/ 57
429

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 39

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1539


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ hai trong đoạn lớn thứ sáu của phần kệ tụng, hai bài kệ cuối cùng, tức là bài thứ mười tám và mười chín. Chúng ta đọc trước kinh văn một lượt:


(Kinh) Kiến vô ưu lâm, đương nguyện chúng sanh, vĩnh ly tham ái, bất sanh ưu bố.

(經)無憂林。當願眾生。永離貪愛。不生憂怖。

(Kinh: Thấy rừng vô ưu, nguyện cho chúng sanh, mãi lìa tham ái, chẳng sanh lo sợ).


Đối với chữ “vô ưu lâm” (無憂林, rừng cây vô ưu), Thanh Lương đại sư có chú thích ngắn gọn. Lời chú giải chỉ có một câu:


(Sớ) Xử chi vong ưu cố.

(疏)處之忘憂故。

(Sớ: Do ở nơi ấy, sẽ quên nỗi lo âu).


Nói thật ra, “xử chi vong ưu” là chẳng có ưu sầu. Nói cách khác, chẳng có phiền não, đấy là “vô ưu lâm”. Vô ưu lâm ở chỗ nào? Ấn Độ có loại thực vật tên là cây Vô Ưu (Saraca Asoca), giống như đức Thế Tôn thị hiện chứng đạo dưới cội cây Tất Bát La (Pippala, ficus religiosa). Về sau, cây ấy được gọi là “Bồ Đề thụ” (菩提樹, cây Bồ Đề, cây giác ngộ). Nói theo ý nghĩa biểu thị pháp, người tu hành thật sự có đạo hạnh, người ấy ở chỗ nào tất nhiên là đều giáo học. Giáo học thì học trò nhất định đông đảo; trong ấy, sẽ có khá nhiều người thành tựu. Vì thế, vào thời cổ, đạo tràng Phật giáo có quy mô lớn thì được gọi là “tùng lâm” (叢林), tùng lâm chính là Vô Ưu Lâm. Chúng ta thấy một cánh rừng rậm hết sức u tĩnh, sẽ dẫn phát hoằng nguyện của Bồ Tát, “đương nguyện chúng sanh, vĩnh ly tham ái, bất sanh ưu bố” (nguyện cho chúng sanh, vĩnh viễn lìa khỏi tham ái, chẳng sanh âu lo, sợ hãi). “Bố” (怖) là sợ hãi. Do vậy có thể biết, ưu hoạn, sợ hãi sanh từ chỗ nào? Nói chung, chẳng lìa khỏi tham, sân, si. Có thể “vĩnh ly tham ái”, âu lo sẽ chẳng sanh; đấy là đạo lý nhất định. Bất luận lúc nào, bất luận nơi chốn nào, xưa, nay, trong ngoài nước, hết thảy âu lo, sợ hãi đều sanh từ tham, sân, si, mạn. Do đó, bài kệ này là nguyện cho hết thảy chúng sanh đại triệt đại ngộ. Vì nếu một người chẳng triệt ngộ, sẽ chẳng có cách nào đoạn trừ tham ái. Đấy là căn bản của căn bản phiền não.

Đức Thế Tôn vì chúng sanh thuyết pháp, nói đến phiền não của chúng sanh, sẽ là vô lượng, vô tận. [Lời nguyện] “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, [chứng tỏ phiền não] quá nhiều! Quy nạp lại bèn nói là “tám vạn bốn ngàn”. Tám vạn bốn ngàn là quy nạp, con số này chẳng phải là nói hư giả. Thật sự có số lượng tám vạn bốn ngàn. Trong giáo học, tám vạn bốn ngàn quá nhiều, chẳng tiện dạy học, lại quy nạp chúng thành một trăm lẻ tám món, gọi là “một trăm lẻ tám phiền não”, sẽ dễ nói hơn! Nay chúng ta thường lần tràng hạt gồm một trăm lẻ tám viên; vì sao dùng một trăm lẻ tám viên? Chính là niệm nào cũng nhằm đối trị một trăm lẻ tám phiền não, mang ý nghĩa ấy. Một trăm lẻ tám [món phiền não] triển khai ra, sẽ là vô tận phiền não.

Nhưng để dạy những kẻ sơ học, càng đơn giản càng hay; vì thế, kinh điển nhập môn của Tướng Tông là Bách Pháp Minh Môn Luận, bộ luận này do Thiên Thân Bồ Tát soạn, đã quy nạp một trăm lẻ tám phiền não thành sáu căn bản phiền não và hai mươi món tùy phiền não, [tức là] quy nạp thành hai mươi sáu điều. Xác thực là cách này thuận tiện rất nhiều cho kẻ sơ học; nhất là sáu căn bản phiền não. Món căn bản phiền não thứ nhất là tham. [Tham], sân, si, mạn, nghi, ác kiến chính là sáu căn bản phiền não. Lại quy nạp sáu món thành ba món, gọi là Tam Độc, tức tham, sân, si. Thưa cùng chư vị, ba món tham, sân, si lại quy nạp, có thể quy nạp thành một món, đó là tham. Vì vậy, tham ái là căn cội của vô lượng vô biên phiền não, đương nhiên là càng chẳng dễ đoạn. Giống như một cội cây to; cây này là cây phiền não, cành, lá, hoa, quả hết sức sum xuê, cội sâu rễ chắc! Nếu hiện thời bảo quý vị nhổ tận rễ, [nếu] chẳng phải là bậc thật sự giác ngộ, há có thể làm được ư?

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57