/ 57
371

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 31

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1523


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn lớn thứ sáu trong phần kệ tụng, xem từ bài kệ thứ hai:


(Kinh) Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh, thành tựu pháp khí, thọ thiên nhân cúng.

(經)執持應器。當願眾生。成就法器。受天人供。

(Kinh: Cầm giữ bình bát, nguyện cho chúng sanh, thành tựu pháp khí, nhận trời người cúng).


Đây là khất thực. Bài kệ trong phần trước là “thủ chấp tích trượng” (tay cầm tích trượng). Trong rất nhiều “tố họa” (塑畫, tượng đắp nặn, tranh vẽ), tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn có tích trượng và bát. Ứng Khí (應器) ở đây chính là bát. Quý vị thấy tay phải cầm tích trượng, tay trái ôm bát. Bát được gọi là Ứng Khí, Ứng là Ứng Lượng (應量), cũng có nghĩa là lượng [thực phẩm] mỗi cá nhân cần thiết khác nhau! Có người ăn rất nhiều, có người ăn ít hơn. Vì thế, họ đi khất thực, cũng không cần phải quá nhiều, mà cũng chớ nên quá ít. Khi khất thực, xét ra chính mình có thể ăn no là được rồi! Đức Thế Tôn dạy chúng ta khất thực chẳng thể vượt quá bảy nhà. Nếu có ba nhà hoặc bốn nhà cúng dường đã đủ rồi, sau đó, sẽ không tới nhà thứ năm, thứ sáu. Nếu chưa đủ, có thể xin tới nhà thứ bảy. Nhà thứ bảy vẫn chưa đủ, chẳng thể đến nhà thứ tám, cũng coi như vậy là đủ rồi! Vì thế, nó (cái bát) được gọi là Ứng Pháp Khí (應法器). Thông thường, có hai loại bát, một loại bát sành, loại kia là bát sắt. Vì thế, gọi là Ứng Lượng Khí, [hàm nghĩa] tương ứng với lượng cơm (sức ăn) của bản thân chúng ta.

Tay ôm bát, vào thời đức Thế Tôn, hằng ngày đều phải khất thực. Đấy là một thời công khóa. Trong phần trước, tôi đã thưa trình cùng chư vị, [khất thực chính là] tự hành, hóa độ người khác. Đây là một thời công khóa ắt cần phải thực hiện hằng ngày. Khi cầm tích trượng, bèn nghĩ “thiết đại thí hội” (lập hội đại thí); ngày hôm qua, tôi đã trình bày cùng quý vị ý nghĩa này. Trai chủ tài cúng dường người xuất gia, bát cơm ấy chính là Tài Cúng Dường. Bát cơm ấy chẳng phải do một nhà cúng dường, mà là do vài nhà cúng dường; do vậy, gọi là Ứng Khí. Ứng (應) là tương ứng với pháp! Nói theo kiểu hiện thời, sẽ là “đa nguyên”, tiếng Phạn gọi là Ca-sa.

Nay chúng ta hễ nghe hai chữ ca-sa bèn nghĩ đến y. Một bức y này được gọi là ca-sa. Nhưng hiện thời có cái tên ca-sa, chứ chẳng có bản chất ca-sa! Đấy là ý nghĩa gì? Chư vị phải biết, vào thời cổ, vật chất rất khuyết thiếu, xin một bát cơm dễ hơn. Nhà nào cũng đều ăn cơm, cho quý vị một chút, chẳng thể cho quá nhiều! Trừ phi là người ta giàu có, là bậc đại phú trưởng giả, cuộc sống vật chất của những kẻ ấy khá giàu có. Quý vị đến [khất thực], họ sẽ có thể cúng dường quý vị một bát, chẳng cần phải đến xin nhà thứ hai! Những nhà bình phàm nhỏ nhoi sẽ chẳng có nhiều thứ ngần ấy để tặng cho quý vị; vì thế, thí cho quý vị rất ít, nay chúng ta nói là một hai muỗng to, chẳng nhiều. Do vậy, quý vị phải xin đến ba, bốn nhà mới đủ ăn. Cơm và đồ ăn của ba bốn nhà khác nhau đổ chung lại, thảy đều lẫn lộn với nhau, khá nhiều thứ trộn nháo nhào với nhau, gọi là Ca-sa. Ca-sa mang ý nghĩa này. Do vậy, cơm cũng gọi là Ca-sa, mà y cũng là Ca-sa!

Y được hình thành như thế nào? Quá nửa là từ những thứ quần áo do người tại gia đã mặc cũ xì, rách nát, chẳng thể mặc được nữa, vứt bỏ đi. Người xuất gia nhặt nhạnh những thứ ấy, cắt bỏ những chỗ rách đi, gạn lấy những chỗ còn tốt, có thể dùng được bèn cắt thành từng miếng. Quý vị thấy như tấm y ca-sa này gồm có từng miếng là do nhặt nhạnh từ nhiều chỗ khác nhau, chằm lại, cắt cho ngay ngắn, may chằm từng miếng với nhau. Vì thế, tấm y chẳng phải do một tấm vải may thành, chẳng phải vậy! Thông thường là khi đi khất thực, thấy người ta quăng bỏ liền nhặt về, giặt giũ sạch sẽ. Những thứ y phục rách rưới ấy, quý vị giặt sạch, phơi khô, cắt thành từng miếng vuông vức. Do chất liệu khác nhau, màu sắc khác nhau, sau khi chằm thành một bức y, sẽ lại đem nhuộm màu, nhuộm thành màu cà-phê. Màu cà-phê là gì? Là do các thứ màu sắc hòa lẫn với nhau, sẽ chẳng khó coi.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57