Đại Phương Quảng
Phật Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 34
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1529
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tiểu đoạn thứ hai thuộc đoạn thứ sáu trong phần kệ tụng, tức Đổ Sự Cảnh Nguyện (睹事境願, các nguyện phát khởi khi thấy sự và cảnh). Đoạn này là trên đường đi (tức là trên đường khất thực), gặp gỡ các trạng huống, có [trạng huống] nhân sự, mà cũng có [trạng huống thuộc về] hoàn cảnh, có hoàn cảnh vật chất. Chúng ta xem bài kệ thứ nhất. Phần này có tất cả mười chín bài, cũng là những thứ chúng ta sẽ tiếp xúc hằng ngày khi ra khỏi cửa. Ở chỗ này, chúng ta phải chú tâm lãnh hội, sau đấy mới thật sự hiểu rõ chúng ta và Bồ Tát có chỗ nào khác biệt? Sự tu hành của Bồ Tát đáng gọi là “công đức viên mãn”, viên mãn ở chỗ nào? Chúng ta hãy nên học tập như thế nào? [Hiểu rõ những điều ấy], chúng ta sẽ chẳng uổng công đọc phẩm kinh này, xác thực là hữu ích rất lớn cho sự tu học của chúng ta. Trước khi giảng đoạn này, do đoạn được giảng trong ngày hôm qua có ý nghĩa rất dài, vẫn cần phải bổ sung đôi chút. Chúng ta đọc bài kệ trước đó một lượt, [tức là bài kệ] đã được giảng hôm qua.
(Kinh) Nhược kiến hiểm đạo, đương nguyện chúng sanh, trụ chánh pháp giới, ly chư tội nạn.
(經)若見險道。當願眾生。住正法界。離諸罪難。
(Kinh: Nếu thấy đường hiểm, nguyện cho chúng sanh, trụ chánh pháp giới, lìa các tội nạn).
Nói tới “hiểm đạo” (險道), hiện thời, khắp nơi trên thế gian này, xác thực là “nơi nơi đều là hầm bẫy”, có chỗ nào chẳng phải là hiểm đạo? Dẫu không bước chân ra khỏi nhà, vẫn là hiểm đạo! Chẳng bước chân ra khỏi nhà thì hiểm đạo ở đâu ra? Trong nhà quý vị, đối diện với TV chính là hiểm đạo. Nó dụ dỗ, mê hoặc quý vị. [Ngoài] TV, [còn có] Internet; hiện thời, người sử dụng computer đông đảo, những thứ được truyền bá trong Internet còn nhiều hơn TV. Tuyệt đại đa số nội dung đều là những thứ phản diện, những thứ chánh đáng quá ít. Vì thế, đấy là hiểm đạo. “Hiểm đạo”, nói đơn giản [là những thứ] đủ để mang lại sự xấu xa cho chúng ta, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, khiến cho chúng ta tăng trưởng tham, sân, si, mạn; đấy là hiểm đạo. Cảnh giới của chúng ta chẳng thể tăng tấn, tuột dốc xuống dưới, quý vị nói xem, có phải là hiểm đạo hay không? Đọa xuống dưới thì chính là tam đồ địa ngục. Người tiến lên cao hơn, mọi người đều biết tam giới có hai mươi tám tầng trời, [đó là] lên cao hơn; đi xuống thì là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đó là quả, quả ắt có nhân. Tiến lên cao hơn sẽ là gì? Là Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Nghiệp nhân của thiên đạo là thượng phẩm Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỷ, xả), Tứ Thiền, Bát Định, tiến lên cao! Người muốn tăng tấn thì trong luân lý, đạo đức, cái quan trọng nhất, cái cơ bản nhất chính là Ngũ Luân, Ngũ Thường, Bát Đức. Cổ thánh tiên hiền đã dạy [những điều ấy] từ năm ngàn năm qua!
Năm ngàn năm qua, từ thời đại của Khổng Tử, Khổng Tử cách hiện thời hai ngàn năm trăm năm, Lão Tử sống cùng thời đại với Ngài. Quý vị thấy trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã nói: “Thất đạo nhi hậu đức”, [nghĩa là] đạo đã mất, nhưng còn có đức. Khi nào hành đạo? [Thời] Tam Hoàng Ngũ Đế, thuở ấy là hành đạo, vô vi nhi trị[1]. Thật sự là vô vi, nhưng không gì chẳng làm, tâm địa của con người thuần hậu, thanh tịnh. [Thời đại] Nghiêu Thuấn đã thấp hơn một bậc, đạo đã mất đi, nhưng có đức; Nghiêu Thuấn nắm vững đức. Sau khi đức đã mất, tiếp đó còn có nhân. Sau khi nhân đã mất, bèn có nghĩa. Sau khi nghĩa đã mất, bèn có lễ. Lễ không ngừng tuột dốc như vậy, tuột dốc cho tới hiện thời, lễ cũng chẳng có! Lễ là hạn độ thấp nhất; nếu chẳng có lễ, xã hội lẽ nào chẳng loạn? Thiên hạ đại loạn.
Trong Phật môn, giới đã mất, chẳng có giới tỳ-kheo! Ngẫu Ích đại sư đã nói lời này. Lão nhân gia sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Ngài chào đời vào thời Minh, khi vãng sanh nhằm đời Thanh, nghiên cứu giới luật rất tường tận. Cận đại, mọi người đều biết vị đổ nhiều công sức nơi giới luật là pháp sư Hoằng Nhất. Ngẫu Ích đại sư nói: “Tại Trung Hoa, từ sau triều đại Nam Tống, chẳng có tỳ-kheo”. Chẳng có tỳ-kheo, sẽ chẳng có cách nào đắc giới tỳ-kheo! Giới tỳ-kheo nhất định phải do tỳ-kheo trao truyền. Tối thiểu là năm vị tỳ-kheo làm yết-ma thì mới có thể truyền trao giới tỳ-kheo. Tốt nhất là có mười vị, tức tam sư thất chứng. Tốt nhất là có mười vị! Thật sự bất đắc dĩ thì năm vị cũng được. Năm vị trở lên đã chẳng có!
Tống, Nguyên, Minh, từ đời Tống đến đời Minh gần bốn trăm năm, người xuất gia thọ giới, tức giới tỳ-kheo, Ngẫu Ích đại sư hiểu rất rõ ràng [thọ giới] là hữu danh vô thực! Do vậy, sau khi Ngài thọ giới, bèn đối trước Phật, Bồ Tát thoái giới, suốt đời trì giới Sa Di. Chư vị phải hiểu, giới Bồ Tát và giới Sa Di [nếu] không có ai truyền, tự mình đối trước hình tượng Phật, Bồ Tát, tự mình có thể phát thệ cầu giới, có thể cầu được. Trong kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo đã nói [chuyện này] rất rõ ràng, chỉ riêng giới tỳ-kheo là không được, chẳng có khai duyên cho chuyện này! Do vậy, bản thân Ngẫu Ích đại sư suốt đời thọ trì giới Bồ Tát và Sa Di Luật Nghi, Ngài tự xưng là “Bồ Tát giới sa-di”. Tại gia cư sĩ, Bồ Tát giới Ưu-bà-tắc; nữ cư sĩ, Bồ Tát giới Ưu-bà-di thì được!
Thế nào mới là “đắc giới”? Chúng ta biết đức Thế Tôn là một người rất thông tình đạt lý, lại còn là một người rất viên dung, Ngài chẳng chấp trước! Do vậy, khi tôi học Phật, khi đó vừa mới học Phật, vừa vào Phật môn, Chương Gia đại sư dạy tôi: “Phật giáo coi trọng thực chất, chẳng coi trọng hình thức”. Thọ giới là hình thức, có hình thức theo nghi lễ. Thầy dạy chúng tôi câu ấy, chúng tôi thỉnh giáo Ngài, [Ngài giảng]: Điều ấy hoàn toàn chẳng phải là không coi trọng hình thức! Hình thức rất quan trọng, nhưng chẳng phải là quan trọng nhất! Điều quan trọng nhất chính là thực chất. Thực chất là gì? Quý vị phải làm được! Thọ giới điều “chẳng sát sanh”, [vậy thì] muỗi, trùng, kiến đều chớ nên sát hại! Không chỉ là chẳng thể sát hại, mà còn chớ nên dấy lên ý niệm tổn thương, gây hại cho chúng. Dấy lên ý niệm là gì? Đó là sát tâm. Tuy quý vị chẳng phạm giới, nhưng chẳng đoạn ý niệm sát, không được rồi! Kết tội trong giới Bồ Tát là luận theo tâm, chẳng luận theo sự. Quý vị dấy một ý niệm muốn hại chúng nó, tức là quý vị đã phá giới. Không giống như giới tỳ-kheo [thuộc về Tiểu Thừa], giới tỳ-kheo luận sự, chẳng luận tâm; vì thế, giới ấy rất coi trọng hình thức. Giới tỳ-kheo hết sức coi trọng hình thức, chẳng giống giới Bồ Tát! Giới Bồ Tát coi trọng khởi tâm động niệm; do vậy, giới Bồ Tát khó trì. Đối với giới trộm cắp, ta chẳng ăn trộm của người ta, cũng chẳng ăn cắp của kẻ khác, nhưng mong chiếm đôi chút tiện nghi của họ, như vậy là đã phạm giới trộm cắp! Ta chẳng làm chuyện ấy, nhưng quý vị dấy động ý niệm, [tức là đã] bị kết tội từ khởi tâm động niệm. Vì thế, rất khó trì!
Do vậy, Ấn Quang đại sư, thầy tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, suốt đời chẳng khuyên kẻ khác thọ giới. Suốt đời, đại sư Ấn Quang chẳng truyền giới, chẳng khuyên kẻ khác thọ giới, chẳng khuyên kẻ khác xuất gia. Các Ngài chỉ khuyên quý vị học Phật, tối đa là khuyên quý vị cầu thọ Tam Quy, phương tiện thọ Ngũ Giới, tuyệt đối chẳng khuyên quý vị thọ giới Bồ Tát, vì sao? Chẳng làm được! Ngũ Giới là căn bản của giới luật: Chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, đồng tu tại gia thì không tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu, năm điều ấy. Quý vị có hiểu rõ hay chăng? Tuy đã thọ, thọ rồi có hiểu hay không? Nhất định là phải làm sao cho hiểu rất rõ ràng, rất minh bạch, cách trì giới ấy là như thế nào? Trong đó có khai, giá, trì, phạm. Trong hoàn cảnh khác nhau, sẽ có cách làm khác nhau, sống động, chẳng phải là chết cứng. Quý vị phải có trí huệ để phán đoán, thông đạt quyền biến, trì giới như vậy mới là viên mãn!
Vì thế, chẳng có giới luật cơ bản, sẽ chẳng có Phật! Chẳng có Phật thì cái còn lại sẽ được gọi là gì? Cái còn lại được gọi là Phật học! Chư vị đồng tu phải biết, Phật học và học Phật là hai chuyện [khác nhau]! Chẳng có người học Phật, Phật học còn lại trong thế gian, Phật học biến thành một loại học thuật thế gian, để cho những kẻ thích nghiên cứu làm công tác nghiên cứu, là tài liệu để họ nghiên cứu, biến thành Phật học. Nhưng [những nhà nghiên cứu ấy] chuyên môn nghiên cứu những lý luận này, chính mình chẳng thể y giáo phụng hành, chính mình chẳng làm được! Vì chẳng buông xuống lòng ích kỷ, chẳng buông xuống tiếng tăm, lợi dưỡng được! Chẳng thể buông xuống sự tham cầu hưởng thụ ngũ dục lục trần, chẳng buông xuống tham, sân, si, mạn, tuy họ nghiên cứu Phật pháp rất sâu. Quý vị để họ lên giảng đài giảng giải, họ sẽ giảng chỗ nào cũng phù hợp đạo, [giảng đến nỗi] hoa trời rơi tán loạn, đó gọi là Phật học, chẳng phải là học Phật. Học Phật thì nhất định là khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác trọn chẳng trái nghịch Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, người ấy thảy đều làm được. Tuy người ấy chẳng niệm kinh, chẳng biết chữ, mà cũng chẳng thể giảng kinh, nhưng người ấy làm được; đấy là “học Phật”. Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, người ấy chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, suốt ngày từ sáng đến tối bèn nghĩ nhớ Ngài chẳng ngừng, tâm và miệng tương ứng, khẳng định là sẽ vãng sanh. Người niệm Phật sợ nhất là bị cảnh giới bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc, chính mình chẳng nắm vững, hễ cảnh giới hiện tiền, đối với thuận cảnh bèn dấy lòng tham, đối với nghịch cảnh bèn dấy lòng sân khuể. Như vậy là không được rồi! Vì thế, khắp nơi đều là hiểm đạo.
Bồ Tát phát nguyện, “đương nguyện chúng sanh”, nguyện cho hết thảy chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, “trụ chánh pháp giới”. Đấy là cái nhân. “Ly chư tội nạn” (lìa các tội nạn), “tội nạn” (罪難) là tam đồ, tức ngạ quỷ, địa ngục, và súc sanh; đấy là tội nạn. Súc sanh là tội báo; ngạ quỷ và địa ngục chính là gặp đại nạn. Do tội nghiệt sâu nặng bèn cảm lấy khổ báo, “trụ chánh pháp giới” sẽ là điều trọng yếu. Đối với chánh pháp trong thế gian, trong khá nhiều quốc gia và dân tộc thuộc phương Đông và phương Tây đều có những bậc thánh triết xuất hiện; giáo huấn của những vị ấy đều là chánh pháp. So ra, cái được gọi là “chánh pháp” trong Phật pháp có tiêu chuẩn cao hơn một chút. Chánh pháp trong Phật pháp, nói theo lý, tiêu chuẩn tuyệt đối là Pháp Tánh. Hễ tương ứng với Pháp Tánh thì là chánh pháp, hễ trái nghịch thì là tà pháp. Nói theo hình thức và nghi thức, hễ phù hợp tiêu chuẩn Giới, Định, Huệ thì là chánh pháp; trái nghịch Giới, Định, Huệ thì là tà pháp, chẳng phải là chánh pháp!
Giới luật là tiêu chuẩn của chánh pháp giới. Ngôn ngữ và tạo tác của chúng ta phải nương theo tiêu chuẩn này để tu học. Ngôn ngữ và động tác tương ứng với tiêu chuẩn ấy sẽ là hợp chánh pháp; chẳng tương ứng với tiêu chuẩn thì quý vị phải sửa đổi cho đúng, đó gọi là “tu hành”. Cái cơ bản nhất chính là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Tất cả các kinh điển thuộc giáo pháp Đại Thừa gần như chẳng có kinh điển nào không nói đến Thập Thiện Nghiệp Đạo. Bộ kinh điển chánh yếu nhất để làm căn cứ cho Tịnh Tông là kinh Vô Lượng Thọ; vừa mở đầu kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn dạy chúng ta: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá; thiện hộ thân nghiệp, bất thất luật nghi; thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm” (Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê trách lỗi của kẻ khác. Khéo giữ gìn thân nghiệp, chẳng mất luật nghi. Khéo giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh chẳng nhiễm). Ba câu ấy nói về thân, khẩu, ý, tức là nói về Thập Thiện Nghiệp. Trong hai đoạn kinh văn lớn là Tam Bối Vãng Sanh (ba bậc vãng sanh) và Vãng Sanh Chánh Nhân, trong đó, đức Phật đã giảng Thập Thiện Nghiệp rất rõ ràng: “Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không nói đôi chiều, không nói thêu dệt, không ác khẩu, không tham, không sân, không si”, đã nói rành rẽ với quý vị. Thực hiện từ chỗ này, quý vị phải thật sự làm. Trì giới niệm Phật thì mới có thể vãng sanh.
Niệm Phật mà chẳng trì giới, không được rồi! Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Thế giới Tây Phương chẳng gọi là Tịnh Độ hay sao? Vì sao cõi ấy tịnh? Trong kinh, đức Phật đã giảng rất hay: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Chư vị hãy ngẫm xem, nếu quý vị chẳng làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo, cái tâm của quý vị làm sao thanh tịnh cho được? Quý vị còn có ý niệm sát sanh, còn có ý niệm trộm cắp, còn có ý niệm dâm dục, còn có ý niệm nói dối, còn có ý niệm khuấy đảo thị phi, [tức là] chẳng thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh, sẽ không tương ứng với Tịnh Độ. Nay chúng ta đã học giáo pháp Đại Thừa nhiều năm ngần ấy, đã hiểu nguyên lý và nguyên tắc đôi chút. Tâm quý vị không thanh tịnh, sẽ chẳng thấy Tịnh Độ, làm sao có thể sanh về Tịnh Độ cho được? Tâm thanh tịnh, quý vị sẽ thấy Tịnh Độ. Có thấy Tịnh Độ, quý vị mới có thể sanh về Tịnh Độ. Chuyện này quá trọng yếu!
Theo giáo pháp Đại Thừa, nhân Giới đắc Định, Định là tâm thanh tịnh. Nhân Định khai Huệ, Định có thể chế phục phiền não. Tuy chẳng đoạn phiền não, nó chẳng dấy lên hiện hành. Tu những pháp môn khác, cảnh giới này tối đa chỉ có thể sanh thiên, chẳng thoát khỏi tam giới; nhưng pháp môn Tịnh Tông thù thắng, chuyện này được gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Chư vị phải biết: “Đới nghiệp” (帶業, mang theo nghiệp) là quý vị chế phục nghiệp, dùng Định để chế phục. Định ở đây là gì? Chính là công phu niệm Phật, chúng ta thường nói “công phu thành phiến”, công phu thành phiến chính là Định. “Thành phiến” là gì? Công phu của quý vị có thể khống chế tập khí phiền não; tuy nó vẫn có, nhưng chẳng dấy lên tác dụng. Thảy đều khống chế những tập khí ác và ý niệm ác, đương nhiên là quý vị sẽ chẳng làm chuyện ác. Do công phu như vậy thì mới có thể vãng sanh, sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Công phu ấy nếu cao hơn, sẽ có thể đoạn trừ Kiến Tư phiền não. Có thể đoạn trừ Kiến Tư phiền não, nhưng chẳng đoạn Trần Sa phiền não! Trần Sa phiền não là gì? Vọng tưởng, phân biệt, chẳng đoạn những thứ ấy. Chẳng có tham, sân, si, mạn, nghi, tức là Kiến Tư phiền não thảy đều đoạn hết. Thị phi, nhân ngã, tiếng tăm, lợi dưỡng đều chẳng có, chẳng ích kỷ, hễ sanh về Cực Lạc, sẽ sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, tiến cao hơn! Nếu Thiền Định càng sâu, sáu căn đối trước cảnh giới sáu trần, thật sự chẳng khởi tâm, không động niệm. Khởi tâm động niệm còn chẳng có, lấy đâu ra phân biệt, chấp trước? Do cảnh giới này, hễ vãng sanh thế giới Tây Phương sẽ sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Bọn phàm phu chúng ta có đạt tới cảnh giới cao ngần ấy hay chăng? Thiện Đạo đại sư đã trả lời khẳng định, được chứ, có thể chứ! Vấn đề ở chỗ nào? “Nói chung là do gặp duyên khác nhau”. Trọng yếu nhất trong các duyên là Giải. Trong [chú giải] kinh Hoa Nghiêm, ngài Thanh Lương đã nói bốn giai đoạn là Tín, Giải, Hành, Chứng. Nay Hạnh của chúng ta, tức công phu tu hành chẳng đắc lực, nguyên nhân thật sự là ở chỗ nào? Do Giải chẳng đủ triệt để. Đối với lý luận, cảnh giới, và phương pháp của Phật pháp, chúng ta hiểu biết rất hữu hạn, đi theo con đường này bằng cách nào đây? Vì thế, Giải phải sâu, Giải phải rộng, Giải phải viên thì mới dễ đi theo con đường này được.
[Khi] Phật giáo truyền sang Trung Hoa, đức Phật đã diệt độ một ngàn năm. Vào năm Vĩnh Bình thứ mười đời Minh Đế nhà Đông Hán, tức năm 67 Công Nguyên, năm nay là 2006; vào năm 67 Công Nguyên, [Phật giáo được] truyền sang Trung Hoa, [cho đến nay] đã gần hai ngàn năm. Trong hai ngàn năm ấy, tại Trung Hoa đã hình thành mười tông phái. Cho đến những năm đầu đời Thanh, có chùa miếu nào chẳng giảng kinh? Có chùa miếu nào chẳng niệm Phật, chẳng tham Thiền? Hạnh môn đến cuối cùng, tổng kết lại, sẽ là hai loại phương thức: Một loại là tham cứu, loại kia là niệm Phật. Do vậy có giảng đường, có Thiền Đường, có Niệm Phật Đường. Có Giải, có Hạnh, Giải và Hạnh tương ứng; đấy là chánh pháp.
Thưa cùng chư vị, kinh sám Phật sự và pháp hội như trong tự viện hiện thời, vào thời cổ chẳng có. Vào đầu đời Thanh rất ít, chẳng có những thứ ấy! Thời cổ, kinh tế của tự viện (nguồn sống) chẳng dựa vào pháp hội, chẳng cậy vào kinh sám Phật sự, chẳng có những chuyện ấy. Kinh tế của nhà chùa rất ổn định, vì trong chùa miếu luôn có ruộng vườn, có núi non, những thứ ấy đều do trai chủ cúng dường. Trong các trai chủ, gần như một nửa là quốc gia. Quý vị thấy hoành phi của tự miếu nào [ghi] Sắc Kiến, [có nghĩa là ngôi chùa ấy] do quốc gia xây dựng: Hoàng đế hạ lệnh kiến tạo tự viện thì gọi là Sắc Kiến (敕建). Tự viện nhất định có núi, nhất định có ruộng đất, núi và ruộng đất để cho nông dân canh tác, tự viện thâu tô, [tức là] đến lúc gặt hái lúa thóc và các loại lương thực, chùa miếu được chia một phần. Đấy là cội nguồn kinh tế của chùa miếu; do vậy, nó rất ổn định, chẳng dựa vào kinh sám Phật sự, mà có nguồn kinh tế cố định.
Hiện thời, chẳng có chế độ này. Vào cuối thời nhà Thanh, đầu thời Dân Quốc thì hãy còn có. Sau khi Giải Phóng[2], đất đai đều là của nhà nước, cho nên chùa miếu chẳng có đất đai, chẳng có núi non, ruộng đất đều không có! Chẳng có ruộng đất, nguồn sống trở thành vấn đề. Trong Phật môn thường có câu nói: “Pháp luân vị chuyển, thực luân tiên” (Chưa chuyển pháp luân, nhưng đã phải lo cái ăn trước). Câu này có nghĩa là: Muốn tu học Phật pháp thì trước hết phải ăn no bụng, quý vị mới có thể nói đến chuyện tu hành. Cuộc sống của quý vị chẳng ổn, còn có thể nói đến chuyện tu hành nữa ư? Đấy chính là điều kiện tiên quyết. Vì thế, nguồn kinh tế của đạo tràng quá trọng yếu. Trước kia, họ có thu nhập cố định, có nguồn thu ổn định, cho nên an tâm. Tâm yên ắt đạo hưng thịnh! Thân tâm an ổn, cuộc sống tuy kham khổ đôi chút, chẳng sao cả, có thể sống được, bèn chuyên tâm nơi đạo nghiệp. Khẳng định là cuộc sống rất kham khổ, giống như nông dân. Người xuất gia tự mình tối đa là trồng một ít rau; cấy lúa rất ít, trồng rau nhiều hơn, ít tốn thời gian hơn, chẳng trở ngại sự tu hành của họ! Vì thế, chánh pháp có điều kiện của chánh pháp!
Trong hoàn cảnh hiện thời, chúng ta chẳng thể không cảm kích Ấn Quang đại sư, chẳng thể không bội phục Ấn Quang đại sư. Lão nhân gia nhìn vào xã hội hiện thời, bèn dạy người đời sau: Đối với đạo tràng từ nay về sau, phải biết tạo dựng những đạo tràng nhỏ, số người cộng tu chẳng thể vượt quá hai mươi người. Nói theo kiểu hiện thời, sẽ là “tiểu mao bồng” (小茅蓬, lều tranh nhỏ). Vì sao? Đạo tràng nhỏ ít người, chi tiêu ít, thật sự có mấy vị thí chủ phát tâm cúng dường là đủ rồi, quý vị có thể giống như xưa kia: Giải và Hạnh đều coi trọng! Trong tiểu đạo tràng này của chúng ta, mỗi ngày có thể nghe kinh từ bốn cho đến sáu tiếng đồng hồ, [đó chính là] “lên lớp”. Niệm Phật mười tiếng hoặc tám tiếng đồng hồ. Nếu mỗi ngày nghe kinh sáu giờ, niệm Phật tám giờ, [hay là] nghe kinh bốn giờ, niệm Phật mười giờ. Ấn định khóa trình mỗi ngày là mười bốn giờ.
Cũng có lẽ các đồng học sẽ nói: “Niệm Phật Đường của các vị cổ đại đức chỉ có niệm Phật, chẳng có giảng kinh!” Thời cổ [làm như vậy] thì được; vì sao được? Thứ nhất, phàm là người học Phật, ít nhiều đều có cơ sở nơi giáo lý của đức Phật. Họ chẳng phải là kẻ ngoài rìa. Thứ hai, thiện căn và phước đức sâu dầy, phiền não nhẹ nhàng, trí huệ tăng trưởng. [Do vậy, chỉ niệm Phật] thì được, có thể chẳng cần nghe kinh. Vì sao hiện thời cần [nghe kinh]? Hiện thời, thiện căn, phước đức, và nhân duyên của chúng ta chẳng bằng cổ nhân, thế mà sự dụ dỗ, mê hoặc trong xã hội hiện thời chẳng biết đã vượt trội thời cổ bao nhiêu lần! Nếu quý vị chẳng nghe kinh, sẽ chẳng thể đoạn nghi hoặc. Nếu chẳng nghe kinh, rất dễ bị kẻ khác dụ dỗ, mê hoặc. Nghe kinh nhằm mục đích giúp quý vị đoạn nghi sanh tín, giúp quý vị kiên định tín nguyện, mục đích ở chỗ này, rất trọng yếu!
Nếu chúng ta có một đạo tràng hai mươi người như thế, cùng nhau niệm Phật, cùng nhau tu hành, nhất định là phải thật sự làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo, Tam Quy, Ngũ Giới. Nghe kinh hiện thời thuận tiện hơn xưa kia. Quý vị mời pháp sư chẳng phải là chuyện dễ dàng đâu nhé! Nay chúng ta dùng TV, dùng đĩa DVD để nghe kinh rất tiện. Nghe kinh thì phải nghe theo cách nào? Một bộ kinh. Người tu hành chân thật phải hiểu: “Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”. Do vậy, nghe một bộ. Sau khi đã nghe xong, nghe lại từ đầu. Nghe xong bèn nghe lại từ đầu, nghe trăm lượt chẳng chán. Quý vị nghe kinh như vậy sẽ khai ngộ, tâm quý vị đã định. Nếu nghe đồng thời vài bộ kinh, sẽ bị loạn. Ví như mỗi ngày bảo quý vị nghe kinh bốn giờ, quý vị nghe kinh Kim Cang một tiếng, nghe kinh Hoa Nghiêm một tiếng, lại nghe kinh Địa Tạng một tiếng, rồi lại nghe kinh Di Đà một tiếng nữa, có được hay chăng? Giống như đi học trong trường, thưa cùng chư vị, chẳng đạt được lợi ích! Nghe pháp kiểu đó, tối đa là đạt được đôi chút kiến thức Phật học thông thường, biết được bề ngoài của Phật pháp, chẳng đạt được thọ dụng thật sự. Thọ dụng thật sự là: Nghe kinh cũng là tu Định, cũng là hoàn thành Tam Học Giới, Định, Huệ trong một lượt. Đấy là thật sự tu hành.
Nghe kinh quy củ, an tĩnh, đó là Giới. Nhất tâm chuyên chú chính là Định. Nghe kinh giáo rành mạch, rõ ràng, đó là Huệ. Do vậy, chúng ta nghe kinh bốn tiếng đồng hồ chính là tu Giới, Định, Huệ bốn tiếng đồng hồ; [nghe kinh] sáu giờ là tu Giới, Định, Huệ sáu giờ. Hằng ngày nghe một bộ kinh. Phương pháp trong pháp môn Tịnh Tông hay lắm, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài. Một bộ kinh Di Đà cũng thế, mà một bộ kinh Vô Lượng Thọ cũng thế. Nói chung, một bộ là được rồi, chẳng cần phải nghe quá nhiều. Như vậy thì mới thật sự có thành tựu. Một bộ tâm sẽ Định. Quá nhiều bộ, tâm quý vị bị động, chẳng định!
Mục đích niệm Phật là ở chỗ nào? Ở chỗ nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo. “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Bởi lẽ, thâm nhập một môn, sẽ dễ dàng đạt tới nhất tâm bất loạn. Đã đạt tới nhất tâm bất loạn, đương nhiên là tâm quý vị chẳng điên đảo, chẳng có vọng tưởng, công phu mới đắc lực. Điều này được gọi là “trụ chánh pháp giới”. Dẫu cho quý vị công phu chẳng đạt mức, chẳng thể vãng sanh, chắc chắn là quý vị chẳng đọa trong tam đồ. Quý vị tu hành như vậy, tuy chẳng thể vãng sanh, đời sau sẽ hưởng phước báo trong cõi trời người, chắc chắn chẳng đọa vào ba ác đạo. Quý vị nói thử xem, đấy có phải là “chánh pháp giới” hay không? Tà pháp khiến cho quý vị lọt vào tam đồ. Chư vị phải ghi nhớ: Chánh pháp là thâm nhập một môn, quyết định chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, chẳng tạp loạn, chẳng gián đoạn. Lũ bình phàm chúng ta dễ bị xen tạp nhất. Trong các chướng ngại, [chướng ngại] nghiêm trọng nhất cũng là xen tạp. Thâm nhập một môn, sẽ không bị xen tạp.
Ở đây, chúng tôi đang giảng Hoa Nghiêm, chư vị phải biết vì sao cần giảng bộ kinh này? Bộ kinh này liên quan đến Tịnh Độ Tông. Cổ đại đức nói kinh Hoa Nghiêm là Đại Bổn của kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, thật sự có mối quan hệ. Cũng có nghĩa là: Kinh Hoa Nghiêm là kinh Vô Lượng Thọ được nói cặn kẽ. Tôi cũng thường nói: Có những vị đồng học phát tâm giảng kinh, quý vị muốn giảng kinh Vô Lượng Thọ cho hay, hãy học kinh Hoa Nghiêm rồi mới giảng kinh Vô Lượng Thọ. Chắc chắn là sẽ giảng hay lắm. Rất ít người giảng kinh này, kinh này lại trọng yếu ngần ấy. Vì thế, đây là rất bất đắc dĩ. Tôi hy vọng giảng kinh này một lượt, lưu lại một bộ băng thâu hình để dành cho đại chúng tham khảo, mục đích là ở chỗ này. Nếu quý vị hỏi đạo tràng Tịnh Tông của chúng ta có thể nghe bộ kinh này hay không ư? Được chứ, vẫn được! Bộ kinh này chỗ nào cũng chỉ quy, cuối cùng là mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát hướng dẫn về Cực Lạc. Chúng ta coi phần ấy như kinh điển của Tịnh Tông. Tâm thái tu học như vậy thì được, nhất tâm niệm Phật! Có người thích cặn kẽ, có thể nghe Hoa Nghiêm. Có người ưa đơn giản, chẳng thích phức tạp, rườm rà ngần ấy, quý vị bèn nghe kinh Vô Lượng Thọ, hoặc nghe kinh A Di Đà. Nói chung là “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”; đấy mới thật sự là “trụ chánh pháp giới, ly chư tội nạn” (trụ trong chánh pháp giới, lìa các tội nạn), trí huệ đấy! Nay đã hết thời gian rồi, đoạn này được giảng đến đây.
***
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Chúng ta xem đoạn kế tiếp [của phần] Đổ Sự Cảnh Nguyện, bài kệ tụng thứ nhất:
(Kinh) Nhược kiến chúng hội, đương nguyện chúng sanh, thuyết thậm thâm pháp, nhất thiết hòa hợp.
(經)若見眾會。當願眾生。說甚深法。一切和合。
(Kinh: Nếu thấy tụ hội, nguyện cho chúng sanh, nói pháp rất sâu, hết thảy hòa hợp).
Đấy là chuyện quý vị gặp trên đường, có thể là gặp hằng ngày, thường xuyên gặp. “Chúng” (眾) là nhiều người, “hội” (會) là tụ hội. Chúng ta hãy đọc phần chú giải của Thanh Lương đại sư, [Ngài chú giải] không nhiều.
(Sớ) Sơ, đổ chúng hội, vị chúng tụ.
(疏)初, 睹眾會,謂眾聚。
(Sớ: Thứ nhất, trông thấy nhiều người tụ tập thì gọi là “chúng tụ”).
“Sơ”, đây là nguyện thứ nhất. “Đổ chúng hội, vị chúng tụ”, rất nhiều người tụ tập một chỗ.
(Sớ) Đa đàm vô nghĩa, cố nguyện thuyết thâm pháp, chúng tâm dị quai, cố linh hòa hợp.
(疏)多談無義,故願說深法,眾心易乖,故令和合。
(Sớ: Phần nhiều nói chuyện vô nghĩa, vì thế, nguyện [họ sẽ] nói pháp sâu. Do tâm của mọi người dễ chống trái, [nên nguyện] họ hòa hợp).
Đây chính là như trong Phật pháp đã nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn” (từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa), hiển thị ở những chỗ như thế này. Nói theo kiểu hiện thời, đấy chính là “cơ hội giáo dục”. Bất luận bao nhiêu người, hễ thấy có người đang đàm luận, đang tán gẫu, đang bàn bạc, nếu quý vị có thời gian, hãy nên tham dự. Tham dự để làm gì? Độ chúng sanh, [tức là] giới thiệu Phật pháp cho họ. Quý vị có phương tiện thiện xảo tùy thuận chủ đề trò chuyện của họ thì mới có thể khế nhập, dần dần dẫn dắt họ về Phật pháp. Nhất là ứng dụng linh hoạt, trong xã hội hiện tiền, đặc biệt giúp đỡ họ giải quyết vấn đề. Họ gặp phải khó khăn, gặp phải thử thách, hoặc là gặp phải nghi hoặc, bất luận là vấn đề cá nhân, hay vấn đề trong công việc nơi đoàn thể, vấn đề nơi hoàn cảnh vật chất, hay vấn đề nơi hoàn cảnh nhân sự, sẽ chỉ dạy, hướng dẫn họ. Trong khi chỉ dạy, hướng dẫn, giữa người và người với nhau, hãy đề xuất “hòa vi quý” (hòa là quý). Trong khi đại chúng đàm luận, sẽ chẳng tránh khỏi tranh luận, quý vị phải giải quyết êm đẹp chuyện ấy như thế nào, khiến cho mọi người hóa giải đối lập, hóa giải mâu thuẫn, cư xử hòa thuận. Đó là tốt đẹp.
Nếu họ thích nghe Phật pháp, sẽ giới thiệu Phật pháp với họ. Họ có nghi vấn, sẽ giải đáp tường tận, cơ hội giáo dục mà! Thường xuyên gặp gỡ, tại nông thôn, hoặc tại tiểu trấn, cơ hội ấy càng nhiều. Trái lại, tại các nơi đô hội, sẽ ít có cơ hội hơn. Quý vị thấy mọi người ở nơi đại đô hội rất vội vã, tuy ở cùng một chỗ, xác thực là đến khi già chết, chẳng qua lại với nhau! Chúng ta ở cùng một tầng lầu, trong một tầng lầu này có mấy gia đình ở với nhau tại đây mấy chục năm, họ của người cách vách là gì, không biết! Trông thấy người nhà của họ, trước nay chưa hề chào hỏi, tình cảm con người hiện thời nhạt nhẽo! Tại nông thôn, không chỉ là hàng xóm đều biết nhau, chào hỏi lẫn nhau, mà người ở thôn trang bên cạnh cũng biết, cũng sẽ chào hỏi nhau, [tuy những người ấy] ở tại thôn trang khác. Tại nông thôn, có tình thân thiết nồng đậm; càng là đô thị lớn, tình người thân thiết chẳng có. Cuộc đời này khó sống quá!
