Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 28
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1517
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ ba, xem từ bài kệ tụng cuối cùng. Đoạn thứ ba là Tựu Tọa Thiền Quán (就坐禪觀). Bài kệ cuối cùng là…
(Kinh) Xả già phu tọa, đương nguyện chúng sanh, quán chư hành pháp, tất quy tán diệt.
(經)捨跏趺坐。當願眾生。觀諸行法。悉歸散滅。
(Kinh: Thôi ngồi xếp bằng, nguyện cho chúng sanh, quán các hành pháp, đều là tan diệt).
Trong bảy bài kệ tụng này, chúng ta thấy bốn bài kệ đầu nói về phương tiện tu hành, đều thuộc về giới luật. Hai bài thứ năm và thứ sáu là chánh tu, bài thứ năm nói về Hạnh Môn, tức Thiền Định; bài thứ sáu nói về Giải Môn, là trí huệ. Từ chỗ này, chư vị có thể thấu hiểu: Bảy bài tụng này đã nêu ra toàn bộ sự tu học trong Phật pháp, tức là Tam Học Giới Định Huệ. Phương tiện là Giới, “tu hành ư Định” (tu hành Định) là Thiền Định, “nhược tu ư Quán” (nếu tu Quán) là trí huệ, Tam Học Giới Định Huệ! Đấy là tổng nguyên tắc, tổng cương lãnh. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật là như thế, mà quá khứ, vị lai hết thảy chư Phật tu hành, chứng quả, giáo hóa chúng sanh, đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này!
Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Phật pháp bảo đấy là Tánh Đức, “pháp nhĩ như thị”, “pháp nhĩ” (法爾) là tự nhiên như vậy, nó là như vậy đó, nó vốn là như thế đó! Chẳng có bất cứ lý do nào để có thể nói được. Nếu quý vị suy nghĩ [kiếm] một lý do cho nó, sẽ rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chỉ cần rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chân tướng sẽ ẩn lấp. Nói cách khác, quý vị chẳng thấy chân tướng sự thật. Điều này cũng có chỉ rõ “vì sao Thích Ca Mâu Ni Phật phải xuất hiện trên thế gian?” Có lý do hay không? Thưa cùng chư vị, chẳng có lý do! Pháp Tánh vốn là như vậy! Đấy mới là nói viên mãn, nói rốt ráo. Nếu quý vị nêu lý do, đưa ra lý do, sẽ có nhiều lý do lắm, đâm ra sẽ khiến cho vấn đề phức tạp. Vốn hết sức đơn giản, vì sao lại khiến cho nó phức tạp dường ấy? Kẻ thông minh quá nhiều, mỗi người đều muốn nghĩ ra một phương thức để giải thích!
Hôm nay, học đến bài kệ cuối cùng này, nếu chúng ta có thể thật sự thấu hiểu, sẽ hoảng nhiên đại ngộ! “Xả tọa” chính là buổi học đã xong, duỗi chân ra, rời khỏi giảng đường, [vì] buổi học đã kết thúc. “Đương nguyện chúng sanh, quán chư hành pháp, tất quy tán diệt” (Nguyện cho chúng sanh, quán các hành pháp, đều trở về chỗ tan diệt). Đấy chẳng phải là như kinh Bát Nhã đã nói ư? “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được”. Do vậy, quý vị suy tưởng như thế nào, nghiên cứu như thế nào, cũng đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chẳng phải là sự thật! Kinh Kim Cang đã nói rất hay: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”. Triệt để buông xuống, Tam Học Giới Định Huệ trọn đủ viên mãn. Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Tam Học Giới Định Huệ vốn sẵn có trong tự tánh, chỉ cần buông xuống muôn duyên, Tánh Đức tự nhiên hiện tiền. Do vậy, chẳng cần tu Tánh Đức, chư vị nhất định phải hiểu điều này! Đức Phật dạy chúng ta tu, đấy là chuyện bất đắc dĩ, [bởi lẽ] chúng ta chẳng kiến tánh. Chẳng kiến tánh, quý vị phải nên tu thiện, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, hy vọng cuộc sống trong lục đạo sẽ tốt đẹp hơn đôi chút. Chuyện là như thế đó!
Giới Định Huệ đã thành tựu, nhất là Huệ, đã đạt tới một mức độ nhất định, sẽ minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Khi ấy, trí huệ Bát Nhã, vạn đức vạn năng, vô tận tướng hảo vốn sẵn có trong Tánh Đức thảy đều hiện tiền. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy đức Thế Tôn đã giảng rõ về y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Hoa Tạng. Trong kinh Vãng Sanh, kinh Vãng Sanh tức là kinh luận của Tịnh Độ Tông, gồm năm kinh một luận, quý vị thấy đã miêu tả y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đó là tự tánh vốn tự nhiên hiển hiện viên mãn như thế đó, chẳng do con người tạo tác. Hễ khởi tâm động niệm thì sai mất rồi! Do khởi tâm động niệm, Tánh Đức bị vặn vẹo, nẩy sanh biến hóa. Tánh Đức thuần tịnh thuần thiện, chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước!