Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 27
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1515
Chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, phần Tựu Tọa Thiền Quán, xem từ bài kệ tụng thứ hai.
(Kinh) Nhược phu sàng tòa, đương nguyện chúng sanh, khai phu thiện pháp, kiến chân thật tướng.
(經)若敷牀座。當願眾生。開敷善法。見真實相。
(Kinh: Nếu trải sàng tòa, nguyện cho chúng sanh, trải bày thiện pháp, thấy tướng chân thật).
Bốn nguyện trước nói về phương tiện tu hành; thật ra là nói về quy củ, tức là quy củ tiến nhập đạo tràng. Thấy nguyện này, chúng ta ắt cần phải hiểu, vào thời cổ, vì thuở ấy đức Thế Tôn giảng kinh này tại Ấn Độ. “Sàng tòa”: Có giường hay không? Có tòa hay không? Sàng tòa (牀座) là gì? Thuở đức Phật tại thế, các vị phải hiểu, Ngài sống cuộc đời “giữa trưa ăn một bữa, đêm nghỉ dưới cội cây”. Dưới cội cây, tìm một ít cỏ để trải, đấy chính là “sàng tòa” của Ngài! Thông thường, cái “đệm” cỏ ở phía dưới hơi mềm, phía trên lại trải một thứ giống như tấm mền, thuật ngữ trong Phật môn là Ni-sư-đàn (Nisīdana), nay chúng ta gọi là Cụ (具, tức tọa cụ). Quý vị thấy hiện thời ở Trung Hoa, tấm Cụ vô dụng! [Thuở trước], nó dùng để trải sàng tòa. Hiện thời, Cụ được dùng để làm gì? Dùng phủ lên cái đệm quỳ để lạy Phật. Chư vị thấy các vị xuất gia người Hoa, trong các đại pháp hội, khi Hòa Thượng lạy Phật ở chính giữa, có mở tọa cụ ra để phủ lên trên cái đệm quỳ. Chư vị phải hiểu nó vốn chẳng dùng để trải lên cái đệm quỳ, mà là để trải trên cỏ hòng tĩnh tọa hoặc ngủ nghê.
Vào thời Xuân Thu[1] tại Trung Hoa, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trên thế gian, gần như chẳng khác thời Khổng Tử cho mấy. Đức Phật xuất thế sớm hơn Khổng Tử đôi chút. Khi đó, tại Trung Hoa cũng chẳng có giường, mà cũng chẳng có ghế tựa, ghế dài như trong hiện thời, đều chẳng có. Vì thế, có khách đến thì phải trải đệm ngồi. Đó là [biểu lộ] sự tôn trọng đối với khách. Nếu là quý khách, hoặc người tuổi tác đã cao, nhằm đặc biệt tôn trọng, sẽ bày “trùng tịch” (重席), bày hai tầng, tức là xếp hai cái đệm ngồi [chồng lên nhau]. Hiện thời, chư vị đến Nhật Bản có thể thấy phong tục ấy; trong chùa miếu của Nhật hãy còn giữ. Vì thế, chúng tôi qua lại với người xuất gia Nhật Bản, đến thăm viếng, họ chẳng có sofa, chẳng có ghế dựa, đều là ngồi trên chiếu trải dưới đất, ngồi trên tấm Tatami[2]. Họ bày đệm ngồi cho quý vị, [nếu như] đặc biệt cung kính, bèn chồng hai cái đệm lên, quý vị có thể thấy [như thế đó]. Hiện thời chẳng giống [xưa kia], nay đã có giường, bàn, ghế rất thoải mái. Ở đây, [“sàng tòa”] không phải là giường đệm. Quý vị đến giảng đường, đến giảng đường vì muốn nghe kinh, muốn dụng công. Vì thế, ở trong các điện đường hiện thời, trong phần trước, tôi đã thưa trình cùng chư vị, giảng đường dành để nghe kinh, [để ngồi trong đó] cũng cần phải trải sàng tòa. “Cụ” (tọa cụ) là do chính mình đem theo!