/ 57
372

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 29

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1519


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn kệ tụng thứ năm.


(Sớ) Tảo thấu quán tẩy thời hữu thất nguyện.

(疏)澡漱盥洗時有七願。

(Sớ: Khi tắm gội, súc miệng, rửa ráy, có bảy nguyện).


Trước hết, chúng ta xem nguyện thứ nhất:


(Kinh) Thủ chấp dương chi, đương nguyện chúng sanh, giai đắc diệu pháp, cứu cánh thanh tịnh.

(經)手執楊枝。當願眾生。皆得妙法。究竟清淨。

(Kinh: Tay cầm nhành dương, nguyện cho chúng sanh, đều đắc diệu pháp, rốt ráo thanh tịnh).


Đoạn này cũng là nói tới [những chuyện nhỏ nhặt] trong cuộc sống hằng ngày, tắm rửa, súc miệng, rửa mặt, quý vị thấy từng ly từng tí trong cuộc sống đều dẫn phát vô tận bi nguyện. Đấy chính là như trong phần trước Văn Thù Bồ Tát đã dạy chúng ta: “Nhược chư Bồ Tát thiện dụng kỳ tâm, tắc hoạch nhất thiết thắng diệu công đức” (Nếu các Bồ Tát khéo dùng cái tâm, sẽ đạt được hết thảy công đức thù thắng, nhiệm mầu). Những chuyện lụn vụn khi thức dậy vào sáng sớm, hằng ngày chúng ta đều phải làm, nhưng chẳng phát nguyện. Đấy là chỗ khác biệt giữa phàm phu và Bồ Tát. Vì thế, tôi thường nói: “Bồ Tát khởi tâm động niệm đều nghĩ đến chúng sanh”. Một trăm bốn mươi mốt nguyện này nhằm nêu những thí dụ cho chúng ta. Triển khai ra, sẽ là từng ly từng tí trong cuộc sống hằng ngày, trong vô lượng vô tận những sự tướng vặt vãnh, chẳng có chuyện nào không thể dẫn phát hoằng nguyện của Bồ Tát.

Từ những chỗ này, quý vị mới lãnh hội “thiện dụng kỳ tâm” (khéo dùng cái tâm) như Văn Thù Bồ Tát đã dạy. “Khéo dùng cái tâm” là gì? Có ai chẳng có cái tâm hay không? Ai nấy đều có! Bồ Tát có chân tâm, chẳng có vọng tâm. Phàm phu có vọng tâm, mà cũng có chân tâm. Chỉ vì mê hoặc tự tánh, vọng tâm nắm quyền cai quản, chân tâm chẳng làm chủ. Nếu chân tâm làm chủ, niệm nào cũng đều có thể sanh khởi hoằng nguyện. Đó là chân tâm. Vọng tâm làm chủ, niệm nào cũng đều sẽ chẳng dừng ở vô minh bèn dừng nơi vọng tưởng. Thuật ngữ trong kinh Phật gọi vọng tưởng là Điệu Cử (掉舉, còn đọc là “trạo cử”, lao chao, xáo động), tức là tâm của quý vị chẳng an định, bất ổn, nay chúng ta nói là “suy nghĩ loạn xạ”. Đó là vọng tâm. Nếu ngưng dứt vọng tâm, chân tâm sẽ khởi tác dụng, sẽ chẳng khác Bồ Tát, niệm nào cũng đều là thương xót hết thảy chúng sanh khổ nạn.

Không chỉ là thế giới Sa Bà này, khá nhiều cõi Phật trong mười phương đều có mười giới, lục đạo. Có thể nói là hiện tượng này khá phổ biến. Các chúng sanh khổ nạn và chúng ta vốn là một Thể, chúng ta đã quên bẵng “vốn là một Thể!” Do vậy, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói “đồng thể đại bi”, có cùng một Thể, “vô duyên đại từ”, “vô duyên” là lòng yêu thương chẳng có điều kiện. Đại từ, đại bi, niệm nào cũng đều là đại từ đại bi. To đến mức độ nào? Niệm nào cũng là trọn khắp pháp giới hư không giới, niệm nào cũng trọn khắp tiền hậu tế (tiền tế và hậu tế)[1]. “Tiền hậu tế” (前後際) là nói đến thời gian, thuật ngữ hiện thời là “thời không” (時空, thời gian và không gian). Niệm nào cũng trọn khắp hết thảy thời gian và không gian. Thêm chữ “hết thảy” vào “thời không” chính là nói đến “bất đồng duy thứ không gian” (不同維次空間, các chiều không gian khác nhau) như các nhà khoa học hiện thời đã nói. Ở trong ấy, chúng sanh sẽ cảm nhận thời gian và không gian khác nhau, Phật pháp gọi nó là “pháp giới”, mười pháp giới. Mười pháp giới mở rộng sẽ thành vô lượng pháp giới, chân tâm dùng chuyện này làm cảnh giới. Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Cảnh giới này chính là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chớ nên không biết chân tướng sự thật này!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57