Giữa con người với nhau, kỵ nhất là không qua lại. Tôn trọng, quan tâm, hỗ trợ hợp tác, hiện thời đều chẳng có. Đấy là một hiện tượng hết sức đáng buồn, nguyên nhân là ở chỗ nào? Ai nấy đều truy cầu cuộc sống vật chất, đều mê man, chìm đắm trong dục vọng vật chất, chẳng có cuộc sống tinh thần, chẳng có luân lý, đạo đức. Thật sự là trong hiện thời, nói đến “luân lý là gì, đạo đức là gì”, rất ít người có thể nói được! Đạo là gì? Đức là gì? Đạo đức là gì? Luân là gì? Lý là gì? Luân lý là gì? Rất ít người có thể nói được! Nếu vào thời cổ, trẻ nhỏ đều có thể nói những vấn đề này! Danh từ hiện thời nói đến “văn minh tinh thần”, chẳng có cách nào so sánh với thuở trước. Trước kia, con người sống trong thế gian có tình thú, giữa con người với nhau có ân, có nghĩa, có đức, có đạo, hiện thời những thứ ấy đều chẳng có. Người sống trong thế gian này để làm gì?
Nếu con người chôn vùi luân lý, đạo đức, chư vị hãy ngẫm xem, có khác gì cầm thú? Thời cổ còn có người nói, ai nói? Từ cổ thư, chúng ta thấy Nghiêu, Thuấn nói. Người sống vào thuở ấy, nông nghiệp đã rất phát triển, mọi người đã đạt tới mức cơm áo no đủ. Cơm ăn, áo mặc, cuộc sống cơ bản chẳng có vấn đề, cư trụ cũng rất an định. Vì thế, nhân dân đúng là hưởng phước thái bình. Sau khi trông thấy điều này, thánh nhân đã nghĩ, nếu không khéo dạy bảo dân chúng thì họ khác gì cầm thú? Do vậy, mới đề xuất, tiến hành giáo dục. Người đề xuất, tiến hành giáo dục là Nghiêu, Thuấn, cách hiện thời bốn ngàn năm trăm năm trước. Những bậc cổ thánh tiên vương đã nghĩ đến tầm trọng yếu của việc giáo dục, dạy và học tăng trưởng lẫn nhau. Để thực hiện giáo dục thì điều đầu tiên là “tu thân làm gốc, giáo học làm đầu”, bất luận gia đình, xã hội, hay quốc gia, đều đặt giáo dục vào vị trí hàng đầu. Vì sao nền văn minh cổ của Trung Hoa vượt trội những nền văn minh cổ của các sắc dân khác trên thế giới? Vì sao những nền văn minh cổ trên thế giới đều tiêu mất, đều chẳng còn? Vì sao dân tộc Trung Hoa còn tồn tại? Nguyên nhân là do người Hoa biết giáo dục, nhiều thế hệ truyền thừa, lại còn có thể phát huy rạng rỡ. Đấy chính là điều mà mãi cho đến hiện thời, khá nhiều bậc chí sĩ, nhân nhân (志士仁人,người có chí, bậc có lòng nhân) hễ nhắc đến đều tôn kính, đều bội phục. Người Hoa chớ nên không biết, chớ nên quên mất đức hạnh của tổ tiên! Đấy là những thứ tốt đẹp, chân thật, chịu nổi [sự khảo nghiệm của] thời gian và không gian, muôn đời vẫn luôn mới mẻ, người hiện thời gọi chúng là “chân lý” vĩnh hằng bất biến.
Trong xã hội hiện thời, đối với các xã hội trên toàn thể thế giới, điều cần thiết cấp bách là an định. Xã hội quá loạn, loạn đến nỗi mọi người không có cách nào chịu đựng nổi! Mắt thấy các hiện tượng rối loạn mà nếu chẳng thể cải thiện, xã hội tiếp tục suy đồi. Rất nhiều nhà khoa học, triết gia, những nhà tôn giáo, nhà giáo dục đều cảm nhận điều này: Nhân loại trên địa cầu còn có thể sống sót thêm một trăm năm nữa hay chăng? Điều này có nghĩa là sau một trăm năm nữa, nhân loại trên thế giới chẳng còn; tôn giáo phương Tây gọi chuyện này là “tận thế”. Xác thực là chuyện phiền phức, rất phiền phức! Điều chúng ta cần phải làm trong hiện thời chính là: Phải coi chuyện này là đại sự bậc nhất cần phải thực hiện trong đời này. Tuy biết làm chuyện này rất khó, rất cực nhọc, phải trả giá rất lớn, có cần phải làm hay không? Vẫn phải làm! Bất luận phải trả giá bao nhiêu, cũng đều phải trả! Chuyện này nhằm cứu giúp sự tồn vong của con cháu, hóa giải xung đột, xúc tiến an định, hòa bình, có cơ hội thì phải dạy, hễ có cơ hội thì phải tham dự, chớ nên sợ nhọc nhằn. Dẫu giáo hóa chúng sanh vất vả cách mấy, vẫn phải dạy; không dạy thì làm sao được? Hiện thời giáo hóa chúng sanh, người ta trọn chẳng cảm kích, thậm chí sau lưng còn rỉa rói, chê quý vị ngu xuẩn. Dẫu ngu xuẩn cũng phải làm! Chẳng làm, sẽ thấy tốc độ băng hoại của xã hội tăng nhanh! Làm từ chỗ nào? Làm từ chính mình! Bản thân không ngừng nâng cao cảnh giới của chính mình, xây đắp cơ sở vững vàng cho chính mình. Cơ sở là Thập Thiện Nghiệp Đạo, là Đệ Tử Quy, Tam Quy, Ngũ Giới, nhất định phải thực hiện tốt đẹp. Chính mình chẳng làm được, quý vị sẽ chẳng thể khuyên kẻ khác. Quý vị khuyên người ta, [họ sẽ bắt bẻ] “ngươi khuyên người ta, bản thân ngươi có làm được hay không?” Chính mình làm được thì mới có thể khuyên người khác, người ta mới tin tưởng. Chính mình phải nêu gương tốt cho xã hội, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, làm gương mẫu cho đời).
Pháp xác thực là “thậm thâm” (rất sâu), nhưng pháp thậm thâm thường nói là “thâm nhập, thiển xuất” (thâm nhập sâu xa, diễn tả nông cạn), người ta mới có thể nghe hiểu thì mới có thể lý giải. Chính quý vị có một phần yêu thương, chân thành, chẳng có chút tư tâm nào, lòng chân thành ấy sẽ có thể cảm động người khác. Chính mình có tâm riêng tư, có dục vọng, có mục đích, có điều mong cầu, vậy là không được rồi! Muốn độ chúng sanh thì phải độ chính mình trước. Muốn dạy người khác thì trước hết phải dạy chính mình, nhất định phải dạy chính mình tốt đẹp. Phải nhận biết cơ hội giáo dục, quyết định chớ nên khinh dễ, bỏ qua! Con người sống theo đoàn thể, trong lý tưởng của chúng ta: Mọi người trên toàn thế giới đều bình đẳng, có gì sai khác? Đệ Tử Quy đã nói, đấy chính là điều được tổ tiên truyền thừa qua các đời: “Phàm thị nhân, giai tu ái” (phàm là người, đều nên yêu thương). Giáo dục Trung Hoa là nền giáo dục yêu thương, tâm chân thành yêu thương, che chở, giúp đỡ chúng sanh.
Hiện thời, thế giới động loạn, ai nấy đều có trách nhiệm, nhất định phải thực hiện từ chính bản thân mình. Sau đấy mới từ gia đình của chính mình, quý vị sẽ ảnh hưởng đến gia đình, ảnh hưởng đến đoàn thể của chính mình. Người tại gia ảnh hưởng công ty, hãng xưởng, cửa hàng của chính mình; người xuất gia sẽ ảnh hưởng đạo tràng, ảnh hưởng đồng học và đạo hữu của chính mình. Quý vị phải nêu gương tốt cho kẻ khác trông thấy, chẳng sống phí uổng đời này. Bất luận giữ cương vị nào trong công việc, thảy đều trọn đủ cơ duyên “tự hành, hóa độ kẻ khác”. Vấn đề là quý vị phải nhận biết. Quý vị phải nắm chắc [cơ hội], phải khéo có thể vận dụng, phát huy. Trong kinh, đức Phật thường dạy chúng ta: “Thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn nói”. Thọ trì, đọc tụng là tự hành, vì người khác diễn nói là hóa tha (化他, giáo hóa người khác). “Thọ” (受) là ta tiếp nhận, [có nghĩa là] ta tiếp nhận Thập Thiện Nghiệp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã trao cho chúng ta. Ta tiếp nhận Tam Quy, Ngũ Giới, đã tiếp nhận thì phải làm được, phải làm cho đến hết đời. Ta sống một ngày, phải thực hiện một ngày. Đó gọi là “tận hình thọ” (盡形壽, [thọ trì] cho đến hết tuổi thọ), đấy chính là Trì, tức bảo trì (保持, gìn giữ). Bất luận trong hoàn cảnh nào, thuận cảnh hay nghịch cảnh, ta đều có thể bảo trì, chẳng để mất đi. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác nhất định tương ứng với giáo huấn của đức Phật, đấy mới là đệ tử Phật thật sự, là đứa học trò tốt của đức Phật. Ta thực hiện nhằm biểu diễn, biểu diễn cho kẻ khác trông thấy.
Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay, kinh dạy chúng ta xếp khẩu nghiệp vào hàng đầu: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá” (Khéo bảo vệ khẩu nghiệp, chẳng gièm chê lỗi của người khác). Vì sao? Dễ phạm nhất! Chuyện dễ phạm nhất chính là nói ra lỗi lầm của kẻ khác. Quý vị xem kinh Vô Lượng Thọ, [sẽ thấy] khẩu nghiệp quá ư là nhiều; điều này là điều nặng nhất, là điều dễ phạm phải nhất. Thấy người khác phạm lầm lỗi chớ nên nói, [bởi lẽ] hiện thời có kẻ nào mà chẳng có lỗi lầm? Lỗi lầm quá nhiều! Ai nấy đều có! Nhìn lại chính mình, cũng chẳng ít! Do vậy, người thật sự tu hành trông thấy lỗi lầm của kẻ khác, bèn hồi quang phản chiếu chính mình có [những lỗi lầm ấy] hay chăng? Hễ có bèn sửa; hễ không có, bèn càng thêm gắng sức. Đó là đúng! Làm sao có thể rêu rao lỗi lầm của kẻ khác cho được?
Kể lỗi người khác, Đệ Tử Quy bảo “chính là ác”, đấy chẳng phải là chuyện tốt lành. “Đạo nhân thiện, tức thị thiện” [nghĩa là] quý vị khen ngợi người khác, kể những chuyện tốt của người ta, tốt lắm! Đó gọi là “ẩn ác, dương thiện” (隱惡揚善,che giấu điều ác, tán dương điều thiện), sẽ có thể cải thiện phong khí xã hội. Kẻ khác tạo tác chuyện bất thiện, chúng ta có thể bao dung. Kẻ khác làm điều thiện nhỏ, chúng ta tán thán. Thường xuyên ở trong hoàn cảnh ấy, lương tâm của kẻ đó sẽ dấy khởi: “Quý vị thấy tôi làm bao nhiêu chuyện xấu, mọi người đều chẳng chê trách tôi. Tôi làm chuyện tốt cỏn con bèn khen ngợi tôi”. Lương tâm bèn dấy lên, kẻ đó sẽ sửa ác, hướng lành. Đấy chính là độ một người quay đầu! Để độ người khác quay đầu; trước hết, phải độ chính mình. Từ nay về sau, chính mình chẳng còn nói lỗi lầm của kẻ khác nữa!
Trong khẩu nghiệp, không nói dối. Từ nay trở đi, chẳng còn dối gạt người khác, chẳng còn gạt gẫm kẻ khác. Chẳng khuấy động thị phi, trước mặt Giáp nói chuyện xấu của Ất, trước mặt Ất nói chuyện xấu của Giáp, khiến cho hai người ấy bất hòa. Chuyện ấy có khi là cố ý, có khi là vô tình. Cố ý thì có tội, vô tình là lầm lỗi, chuyện này chính là có lúc “người nói vô tâm, kẻ nghe hữu ý”. Do vậy, ăn nói chẳng thể không cẩn thận. Phu tử dạy học có bốn khoa, ngôn ngữ được xếp vào hàng thứ hai. Thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, quý vị nghĩ xem Ngài coi trọng [ngôn ngữ] dường ấy! Người biết ăn nói, trong một đời sẽ có rất nhiều thuận tiện, rất nhiều người thích giúp đỡ quý vị. Kẻ chẳng biết ăn nói, sẽ rất thua thiệt, chẳng được người khác giúp đỡ. Người ta trông thấy quý vị, tránh quý vị cho xa, chẳng dám tiếp cận quý vị. Vì sao? Quý vị thường ăn nói vô trách nhiệm, thường thốt lời tổn thương người khác!
Ngạn ngữ có câu “lai thuyết thị phi giả, tiện thị thị phi nhân” (kẻ đến nói chuyện thị phi, chính là kẻ thị phi)! Hiểu đạo lý này, chẳng dễ bị lừa gạt cho lắm! Đối với kẻ đến khuấy động, kể lể kẻ nào đó nói này nói nọ quý vị, Hàn quán trưởng trước kia của Hoa Tạng Đồ Thư Quán đích xác là rất lợi hại. Có kẻ nào khuấy động thị phi trước mặt bà ta, bà nghe xong, chỉ cười xòa. Sau khi người ấy đi rồi, bà ngay lập tức điều tra, tìm ra người ấy, hỏi người ấy có nói những lời ấy hay chăng? Có rất nhiều người nói “chẳng có, tôi chẳng nói lời ấy”. Quán Trưởng lại tìm người kể chuyện [thị phi] ấy đến đối chất; về sau, không có ai dám nói chuyện thị phi trước mặt bà ta. Vì sao? Bà ta sẽ tìm người đến đối chất, chẳng nghe lời nói từ một phía. Đấy là trí huệ, là giáo dục. Nếu quý vị bịa chuyện, sanh sự, nhất định sẽ hỏi quý vị: “Vì sao quý vị phải làm như vậy? Mục đích ở chỗ nào?” Truy hỏi động cơ, mục đích của người ấy, nếu [kẻ ấy] nói không được, sẽ là hồ đồ.
Nói thêu dệt, hoa ngôn xảo ngữ, phạm vi ấy quá to! Kể cả cái gọi là “văn nghệ biểu diễn” trong hiện thời, nay chúng ta nói đến TV, điện ảnh, hý kịch (drama), nhạc rap, nội dung là gì? Vài chục năm nay, tôi chẳng tiếp xúc, ngay cả TV tôi cũng không xem, báo chí cũng không xem, vài chục năm rồi! Đại khái là bốn, năm chục năm trước thì [những thứ ấy] còn khá một chút, hiện thời có thể là chẳng có cách nào xem được! Vì tôi thấy từ trường tại tiệm sách và thư viện trong hiện thời chẳng bằng quá khứ. Thuở trẻ, tôi vào tiệm sách hoặc vào thư viện, từ trường hết sức tốt đẹp. Sau khi vào đó, tâm hết sức yên ổn, bình thản, tâm rất dễ định. Hiện thời thì chẳng được. Hiện thời, tiến vào những chỗ đó, sẽ cảm giác rất loạn, rất bất an, khiến cho quý vị chẳng có cảm giác an toàn. Đấy là gì? Nội dung của các sách vở, nhật báo, tạp chí chẳng tốt, sẽ sanh ra sự dao động [bất hảo] ấy, chúng ta bị chúng nó khuấy nhiễu. Vì thế, ít tiếp xúc với chúng vẫn là tốt hơn!
Thông thường, những thứ bản thân chúng tôi tiếp xúc là kinh điển và sách vở của thánh hiền. Trong thư phòng của tôi ở Hương Cảng, chỉ có hai bộ sách: Một bộ là Đại Tạng Kinh, bộ kia là Tứ Khố Toàn Thư Hội Yếu. Thông thường, thời gian của tôi dùng vào những thứ ấy, đọc sách, [tức là] đọc sách thánh hiền, thân cận Phật, Bồ Tát, thân cận cổ thánh tiên hiền. Đấy chính là “thọ trì, đọc tụng”. Tiếp xúc với kẻ khác, bất luận là ai, những điều bàn luận đều là giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Gặp các đồng tu Phật môn, xác thực là luôn bàn bạc pháp tạng thậm thâm với họ, hoặc là giúp họ tháo gỡ các nghi nan.
Thuở đức Thế Tôn tại thế, từ kinh điển chúng ta thấy, suốt bốn mươi chín năm, hằng ngày lão nhân gia “nhị thời giảng kinh” (hai thời giảng kinh). “Nhị thời” là tám tiếng đồng hồ hiện thời. Một “thời” của cổ Ấn Độ bằng bốn tiếng đồng hồ hiện thời, có phải là giống như lên lớp trong hiện thời hay không? Có chứ! Hằng ngày lên lớp cho mọi người, dạy dỗ các học trò cố định. Tôi tin là chẳng thể có khả năng dạy họ suốt tám giờ cho mấy, tối đa là một nửa [thời gian], nửa kia là “cơ hội giáo dục” như đang nói ở đây. Người thân cận đức Phật rất nhiều, họ đến từ bốn phương tám hướng nêu câu hỏi, đức Phật có giải đáp cho họ hay chăng? Sẽ! Hiện thời, chư vị thấy trong kinh Tiểu Thừa có quá ư là nhiều [trường hợp giống như thế], toàn là do người khác hỏi. Do vậy, chúng ta bèn hiểu rõ, trong bất cứ trường hợp nào đức Thế Tôn bàn luận với bất cứ ai, hễ ghi chép lại, toàn thể đều gọi là Kinh. Mỗi ngày, [đức Phật] nói tám tiếng đồng hồ. Ngoài tám tiếng đồng hồ [giảng kinh] ra, bản thân Ngài đều ở trong Định, lão nhân gia nhập Định. Biểu diễn cho chúng ta thấy, dạy chúng ta “thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn nói”, bản thân Ngài phải làm được. Vì người khác diễn nói mỗi ngày tám tiếng đồng hồ, những thời gian khác dành để thọ trì, đọc tụng, biểu diễn kiểu cách này!
