/ 51
314

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 37

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1535

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài kệ thứ mười trong tiểu đoạn thứ hai của đoạn lớn thứ sáu phần kệ tụng:

 

  (Kinh) Nhược kiến đại hà, đương nguyện chúng sanh, đắc dự pháp lưu, nhập Phật trí hải.

  (經)若見大河。當願眾生。得預法流。入佛智海。

  (Kinh: Nếu thấy sông to, nguyện cho chúng sanh, được dự dòng pháp, nhập biển Phật trí).

 

  Đây cũng là chuyện có thể gặp gỡ khi đi đường, sông to, suối nhỏ, chỗ nào cũng đều có thể trông thấy. Nước suối đổ vào sông ngòi, sông ngòi chảy vào biển cả. Do vị trí địa lý của Trung Hoa, phía Tây Bắc đều là núi cao, Đông Nam là ven biển; vì thế, nước đều chảy theo hướng Đông, đều đổ vào biển cả. Chúng ta trông thấy sông ngòi cũng dẫn phát hoằng nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nói “dẫn phát” (引發), nói thật ra, từ ngữ này cũng chẳng thỏa đáng cho lắm, nhưng chẳng tìm thấy từ vựng thỏa đáng hơn để nói. Vì thế, chúng ta phải hiểu ý nghĩa: Bồ Tát là tự nhiên, Ngài chẳng có phân biệt, chấp trước, mà cũng chẳng có khởi tâm động niệm.

  Do vậy có thể biết, hoằng nguyện của Bồ Tát là tự phát. Chỉ cần vừa tiếp xúc đôi chút là đã có thể phát khởi [hoằng nguyện]. Nếu quý vị hỏi cái nhân, Ngài chỉ có thể nói cái nhân là giống như chúng ta trong thời đại hiện tại, trong giai đoạn này, vừa mới học Phật phát tâm, phát nguyện. Hiện thời, đối với chúng ta, Tứ Hoằng Thệ Nguyện rất xa lạ, [chúng ta] cũng biết niệm, niệm hằng ngày, vì sao nói là “xa lạ”? Thường xuyên quên khuấy; do vậy, rất xa lạ! Chẳng như tham, sân, si, mạn; quý vị chẳng nghĩ tới tham, sân, si, mạn, chúng nó vẫn có thể sanh khởi. Thật đấy! Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn dấy lên tham, sân, si, mạn. Do vậy, tham, sân, si, mạn rất quen thuộc; Phật pháp rất xa lạ, trong hết thảy các cảnh giới, [Phật pháp] chẳng thể dấy khởi được. Đó là thứ xa lạ! Công phu ấy, cổ đại đức thường dạy chúng ta: “Chỗ chín chuyển thành chỗ sống, chỗ sống chuyển thành chỗ chín”. Cũng có nghĩa là giống như chúng ta niệm Phật, chuyển biến tham, sân, si thành A Di Đà Phật, phải thân thuộc A Di Đà Phật như chúng ta quen thuộc với tham, sân, si trong hiện tại. Hễ thân thuộc, sẽ khởi tác dụng.

  Thân thuộc tham, sân, si thì sẽ là tam đồ, quả báo là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Nếu thân thuộc A Di Đà Phật, quả báo sẽ là thế giới Cực Lạc, phải biết điều này! Vì thế, phải có thể chuyển biến. “Chuyển” thì cũng chẳng phải là nói tùy tiện thì sẽ có thể chuyển được đâu nhé! Chuyện này cần phải có công phu. Vì sao phải có công phu? Tập khí! Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta lưu chuyển sanh tử trong lục đạo; vì thế, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đã [trở thành] thân thuộc. Ba thứ ấy toàn là chướng đạo. Không chỉ là chướng đạo, [mà còn] chướng ngại ngộ môn của chúng ta. Vì sao học Phật đã nhiều năm ngần ấy mà chẳng khai ngộ? Chẳng chuyển được! Đúng như tổ sư đại đức giáo huấn: “Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”. Tám chữ ấy trọng yếu lắm!

  Năm xưa, tôi dạy học trò tại Tân Gia Ba, thường nhắc tới tám chữ ấy. Có một lần, lão hòa thượng Mính Sơn qua thăm Tân Gia Ba, chúng tôi gặp gỡ, Ngài thấy tám chữ ấy, gật đầu nhiều lượt, một mực tán thán: “Đấy mới là chánh xác”. Thật sự có thành tựu, thành tựu rất nhanh chóng trong một đời này, nắm chắc thành tựu, chính là một môn, một bộ kinh, một pháp môn, chẳng thể học hai bộ kinh! Trước kia, thầy của chúng tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã dạy bảo chúng tôi: “Học kinh giáo chỉ được phép học một môn”. Hai môn Ngài sẽ chẳng dạy! Lúc mới học, chẳng hiểu, cứ nghĩ là vì trình độ của chúng tôi quá nông cạn, phải học dần dần từng bộ một. Về sau, khi đã khế nhập, mới biết chỗ áo diệu trong ấy, mới thật sự hiểu rõ vì sao đức Phật mở ra pháp môn nhiều ngần ấy! Chính là để tiếp dẫn các chúng sanh căn tánh bất đồng; đó gọi là “tựu lộ hoàn gia” (theo đường về nhà), chẳng chuốc lấy phiền phức. Vì thế, có tám vạn bốn ngàn pháp môn, nói theo lý luận, sẽ là vô lượng pháp môn.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51