/ 57
425

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 26

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1513


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài kệ thứ mười ba, phần Xuất Gia Thọ Giới.


(Kinh) Thọ Xà Lê giáo, đương nguyện chúng sanh, cụ túc oai nghi, sở hành chân thật.

(經)受闍梨教。當願眾生。具足威儀。所行真實。

(Kinh: Tiếp nhận giáo huấn của bậc A Xà Lê, nguyện cho chúng sanh, trọn đủ oai nghi, hành trì chân thật).


Bài kệ trước là thọ giới, đấy chính là đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát tỏ bày, phát nguyện làm đệ tử của đức Phật, theo Phật học tập. Đã phát đại nguyện, nhất định phải thực hiện, ai đến dạy quý vị? Phật, Bồ Tát chẳng đích thân đến dạy quý vị. Người dạy quý vị là thầy, ở đây gọi là Xà Lê, tức A Xà Lê. A Xà Lê (Ācārya) là tiếng Phạn của Ấn Độ phiên âm, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Quỹ Phạm Sư (軌範師, vị thầy khuôn mẫu), Thanh Lương đại sư có chú giải:


(Sớ) Xà Lê giả, thử vân Chánh Hạnh, quỹ phạm giáo thọ. Cố vân “cụ túc oai nghi”.

(疏)闍梨者,此云正行,軌範教授,故云具足威儀。

(Sớ: Xà Lê: Cõi này dịch là Chánh Hạnh, tức là vị thầy dạy bảo khuôn phép. Vì thế nói là “đầy đủ oai nghi”).


Tuy văn tự chẳng nhiều, đã giảng rất rõ ràng. Ở đây, chúng ta phải lưu ý, danh xưng Xà Lê có nghĩa là Chánh Hạnh. Nếu hạnh của chính vị ấy bất chánh, sẽ chẳng có cách nào nêu gương, làm khuôn phép cho người khác được! Trước hết là phải làm được; sau đấy, mới có thể dạy kẻ khác!

Giáo học là một công việc lâu dài. Không chỉ là một đời, một kiếp, cổ đại đức thường bảo: “Sống đến già, học đến già, học chẳng xong!” Trong Phật pháp, [tu học là quá trình kéo dài] từ Sơ Phát Tâm cho đến địa vị Như Lai. “Từ Sơ Phát Tâm cho đến địa vị Như Lai” chắc chắn là chẳng thể hoàn thành trong một đời! Vì thế, học tập hết sức lâu dài, đời đời kiếp kiếp! Chúng ta thường nghe, “tu hành phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp thì mới có thể thành Phật”. A-tăng-kỳ (Asaṃkhyeya) là một con số của Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Ương Số (無央數). Con số rất lớn, Vô Ương Số cũng chính là như chúng ta thường nói là “chẳng có cách nào tính toán”. Phải trải qua thời gian dài ngần ấy! Chẳng phải là “A-tăng-kỳ năm”, [chẳng phải là] ba đại A-tăng-kỳ năm đâu nhé! Chẳng phải vậy, mà là Kiếp!

“Kiếp” (kalpa) là nói về đơn vị thời gian, có đại kiếp, trung kiếp, và tiểu kiếp; ở đây nói đến đại kiếp! Một đại kiếp lâu cỡ nào? Kinh Phật dạy: [Đó là thời gian để] thế giới này trải qua một lần “thành, trụ, hoại, không” thì gọi là một đại kiếp, tức là thế giới [lần lượt trải qua các giai đoạn] thành, trụ, hoại, không. [Thời gian cần thiết để hoàn tất một trong] bốn chữ “thành, trụ, hoại, không” được gọi là trung kiếp. Đối với Thành và Trụ, nay chúng ta đang thuộc trung kiếp thứ hai, tức là Trụ. Sau [trung kiếp] Trụ, thế giới này sẽ hư hoại. Hư hoại mất một trung kiếp, sau đấy, sẽ hoàn toàn rỗng không. “Không” kéo dài một trung kiếp. Sau đấy, thế giới sẽ lại dần dần hình thành. Vĩnh viễn tuần hoàn “thành, trụ, hoại, không” chẳng ngừng! Bốn trung kiếp hợp thành một đại kiếp. Thế giới “thành, trụ, hoại, không” phải trải qua số lượng ba đại A-tăng-kỳ như vậy thì mới có thể tu hành thành Phật viên mãn! Thời gian đúng là quá dài; do đó, tu hành không phải là một đời, một kiếp, mà là đời đời kiếp kiếp tiếp tục thực hiện.

Do vậy có thể biết, dũng mãnh, tinh tấn chẳng phải là một đời, phải có hằng tâm (恆心, tâm thường hằng), phải có nghị lực, vĩnh hằng không ngừng. Trong kinh Dịch, điều này được diễn tả bằng câu: “Tự cường bất tức” (tự dũng mãnh không ngừng). Chúng ta thấy cổ thư Trung Hoa ghi chép, Khổng phu tử vào lúc bảy mươi tuổi, vẫn mong sống thêm mấy năm, để làm gì? Học Dịch, [tức là học tập] kinh Dịch. Học Dịch sâu hơn, nhằm mục đích tránh khỏi lỗi lầm, khiến cho sự hành trì, đoạn ác tu thiện suốt đời có thể thực hiện viên mãn! Từ chuyện này, chúng ta có thể thể nghiệm thánh nhân đã “tự cường” không ngừng, trọn chẳng phải nghĩ “đã già rồi, có thể chẳng cần học nữa”! Càng già, càng dụng công, càng nỗ lực, hy vọng có thể đoạn hết lầm lỗi của chính mình, đức hạnh có thể viên mãn. Đấy đều là nêu gương, làm khuôn mẫu cho chúng ta.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57