Do vậy, Thường Tùy Chúng theo Ngài, chúng ta thường thấy trong kinh [ghi chép] một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị Thường Tùy Chúng, [đó là] biểu diễn. Thầy thực hiện như vậy, các Ngài (các môn đệ) cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Những vị ấy hằng ngày theo học với thầy, nghe thầy tiếp dẫn đại chúng. Thời gian lâu dài, lâu năm chầy tháng, ai nấy đều nghe nhuyễn nhừ, tự mình hằng ngày đi khất thực, gặp những tình huống ấy, ai nấy đều có thể nói những đạo lý tốt lành. Bất luận ở nơi đâu, bất luận nơi chốn nào, hễ mở miệng đều gọi là “đàm kinh”. Trò chuyện thì nội dung trò chuyện toàn là kinh, người hiện thời gọi là “cơ hội giáo dục”. Phàm những người gặp gỡ đều là kẻ hữu duyên, vì sao? Họ chịu nghe, nghe một câu cũng được, nghe một phút cũng được, nghe năm phút cũng được, nghe mười phút cũng được. Chỉ cần người ấy có thể nghe lọt tai, nghe hoan hỷ, sẽ đều là người hữu duyên. Lẽ nào chúng ta có thể không làm? Chớ nên không biết, chớ nên không học điều này.
Trong xã hội hiện thời, điều quan trọng nhất, điều cần phải học nhất chính là “Phật giáo là gì?” Vì sao? Đại chúng trong xã hội hiểu lầm Phật giáo quá nhiều! Người ta thắc mắc, nhất định sẽ hỏi quý vị, nếu quý vị có thể chỉ dạy, hướng dẫn họ chánh xác, giúp họ phá mê. Chẳng cần họ sanh lòng tin, chỉ mong họ không nẩy sanh hiểu lầm đối với Phật giáo, tức là mục tiêu bước đầu của quý vị đã đạt được. Nếu người ta hỏi quý vị: “Phật giáo có rất nhiều pháp môn, quý vị tu pháp môn nào?” Nói chung là phải hiểu rõ Tịnh Độ. Chúng ta tu Tịnh Độ, chẳng thể không liễu giải Tịnh Độ! Điều quan trọng nhất trong Tịnh Độ là “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Chúng ta dùng phương pháp trì danh, sợ người ta nói quý vị, hiểu lầm quý vị mê tín. Trì danh chẳng phải là mê tín, mà là hết sức phù hợp tinh thần và phương pháp khoa học. Con người chớ nên có tạp niệm, tạp niệm rất bất hảo. Tâm tạp niệm chẳng thanh tịnh, ô nhiễm nghiêm trọng. Nói theo thân thể hiện thời, vọng tưởng, tạp niệm nhiều, chắc chắn là quý vị chẳng khỏe mạnh. Từ thí nghiệm của tiến sĩ Giang Bổn Thắng người Nhật, quý vị thấy kết tinh nước hiện ra hình thức hết sức khó coi.
Tôi còn thấy tại Đài Loan có những học sinh Tiểu Học làm thí nghiệm, thầy hướng dẫn học trò làm thí nghiệm, dùng gì? Dùng cơm, dùng mì sợi, dùng bánh mạn đầu, nấu trong cùng một nồi, chia thành hai bát, đặt hai bên cửa, để cho học trò, mỗi trò đi qua, đối trước thứ đựng trong bát [này bèn] nói: “Ngươi ăn ngon lắm, ta rất thích ngươi, rất hoan hỷ”. Đối với thứ đựng trong bát kia bèn nói: “Ta không thích ngươi, ta ghét ngươi”. Chia thành hai tổ như thế, mỗi ngày nói như vậy. Sau một tuần, đương nhiên là cơm biến đổi. Cơm được ca ngợi hằng ngày, quý vị ngửi mùi vị, tuy nó lên men, nhưng mùi vị rất dễ ngửi, màu sắc vàng tươi, cũng khá dễ coi! Cơm bị nhục mạ, chán ghét mỗi ngày, một tuần sau biến thành đen thui, ngửi thử, mùi rất khó ngửi! Cho thấy điều gì? Nước có phản ứng, cơm có phản ứng, mạn đầu cũng có phản ứng, mì sợi cũng có phản ứng. Còn có gì nữa? Cây bonsai cũng có phản ứng. Cây bonsai được ca ngợi sẽ tăng trưởng hết sức tươi tốt. Cây mỗi ngày bị chê là đáng ghét, chửi bới, nó sẽ gục đầu, ủ rũ. Đấy chính là mở rộng thí nghiệm với nước của ông Giang Bổn Thắng, dùng những thứ khác để thí nghiệm, chứng tỏ điều được dạy trong kinh Phật: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Vì thế, trong tâm quý vị nghĩ gì, nó sẽ biến ra thứ ấy. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập hợp một số những tài liệu này để mọi người tham khảo.
Quý vị đã hiểu ý niệm là khẩn yếu. Tâm chúng ta có ý niệm thiện, ngôn ngữ thiện, hành vi thiện, thân tâm sẽ khỏe mạnh. Đấy chính là những lợi ích quý vị đạt được trong hiện tại. Nói theo Phật pháp, [sự thọ dụng đạt được] trong hiện tại là hoa báo. Hoa báo rất tốt, có thể suy ra quả báo [sẽ tốt đẹp như thế nào]. Do vậy, bất luận ở nơi đâu, cũng đều phải biết khuyến thiện. Muốn khuyên người khác đoạn ác tu thiện, chính mình phải làm được trước đã. Đối với người, đối với sự, đối với vật, chẳng có ác niệm, tôi thường nói là “chẳng có đối lập, chẳng có mâu thuẫn, chẳng có hiểu lầm, chẳng có ngờ vực vô căn cứ, chỉ có tâm yêu thương, tâm kính trọng, tôn kính, quan tâm, hỗ trợ hợp tác”. Đấy là điều trọng yếu!
Phật pháp dạy chúng ta: Chính mình và người khác chẳng hai, tôn trọng kẻ khác như tôn trọng chính mình. Chẳng tôn trọng người khác tức là không tôn trọng chính mình. Chẳng yêu thương người khác là không yêu thương chính mình. Chính mình và người khác là một, không hai. Sự tự tôn trọng, tự yêu thương của quý vị được biểu hiện ở chỗ nào? Biểu hiện từ lòng yêu thương, tôn kính người khác. Nếu chẳng xuất phát từ lòng yêu thương, tôn kính người khác, quý vị sẽ biến thành tự tôn tự đại, biến thành cuồng vọng. Cuồng vọng là tự yêu thương chính mình ư? Cuồng vọng là tự tôn trọng hay chăng? Sai mất rồi! [Tự tôn trọng, tự yêu thương] đều được biểu hiện bằng sự nghiêm túc nhận trách nhiệm đối với người, đối với sự, đối với vật. Đối với hết thảy vạn vật, đều giữ lòng kính sợ. Cổ đại đức là như thế đó, giáo huấn mấy ngàn năm qua cũng là dạy như thế đó!
Người và người đối xử hòa thuận với nhau, chẳng có tranh chấp, “nhất thiết hòa hợp” (hết thảy hòa hợp). Do vậy, hiện thời, điều khẩn yếu bậc nhất chính là phải thực hiện Lục Hòa Kính. Đối với Lục Hòa Kính, hiện thời thực hiện hai điều Kiến Hòa Đồng Giải và Giới Hòa Đồng Tu như thế nào? Thưa cùng chư vị, nói cụ thể, sẽ là thực hiện Đệ Tử Quy, thi hành Thập Thiện Nghiệp Đạo. Làm được hai điều đầu trong Lục Hòa Kính, những điều sau đó sẽ rất dễ dàng! Thân Hòa Đồng Trụ, Khẩu Hòa Vô Tránh, Ý Hòa Đồng Duyệt, và Lợi Hòa Đồng Quân tự nhiên làm được. Vì thế, quan trọng nhất là hai điều đầu. Chúng ta có nhận thức chung, sẽ là Kiến Hòa Đồng Giải, có sự nhận thức chung “Đệ Tử Quy là trọng yếu, Thập Thiện Nghiệp Đạo là trọng yếu”; đấy là Kiến Hòa Đồng Giải. Đối với Giới Hòa Đồng Tu, thực hiện Đệ Tử Quy, thực hiện Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là Giới Hòa Đồng Tu. Đó là căn cội của giới luật, là giới luật căn bản, quyết định chẳng thể sơ sót, phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện nó.
Chính mình làm được, tự nhiên quý vị sẽ có thể cảm hóa cả nhà. Chẳng cần khuyên kẻ khác làm, hãy tự mình làm. Sau khi quý vị đã làm được, người ta sẽ học theo quý vị, đó gọi là “kẻ trên làm, người dưới bắt chước theo”. Trong nhà của ta có cha mẹ, còn có ông bà, ta làm như vậy: Kẻ dưới làm, người trên cũng bắt chước theo. [Bởi lẽ], họ trông thấy cũng rất hài lòng, trông thấy bèn rất hoan hỷ. Do vậy, chính mình bất tri bất giác mà từ khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều có thể thâu liễm, cảm hóa người trong nhà. Trong lịch sử, có quá nhiều trường hợp như vậy. Một tấm gương nổi tiếng nhất chính là vua Thuấn. Vua Thuấn cảm hóa cha, mẹ, và em trai của chính mình, cảm hóa hàng xóm, láng giềng làng nước. Dùng phương pháp gì? Tự hành. Bản thân quý vị chẳng làm thì không được rồi! Phải nêu gương tốt nhất.
Kẻ khác chẳng sửa đổi tật xấu, lỗi lầm, [tức là] chính mình chưa làm đủ tốt. Đấy mới là lời thật, mới là nguyên nhân thật sự. Ta làm rất tốt, mà người khác vẫn chẳng bị cảm động, quý vị vẫn làm chưa đủ! Ngày nào quý vị làm được như vua Thuấn, chắc chắn họ sẽ bị cảm động. Do vậy, “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (có điều gì chẳng làm được, hãy xét lại mình), lời này là chân lý, chắc chắn chẳng sai. Nay chúng ta chẳng cảm động đạo tràng, chẳng cảm động gia đình chúng ta, tức là ta chẳng làm đủ tốt, nhất định phải sanh lòng hổ thẹn. Thật sự làm tốt, há có lẽ nào chẳng cảm động kẻ khác? Quý vị muốn khiến cho người khác tốt đẹp, chính mình phải tốt đẹp trước đã. Chính mình chẳng tốt, sẽ chẳng có tư cách dạy người khác. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi nói tới chỗ này!
Tập 1530
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ hai trong tiểu đoạn Đổ Sự Cảnh Nguyện thuộc đoạn lớn thứ sáu, xem từ bài kệ tụng thứ hai.
(Kinh) Nhược kiến đại trụ, đương nguyện chúng sanh, ly ngã tránh tâm, vô hữu phẫn hận.
(經)若見大柱。當願眾生。離我諍心。無有忿恨。
(Kinh: Nếu thấy cột lớn, nguyện cho chúng sanh, lìa tâm ngã tránh, chẳng có phẫn hận).
Đối với bài kệ này, trong phần chú giải, Thanh Lương đại sư đã chú thích rất rõ ràng.
(Sớ) Cựu kinh vân đại thụ.
(疏)舊經云大樹。
(Sớ: Bản dịch cũ nói là “cây to”).
Đây là vì phiên dịch [sai khác]. Danh từ tiếng Phạn có hai ý nghĩa, từ tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán, Trung Hoa sử dụng lối phiên âm thành Tát-đam-bà (Stambha). Ở Ấn Độ vào thời cổ, Tát-đam-bà có hai ý nghĩa: Một là đại trụ (大柱, trụ to), hai là đại thụ (大樹, cây to). Do đó, trong Lục Thập Hoa Nghiêm, bài kệ này được chép là “nhược kiến đại thụ” (nếu thấy cây to), còn trong Bát Thập Hoa Nghiêm là “nhược kiến đại trụ”. Đây là một danh từ mà có hai ý nghĩa. Hai ý nghĩa ấy tuy khác nhau, nhưng cổ nhân giải thích cũng rất có lý: Chúng đều có tác dụng chịu đựng sức nặng. Tạo dựng nhà ở, cây cột chịu sức nặng rất lớn. Cây to cũng giống như vậy, cành lá hoa quả hết sức xum xuê cũng là do thân cây gánh chịu. Vì thế, nói theo phương diện này, ý nghĩa có thể tương thông.
Đây là những sự vật mà bậc tỳ-kheo trông thấy trên đường khi ra ngoài khất thực. Trong phần trước là thấy người, trên đường trông thấy người ta, có khá nhiều người tụ tập tán gẫu; đấy là một cơ hội giáo dục cho người xuất gia, chớ nên xem nhẹ! Niệm nào cũng đều mang đại nguyện độ chúng sanh, niệm nào cũng đều mong giúp cho hết thảy chúng sanh giác ngộ. Một trăm bốn mươi mốt nguyện trong phẩm kinh này chính là pháp tu của bậc Pháp Thân Bồ Tát. Vì thế, từ chỗ này, chúng ta thấy được sự học Phật của chúng ta và sự học Phật của Bồ Tát. So sánh hai chuyện ấy, sẽ thấy rất rõ! Trong tâm Bồ Tát, niệm nào cũng đều chẳng quên chúng sanh, đều nhằm giúp đỡ chúng sanh giác ngộ. Thấy có mấy kẻ đang tụ họp tán gẫu, Ngài bèn “đương nguyện chúng sanh, thuyết thậm thâm pháp, nhất thiết hòa hợp” (nguyện cho chúng sanh, nói pháp rất sâu, hết thảy hòa hợp). Bài kệ ấy (tức bài kệ trước bài kệ này) hết sức thích hợp nhu cầu hiện thời. Trong hiện thời, xã hội cực kỳ bất hòa, lòng người bộc lộ rõ tánh bộp chộp, xáo động, xác thực là chỉ mong cầu lợi lộc, niệm nào cũng đều là “tổn người, lợi mình”. Vì thế, xã hội xáo động, bất an.
Mọi người đều biết nhu cầu bức thiết trong xã hội hiện thời là an định, hòa bình. Nếu chẳng thể thực hiện an định, hòa bình, nói theo tôn giáo phương Tây, sẽ là “tận thế”, chúng tôi càng nghĩ càng thấy có thể! Lại còn càng thấy là dường như chuyện này sẽ hiện tiền rất nhanh chóng! Đấy là một vấn đề hết sức nghiêm trọng! Có biện pháp nào cứu vãn hay chăng? Xác thực là có biện pháp! Đặc biệt là Đại Thừa Phật pháp. Trong niên đại bảy mươi, một triết gia người Anh là tiến sĩ Thang Ân Tỷ (Arnold Toynbee) đã nói rất có lý: “Để giải quyết những vấn đề xã hội trong thế kỷ hai mươi mốt, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh của Trung Hoa và Đại Thừa Phật pháp”.
Từ Đại Thừa Phật pháp, chúng ta thấy: Đối với bất luận vấn đề nào trong hiện thời, nếu dùng những điều này làm nguyên tắc chỉ đạo để giải quyết hoặc thực hiện, sẽ chẳng có khó khăn tí nào! Nhưng người hiện thời chẳng tin tưởng Phật pháp, cứ ngỡ đấy là tôn giáo, là mê tín, chẳng mong muốn tiếp xúc. Thứ tốt đẹp như thế, thứ đối với hiện tiền có lợi ích thù thắng khôn sánh như vậy ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, quý vị nói có đáng tiếc lắm hay chăng? Chuyện này chúng ta chẳng thể trách người khác, mà trách gì? Trách bọn tứ chúng đệ tử học Phật chúng ta chẳng thực hiện tốt đẹp! Vì thế khiến cho đại chúng trong xã hội nẩy sanh hiểu lầm nghiêm trọng đối với Phật giáo. Ngẫm xem, thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, vì sao người ta chẳng hiểu lầm? Thuở Gia Tô (Jesus), Mục Hãn Mặc Đức (Mohamed) tại thế, bao nhiêu kẻ tôn kính, bao nhiêu người học theo họ. Vì sao? Chẳng có chi khác, rất đơn giản, họ đã làm được. Làm được rồi mới nói, chẳng có ai không phục! Do vậy, đấy là những bậc thánh nhân. Thánh nhân và phàm nhân sai khác ở chỗ này. Phàm nhân nói suông, chứ chẳng làm được. Nói rồi làm chẳng được thì chính là gạt người! Thánh nhân làm được rồi Ngài mới nói, Ngài làm được trước đã! Hiền nhân là học trò của thánh nhân, sau khi đã nói bèn có thể làm được. Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải nghiêm túc học tập đạo lý này.
So sánh bài kệ này giữa Lục Thập Hoa Nghiêm và Bát Thập Hoa Nghiêm, tôi cảm thấy phiên dịch như Lục Thập Hoa Nghiêm rất hay. Vì sao? Xác thực là quý vị thường thấy cây to trên đường, chứ cột to chẳng dễ thấy cho lắm! Trừ phi có kiến trúc theo kiểu cung điện thì quý vị mới có thể trông thấy cột to. Kiến trúc dân gian thông thường chẳng có cột rất lớn, chẳng dễ trông thấy; do vậy, tôi cảm thấy dịch là “đại thụ” hay hơn “đại trụ” rất nhiều! Thấy chuyện này, dẫn phát hoằng nguyện của Bồ Tát, “ly ngã tránh tâm, vô hữu phẫn hận” (lìa tâm ngã tránh, chẳng có phẫn hận). “Tránh” (諍, tranh chấp) là cội nguồn của sự oán hận; chẳng có tranh chấp, lấy đâu ra oán hận? Chuyện này cũng chẳng phải là chuyện nhỏ! Những chuyện phát sanh trong cuộc sống hằng ngày đúng là vô lượng vô biên, Bồ Tát nêu ra một trăm bốn mươi mốt thí dụ. Một trăm bốn mươi mốt thí dụ ấy, triển khai ra, sẽ là vô lượng sự vật lụn vụn mà sáu căn của chúng ta tiếp xúc! Quý vị liễu giải đạo lý này, mới hiểu mỗi câu, mỗi chữ trong phần kinh văn này đều chứa đựng ý nghĩa rất sâu, hết sức trọng yếu! Pháp thế gian và Phật pháp đều chẳng lìa nhân quả. Khá nhiều chuyện phát sanh, nếu truy cầu nguyên nhân khiến cho sự tình phát sanh, sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được cái nhân thật sự. Đến đâu để tìm? Cái nhân thật sự phải tìm trong đời quá khứ!
Năm xưa, tôi ở Mỹ, các đồng tu ở Mỹ đại khái đều biết: Trong thời gian Kháng Chiến, tại Mỹ có một nhà tiên đoán tên là Khải Tây (Edgar Cayce). Tôi có xem truyện ký của người này, dường như là ông ta chỉ học hết Sơ Trung (cấp hai), chẳng có học vị gì. Năng lực của ông ta, nói theo kinh Lăng Nghiêm, là do có linh quỷ dựa thân, chẳng phải là năng lực [thật sự] của ông ta. Linh quỷ ấy rất có duyên phận với ông ta, [duyên phận] trong quá khứ hết sức tốt đẹp, cho nên linh quỷ đến báo ân, đến giúp đỡ ông ta. Do vậy, năng lực của ông ta quá nửa là [thể hiện] trong khi ngủ. Chẳng phải là ông ta thôi miên người khác, mà là tự mình ngủ. Trong khi ngủ, người khác nêu ra câu hỏi, ông ta thuận miệng trả lời, người khác thâu âm, ghi chép lại. Sau khi ông ta tỉnh giấc, đem hỏi ông ta, chuyện gì ông ta cũng đều không biết. Người mắc nghi nan tạp chứng ông ta đều có thể chữa khỏi. Bác sĩ đã bỏ cuộc, chẳng có cách nào trị liệu, tìm đến ông ta; ông ta dùng phương pháp này có thể trị lành bệnh của người đó. Ông ta tìm ra nguyên nhân gây bệnh, tìm trong đời quá khứ, tìm được cái nhân gây ra bệnh. Ông ta có năng lực ấy. Sau khi đã tìm ra, lại còn nói rõ với người ấy, nghi lự trong lòng người ấy buông xuống. Đấy mới chính là cái gốc bệnh. Sau khi đã hóa giải, người ấy chẳng có nghi lự. Do vậy, kết luận cuối cùng chính là “hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng” như Phật pháp đã nói. Trong tâm quý vị thật sự có hoài nghi, có nghi lự; đó chính là gốc bệnh. Chuyện nghi lự thường là dính dáng đến đời quá khứ.
Do đó, Khải Tây kết luận, ông ta nói: “Người trên toàn thể thế giới, bất cứ chuyện gì phát sanh trong đời của bất cứ ai, chuyện lớn hay nhỏ, chẳng có chuyện gì là ngẫu nhiên, đột nhiên phát sanh, chẳng có nguyên nhân! Chẳng thể nào!” Nói cách khác, bất cứ chuyện gì cũng đều có nhân duyên trong đời quá khứ, có nhân duyên trong kiếp trước. Nhân trong đời trước là như nhà Phật nói: “Muốn biết cái nhân trong đời trước, những gì phải hứng chịu trong đời này chính là nó. Muốn biết cái quả trong đời sau, những gì đã làm trong đời này chính là nó”. Nhân quả ba đời thì quý vị mới có thể giải quyết vấn đề. Y Tư Lan (Islam), tức là đạo Hồi, nói nhân quả hai đời, nhưng tôi đọc kinh Cổ Lan (Q’uran), vẫn thấy là nhân quả ba đời. Trong kinh Cổ Lan có sáu tín điều cơ bản, một điều trong ấy là “tin vào tiền định”. Lời này nói rất hữu lý, nói suông tai. Nếu chẳng có tiền định, Thượng Đế tạo ra loài người, cớ sao tạo người này hưởng phước, tạo ra kẻ kia chịu tội? Chẳng phải là Thượng Đế rất không công bằng ư? Há có lẽ ấy! Tin vào tiền định, vấn đề này đã được giải quyết. Thượng Đế tạo ra con người chẳng do ý nghĩ của chính Ngài, [mà là] do tiền định. Trong đời quá khứ, quý vị tu thiện, đời này quý vị hưởng phước. Trong đời quá khứ đã tạo tội nghiệp, đời này quý vị phải chịu tội. Nói kiểu ấy xuôi tai, tin vào tiền định mà! Đời này quý vị nghèo, giàu, sang, hèn, cát, hung, họa, phước được định đoạt bởi những nghiệp nhân do quý vị đã tạo trong đời quá khứ. Điều này giống như Phật pháp đã nói. Nói theo Phật pháp là nhân quả, chẳng phải là do Thượng Đế ban cho quý vị, chẳng phải là do Phật, Bồ Tát ban cho quý vị! Phật, Bồ Tát chẳng có năng lực ban phước cho quý vị, mà cũng chẳng có năng lực khiến cho quý vị chịu tội. Thật đấy! Cát, hung, họa, phước là do nghiệp báo của chính quý vị!
“Tránh” (諍, tranh cãi) là ác duyên, “phẫn hận” là nghiệp nhân. Chúng tôi nghĩ tới nền giáo dục trong thế giới hiện thời. Năm trước, học viện Hòa Bình thuộc đại học Côn Sĩ Lan (Queensland) của Úc mời tôi tổ chức một buổi tọa đàm dành cho các giáo sư của họ. Chủ đề thảo luận là “làm thế nào để hóa giải xung đột, xúc tiến sự an định, hòa bình trên thế giới?” Đề mục này rất lớn. Trước đó, tôi nghe học viện Hòa Bình báo cáo, mới biết tám đại học trên khắp thế giới mở khoa này, mà đại học Côn Sĩ Lan vẫn dẫn đầu trong tám đại học. Sau sự kiện Mười Một tháng Chín, các giáo sư trong học viện cảm thấy chiến tranh lạnh hay nóng đều chẳng thể giải quyết vấn đề; cho nên đã nghĩ có thể thay đổi phương pháp hay không, vận dụng phương pháp hòa bình. Vì thế, vị Hiệu Trưởng cử hai giáo sư đến Đồ Văn Ba (Toowoomba) kiếm tôi, mời tôi cùng đến thảo luận vấn đề này.
Tôi nghe báo cáo xong, [nhận thấy] cách nghĩ và cách làm của họ chẳng tìm ra nguyên nhân thật sự gây nên xung đột. Họ lại còn có quan niệm giải quyết vấn đề lệch lạc. Họ cho rằng phương pháp tốt nhất để tiêu diệt khủng bố là trả đũa, dùng vũ lực, dùng giáng trả. Chúng ta biết, dùng vũ lực, dùng báo thù thì sự oán cừu càng ngày càng kết sâu dầy hơn, đời đời kiếp kiếp chẳng hết, chẳng xong. Nguyên nhân chánh yếu là vì quý vị cường đại, họ chẳng đánh nổi quý vị. Đánh chẳng nổi thì người ta sẽ nghĩ ra phương thức khác, tức là chiến tranh du kích, hoặc chiến tranh khủng bố. Do vậy, tôi nói với họ, đấy là một loại hình thái chiến tranh khác dành cho các nước lớn, quý vị có vũ khí hạch nhân, có hỏa tiễn, có xe tăng, nhưng thảy đều chẳng dùng được. Cuộc chiến tranh ấy quý vị hoàn toàn chẳng sử dụng được [những thứ vũ khí vừa kể trên đây]. Trong một năm, hoạt động khủng bố kiểu đó xảy ra dăm ba lượt, khiến cho lòng người trong cả nước bất an. Hằng ngày luôn sống trong khủng bố, tinh thần của quý vị căng thẳng. Người sống cuộc đời căng thẳng, dăm ba năm thần kinh sẽ có vấn đề, họ (đối thủ của quý vị) sẽ chiến thắng.
Quốc gia của quý vị có một phần ba [dân chúng] mắc bệnh thần kinh, hoặc có một nửa bị bệnh thần kinh, như vậy thì họ đã chiến thắng rồi! Quý vị hãy suy ngẫm tình hình thực tế có phải đúng như vậy hay chăng? Phòng ngự chẳng nổi, đấy là chuyện lớn, chẳng phải là chuyện nhỏ! Nếu chẳng thể hóa giải chuyện này, họ hỏi tôi, hoạt động khủng bố ước chừng mất bao lâu mới có thể kết thúc? Tôi nói tối thiểu là ba trăm năm, mọi người nghe nói đều sững sờ! Thật đấy, chẳng giả! Cổ nhân thường nói: “Oan gia nghi giải bất nghi kết” (Oan gia nên cởi gỡ, đừng nên thắt buộc). Nhất định phải hóa giải, quyết định chẳng thể dùng vũ lực, vũ lực chẳng thể giải quyết vấn đề. Từ xưa tới nay, quý vị nhìn vào lịch sử toàn thế giới, có chuyện nào có thể giải quyết bằng chiến tranh? Mỗi lần chiến tranh đều lưu lại hậu quả. Trong lịch sử vẫn chưa có trường hợp nào [chứng tỏ] chiến tranh [có thể] giải quyết vấn đề! Chúng ta chớ nên không hiểu điều này.
Do vậy, tôi hỏi một vị giáo sư già ngồi đối diện với tôi. Tôi thấy tên ông ta được xếp hàng thứ hai, [ông ta] phải là một vị giáo sư già rất uyên thâm. Ông ta là người Mỹ. Tôi hỏi ông ta, tôi nói: “Ở Mỹ, có phải là từ Mẫu Giáo, trẻ con đã được bắt đầu dạy cạnh tranh hay không?” Ông ta bảo: “Đúng vậy! Dạy cạnh tranh từ nhỏ”. Tôi nói: “Ngài có biết hay không? Cạnh tranh ở mức độ cao hơn, sẽ là đấu tranh. Đấu tranh lại ở mức độ cao hơn, sẽ là chiến tranh. Quan niệm giáo dục ấy chính là đi theo tử lộ!” Ông ta nghe xong, ngẫm nghĩ, chẳng đáp lời tôi. Sau đấy, tôi mới nói với ông ta, ở phương Đông, giáo dục của Trung Hoa từ bé dạy điều gì? Dạy lễ nghĩa, nhường nhịn, nhượng bộ lẫn nhau, chẳng tranh chấp. Hễ tranh chấp, nhất định là sẽ có thắng bại. Kẻ thua chẳng cam lòng, lẽ nào chẳng oán hận? Kẻ thắng kiêu ngạo, cuồng vọng. Nói theo phía kẻ thua, sẽ kích động sự tức giận, kích động lòng ganh tỵ của kẻ đó. Mâu thuẫn xung đột trong xã hội sẽ nẩy sanh từ chỗ này. Phải nên biết điều này. Đấy là vấn đề giáo dục, tùy thuộc quý vị dạy dỗ theo cách nào.
Nói đến giáo dục, so sánh với bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên cả thế giới, Trung Hoa xác thực là bậc nhất. Nền giáo dục Trung Hoa có lịch sử năm ngàn năm, kinh nghiệm năm ngàn năm, trí huệ năm ngàn năm, phương pháp và hiệu quả năm ngàn năm. Nếu quý vị xem kỹ lịch sử, sẽ có thể thấy quốc gia dân tộc này vĩnh viễn là hòa bình, nỗi bất hạnh nẩy sanh cũng bất quá là chuyện trong hơn một trăm năm gần đây. Sau cuộc chiến tranh Nha Phiến, người Hoa nẩy sanh niềm hoài nghi đối với truyền thống, niềm nghi hoặc ấy là sai lầm. Tiếp đó, nhà Mãn Thanh suy bại, diệt vong, tiến vào đầu thời Dân Quốc, quân phiệt cát cứ. Kế đó là chiến tranh Trung Nhật, cuối cùng là Cộng Sản thống trị. Vì thế, nền giáo học năm ngàn năm của Trung Hoa bị cắt đứt như thế đó. Thời gian thật sự đứt đoạn đại khái là bảy, tám chục năm. Bảy, tám chục năm không kể là dài, nhưng cũng chẳng ngắn, hiện thời muốn cứu vãn còn kịp. Hiện thời chẳng cứu, nếu qua năm năm, mười năm nữa, thần tiên cũng chẳng cứu được, vì sao? Chẳng có người.
Lứa tuổi tôi còn dính líu mấp mé đôi chút với giáo dục truyền thống, những kẻ nhỏ hơn tôi năm tuổi sẽ chẳng dính dáng, dẫu mấp mé cũng chẳng có! Nhưng một chút mấp mé ấy vẫn khởi tác dụng rất lớn: Suốt đời này chẳng học theo điều xấu, chẳng bị dụ dỗ, mê hoặc, chẳng bị dao động bởi tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, [toàn là] do cậy vào một chút căn cơ ấy. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Tam tuế khán bát thập, thất tuế khán chung thân” (Từ tính cách của một người lúc ba tuổi, sẽ có thể thấy tính cách vào lúc tám mươi tuổi. Từ tính cách lúc bảy tuổi, có thể thấy tính cách của con người suốt đời). Xác thực là tôi được tiếp xúc bờ mé [của nền giáo dục truyền thống] trước khi bảy tuổi. Sau khi tôi đã bảy tuổi, sự giáo dục ấy chẳng còn nữa, nền giáo dục tư thục đã bị thay thế bởi nhà trường [công lập], chẳng còn những lễ tiết thời cổ, đã đổi thành hình thức hiện đại. Khi đó, chúng tôi vào trường tư thục gặp thầy bèn quỳ lạy dưới đất. Về sau, nhà trường đã thành lập, trông thấy thầy bèn khom mình, chẳng quỳ lạy nữa! Trong tư thục, hễ vào học, trước hết, nhất định là phải hành lễ ba lần quỳ, chín lần dập đầu trước Khổng Tử. Vào trường học, chẳng có thứ lễ ấy. Từ xưa tới nay, Trung Hoa là “lễ nghĩa chi bang” (xứ sở lễ nghĩa). Nếu lễ bị mất đi, bị sơ sót, sẽ chẳng có quy củ, sẽ chẳng có khuôn phép! Nếu con người chẳng có khuôn phép, người ta có thể làm lành, có thể tạo ác. Nếu chẳng có khuôn phép, họ sẽ hướng theo phía làm ác, rất nhiều người nói “kẻ ấy ngay cả cầm thú vẫn chẳng bằng!” Thật vậy! Quý vị thấy hiện thời người tạo nghiệp rất nhiều!
Điểm đặc sắc trong nền giáo dục Trung Hoa là gia đình, bắt đầu dạy từ lúc trẻ nhỏ vừa mới được sanh ra. Ai dạy nó? Cha mẹ. Tuy nó rất nhỏ, mới ra đời hai, ba ngày, vừa mở mắt ra, nó có thể nhìn, tai nó có thể nghe. Những lời nói, hành vi, cử chỉ của người lớn đã tạo ấn tượng cho nó. Nói theo kiểu hiện thời là “in vào não”, nói theo Phật pháp là “in vào A Lại Da Thức”. “Thiểu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên” (Tập thành từ nhỏ sẽ giống như bẩm tánh, do thói quen mà trở thành tự nhiên). Đấy là căn cội của nó, sẽ dấy lên tác dụng rất lớn. Nếu căn cội ấy sâu dầy, kiên cố, ba tuổi là nó đã có năng lực phân biệt điều nào là tốt, điều nào xấu, điều nào là đúng, điều nào là sai, nó có năng lực ấy. Do vậy, nó sẽ chẳng học theo điều xấu! Phải vun quén căn cội ấy sâu xa, phải vun quén cho vững. Vì vậy, đây là chuyện của người mẹ.
Trong Ngũ Luân có “nam nữ hữu biệt”, [ý nói] chức trách của người nữ nặng hơn người nam chẳng biết bao nhiêu lần. Khổng Tử là do mẹ Ngài dạy dỗ. Ngài ba tuổi, cha mất, mẹ nuôi lớn khôn, mẹ Ngài đã dạy dỗ Ngài nên người. Mạnh Tử cũng do mẹ dạy dỗ. Các bậc khai quốc nhà Châu như Văn Vương, Vũ Vương, Châu Công, có vị nào chẳng phải do mẹ dạy dỗ? Hiện thời, người Hoa gọi vợ là “thái thái” (太太). Hai chữ Thái Thái do đâu mà có? Chính là do ba người mẹ vĩ đại khai quốc của nhà Châu. Bà nội của Châu Văn Vương là Thái Khương (太姜), mẹ Ngài là Thái Nhậm (太任), vợ Ngài là Thái Tự (太姒). Tên của ba vị ấy đều có chữ Thái. Quý vị thấy phát xuất từ gia đình họ, Châu Văn Vương là con trai của Thái Nhậm, Châu Vũ Vương là con trai của Thái Tự. Châu Công cũng là con của Thái Nhậm. Do vậy, gọi là Thái Thái. Thái Thái là mẹ của thánh nhân, bà ta có thể dạy [con cái] thành thánh nhân.
Nhà Châu làm vua suốt tám trăm năm, là triều đại dài nhất trong lịch sử Trung Hoa. Hoàng đế đời cuối trái nghịch giáo huấn của tổ tiên, làm ngược lại, nên mới mất nước. Nếu có thể tôn sùng khuôn phép của tổ tiên, đều có thể y giáo phụng hành, chỉ sợ cho tới thời đại hiện thời, vẫn là nhà Châu! Khổng Tử hết sức tán thán chế độ thời Châu. Chế độ ấy do Châu Công định ra. Châu Lễ tương đương với hiến pháp trong hiện thời. Thuở trẻ, tôi thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ, thầy Phương hết sức tán thán Châu Lễ. Cụ bảo tôi rất nhiều lượt, bảo tôi phải đọc. Tôi có mua sách ấy, nhưng chẳng đọc. Đối với Tam Lễ[3], tôi chỉ đọc Lễ Ký, chứ Châu Lễ và Nghi Lễ đều chẳng đọc. Vì sau này, đã tiếp xúc Phật pháp, tôi cũng chẳng mong làm chánh trị, cho nên chẳng có hứng thú sâu đậm đối với chúng. Nhưng thầy đã nói quá nhiều lần, tôi biết tầm trọng yếu của bộ sách ấy. Thầy nói mấy ngàn năm qua, mãi cho đến hiện thời, chẳng có bất cứ một bộ pháp điển nào có thể sánh bằng Châu Lễ! Thầy Phương bảo tôi như thế đó!
