/ 57
376

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 30

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1521


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài thứ năm trong đoạn thứ năm của phần kệ tụng.


(Kinh) Tẩy địch hình uế, đương nguyện chúng sanh, thanh tịnh điều nhu, tất cánh vô cấu.

(經)洗滌形穢。當願眾生。清淨調柔。畢竟無垢。

(Kinh: Gột rửa thân nhơ, nguyện cho chúng sanh, thanh tịnh, mềm mại, rốt ráo chẳng bẩn).


Bài kệ này là [nguyện sẽ phát] trong khi tắm rửa, bài kệ tiếp theo là rửa tay, bài kệ cuối cùng là rửa mặt. Quý vị thấy những chuyện này đều là trong cuộc sống hằng ngày. Ở phương Nam, nhất là ở miền nhiệt đới, người nơi ấy gọi là “xung lương” (沖涼, xối mát). Vì khí trời nóng bức, nói chung, mỗi ngày phải xối đôi ba lượt, chẳng như phương Bắc rét buốt, thời gian tắm gội, rửa ráy ít hơn! Phương Nam thì tối thiểu mỗi ngày nhất định phải tắm rửa một lần, rửa tay và rửa mặt càng nhiều hơn nữa. Trong cuộc sống hằng ngày, xác thực là chúng ta khởi tâm động niệm đều thuận theo phiền não, thuận theo tập khí; Bồ Tát là người giác ngộ, xác thực là chẳng giống chúng ta, ngay trong những sự tướng rất nhỏ, [các Ngài] đều có thể dẫn phát vô lượng hoằng nguyện.

Chúng ta đọc đến đây, nghĩ tới đây, [nhận thấy các vị ấy] khiến cho kẻ khác chẳng thể không nghiêm túc cung kính. Các Ngài thành tựu như thế nào? Vì sao trong từng chút việc nhỏ nhặt, vặt vãnh, các Ngài đều có thể dẫn phát hoằng nguyện? Hoằng nguyện là Tánh Đức, chớ nên không hiểu đạo lý này! Đó gọi là “niệm niệm bất vi Tánh Đức” (niệm nào cũng đều chẳng trái nghịch Tánh Đức), niệm nào cũng đều tương ứng với Tánh Đức. Đấy là Bồ Tát. Đấy chẳng phải là hạng Bồ Tát bình phàm, mà là Pháp Thân Bồ Tát như trong kinh Đại Thừa đã nói. Pháp Thân Bồ Tát là Phật, trong Tông Môn thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Cảnh giới ấy là cảnh giới kiến tánh thành Phật, là trạng huống kiến tánh thành Phật. Quý vị thấy các Ngài có thành Phật hay không? Hãy dùng tiêu chuẩn này để kiểm nghiệm, đối chiếu một phen. [Muốn biết] chính mình có thành Phật hay không, cũng dùng tiêu chuẩn này để nghiêm túc kiểm điểm một phen. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, từng ly từng tí có tương ứng với những điều được nói trong phẩm kinh này hay không? Chư vị phải biết: Đệ Tử Quy là thiện pháp của nhân gian, tương ứng với Tánh Đức nơi nhân đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo là thiện pháp của chư thiên. Thượng phẩm Thập Thiện sanh thiên, tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn trong Đệ Tử Quy một bậc. Phẩm Tịnh Hạnh là thiện pháp của Pháp Thân đại sĩ, hoàn toàn là Tánh Đức tự nhiên lưu lộ.

“Đương nguyện chúng sanh” (Nguyện cho chúng sanh): “Đương nguyện” là tự nhiên. Nói “tự nhiên” tức là chẳng cố ý. Trong cố ý, sẽ xen tạp ý thức, sẽ chẳng tự nhiên. Ý nghĩa này sâu lắm. Trong giáo pháp Đại Thừa có nói “tâm, ý, thức”. Hễ trong ấy có tâm, ý, thức, sẽ chẳng phải là tự nhiên; lìa tâm, ý, thức mới là tự nhiên. “Tâm, ý, thức” là gì? Chúng tôi nói rõ ràng hơn một chút, nói nông cạn một chút: Thức là phân biệt, Ý là chấp trước, Tâm là khởi tâm động niệm. “Lìa tâm, ý, thức” cũng có nghĩa là khéo dùng cái tâm. Trong chân tâm, chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hễ xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng phải là chân tâm. Đối với “đương nguyện chúng sanh” ở đây,“đương nguyện” là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm. Nói cách khác, lìa tâm, ý, thức, trong ấy chẳng có tâm, ý, thức, tức là chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tôi nói thông thường cho mọi người dễ hiểu, đấy là quyết định chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Đấy là khéo dùng cái tâm. Quý vị có khởi tâm động niệm, có phân biệt, chấp trước, [tức là] chẳng khéo dụng tâm! Chẳng khéo dụng tâm, sẽ rơi vào mười pháp giới, rơi vào lục đạo. Chúng sanh trong lục đạo dụng tâm hoàn toàn sai lầm!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57