/ 51
288

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 38

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1537

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ hai trong đoạn lớn thứ sáu của phần kệ tụng, xem từ bài kệ thứ mười bốn:

 

  (Kinh) Nhược kiến dũng tuyền, đương nguyện chúng sanh, phương tiện tăng trưởng, thiện căn vô tận.

  (經)見湧泉。當願眾生。方便增長。善根無盡。

  (Kinh: Nếu thấy suối phun, nguyện cho chúng sanh, tăng trưởng phương tiện, thiện căn vô tận).

 

  “Dũng tuyền” (湧泉) là suối. Trên đường đi, chúng ta cũng có thể gặp phải. Nước suối từ dưới đất phun trào lên trên. Trạng huống suối phun dường như bất tận. Có những con suối phun nước chẳng gián đoạn, khi phun lên, độ cao không quá lớn, có suối phun cao mấy tấc, hoặc mấy xăng-ti-mét (centimeter). Quý vị thấy suối phun ngày đêm đều chẳng gián đoạn, nước suối phun lên trên. Chúng tôi cũng đã từng thấy suối phun có tánh chất gián đoạn. Sau khi đã phun vài phút, nó sẽ không phun nữa; cách một khoảng thời gian sau, nó sẽ lại phun. Nó phun nước rất cao, nói chung là đến mấy trượng, nước suối rất nóng. Trong quá khứ, tôi đã từng thấy chuyện này tại Mỹ. Nó cũng [phun] suốt năm, chẳng gián đoạn, đại khái là cứ mỗi nửa giờ, nó sẽ phun một lần. Đấy là thiên nhiên, chẳng phải là do sức người [tạo ra]. Những điều ấy đều thuộc vào nội dung của bài kệ này. Trông thấy cảnh tượng ấy, sẽ dẫn phát đại nguyện của Bồ Tát, “phương tiện tăng trưởng, thiện căn vô tận”.

  Các đồng học đều biết, Phật pháp nói đến cương lãnh chung cực sẽ là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Nay “từ bi” được gọi là “lòng yêu thương”. Đấy là Bổn Thiện. Tổ tiên đã nói “tánh con người vốn lành”. Trong nền giáo học truyền thống, tối thiểu là quan niệm này đã có từ năm ngàn năm trước. Vì thế, người Hoa biết giáo dục, thật sự nắm được cốt lõi giáo dục. Trung tâm điểm [của giáo dục] là Ái (愛, yêu thương). Trong giáo dục về Ngũ Luân thì “phụ tử hữu thân” (cha con có tình thân), “thân” (親) là thân ái. Tình thân ái ấy là bổn thiện. Tánh con người vốn lành, trong Phật pháp gọi là “từ bi”; đấy là căn bản. Đức Phật đã thành Phật, vì sao còn phải phổ độ chúng sanh vất vả ngần ấy? Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Chính vì lòng từ bi! Hai chữ Từ Bi xác thực là chẳng dễ hiểu. Vì sao chẳng dễ hiểu? Vì bọn phàm phu chúng ta đều có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; cho nên rất khó lý giải. Chúng ta lý giải ý nghĩa của hai chữ Từ Bi chẳng giống như Phật, Bồ Tát (Pháp Thân Bồ Tát) đã thị hiện, thua kém rất xa! Vì sao? Phật, Bồ Tát thị hiện trong chín pháp giới, trong khắp hư không tận pháp giới, các Ngài không chỉ chẳng có chấp trước, chẳng có phân biệt, mà cũng chẳng khởi tâm, không động niệm.

  Hôm nay, có đồng tu hỏi tôi: “Thật Tướng niệm Phật là gì?” Bát Nhã nói về Thật Tướng; Thật Tướng là gì? Thật Tướng là chân tướng. Nếu quý vị thấy chân tướng, chúc mừng quý vị, quý vị là bậc Pháp Thân đại sĩ như kinh Hoa Nghiêm đã nói, hoặc nói theo Thiền Tông sẽ là “minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ”. Vị ấy ngộ gì vậy? Chính là Thật Tướng. Kinh Bát Nhã nói “chư pháp Thật Tướng”, tức là chân tướng của các pháp. Chân tướng có tướng giống như thế nào? Rốt cuộc có hình dạng giống như thế nào? Quý vị đều niệm kinh Kim Cang và Bát Nhã Tâm Kinh thuộc làu làu, đơn giản nhất là Bát Nhã Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh giảng về Thật Tướng. Quý vị thấy câu đầu tiên của Tâm Kinh là: “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không” (Khi Quán Tự Tại Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều không). Đấy là thấy Thật Tướng. Thấy Thật Tướng, quý vị tu Bát Nhã chẳng phải là Bát Nhã bình phàm, mà là Bát Nhã Ba La Mật Đa rất sâu xa! Ở đây, nêu lên một trường hợp tiêu biểu, nêu ra Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Tự Tại chính là Quán Thế Âm Bồ Tát, [nêu ra pháp được] Ngài tu học. Nay chúng ta có Bát Nhã hay không? Có chứ! “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, Bát Nhã là trí huệ, là trí huệ sẵn có trong tự tánh, ai nấy đều có!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51