Do vậy, giáo học Trung Hoa là giáo dục ấu nhi, người ngoại quốc chẳng nghĩ tới chuyện này. Cha mẹ ở trước mặt con cái, trẻ thơ sanh ra vài ngày, lời ăn tiếng nói và cử chỉ [của cha mẹ] đều chẳng thể tùy tiện, hoàn toàn phải để cho trẻ thấy, nghe, tiếp xúc, toàn là những thứ chánh đáng. Nói cách khác, luân lý, đạo đức phải do cha mẹ làm cho trẻ nhỏ thấy. Trẻ nhỏ từ bé đã trưởng thành trong hoàn cảnh ấy, suốt đời nó sẽ chẳng thay đổi. Vì thế, người mẹ rất vĩ đại! Đời sau tôn xưng [người vợ] là Thái Thái, danh từ Thái Thái tôn quý khôn sánh! Người hiện thời chẳng biết hai chữ ấy do đâu mà có, cũng chẳng hiểu ý nghĩa thật sự, [là vì] người hiện thời phạm lỗi không đọc sách.
Ông Thang Ân Tỷ (A. Toynbee) nói rất hay. Toàn thể xã hội động loạn dường ấy, lòng người bộp chộp, xáo động, Nho và Phật đều nói đến Tĩnh, đều nói đến Định. Nho gia bảo: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc” (Sau khi đã biết ngưng dứt, sẽ có Định. Sau khi đã có Định bèn có thể tĩnh. Tĩnh rồi sẽ có thể an. Đã an sẽ có thể suy nghĩ, sau khi đã suy nghĩ sẽ có thể đạt được). Lự là do trí huệ sanh khởi, Định sanh Huệ. Nhà Phật gọi “tri chỉ” là Giới. Đã tri chỉ rồi thì sẽ có Định, nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ.
Nếu muốn cho xã hội khôi phục nề nếp bình thường, xã hội xác thực vốn là hài hòa, vũ trụ vốn là hài hòa. Tinh hệ là hài hòa, địa cầu là hài hòa. Tất cả các sinh vật trên địa cầu vốn là hài hòa, vì sao hiện thời lại loạn như thế? Ắt là do tư duy, ngôn hạnh của những người sống trên địa cầu lệch lạc, đi sai phương hướng. Họ đi theo hướng nào? Đi theo hướng ích kỷ. Ai nấy đều ích kỷ, ai cũng muốn tổn người lợi mình, lẽ nào chẳng xung đột cho được? Làm sao không oán hận cho được? Lẽ đâu chẳng trả đũa cho được? Đấy mới là cái nhân thật sự; cái nhân thật sự gây ra xung đột là ở chỗ này. Hóa giải bằng cách nào? Để hóa giải mà quý vị đòi hỏi đối phương hóa giải trước thì sẽ chẳng thể được! Sẽ vĩnh viễn chẳng thể làm được! Thánh nhân dạy mọi người: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (Có chuyện gì chẳng làm được, hãy quay lại xét mình). Chỉ có từ nội tâm của chính mình, hóa giải hết sạch ý niệm đối lập với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, vĩnh viễn chẳng đối lập với kẻ khác, vĩnh viễn chẳng đối lập với sự, chẳng đối lập với hết thảy mọi vật, cái tâm của quý vị sẽ bình lặng. Lại có thể buông xuống hết thảy nghi lự, phân biệt, buông xuống phiền não, tâm quý vị sẽ thanh tịnh. Vì sao không thanh tịnh? Do ích kỷ, tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn, tâm quý vị làm sao thanh tịnh cho nổi? Tâm chẳng thanh tịnh, trí huệ chẳng sanh!
Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh, sẽ sanh Thật Tướng). Thật Tướng là trí huệ Bát Nhã. Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, trí huệ viên mãn trọn đủ. Nói cách khác, quá khứ, hiện tại, vị lai, cõi này, phương khác, không gì chẳng biết. Là ai vậy? Là bản thân quý vị, là bản năng (本能, năng lực sẵn có) của quý vị. Nay quý vị đánh mất năng lực ấy, vì sao bị mất? Vì quý vị có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, chướng ngại tồn tại! Quý vị có năng lực, “đức” (德) là năng lực, thường nói là “vạn đức vạn năng”, chẳng có thứ gì trong vũ trụ mà quý vị không biết! Năng lực của quý vị đi đâu rồi? Vẫn là do bị những thứ ấy chướng ngại! “Tướng” (相) là tướng hảo, hiện thời nói là “phước báo”. Tướng hảo của quý vị, nói theo thân thể, thì thân có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, chẳng phải chỉ là ba mươi hai tướng và tám mươi thứ hảo! Tướng hảo bị mất đi! Đối với hoàn cảnh sống, quý vị đọc kinh Di Đà, đọc kinh Hoa Nghiêm, quý vị nhìn vào sự hưởng thụ vật chất trong thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng. Chẳng cần nói chi khác, nói đến đất thì “hoàng kim vi địa” (vàng ròng làm đất), vàng ròng dùng để lót đường! Đường sá trong cõi đất hiện thời của chúng ta là đường trải nhựa, thế giới Tây Phương là vàng ròng lót đường. Vật liệu để xây dựng cung điện là bảy báu, chẳng phải là gỗ. Quý vị nghĩ phước báo ấy to cỡ nào! Đều là những thứ quý vị vốn sẵn có, vốn trọn đủ, nay đều bị mất đi, nguyên nhân là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đời đời kiếp kiếp bị hại thê thảm, quý vị vẫn chẳng biết!
Đức Phật dạy chúng ta: Chỉ cần quý vị buông xuống, [những đức năng, tướng hảo ấy] sẽ ngay lập tức hiện tiền. Vì thế, buông xuống chấp trước, chẳng còn chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, người ấy sẽ chứng quả A La Hán, vượt thoát lục đạo, phước báo ấy to lớn. Nếu buông xuống phân biệt, chẳng còn phân biệt hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, sẽ chứng quả vị Bồ Tát. Lại tiến cao hơn một tầng nữa, buông xuống vọng tưởng, vọng tưởng là khởi tâm động niệm, quý vị sẽ nhập cảnh giới Hoa Tạng, sẽ là Thường Tịch Quang Tịnh Độ hoặc Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ trong thế giới Cực Lạc.
Đức Phật nói lời thật cùng chúng ta: Mê là do chính quý vị mê, ngộ cũng là do chính quý vị ngộ. Phật [có muốn] giúp đỡ dẫu bằng mảy may cũng không được! Đức Phật chỉ bảo quý vị: “Ta đã buông xuống, thảy đều đạt được. Nếu quý vị buông xuống, sẽ giống như ta, quý vị cũng sẽ đạt được”. Đấy là chân tướng sự thật, kinh Bát Nhã [gọi chân tướng ấy] là “chư pháp Thật Tướng”. Quý vị mới có thể thật sự thấu hiểu, khế nhập cảnh giới này, sẽ là như trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân”. Câu nói này có nghĩa là gì? Toàn thể thân tâm của quý vị và vũ trụ dung hợp thành một Thể, chẳng có sanh diệt. Điều này được gọi là Đại Bát Niết Bàn, chẳng có sanh diệt! Trung Quán Luận nói: “Bất sanh, bất diệt, bất lai, bất khứ, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị” (Chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng một, chẳng khác). Nói đến tám cái Bất, đấy chính là chân tướng sự thật. Do vậy, căn bệnh là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chẳng buông những thứ ấy xuống, quý vị sẽ chẳng thể nhập thế giới chân thật, vĩnh viễn cách biệt chân tướng của thế giới ấy một tầng. Bất luận là từ vật lý hay từ tâm lý, đều chẳng được! Vì thế, bí quyết giáo học của nhà Phật là “thấy thấu suốt, buông xuống”, Chương Gia đại sư dạy tôi điều này, chúng ta dễ hiểu. Nếu dùng danh từ Phật học, đôi khi chúng ta mê hoặc, đâm ra khó hiểu! Nhà Phật nói là Chỉ Quán. Quán là “thấy thấu suốt”, Chỉ là “buông xuống”. Hoặc là như nhà Thiền nói Tĩnh Lự, Tĩnh là buông xuống, Lự là thấy thấu suốt. Chúng ta thấy Nho gia nói đến chuyện này, tuy chẳng tinh vi như nhà Phật, nhưng cũng là có nhắc đến.
Truyền thống giáo dục của Trung Hoa lấy Nhân (lòng nhân từ) làm gốc. Ai muốn thật sự đạt được hạnh phúc mỹ mãn trong một đời, phải dùng điều này làm quan niệm cốt lõi cho sự giáo học. Vì thế, người Hoa nói đến “phước” thì thuở thiếu niên, giáo dục nhằm vun quén căn cội cho quý vị. Căn cơ của phước đức [được vun đắp] trong tuổi thiếu niên. Người phương Tây cũng khẳng định, tôi đọc những lời bàn luận của ông Thang Ân Tỷ (A. Toynbee), ông ta cũng có đề cập: “Nhân cách nhất định phải được bồi dưỡng trước bảy tuổi”. Điều này hoàn toàn giống như quan niệm của cổ thánh tiên hiền. Người Hoa nói: “Tam tuế khán bát thập, thất tuế khán chung thân”, hoàn toàn tương ứng với quan niệm của ông Thang Ân Tỷ, giống như xây nhà vậy. Dàn khung của căn nhà, kết cấu khung đỡ phải hoàn thành trước khi bảy tuổi. Sau bảy tuổi, [những thứ thêm vào] sẽ là những thứ trang hoàng, thuộc về bề ngoài, là trang sức cho nội quan, [nội quan] phải chắc thật. Phải dựng khung nhà kỹ lưỡng trước, quý vị nói xem, có trọng yếu lắm hay không?
Hiện thời, những thứ ấy đã bị chúng ta vứt bỏ gần tám mươi năm. Hiện thời, phải thực hiện chuyện khôi phục từ ở chỗ này. Đối với giáo học trong hiện tại, chúng tôi đề xướng Đệ Tử Quy, đề xướng Thập Thiện Nghiệp Đạo. Vì sao? Đấy là căn bản của căn bản, là kết cấu khung nhà. Đệ Tử Quy là kết cấu khung nhà của Nho gia, Thập Thiện Nghiệp Đạo là kết cấu khung nhà của Phật pháp. Đối với ý kiến do ông Thang Ân Tỷ đã nêu ra, tôi cũng thêm vào một dấu hỏi: “Nho thật sự có thể cứu vãn thế giới này ư? Phật thật sự có thể cứu chúng sanh ư?” Quý vị thấy hiện thời người học Phật bao nhiêu, hiện thời người học Nho cũng không ít, họ có thể cứu vãn thế giới ư? Họ có thể giải quyết vấn đề trước mắt hay chăng? Hễ hỏi điều này, mọi người đều nghi hoặc, vì sao? Hễ nói tới Nho, nhất định sẽ nghĩ tới Tứ Thư, Ngũ Kinh, hoặc mười ba kinh. Nói tới Phật, nhất định nghĩ đến Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, những kinh giáo Đại Thừa giống như vậy. Không được rồi, đó là những món trang sức của chúng (Nho và Phật), là cành, lá, hoa, quả của chúng, quý vị phải tìm cho ra cội rễ. Chẳng thấy cội rễ chôn vùi trong bùn đất.
Cội rễ của Phật là Thập Thiện Nghiệp Đạo, cội rễ của Nho là cội rễ của nền giáo dục truyền thống Trung Hoa. Nho kế thừa truyền thống giáo học của Trung Hoa. Cội rễ chính là Ngũ Luân, Ngũ Thường, Bát Đức. Luân thường đạo đức được ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày qua xử sự, đãi người, tiếp vật chính là Đệ Tử Quy. Quý vị mới biết thứ này quan trọng. Nếu quý vị nghiêm túc học hai thứ này, [sẽ là] chúng sanh có phước, có thể giúp đỡ, có thể tiếp nhận, thế giới này còn được cứu. Chúng sanh thật sự chẳng có phước thì [tối thiểu là] chính mình được cứu giúp. Vì sao? Dẫu thế giới này hủy hoại, đấy là chuyện thường có. Chúng sanh đều bị tiêu diệt, hủy diệt, nhưng linh tánh bất diệt. [Cái bị] hủy diệt là thân thể, thân chẳng phải là ta. Linh tánh bất diệt, linh tánh tiến cao hơn, chẳng bị đọa xuống. Nếu quý vị có ý niệm ấy, tức là tư tưởng ý niệm ấy bất chánh, quý vị tạo ác nghiệp, đã trái nghịch tâm tánh, vậy là quý vị sẽ bị đọa lạc, sai mất rồi! Tư tưởng và ngôn hạnh của quý vị phải luôn tương ứng với bản tánh, bản tánh vốn lành. Quý vị thấy Tam Tự Kinh nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (Con người thoạt đầu tánh vốn lành). Bản tánh vốn là lành, hết thảy những thứ bất thiện chính là tập tánh, chẳng phải là bản tánh! Phàm tư tưởng và hành vi tương ứng với bản tánh, quý vị nhất định sẽ tăng tấn cao hơn. Đó là chuyện tốt đẹp, chẳng phải là chuyện xấu; nhưng phải thật sự hiểu rõ đạo lý này, giống như cây to hoặc trụ lớn có thể gánh vác, nâng đỡ, gánh lấy gánh nặng, giúp quý vị tăng tấn cao hơn từng cấp một!
Quý vị nhìn vào nguyện này, nhất định phải thực hiện từ chính mình, hóa giải đối lập, hóa giải nghi lự, hóa giải mâu thuẫn, hóa giải sự chiếm hữu trong nội tâm của chính mình; trong khi giảng kinh, chúng tôi thường xuyên nhắc tới điều này. Chớ nên có những ý niệm ấy, các ý niệm ấy chắc chắn sẽ gây thương tổn nghiêm trọng cho chính mình. A! Hôm nay đã hết thời gian rồi! Chúng tôi giảng tới chỗ này!
***
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem bài kệ thứ ba kế tiếp:
(Kinh) Nhược kiến tùng lâm, đương nguyện chúng sanh, chư thiên cập nhân, sở ưng kính lễ.
(經)若見叢林。當願眾生。諸天及人。所應敬禮。
(Kinh: Nếu thấy rừng rậm, nguyện cho chúng sanh, chư thiên và người, đáng nên kính lễ).
“Tùng lâm” (叢林) là khá nhiều cây cối mọc cùng một chỗ. Nó đã hiện tướng, đem lại một sự khải thị, tức là [khải thị về] sự hoạt động xã hội của nhân loại. Trong rừng rậm, nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng, [sẽ thấy] cây cối đều cùng thuộc một loại, rất ít có giống khác mọc xen tạp. Đấy chính là như kinh Dịch đã nói: “Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân” (Vật tụ theo từng loại, con người chia thành nhóm). Do vậy, ngay cả thực vật đều mọc theo từng loại một, hình thành giống như một đoàn thể. [Điều này đã] ban cho chúng ta một khải thị, con người là động vật mang tánh chất sống thành bầy đàn trong xã hội. Trong sự quần cư (群居, sống thành từng bầy, từng nhóm), điều quan trọng nhất là hòa thuận. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Thiên thời chẳng bằng địa lợi, địa lợi chẳng bằng nhân hòa”; trong giáo học truyền thống của tổ tiên, “hòa vi quý”.
Phật pháp càng coi trọng cư xử hòa thuận. Tăng đoàn Phật pháp, bốn người sống cùng với nhau, cùng tu, phải nên tuân thủ Lục Hòa Kính. Đức Phật nói Lục Hòa, điều thứ nhất là Kiến Hòa Đồng Giải, điều thứ hai là Giới Hòa Đồng Tu, [những điều còn lại là] Thân Hòa Đồng Trụ, Khẩu Hòa Vô Tránh, Ý Hòa Đồng Duyệt, và Lợi Hòa Đồng Quân, nói sáu điều. Cổ thánh tiên hiền nói ba điều, tức là nói đến Thái Hòa (太和), Trung Hòa (中和) và Bảo Hòa (保和). Đại vũ trụ là Thái Hòa. Giữa con người với nhau, con người và trời đất, vạn vật cư xử hòa thuận, điều này thuộc về Trung Hòa. Làm thế nào để gìn giữ mối quan hệ này dài lâu, đấy là Bảo Hòa. Thật sự làm được ba điều Hòa ấy, sẽ là thánh nhân, chẳng phải là phàm nhân. Làm được ba món Hòa viên mãn, chẳng thiếu khuyết mảy may, thưa cùng chư vị, tức là thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc mới có thể làm được. Thánh nhân nêu ra cho chúng ta [thấy biết điều này], cho nên mới nói “hòa vi quý”.
Thực hiện từ chỗ nào? Thực hiện từ nội tâm. Nội tâm bất hòa, hễ chúng ta có ý niệm ích kỷ sẽ bất hòa, nội tâm sẽ bất hòa. Có cái tâm danh lợi, nội tâm sẽ bất hòa. Có tham, sân, si, sẽ bất hòa. Nội tâm bất hòa, thân thể sẽ không khỏe mạnh. Đặc biệt là tham, sân, si, đức Phật gọi chúng là Tam Độc. Vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng nhất trong thế gian chính là những thứ này. Do bên trong có tham, sân, si, hễ bên ngoài vừa mới có một chút ô nhiễm, quý vị mới có thể cảm nhận ô nhiễm. Nếu quý vị chẳng có tham, sân, si, sẽ chẳng cảm nhận những thứ bên ngoài. Nói theo y học hiện thời, người ấy có năng lực miễn dịch, chẳng bị cảnh giới bên ngoài lây nhiễm. Từ bi có thể giải độc; vì thế, nói theo lý luận, lẽ ra con người chẳng bị mắc bệnh. Hễ bị bệnh, chắc chắn là tư tưởng và kiến giải của quý vị có sai lầm. Nếu quý vị có thể hoàn toàn tùy thuận thiên nhiên, thiên nhiên là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa; đức Phật đã dạy điều này hết sức rõ ràng, hết sức thân thiết, đó là Lục Hòa.
Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa chính là điều thứ nhất, tức là Kiến Hòa Đồng Giải trong Lục Hòa, bao gồm trong ấy. Thực hiện bằng cách nào? Đức Phật đã dạy rất cụ thể, ba điều sau đó là để thi hành. Giới Hòa Đồng Tu, quý vị nhất định phải giữ quy củ. Trong Phật pháp, đấy chính là nói đến Thập Thiện Nghiệp Đạo, Tam Quy, Ngũ Giới, giới tỳ-kheo, giới Bồ Tát, ắt cần phải tuân thủ. Lại tiến cao hơn, thoát ly mười pháp giới, trở về Nhất Chân pháp giới, có còn phải tuân thủ những quy luật ấy hay không? Phải! Quy luật là gì? Mười nguyện Phổ Hiền. Nay chúng ta học tập một trăm bốn mươi mốt nguyện trong phẩm Tịnh Hạnh, chẳng phải là mười pháp giới, mà là Nhất Chân pháp giới; do vậy, lý này cũng rất sâu. Ai nấy đều tin tưởng, vâng giữ, xã hội này sẽ hòa thuận lắm!
Triết học Trung Hoa có nói “hòa khí sanh tài”, lời này là thật, chẳng giả! Người hiện thời hoài nghi, hòa khí thì của cải do đâu mà có? Thật sự có! Nếu quý vị nắm vững nguyên lý, sẽ chẳng hoài nghi. Nguyên lý là gì? Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng. Của cải là to tâm tưởng biến hiện, có thể biến bùn đất thành vàng ròng hay không? Thưa cùng chư vị, có thể chứ! Vật chất trọn chẳng phải là chân thật, khoa học hiện thời đã hiểu [điều này]. Tất cả vật chất bất quá là do công thức cấu tạo khác nhau mà thôi; thật ra, vật chất cơ bản giống hệt như nhau. Có nghĩa là ngày nào đó, quý vị có năng lực khiến cho tất cả vật chất biến hóa thuận theo lòng mong muốn, vậy là được rồi, cảnh giới này sẽ hiện tiền. Ở nơi đâu? Thế giới Cực Lạc là như thế đó, thế giới Hoa Tạng là như thế đó. Dân cư bên ấy thuận theo lòng mong muốn, tâm tưởng, sự thành, chẳng cần lo toan, chẳng cần tạo tác, há có phải sống vất vả như loài người chúng ta, chẳng cần! Hòa khí sanh tài là thật, chẳng giả! Do quý vị bất hòa, bản thân quý vị cũng bất hòa. Một kẻ thường cáu giận, đối xử tốt với kẻ này, đối xử tệ với kẻ kia, sẽ là bất hòa. Nếu thật sự hòa, do hòa sẽ bình, quý vị đối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, chắc chắn là bình đẳng, do vậy là hòa. Bất bình thì lấy đâu ra hòa? Bất bình cũng chẳng thanh tịnh, trong ấy có đạo lý to lớn.
Trông thấy rừng cây, bèn nghĩ đến rất nhiều người tụ tập cùng một chỗ; do vậy, vào thời cổ, đạo tràng của Phật giáo được gọi là Tùng Lâm. Khá nhiều người tu hành cùng một chỗ, ở chung một chỗ, sinh hoạt với nhau, giống như rừng cây vậy. Do vậy, trông thấy rừng cây, khi quý vị đi khất thực, nhất định sẽ gặp phải, [điều ấy] dẫn phát hoằng nguyện của Bồ Tát, “chư thiên cập nhân, sở ưng kính lễ” (chư thiên và người, đáng nên kính lễ). Niệm nào cũng đều chớ nên quên mất chữ Kính này! Phàm phu khác Phật, Bồ Tát ở chỗ nào? Phật, Bồ Tát thời thời khắc khắc gìn giữ “lễ kính chư Phật”. Hoa Nghiêm là cảnh giới Phổ Hiền. Tỳ Lô Giá Na Phật trong kinh Hoa Nghiêm biểu thị bản thể của vạn hữu trong vũ trụ. Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng có hình tướng, [Ngài chính là] Pháp Tánh. Tuy chính Ngài chẳng có hình tướng, Ngài có thể hiện hết thảy hiện tướng, có thể biến hết thảy hiện tướng, đó là gì? Đấy là Ngài khởi tác dụng. Có Thể, sẽ có Dụng; hễ có Dụng, sẽ có thể hiện tướng. Do vậy, Tỳ Lô Giá Na tượng trưng cho Lý Thể. Xét đến ý nghĩa của Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), [Tỳ Lô Giá Na] là tiếng Phạn, có nghĩa là Biến Nhất Thiết Xứ (遍一切處, trọn khắp hết thảy mọi nơi), đương nhiên cũng là trọn khắp hết thảy các thời, có ý nghĩa này. Trọn khắp hết thảy mọi nơi đấy nhé! Nói thật ra, ngay cả hư không cũng do nó (Pháp Tánh) biến hiện. Các nhà vật lý học hiện thời đã dần dần phát hiện: Hư không cũng chẳng phải là thật. Thời gian và không gian đều chẳng phải là thật. Rất khó có! Và cũng là khá thông minh, họ đã phát hiện. Từ mấy ngàn năm trước, đức Phật đã dạy [chuyện này] rất rõ ràng.
Nó khởi Dụng (tác dụng), Dụng là do hai cương lãnh, một là Giải, hai là Hạnh, hai môn Giải và Hạnh. Giải thuộc về trí huệ, lý giải, chúng ta thường gọi nó là gì? Phật Tánh. Nói Pháp Tánh thì Pháp Tánh là Tổng, nói Pháp Tánh là nói đến Lý Thể. Nói Phật Tánh là nói đến trí huệ vốn sẵn có trong Pháp Tánh! Chúng ta gọi trí huệ Bát Nhã là Phật Tánh. Phật Tánh là giác tánh, Bổn Giác. Khởi Tín Luận bảo: “Bổn Giác vốn có”. Bổn Giác là Phật Tánh; vì thế, hết thảy hữu tình chúng sanh đều có Phật Tánh, Bổn Giác vốn có mà! Mê: Mê là bất giác, “bất giác vốn không”. Vì thế, Bất Giác là tập tánh. Cổ nhân nói “bản tánh vốn thiện”, thiện ở đây chẳng phải là thiện trong thiện ác. Thiện theo kiểu thiện ác là tập tánh, chẳng phải là bản tánh! Trong bản tánh chẳng có thiện hay ác, đấy mới là chân thiện. Thiện và ác đều chẳng có, nó mới thật sự thanh tịnh. Hễ có thiện và có ác thì đã bị nhiễm bẩn. Nó thật sự thanh tịnh, bình đẳng, chẳng phải là tương đối, chúng ta phải hiểu điều này. Hạnh môn là sự tình thiên biến vạn hóa; thiên biến vạn hóa nơi mặt Sự quý vị đều có thể lý giải. Có thể lý giải, đó là một phần Giác, một phần trí huệ; do vậy, đó là Phật Tánh. Còn như thiên biến vạn hóa, danh từ sẽ là Pháp Thân: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân”.
Trong kinh Hoa Nghiêm, vị biểu thị trí huệ chính là Văn Thù Bồ Tát, vị biểu thị Hạnh Môn chính là Phổ Hiền Bồ Tát. Hoa Nghiêm coi trọng Hạnh, nên xếp Phổ Hiền Bồ Tát hạng nhất, Văn Thù Bồ Tát xếp hàng thứ hai. Trong nghi thức, chúng ta thấy cách xếp đặt hình tượng Phật, Bồ Tát, thờ phụng tượng Phật trong Phật môn, nhất định là một vị Phật, hai vị Bồ Tát. Đức Phật biểu thị bản thể, hai vị Bồ Tát thì một vị biểu thị Giải Môn, vị kia biểu thị Hạnh Môn. Quý vị nhìn vào cách thờ phụng, sẽ biết: Một vị biểu thị Giải Môn, vị kia biểu thị Hạnh Môn. Quý vị nhìn vào cách thờ phụng của họ, sẽ biết tông phái ấy chú trọng Hạnh Môn hay là Giải Môn, vừa thấy sẽ biết ngay.
Trong Tịnh Độ Tông, quý vị thấy Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát: Quán Thế Âm Bồ Tát được xếp vào thượng vị, Đại Thế Chí Bồ Tát xếp tại hạ vị. Vừa thấy bèn biết tông phái này coi trọng Hạnh. Quán Thế Âm Bồ Tát biểu thị Hạnh, Đại Thế Chí Bồ Tát biểu thị Giải, biểu thị trí huệ. Đối với cách thờ trong tông Hoa Nghiêm, quý vị nhìn vào, thấy Văn Thù Bồ Tát được xếp thứ nhất, Phổ Hiền Bồ Tát được xếp sau đó, [sẽ biết] tông Hoa Nghiêm thuộc về Giáo Hạ, coi trọng Giải Môn, đã giải rồi mới tu. Tịnh Tông chẳng phải [như vậy], Tịnh Tông vừa mở đầu đã coi trọng tu, vừa tu vừa cầu giải, xếp tu vào hàng đầu. Quý vị nhìn vào cách thờ hình tượng, sẽ thông hiểu. Như trong cách thờ của tông Thiên Thai, tông Thiên Thai thờ Thích Ca Mâu Ni Phật chính giữa, hai vị tôn giả thì một là thờ A Nan, vị kia là thờ Ca Diếp. A Nan được thờ ở vị trí thượng thủ, Ca Diếp thờ tại vị trí hạ thủ. Vừa nhìn bèn biết họ coi trọng Giải Môn. Giải trước đã, trước Giải sau Hạnh. Giáo Hạ đều là “Giải trước, Hạnh sau”. Vì thế, quý vị nhìn vào cách thờ tượng Phật, sẽ biết tông phái ấy thiên về môn nào. Hai môn Giải và Hạnh đều trọng yếu.
Tuy vậy, từ đầu cho đến chỗ này của kinh Hoa Nghiêm, toàn là do Văn Thù Bồ Tát biểu thị pháp, Văn Thù Bồ Tát đóng vai trò chủ đạo. Phẩm kinh này tuy do Trí Thủ Bồ Tát nói, Văn Thù Bồ Tát nêu câu hỏi, nêu ra khá nhiều câu hỏi, Trí Thủ Bồ Tát giải đáp từng chuyện một[4]. Do vậy, nói theo cách hiện thời, Văn Thù Bồ Tát là người chủ trì. Nhưng đến phần cuối cùng của kinh, “mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc”. Vì thế, cổ nhân nói Hoa Nghiêm là Đại Bổn của kinh Vô Lượng Thọ, rất có lý! Nếu chúng ta đối với Tịnh Độ chẳng đủ tín tâm, hoài nghi, hãy nên làm như thế nào? Học Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm nói cặn kẽ, nói minh bạch. Tôi nẩy sanh tín tâm đối với Tịnh Độ, xác thực là do Hoa Nghiêm. Nếu chẳng đọc Hoa Nghiêm, từ đầu đến cuối sẽ đánh dấu hỏi đối với Tịnh Tông. Nghi vấn là chướng ngại lớn nhất cho người tu hành.
Nhưng trong Hạnh Môn, quan trọng nhất là học từ chỗ nào? Chuyện này không chỉ là trong Phật pháp, ngay cả pháp thế gian cũng chẳng phải là ngoại lệ. Chúng ta làm người, cầu học, tu hành thì bắt đầu từ nơi đâu? Ngay từ một chữ Kính. Quý vị nhìn vào truyền thống Nho gia, câu đầu tiên trong Lễ Ký là “Khúc Lễ viết, vô bất kính” (Khúc Lễ nói: “Không gì chẳng kính”). Trong các sám nghi, tức các nghi thức sám hối để bái sám, câu đầu tiên là “nhất thiết cung kính, nhất tâm đảnh lễ”. Quý vị thường thấy câu ấy, sẽ biết nhập môn từ nơi ấy. Có người hỏi Ấn Quang đại sư, có bí quyết để khế nhập cảnh giới của Phật hay không? Ấn Quang đại sư bảo “có”, bí quyết là gì? Thành kính. “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Quý vị học Phật mà chẳng đạt được gì là do quý vị chẳng có công phu thành kính. “Thành” (誠) là chẳng có hư ngụy.
Phật pháp bảo “trực tâm là đạo tràng”, Khởi Tín Luận nói đến Bồ Đề tâm, đầu tiên là “trực tâm”. Trực tâm là chân tâm, là Thể của Bồ Đề tâm. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giảng về Bồ Đề tâm, gọi cái Thể của Bồ Đề tâm là “chí thành tâm”. Luận (Khởi Tín Luận) gọi chí thành tâm là “trực tâm”. Trực tâm là chí thành tâm, chân thành. Có Thể, đương nhiên là có Dụng, đức Phật giảng cặn kẽ: Dụng có Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng, tức là chúng ta dùng cái tâm gì đối với chính mình, dùng cái tâm như thế nào để đối đãi kẻ khác. Đối với chính mình thì gọi là thâm tâm, đối với người khác thì gọi là đại bi tâm. Nói cách khác, đối với người khác phải đại từ đại bi, đối với chính mình phải thâm tâm. Thâm tâm là gì? Rất khó nói cho rõ ràng! Tôi đọc các bản chú giải của khá nhiều vị tổ sư đại đức từ xưa, tôi thấy cũng rất khó vừa lòng, càng xem càng mê hoặc, càng giảng người ta càng nghe không hiểu. Về sau, tôi đọc kinh Vô Lượng Thọ, đột nhiên hiểu rõ. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ chính là thâm tâm. Do vậy, đối với chính mình, phải gìn giữ cái tâm thanh tịnh, phải gìn giữ cái tâm bình đẳng, gìn giữ cái tâm giác, giác chứ không mê. Đấy là thâm tâm.
Tôi giảng “Bồ Đề tâm” thành mười chữ, “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, những điều này mọi người dễ hiểu. Chúng ta khởi tâm động niệm đều có thể tương ứng với năm điều ấy, đó gọi là “phát Bồ Đề tâm”. Nếu quý vị khởi tâm động niệm trái nghịch với những điều ấy, sẽ chẳng có Bồ Đề tâm. Chẳng có Bồ Đề tâm thì là luân hồi tâm. Trên cơ bản, quý vị là hư ngụy. Hư ngụy không chỉ là đối với kẻ khác, mà đối với chính mình cũng hư ngụy, mê mất bản thể của cái tâm Bồ Đề. Mê mất bản thể, đương nhiên cái tâm của quý vị sẽ chẳng thanh tịnh. Quý vị có tham, sân, si, mạn, có lòng ích kỷ, có thị phi, nhân ngã, có tham cầu hưởng thụ ngũ dục, lục trần, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Quý vị có cái tâm cao thấp, có kiêu căng, ngã mạn, tâm quý vị bất bình đẳng. Quý vị chẳng thể đối đãi chúng sanh một mực nhân từ như nhau, ta đối với con người thì rất bình đẳng, nhưng đối với muỗi, ruồi, kiến thì có bình đẳng hay không? Đối với muỗi, ruồi, kiến cũng bình đẳng; đối với các thứ bùn, đất, cát có bình đẳng hay không? Đối với khoáng vật cũng phải bình đẳng, chẳng dễ dàng! Vì sao bình đẳng? Cùng do Pháp Tánh biến ra! “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, cùng một tánh thức. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình và vô tình, cùng viên thành Chủng Trí”, nói rất viên mãn. “Tình” là hữu tình chúng sanh, [bao gồm] nhân loại, bao gồm động vật, đều xem như có tình cảm. Nay chúng ta nói vô tình là thực vật, khoáng vật, và hiện tượng tự nhiên. Cùng viên thành Chủng Trí: “Viên” là viên mãn, Chủng Trí là thành Phật, đạt đến địa vị Phật rốt ráo, làm sao có thể khinh dễ cho được? Làm sao có thể chẳng có tâm cung kính?
Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta, trong Hạnh Môn, Ngài đã quy nạp vô lượng hạnh nguyện thành mười loại lớn. Loại thứ nhất là “lễ kính chư Phật”. Chẳng làm được điều này, sẽ chẳng đạt đến Phật pháp giới [là pháp giới] cao nhất trong mười pháp giới! Người nào có thể làm được? Pháp Thân Bồ Tát, Ngài đã vượt thoát mười pháp giới, trụ trong Nhất Chân pháp giới, có thể làm được. Còn có một pháp môn đặc biệt, vãng sanh thế giới Cực Lạc sẽ có thể làm được. Nay chúng ta học tập, mức độ thấp nhất phải giống như Nho gia đã nói: “Phàm là người, đều phải nên yêu thương”. Quý vị có thể làm được điều này đôi chút đã là khá lắm rồi. Tuy chưa thể viên mãn, tuy chẳng thể đạt tới mục tiêu, nhưng có cùng một phương hướng, đấy là điều hết sức khó có, hết sức đáng quý. Quý vị có thể yêu thương người khác, sẽ chẳng thể hại người. Quý vị có thể yêu thương người khác, sẽ tôn kính người khác. Quý vị có thể yêu thương con người, sẽ có thể chăm lo cho người khác, tự nhiên có thể giúp đỡ người khác.
Tự hành rồi sau đó sẽ có thể giáo hóa người khác. Chính mình chẳng làm được, toan dạy người khác, giả trất! Vì sao? Quý vị nói, nói đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, bản thân quý vị chẳng làm được, người khác sẽ đánh dấu hỏi ngay sau đó: “Ngươi đang lừa dối chúng ta! Nói nghe bùi tai như vậy, chính ngươi chẳng làm được!” Vì sao? Người ta chẳng phục. Làm sao để khiến cho người khác phục? Ta làm được. Tôi làm được rồi mới nói cho quý vị nghe, quý vị sẽ phục. Tôi nêu gương cho quý vị thấy. Vì thế, tôi thường nói: Trên thế giới có khá nhiều nhà tôn giáo, những vị sáng lập tôn giáo, đức Phật, Gia Tô (Jesus), Ma Tây (Moses), Mục Hãn Mặc Đức (Mohamed), Khổng Tử, Lão Tử, đều là tự mình hoàn toàn làm được rồi mới nói, không có ai chẳng phục. Vì thế, đối với “lễ kính chư Phật”, nay chúng ta tối thiểu phải thực hiện bằng “phàm là người, đều phải thương yêu”. Phàm là người thì đều nên lễ kính, “kính” là nội tâm, “lễ” là bề ngoài, phải nghiêm túc thực hiện!
