/ 57
421

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 36

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1533


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ hai trong đoạn lớn thứ sáu của phần kệ tụng, tức đoạn Đổ Sự Cảnh Nguyện (睹事境願, những nguyện [sẽ phát khởi] khi thấy cảnh và sự). Xem từ bài kệ tụng thứ sáu:


(Kinh) Kiến thụ diệp mậu, đương nguyện chúng sanh, dĩ Định giải thoát, nhi vi ấm ánh.

(經)見樹葉茂。當願眾生。以定解脫。而為蔭映。

(Kinh: Thấy cây rậm lá, nguyện cho chúng sanh, dùng Định giải thoát, để làm che chắn).


Trong phần trước, chúng ta thấy núi cao, thấy cây có gai. Ở chỗ này, thấy cây cối hết sức tươi tốt, dẫn phát đại nguyện “dĩ Định giải thoát” (dùng Định để giải thoát) của Bồ Tát. “Định” là Thiền Định. Thiền Định là then chốt trong sự tu hành của Phật giáo. Chỉ cần là Phật pháp, bất luận Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, hay Giáo Hạ, cho đến cái gọi là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, vô lượng pháp môn, “pháp” (法) là phương pháp, “môn” là môn kính (門徑, đường lối). Vô lượng vô biên phương pháp và đường lối đều là phương tiện tu học. Tu gì vậy? Chư vị nhất định phải hiểu điều này, toàn là tu Giới, Định, Huệ! Lìa khỏi Giới, Định, Huệ, sẽ chẳng phải là Phật pháp, chư vị chớ nên không biết điều này. Chúng ta học Tịnh Tông, Tịnh Tông dùng phương pháp gì để tu Giới, Định, Huệ? Chúng ta chọn lựa cách Trì Danh Niệm Phật; phải biết điều này: Quý vị niệm Phật là tu gì, chớ nên không biết! Nương theo phương pháp Niệm Phật, tức là trì giới. Niệm đến mức nhất tâm bất loạn, nhất tâm là Thiền Định, bất loạn là khai trí huệ.

Vì thế, trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã nói minh bạch: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao, thấp”. Bất luận tu pháp môn nào, cũng đều là như nhau; hễ tu thành công, tất nhiên là đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, đoạn Vô Minh phiền não, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, thảy đều là như nhau. Thiền là như thế, Giáo cũng là như thế; trì chú, niệm Phật cũng như thế, chẳng khác gì! Đã đều là tu Giới, Định, Huệ, cớ sao đức Phật nói pháp môn nhiều ngần ấy? Đấy là để thuận theo các căn tánh bất đồng của chúng sanh. Quý vị cảm thấy học pháp môn nào thuận tiện, dễ dàng, bèn chọn lựa pháp môn ấy. Căn tánh của mỗi người khác nhau; vì thế, đức Phật mới mở ra các pháp môn nhiều ngần ấy. Đó gọi là “thù đồ đồng quy” (殊途同歸, khác đường nhưng về cùng một chỗ), bất luận bao nhiêu pháp môn!

Từ lá cây, chúng ta có thể thấu hiểu ý nghĩa này. “Lá cây” ví như pháp môn. Một cội cây to, rất nhiều lá, giống như tám vạn bốn ngàn pháp môn. Quý vị thấy lá dẫu nhiều đến mấy đi nữa, lá mọc từ chót nhánh, chót nhánh mọc từ nhánh cây, nhánh cây sanh từ cành cây, cành sanh từ thân, thân sanh từ cội rễ của cây. Quý vị quan sát bất luận từ chiếc lá nào, đến cuối cùng, đều là cùng một cội rễ! Quý vị bèn hiểu, vô lượng vô biên pháp môn thảy đều quy vào một căn bản. Căn bản ấy gọi là minh tâm kiến tánh; căn bản ấy được gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Nhưng quý vị chẳng thể rối loạn được, nhất định phải từ một chiếc lá của chính mình, [lần theo] chót, nhánh, cành, thân, dò tới gốc, một mực dò cho đến gốc, nhất định là quý vị phải đi theo con đường ấy. Khi chưa đạt tới căn bản, pháp môn dường như chẳng giống nhau, khác biệt, nhưng đạt tới căn bản thì là một. Do vậy nói: “Một pháp môn đã thông, hết thảy các pháp môn đều thông”. Tới khi nào thông hết thảy các pháp môn, có giống như một cội cây to hay không? Chúng ta coi điều này như một cái cây, đây là cây, đây là gốc cây, đây là thân cây, trong ấy có cành, nhánh, đạt tới gốc là đã thông [một phần], đạt tới tận cội rễ là hoàn toàn thông. Đấy chính là bảo quý vị phải thâm nhập một môn. Chẳng thâm nhập sẽ không được, nhất định phải có độ sâu kha khá thì mới thông được!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57