Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 33
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1527
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn lớn thứ sáu trong phần kệ tụng, xem từ bài kệ thứ mười:
(Kinh) Kiến lộ đa trần, đương nguyện chúng sanh, viễn ly trần bộn, hoạch thanh tịnh pháp.
(經)見路多塵。當願眾生。遠離塵坌。獲清淨法。
(Kinh: Thấy đường nhiều bụi, nguyện cho chúng sanh, mãi lìa bụi nhuốm, đắc pháp thanh tịnh).
Trên đường, rất nhiều bụi đất, chúng ta nói là “tro bụi rất nhiều”, đặc biệt là chỗ xe, ngựa qua lại. Giao thông hiện thời quá nửa là đường trải nhựa, hoặc đúc bằng xi-măng, hiện tượng bụi bặm cũng rất ít. Tình hình như được nói trong kinh, [chính là tình hình thường thấy] trong thời Kháng Chiến khi [Trung Hoa] đánh nhau với người Nhật Bản. Lứa tuổi tôi vào thuở ấy còn là học trò, đại khái là lúc mười mấy tuổi. Khi Kháng Chiến khởi đầu, tôi mười một tuổi. [Kháng Chiến kéo dài] tám năm. Trong tám năm ấy, quả thật chúng tôi đã đi qua rất nhiều con đường, đi lánh nạn qua rất nhiều nẻo đường. Đặc biệt là xa lộ trong thời Kháng Chiến, xa lộ thuở ấy còn là đường rải cát và đá, xe hơi chạy qua, phía sau bụi bặm bốc lên rất cao. Dẫu ngồi xe công cộng, hễ đi xa, từ thành thị này sang thành thị khác, sau khi xuống xe, bụi bặm đầy mặt, đầy thân, nhất định phải rửa mặt, rửa tay, rửa chân kỹ lưỡng, lại còn phải giặt áo. Đường sá hiện thời đã hoàn toàn thay đổi, chẳng có tình hình ấy!
Đức Thế Tôn dạy chúng ta, ở trên đường, trông thấy tình huống đường sá ấy, hãy dẫn phát đại nguyện. Ở Hương Cảng hiện thời, rất khó trông thấy tình huống đường sá như thế. Bất quá, giống như khí trời hôm nay, không khí bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng, Hương Cảng và Cửu Long đối diện nhau mà không thấy! Nay chúng ta thấy nhiều bụi bặm trong không trung! Phàm là đi đường, trên đường và không trung giống nhau, nhưng trước kia, dường như hiện tượng [bụi bặm] trên không trung giống như thế này rất ít. Ba mươi năm trước, tôi cũng chẳng thấy có hiện tượng như vậy. Do vậy có thể biết, những năm gần đây, không khí bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Nguyện được dẫn phát chắc chắn là giống nhau, “đương nguyện chúng sanh, viễn ly trần bộn” (nguyện cho chúng sanh, xa lìa bụi nhuốm). Nay không khí cũng bị ô nhiễm, chúng ta đổi hai chữ ấy (“trần bộn”) thành “ô nhiễm”: “Viễn ly ô nhiễm, hoạch thanh tịnh pháp” (xa lìa ô nhiễm, được pháp thanh tịnh).
Khá nhiều đồng học đều biết, hiện thời, ô nhiễm nghiêm trọng đã uy hiếp sự sinh tồn của người và vật trên địa cầu. Ô nhiễm đến mức độ [trầm trọng] như vậy! Ô nhiễm nghiêm trọng nhất là khí quyển và biển cả. Nếu là người có đôi chút kiến thức khoa học sẽ biết, chứ kẻ bình phàm vẫn chưa thể cảm nhận; nhưng rất nhiều người đã từng nghe nói đến cái gọi là “cân bằng sanh thái trên địa cầu”. Phàm là những động vật sanh trưởng trên địa cầu cũng thế, thực vật cũng thế, khoáng vật cũng thế, bất cứ loại sinh vật nào cũng đều có tác dụng giúp cho sự cân bằng sanh thái trên địa cầu. Thiếu một thứ, sẽ dính dáng những thứ khác, chúng ta gọi là “nẩy sanh tác dụng phụ”. Nói thật ra, toàn thể địa cầu giống như thân người chúng ta. Quý vị nhìn vào thân thể con người, hãy chú tâm quan sát, bên ngoài có ngũ quan, có tứ chi, có thân thể, bên trong có ngũ tạng, lục phủ, có hệ thống thần kinh. Thiếu một thứ, thân thể sẽ không khỏe mạnh. Chẳng phải là thiếu một thứ cũng chẳng có quan hệ to tát gì đâu nhé! Nó liên quan đến các khí quan khác, ảnh hưởng những kinh mạch khác. Yêu thương, bảo vệ thân thể của chính mình, phải nên giống như cổ nhân đã nói, “phải trân quý lông tóc của chính mình”. Vì sao? Chỉ cần chúng tồn tại, mọc trên thân thể, sẽ chẳng đánh mất sự cân bằng sanh thái trên thân thể. Chúng ta dễ dàng thông hiểu điều này, nhưng đã sơ sót đối với địa cầu. Toàn thể địa cầu chẳng khác thân thể của mỗi người. Tiểu vũ trụ và đại vũ trụ hoàn toàn giống nhau.