Hiện thời, toàn thể thế giới động loạn, nếu quý vị hỏi nguyên nhân gây ra động loạn ư? Do đánh mất lễ kính. Giữa con người với nhau chẳng có lòng yêu thương, chẳng có cung kính, chẳng có lễ phép, làm sao họ chẳng loạn cho được? Thiện nhân thế gian và xuất thế gian đều đặc biệt coi trọng giáo dục. Nho gia nói đến Lễ, Phật pháp nói đến Giới, tức giới luật. Trong giới luật bao hàm oai nghi, lễ kính ở trong oai nghi. Vì thế, chẳng có giới, sẽ chẳng có Phật. Chẳng có lễ, sẽ chẳng có Nho! Nay mọi người đều biết Phật pháp suy vi, người học Phật rất nhiều, vì sao Phật pháp suy vi? Người học Phật tuy đông, không trì giới, nghĩ “trì giới quá khó!” Niệm Phật mà không trì giới thì có thể vãng sanh hay không? Chẳng thể vãng sanh, chúng tôi đã nói lời này rất nhiều!
Từ xưa, tổ sư đã rất từ bi nêu bày “trì giới niệm Phật”, đó là đối ứng với đại chúng trong xã hội hiện tiền mà nói. Kẻ tại gia học Phật, chẳng làm được Thập Thiện, chẳng làm được Tam Quy, Ngũ Giới, làm sao có thể thành tựu cho được? Vì thế, ngày hôm qua có khá nhiều đồng học hỏi về vấn đề niệm Phật vãng sanh, tôi cũng giải đáp cho mọi người: Quý vị hãy khéo suy ngẫm. Thập Thiện, Tam Quy, Ngũ Giới chẳng làm được, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, có thể vãng sanh hay không? Chẳng thể! Tiêu chuẩn của thiện và ác là giới luật. Tại gia học Phật thì Thập Thiện, Tam Quy, Ngũ Giới nhất định phải làm được, quý vị mới có thể vãng sanh. Mở kinh ra, “thiện nam tử, thiện nữ nhân” có phần của quý vị. Đấy chính là tiêu chuẩn của thiện. Nếu chẳng có điều ấy, quý vị chẳng phải là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu vẫn chẳng thể vãng sanh. Dùng phương pháp niệm Phật để niệm, chớ nên bỏ mất nhân tố trì giới, như vậy thì được, sẽ có công đức; nhưng vì sao chẳng làm được? Chúng ta phải tìm ra cội rễ. Đức Phật đã nêu cội nguồn, trong kinh Phật Tạng, đức Phật đã dạy: “Nếu không học Tiểu Thừa trước, sau đó học Đại Thừa, sẽ chẳng phải là đệ tử đức Phật”. Học Phật chẳng thể vượt cấp, phải tuân theo thứ tự, từ Tiểu Thừa cho đến Đại Thừa, quý vị mới có cơ sở. Thập Thiện Nghiệp Đạo là Đại Thừa, chung cho Đại lẫn Tiểu Thừa.
Chúng ta hãy suy ngẫm về Trung Hoa. Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, xác thực là kinh điển Tiểu Thừa truyền sang khá phong phú, gần như là truyền sang toàn bộ. Trong Tạng Kinh hiện thời, phần Tứ A Hàm chính là kinh Tiểu Thừa. Nhưng Tiểu Thừa ở Trung Hoa, đại khái là từ giữa đời Đường trở đi, Tiểu Thừa bèn suy, chẳng có ai học. Vào thời Đường, Tiểu Thừa có hai tông, tức Câu Xá Tông và Thành Thật Tông, rất nhiều người cũng chẳng biết hai tông ấy, [danh xưng của chúng] biến thành danh từ lịch sử, chẳng còn nữa! Vì thế, tại Trung Hoa chỉ có tám tông Đại Thừa, có thể thành tựu hay chăng? Trải các đời, người thành tựu vẫn thật sự chẳng ít! Do nguyên nhân nào? Người học Phật tại Trung Hoa, bất luận tại gia hay xuất gia, chẳng có ai không học Nho, chẳng có ai không học Đạo, tức là đặt vững cơ sở trên thư tịch của Đạo gia và sách vở của Nho gia, vậy thì được! Cơ sở ấy so ra trọn chẳng thua kém cơ sở Tiểu Thừa; cho nên [Phật giáo tại Trung Hoa thuở trước không cần học Tiểu Thừa] vẫn được! Đến thế hệ của chúng ta, rắc rối nẩy sanh, chẳng có cơ sở Nho, chẳng có cơ sở Đạo, cơ sở Tiểu Thừa cũng chẳng có. Do vậy, tu Thập Thiện khó khăn, xuất hiện vấn đề ở chỗ này.
Vì thế, trong những năm qua, chúng tôi cực lực đề xướng Đệ Tử Quy, vì sao? Đệ Tử Quy là cội rễ của Nho gia. Chúng ta kiến lập Phật pháp từ cội rễ này, sẽ là đúng, Phật pháp có thể sống động. Giống như trồng thực vật, những mầm cây nhỏ, dùng nước, đất để giúp nó tăng trưởng, ta dùng Đệ Tử Quy để vun bồi, tăng trưởng [Phật pháp]. Nếu chẳng có căn cội ấy, [sẽ thực hiện] Thập Thiện Nghiệp Đạo rất khó, đạo lý ở chỗ này. Do vậy, chúng ta phải khẳng định Đệ Tử Quy thuộc về giới luật, là giới luật cơ bản, là cơ sở của Thập Thiện Nghiệp. Có Đệ Tử Quy, có Thập Thiện Nghiệp Đạo, sau đấy lại học Tam Quy, Ngũ Giới, người ấy (người học như vậy) sẽ có thể thực hiện được. Hiện thời, ngay cả Tam Quy và Ngũ Giới cũng đều chẳng thể thực hiện.
Tam Quy là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc do Phật, Bồ Tát truyền dạy cho chúng ta, vừa nhập môn bèn truyền cho chúng ta, khiến cho chúng ta biết phương hướng ấy, biết mục tiêu ấy. Phật là giác chứ không mê, Pháp là chánh chứ không tà, Tăng là tịnh chứ chẳng nhiễm. Do vậy, Phật, Pháp, Tăng là giác, chánh, tịnh. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói rõ ràng, Ngài trao truyền quy y cho kẻ khác, chẳng đọc “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, Ngài đọc: “Quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh”. Thuở trước, tôi xem Đàn Kinh thấy đoạn ấy, bèn suy nghĩ: Vì sao Ngài phải nói theo kiểu như vậy? Từ xưa tới nay đều là niệm “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, vì sao Lục Tổ lại thay đổi? Vào thời đại Lục Tổ, Phật pháp đã truyền đến Trung Hoa sáu, bảy trăm năm, chắc là thời gian đã lâu, thường nói là “càng truyền, càng sai ngoa”, mọi người đối với ý nghĩa của Phật, Pháp, Tăng đều mơ hồ, nẩy sanh hiểu lầm, chẳng đạt được lợi ích thật sự từ Tam Quy. Vì thế, Tổ sửa lại, sửa rất có lý. Tiếp đó, Ngài giải thích, “Phật là giác, Pháp là chánh, Tăng là tịnh”, Ngài có giải thích ngay sau đó. Nay chúng ta khởi tâm động niệm là giác hay mê? Là chánh hay tà? Là tịnh hay nhiễm? Nay chúng ta khởi tâm động niệm vẫn rơi vào “mê, tà, nhiễm”, há có “giác, chánh, tịnh”? Tam Quy như vậy là giả trất, chẳng thật!
Làm được điều nào trong Ngũ Giới? Ta chẳng giết người, nhưng quý vị có giết muỗi, kiến hay chăng? Muỗi cắn quý vị, chẳng phải là quý vị đập bốp một phát khiến cho nó chết tươi ư? Quý vị nhìn thấy gián, thấy chuột, có ý niệm giết chúng hay không? Hễ có ý niệm ấy, theo pháp Đại Thừa, quý vị đã phá giới. Giới Đại Thừa luận tâm, chẳng luận sự. Quý vị khởi tâm động niệm, còn có ý niệm sát, dẫu chẳng có sát nghiệp, nhưng sát tâm chẳng đoạn! Đối với trộm cắp, ta chẳng cướp đoạt của kẻ khác, cũng chẳng ăn trộm của người ta, nhưng có ý niệm chiếm đôi chút tiện nghi hay không? Hễ có ý niệm chiếm tiện nghi, tức là chẳng dứt cái tâm trộm cắp, vậy thì làm sao được? Hiện thời, có rất nhiều người, đối với chuyện đóng thuế cho quốc gia, luôn tìm cách sao cho có thể đóng ít hơn đôi chút. Đấy là cái tâm gì vậy? Tâm trộm cắp! Khó lắm! Thật sự là khó!
Đối với điều này, trong một đời tôi đã từng thấy một vị. Cụ hiệu trưởng của tôi xưa kia là tiên sinh Châu Bang Đạo chẳng có mảy may ý niệm chiếm tiện nghi của người khác. Những chuyện khác tôi không dám nói, chứ điều này chính mắt tôi thấy, đích thân trông thấy. Khi cụ làm Chánh Vụ Thứ Trưởng của Khảo Tuyển Bộ[5], tức là Phó Bộ Trưởng, nhà nước cấp cho cụ một chiếc xe. Cụ đi làm, đi công tác bèn ngồi xe ấy, nhưng đi thăm bạn bè riêng tư thì vẫn ngồi xe công cộng. Cụ nói: “Đó là việc riêng của tôi, chẳng thể lãng phí xăng của nhà nước”. Chánh quyền gắn điện thoại cho cụ. Chuyện công thì cụ dùng điện thoại ấy. Cụ có chuyện gì thuộc về cá nhân cần gọi điện thoại, bèn ra trạm điện thoại công cộng ngoài ngõ để gọi. Do vậy, con trai cụ là bạn học của chúng tôi có nói: “Ông già ấy quá ương bướng! Chánh quyền cấp cho mình, mình sử dụng là được rồi. Ông lão cố chấp đến mức độ như thế đó”. Vì thế, con cái cụ khi ở nhà muốn gọi điện thoại cho bạn bè đều không được, nhất định phải ra đầu ngõ gọi điện thoại công cộng. Làm như thế mới thật sự là chẳng có cái tâm trộm cắp, quý vị liền biết là chẳng dễ dàng đâu nhé!
Từ tuổi trung niên trở đi, thầy Châu theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam học Phật. Nhìn từ sự hành trì ấy, chúng ta thấy người làm quan chẳng có một mảy ý niệm tham ô, rất hiếm có, giữ bổn phận. Tiền lương của chính mình cũng không dư dả cho lắm, trong nhà hết sức tiết kiệm. Tiết kiệm để còn giúp đỡ thân thích, bằng hữu tại Đại Lục, hằng tháng cụ đều gởi chút tiền về đó. Đời này, chúng tôi thấy vị ấy, bội phục năm vóc sát đất. Bởi lẽ, thầy dạy chúng tôi, thầy nói xong bèn làm được. Trong nhà trường xưa kia là như vậy đó. Vì thế, các đồng học chúng tôi vĩnh viễn cảm niệm cụ hiệu trưởng ấy, xác thực là có phong vị của cổ nhân. Đối đãi với bất luận kẻ nào, cụ đều lễ độ, khiêm hư, hạ mình, cụ luôn làm cho chúng tôi trông thấy. Tại Đài Trung Liên Xã, cụ làm công quả, quét sàn, khách từ bên ngoài đến viếng thăm thầy Châu, cụ hỏi “vị nào?” [Thưa], Châu Bang Đạo! Cụ chẳng nói chi hết, làm xong việc, trở ra sau, mặc quần áo đàng hoàng ra tiếp khách, “chính là tôi đây”. Người ta thấy vậy sững sờ, lúc mới vào, cứ tưởng cụ là nhân viên tạp vụ của liên xã, chẳng có một tí kênh kiệu nào! Thật sự có học vấn, thật sự có đạo đức.
Vì thế, chúng ta phải hiểu, tu hành thực hiện từ chỗ nào, hôm nay đọc đến phần “kính lễ” này, [mới hiểu phải kính lễ] bất luận đối với ai. Trước kia, ở Đại Lục, thầy Châu từng làm sảnh trưởng[6] của giáo dục sảnh tỉnh Giang Tây, là giáo sư đại học, đối xử với người hầu đều luôn khách sáo, cho nên người nào chỉ cần tiếp xúc cụ, chẳng có ai không bội phục. Gia giáo hết sức nghiêm ngặt, con cái cụ thường nói với tôi, làm học trò của cụ thì được, chứ làm con cụ khổ lắm, rất khó chịu. Con cái cụ thường kể khổ trước mặt chúng tôi, họ bị quản thúc quá nghiêm. Con cái đã khôn lớn cả rồi, đều đã ba, bốn mươi tuổi rồi, vẫn bị quản lý như trẻ nhỏ, rất nghiêm ngặt. Những ưu điểm trong suốt cuộc đời thầy quá nhiều, đáng cho chúng ta học tập, đáng cho chúng ta ngưỡng mộ. Cụ đã thực hiện giáo huấn của Phật Đà và giáo huấn của thánh hiền.
Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta “lễ kính chư Phật”, “chư Phật” là quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật. Vị lai Phật là ai? Hết thảy chúng sanh là vị lai Phật! Do vậy, đối với hết thảy chúng sanh đều phải lễ kính, đạo lý ở ngay chỗ này. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói “hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta trong quá khứ, là vị lai chư Phật”. Nếu quý vị thật sự hiểu hai câu này, sẽ thấy “lễ kính chư Phật” chẳng khó! Nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi nói tới đây!
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 34 hết
[1] “Vô vi nhi trị” (無為而治) là một khái niệm rất đặc biệt của Nho gia. Theo đó, bậc thánh nhân do đức hạnh sẽ tự nhiên cảm hóa dân chúng, không cần phải ép buộc, gò ép mọi người, mà mọi người đều đạt đến cảnh giới của thánh nhân. Nói cách khác, “vô vi nhi trị” chính là cai trị bằng đức, bằng nhân, sống thuận theo tự nhiên.
[2] Ý nói: Khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục, lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
[3] Tam Lễ là danh xưng do Trịnh Huyền đặt ra từ đời Hán để gọi ba bộ kinh điển về lễ nghi. Chính Trịnh Huyền đã chú giải ba bộ sách ấy, gọi chung là Tam Lễ Chú. Tam Lễ gồm:
1. Nghi Lễ: Ghi chép các thứ nghi lễ thời Tiên Tần (trước khi Tần Thủy Hoàng diệt chư hầu, thống nhất Trung Hoa), chủ yếu ghi chép các lễ nghi của bậc sĩ đại phu. Đến đời Hán, chỉ còn sót lại một phần sách Nghi Lễ gồm mười bảy thiên, chia thành bốn loại lớn. Tương truyền sách Nghi Lễ do Cao Đường Sanh truyền cho Tiêu Phấn, Tiêu Phấn truyền cho Mạnh Khanh, Mạnh Khanh truyền cho Hậu Thương, Hậu Thương truyền cho Đới Đức và Đới Thánh. Kinh Lễ trong Ngũ Kinh của Nho gia chính là sách Nghi Lễ.
2. Lễ Ký là tác phẩm được trước tác bởi các học trò của Khổng Tử cũng như những Nho gia thời Chiến Quốc. Đến đời Tây Hán, Đới Đức đã rút gọn bản Lễ Ký do Lưu Hướng truyền thừa từ một trăm mười ba thiên thành tám mươi lăm thiên. Bản này gọi là Đại Đới Lễ Ký. Đới Thánh lại tinh giản bản này còn bốn mươi chín thiên gọi là Tiểu Đới Lễ Ký, thêm vào thiên Nguyệt Lệnh. Bản Lễ Ký thông dụng hiện thời là Tiểu Đới Lễ Ký.
3. Châu Lễ còn gọi là Châu Quan, hoặc Châu Quan Kinh ghi chép về chế độ quan lại, các quy phạm về hành vi đạo đức và những tập tục lễ nghi đời Châu. Tương truyền sách này do chính Châu Công biên soạn. Lúc mới xuất hiện, sách có tên là Châu Quan, đến đời Tây Hán, Lưu Hâm mới gọi nó bằng danh xưng Châu Lễ. Điểm đặc biệt nhất của Châu Lễ là nhấn mạnh quan điểm “vua đối xử với bầy tôi bằng lễ, bề tôi thờ vua bằng lòng trung thành”, tức là vua cũng phải tuân thể lễ nghi, quy chế, tôn trọng bầy tôi.
[4] Ở đây, hòa thượng vô ý nói nhầm. Phẩm kinh này do Trí Thủ Bồ Tát hỏi, Văn Thù Bồ Tát đáp bằng một trăm bốn mươi mốt nguyện. Do tôn trọng nguyên văn, chúng tôi để nguyên không sửa.
[5] Khảo Tuyển Bộ (考選部) là một bộ được thành lập bởi sắc lệnh Tổ Chức Tuyển Cử ban hành vào ngày Hai Mươi Mốt tháng Bảy năm 1948 của Trung Hoa Dân Quốc, chuyên trách các vấn đề thi cử để khảo hạch công chức nhằm chọn lựa chuyên viên cho các cơ cấu chánh phủ. Đồng thời kiêm nhiệm trách nhiệm giám sát các cơ cấu trực thuộc về việc điều hành công tác tuyển cử. Đứng đầu bộ này là một bộ trưởng, hai thứ trưởng (phó bộ trưởng) được gọi là Chánh Vụ Thứ Trưởng và Thường Vụ Thứ Trưởng. Bộ này lại chia thành nhiều ty, như Khảo Tuyển Quy Hoạch Ty, Đặc Chủng Khảo Tuyển Ty, Tổng Vụ Ty, Cao Phổ Khảo Thí Ty v.v… Khảo Tuyển Bộ trực thuộc Khảo Thí Viện trong cơ cấu Ngũ Viện của chánh quyền Trung Hoa Dân Quốc. Ngũ Viện là Hành Chánh Viện, Lập Pháp Viện, Tư Pháp Viện, Khảo Thí Viện và Giám Sát Viện.
[6] Sảnh trưởng (廳長): Sảnh trưởng là người đứng đầu một cơ quan hành chánh chuyên trách cao nhất trong các tỉnh, các khu tự trị, các thành phố. Có thể hiểu Sảnh Trưởng tương đương với Ty của Việt Nam. Sảnh giáo dục tức là ty giáo dục, ở đây là ty giáo dục tỉnh Giang Tây. Trong các bộ, các cơ cấu đặc trách chuyên biệt cũng gọi là Sảnh.