404

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 40

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1541

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ ba trong đoạn lớn thứ sáu của phần kệ tụng, tức là phần “sở ngộ nhân vật” (所遇人物, những nhân vật được gặp gỡ). Xin xem bài kệ tụng thứ hai:

 

  (Kinh) Kiến vô nghiêm sức, đương nguyện chúng sanh, xả chư sức hảo, cụ Đầu Đà hạnh.

  (經)無嚴飾。當願眾生。捨諸飾好。具頭陀行。

  (Kinh: Thấy chẳng nghiêm sức, nguyện cho chúng sanh, bỏ các trang sức, đủ hạnh Đầu Đà).  

 

  Hai bài kệ này khiến cho chúng ta thấu hiểu rất rõ ràng: Trong thế gian này cho đến lục đạo, tam đồ, mười pháp giới, xác thực là “ai nấy là người tốt, chuyện nào cũng đều là chuyện tốt”. Quý vị thấy bài kệ thứ nhất trong phần trước là “kiến nghiêm sức nhân” (thấy người trang nghiêm), nay chúng ta thường nói là trang phục trịnh trọng và lễ nghi đoan trang. Bài kệ thứ hai hoàn toàn tương phản, [nói về những người] ăn mặc và oai nghi rất tùy tiện, chẳng chưng diện bất cứ thứ gì, chẳng có bất cứ trang sức gì. Đấy là những người được gọi là “dân đen trên đường phố”. Bồ Tát trông thấy người như vậy, hạng người này đông lắm! Rốt cuộc những người có địa vị cao, chúng ta gọi họ là “quan to, trưởng giả giàu sụ”, thuộc tầng lớp ăn trên ngồi chốc trong xã hội rốt cuộc là thiểu số, dân chúng bình phàm rốt cuộc là đại đa số. Bồ Tát tiếp xúc với họ, sẽ dẫn phát đại nguyện xứng tánh, “đương nguyện chúng sanh, xả chư sức hảo, cụ Đầu Đà hạnh” (nguyện cho chúng sanh, bỏ các trang sức đẹp đẽ, đầy đủ hạnh Đầu Đà). Hạnh Đầu Đà thường được gọi là Khổ Hạnh Tăng.

  Đức Phật dạy các đệ tử phải buông xuống hết thảy; tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần thảy đều phải buông xuống. Vì sao phải buông xuống? Vì những thứ ấy chướng ngại tự tánh của chính mình, quý vị sẽ chẳng khai ngộ. Trong kinh, đức Phật đã dạy rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Như Lai (Tathāgata, 如來) nghĩa là gì? Như Lai là “vốn sẵn có”, tự tánh vốn sẵn có, tự nhiên. Quý vị thấy kinh Kim Cang giải thích ý nghĩa của [danh hiệu] Như Lai: “Như Lai giả, chư pháp như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). “Chư pháp” là nói về pháp tướng, hoặc hiện tướng. “Như” (如) là gì? Đúng như tánh của chúng. Các pháp [đều là] tướng như tánh của nó, trong tánh trọn đủ vô lượng trí huệ, trọn đủ vô lượng đức năng, trọn đủ vô lượng tướng hảo, chẳng có thứ gì quý vị cần phải cầu từ bên ngoài! Hễ hướng ra ngoài để cầu, sẽ chẳng cầu được. Đức Phật dạy chúng ta hướng vào trong để cầu, đừng hướng ra ngoài để cầu, bên trong vốn sẵn trọn đủ, chỉ cần trừ khử chướng ngại. Chướng ngại là gì? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước! Xác thực là như kinh luận thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng). Nói khẳng định như thế, chẳng có mảy may nghi hoặc, do nguyên nhân nào? Quý vị vốn sẵn có. Nói thật thà, chẳng phải là quý vị cầu được, mà là quý vị hiện tại vốn sẵn có, trí huệ vốn có hiện tiền!

  Trong thời đại đức Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật thường tán thán [người hành hạnh] Đầu Đà bậc nhất là ai? Tôn giả Ca Diếp, [tức ngài] Ma Ha Ca Diếp (Mahākāśyapa). Ngài Ma Ha Ca Diếp xuất sanh từ tầng lớp quý tộc, Ngài đã hiểu rõ, đã giác ngộ, bèn theo Thích Ca Mâu Ni Phật học tập. Đối với mười sáu chữ như chúng tôi thường nói, “tự tư tự lợi (ích kỷ), tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn”, Ngài đã bỏ sạch sành sanh, hành theo Thích Ca Mâu Ni Phật, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, giữa trưa ăn một bữa, nghỉ đêm dưới cội cây, hằng ngày khất thực, khất thực từng nhà. Đã thế, tôn giả Ca Diếp chuyên môn đến khất thực ở nhà người nghèo khổ. Vì sao? Ngài nói những người ấy rất đáng thương, đời trước họ không biết tu bố thí cúng dường. Vì thế, bị quả báo nghèo túng, hèn kém. Ngài Ca Diếp đã chứng đắc quả A La Hán, là bậc thánh nhân, đến nhà kẻ nghèo khổ, người ta cúng dường Ngài chút ít thức ăn, họ sẽ được phước báo, Ngài từ bi quá! Nói cách khác, khiến cho hết thảy khổ nạn chúng sanh nương cậy ngài Ca Diếp làm phước điền. Quý vị cúng dường, bố thí cho Ngài [đời này], đời sau sẽ được phước, Ngài là phước điền chân chánh. Đức Thế Tôn tán thán Ngài là vị Đầu Đà bậc nhất trong các vị đệ tử.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net