân biệt dục tham, cố vô Cầu Bất Đắc khổ cập Ái Biệt Ly khổ. Tùng thử duy hữu Tử cập Thủ Uẩn, chí Kim Cang vô gián đạo Căn Bản Trí, đoạn bỉ nhị khổ. Tuy hữu lậu thiện pháp, thử thời do tại Hành Khổ sở tùy, do bị thắng trí chiếu đồng Pháp Tánh, ư giải thoát đạo bất đãi trạch diệt, nhậm vận khí xả, công quy vô gián. Thượng ước pháp tướng thuyết, thủ chánh thể vô phân biệt trí danh vi Căn Bản, dĩ vọng gia hạnh đắc danh. Tuy thông chư vị, nhi Kiến Đạo, Kim Cang nhị xứ tối hiển, cố lược cử chi. Hựu hữu ước Pháp Tánh, dĩ Bổn Giác vi Căn Bản Trí. Dĩ dữ Thỉ Giác vi căn bản cố. Thử duy ước giải thoát đạo chứng lý thời dữ căn bản minh hợp, nãi danh hoạch đắc Bổn Giác căn bản. Tùng thử, vĩnh vô Tử cập Thủ Uẩn, tuy đoạn Hoặc chứng Lý lập nhị đạo danh nhiên, đồng nhất sát-na hoạch trí diệc nhĩ. Thị cố vô gián đạo đoạn kiến tu nhị chướng chủng thời , tức thị giải thoát đạo thời đoạn dã[1].
(疏)獲根本智滅眾苦者,若得見道無分別根本智,則斷惡道業無明故。三途若滅,則三苦八苦亦皆隨滅,死及取蘊,直至金剛後根本智,則能永斷。
(鈔)三苦八苦亦皆除滅者︰由三塗苦滅,故生老病苦亦滅.由斷此惑,不造十惡業.故無怨憎會苦。由斷分別欲貪,故無求不得苦及愛別離苦.從此唯有死及取蘊.至金剛無間道根本智斷彼二苦.雖有漏善法,此時猶在行苦所隨.由被勝智照同法性.於解脫道不待擇滅.任運棄捨功歸無間。上約法相說.取正體無分別智名為根本.以望加行得名.雖通諸位,而見道金剛二處最顯,故略舉之。又有約法性,以本覺為根本智.以與始覺為根本故.此唯約解脫道證理時與根本冥合,乃名獲得本覺根本.從此永無死及取蘊。雖斷惑證理立二道名然.同一剎那獲智亦爾.是故無間道斷見修二障種時,即是解脫道時斷也。
(Sớ: “Đạt được Căn Bản Trí, diệt các nỗi khổ”: Nếu đạt được Kiến Đạo Vô Phân Biệt Căn Bản Trí, sẽ đoạn vô minh nơi các nghiệp của ác đạo. Nếu diệt tam đồ, thì ba khổ, tám khổ cũng sẽ diệt theo. Tử và Thủ Uẩn thì cho đến sau khi đã đắc Căn Bản Trí nơi địa vị Kim Cang sẽ có thể vĩnh viễn đoạn trừ.
Sao: “Ba khổ, tám khổ cũng sẽ diệt trừ”: Do nỗi khổ trong tam đồ đã diệt, cho nên nỗi khổ sanh, lão, bệnh cũng diệt. Do đã đoạn món Hoặc (phiền não) ấy, chẳng tạo nghiệp Thập Ác. Vì thế, không có nỗi khổ chán ghét mà cứ phải gặp gỡ. Do đoạn trừ phân biệt, dục, tham, cho nên chẳng có nỗi khổ vì mong cầu chẳng đạt được và yêu thương phải chia lìa. Từ đấy, chỉ có Tử và Thủ Uẩn [trong Ngũ Uẩn]. Khi đạt được Căn Bản Trí vô gián đạo nơi địa vị Kim Cang, sẽ đoạn hai thứ khổ ấy (Tử và Thủ Uẩn). Tuy là thiện pháp hữu lậu, lúc ấy, vẫn còn thuận theo Hành Khổ. Do được trí thù thắng ấy chiếu soi cùng với Pháp Tánh, đối với đạo giải thoát chẳng cần phải chọn lựa, tùy ý buông bỏ, mà công đức đều là chẳng gián đoạn. Trên đây là nói theo phương diện pháp tướng, coi chánh thể vô phân biệt trí là căn bản. Do đối ứng với các gia hạnh, nên có tên [như thế]. Tuy đều liên quan đến các địa vị, nhưng hai nơi Kiến Đạo và Kim Cang rõ rệt nhất; vì thế, nêu đại lược [hai địa vị ấy]. Lại còn dựa theo Pháp Tánh [để luận định], do lấy Bổn Giác làm Căn Bản Trí, lấy Thỉ Giác làm căn bản. Đấy chỉ là xét theo Lý khi sự chứng Lý nơi đạo giải thoát ngầm hợp với căn bản, bèn có cái tên là Bổn Giác căn bản. Từ đấy, vĩnh viễn chẳng còn có Tử và Thủ Uẩn nữa. Tuy lập ra tên gọi của hai đường là đoạn Hoặc và chứng Lý, nhưng cũng giống hệt như cái trí đạt được trong một sát-na. Vì thế, khi vô gián đạo đoạn trừ chủng tử của hai thứ chướng nơi Kiến và Tu, chính là sự đoạn trừ khi đạt đến đạo giải thoát đạo vậy).