263

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 32

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1525

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn lớn thứ sáu, tức đoạn Khất Thực Đạo Hành (乞食道行, trên đường khất thực) trong phần kệ tụng, xem từ bài kệ thứ sáu:

 

  (Kinh) Kiến thăng cao lộ, đương nguyện chúng sanh, vĩnh xuất tam giới, tâm vô khiếp nhược.

  (經)見昇高路。當願眾生。永出三界。心無怯弱。

  (Kinh: Thấy lên đường cao, nguyện cho chúng sanh, vĩnh viễn thoát tam giới, tâm chẳng khiếp nhược).

 

  Trên đường, chúng ta thường nói có đường lên dốc, có đường xuống dốc. “Thăng cao lộ” (昇高路) là lên dốc. Chúng ta biết xưa kia chẳng có đường sá bằng phẳng như hiện thời, đường sá luôn lên cao xuống thấp, không bằng phẳng. Đi đường cũng khá vất vả, hoàn toàn là đi bộ. Huống chi thuở đức Thế Tôn tại thế, kẻ bình phàm đều chẳng đi giày. Phong tục Ấn Độ không đi giày, cũng chẳng mang vớ, đều là chân trần. Do vậy, hễ ra ngoài, sau khi trở về, nhất định phải rửa chân. Từ kinh điển, chúng ta thường thấy chuyện này!

  Đi lên đường dốc cao, tức là tiến lên cao, dẫn phát đại nguyện “đương nguyện chúng sanh, vĩnh xuất tam giới” (nguyện cho chúng sanh, vĩnh viễn thoát khỏi tam giới). “Tam giới” là Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Trong kinh, đức Phật đã giới thiệu: Tam giới có tổng cộng hai mươi tám tầng trời, mỗi tầng sau cao hơn tầng trước. Vì thế, sanh lên trời, kẻ bình phàm nói mơ hồ là “sanh thiên”, rốt cuộc là sanh vào tầng trời nào? Trạng huống trong mỗi tầng lại còn khác nhau! Phật giáo thường nói đến trời Đao Lợi nhiều nhất, kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện do đức Thế Tôn giảng trên trời Đao Lợi, chẳng phải là giảng trong nhân gian. Xét theo bề ngang, trời Đao Lợi bao gồm ba mươi ba cõi trời (Tam Thập Tam Thiên); rốt cuộc là cõi trời nào?

  Trong Tam Thập Tam Thiên, khổ và lạc không giống nhau. Chư thiên không có phước báo sẽ chẳng bằng đế vương trong nhân gian! Đương nhiên là phước báo của họ vẫn to hơn những kẻ bình phàm khá nhiều, nhưng so với đế vương trong nhân gian thì vẫn khá thua kém. Nhưng vị trời nào có phước báo, phước báo to lớn, thì đế vương trong nhân gian sẽ chẳng có cách nào sánh bằng, huống hồ thiên vương! Đức Phật đã giới thiệu những chuyện này rất nhiều. Sau khi đã hiểu rõ, [sẽ biết] tuy phước báo trong thiên đạo to lớn, thọ mạng lâu dài, nhưng chẳng rốt ráo! Cớ sao nói là chẳng rốt ráo? Họ vẫn có sanh, lão, bệnh, tử. Càng lên cao hơn, ba khổ và tám khổ càng mỏng, càng ít, đến Sắc Giới Thiên sẽ chẳng có tám khổ. “Tám khổ” là sanh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, oán ghét cứ phải gặp gỡ, cầu chẳng được, năm ấm lừng lẫy. Dục Giới có tám nỗi khổ ấy, Sắc Giới chẳng có.

  Do vậy, điều quan trọng nhất trong học Phật là phải có thể buông xuống. Tôi đã thưa trình với các đồng học nhiều lần; Vì sao không buông xuống tập khí phiền não nặng nề được? Thực hiện từ chỗ nào? Đây là chuyện lũ sơ học chúng ta rất quan tâm. Thuở tôi mới học, cũng chẳng phải là ngoại lệ. Thuở ấy, có thể nói là vừa mới tiếp xúc Phật pháp hơn một tháng, quen biết Chương Gia đại sư, ngày đầu tiên gặp mặt, tôi bèn thỉnh giáo Ngài vấn đề ấy: “Nhập môn bằng cách nào?” Ngài dạy tôi “thấy thấu suốt, buông xuống”. Thực hiện từ chỗ nào? Từ bố thí. Bố thí là Xả, phạm vi ấy quá ư to lớn! Sau khi đã thâm nhập Phật pháp mới hiểu, có thể nói: Bố thí bao hàm toàn bộ Phật pháp từ sơ phát tâm cho đến địa vị Như Lai. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, đều chẳng lìa khỏi bố thí. Phạm vi ấy to lớn lắm!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net