/ 51
362

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 25

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1511

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài kệ thứ mười của phần Xuất Gia Thọ Giới:

 

   (Kinh) Tự quy ư Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.

  (經)歸於法。當願眾生。深入經藏。智慧如海。

  (Kinh: Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trí huệ như biển).

 

  Đây là điều thứ hai trong Tam Quy, “quy y Pháp”. Trong phần trước đã nói về quy y Phật, điều thứ hai là quy y Pháp. Pháp là Tự Tánh Pháp Bảo. Trong Đàn Kinh, Huệ Năng đại sư đã dạy chúng ta, Phật có nghĩa là Giác, [“tự quy y Phật” là] tự quy y Giác. Điều thứ hai là quy y Chánh. Do vậy có thể biết, Pháp là chánh tri chánh kiến. Tiêu chuẩn của Chánh là gì? Tiêu chuẩn là Pháp Tánh. Vì thế, Pháp ở đây có ý nghĩa Pháp Tánh, có ý nghĩa Pháp Tướng. Tánh và Tướng là một Thể, đó gọi là “Tánh, Tướng chẳng hai; Tánh và Tướng như một”. Chỉ cần chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Pháp ấy chính là chánh pháp. Hễ thêm vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong Pháp ấy sẽ có thiện và ác. Phật pháp nói “thiện, ác, vô ký”, [do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước], sẽ xuất hiện những thứ ấy. Trong Pháp Tánh, thậm chí trong Pháp Tướng, thiện, ác, vô ký (không thiện, không ác) đều chẳng có. Do vậy, Huệ Năng đại sư đã nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật”. “Vốn chẳng có một vật” không có nghĩa là “chẳng có Pháp Tánh, chẳng có Pháp Tướng”. “Vốn chẳng có một vật” nghĩa là “chẳng có hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Khi ấy, quý vị mới có thể thật sự kiến đạo, đâu đâu cũng là đạo, làm chuyện gì cũng thuận lợi!

  Phàm phu chẳng thấy [Tánh] là do nguyên nhân nào? Vì phàm phu có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nhị Thừa tuy thấy đôi chút, nhưng mơ hồ. Tuy Nhị Thừa chẳng chấp trước, họ hãy còn có vọng tưởng và phân biệt. Bồ Tát thấy rõ ràng hơn Nhị Thừa, nhưng Bồ Tát chưa phá vô minh, chỉ đoạn phân biệt và chấp trước, có thể nói là [đã kiến tánh] khá rõ ràng. Các Ngài được gọi là Tương Tự Vị (相似位, địa vị tương tự), chẳng phải là Chân Thật Vị (địa vị chân thật). Có thể phá trừ một phẩm vô minh, quý vị sẽ thấy chân thật; đấy mới là thật sự “tự quy ư Pháp”. Về sau, tổ sư đại đức đổi chữ Ư (於) thành Y (依); xét theo ý nghĩa thật sự, Ư hay hơn Y[1]. Vì sao phải đổi thành Y? Thuận tiện cho bọn sơ học chúng ta, [dùng Y với hàm ý] chúng ta phải biết quay đầu, phải nương vào Pháp. Ý nghĩa được bao hàm trong chữ Pháp cũng rất rộng. Đối với kẻ sơ học, Pháp là gì? Pháp là giáo huấn của thánh nhân. Giáo huấn của thánh nhân nương vào Pháp Tánh; vì thế, gọi là Chánh Pháp. Ở đây, chúng ta phải lắng lòng lãnh hội.

  Pháp vốn là chánh; con người thoạt đầu, tánh vốn lành. Con người thoạt đầu, tánh vốn giác. Con người thoạt đầu, tánh vốn chánh. Con người thoạt đầu, tánh vốn tịnh. Nay vì sao chẳng lành, chẳng giác, chẳng chánh, do nguyên nhân nào? Vô đoan (“vô đoan” (無端) là chẳng có nguyên nhân gì) dấy lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, dấy lên những thứ như vậy! “Vô đoan” (vô cớ), chẳng có nguyên nhân, cho thấy điều gì? Nói rõ những thứ ấy là giả, chẳng thật. Hễ là thật, sẽ có khởi đầu, có kết thúc, có đầu, có cuối. [Những thứ ấy] chẳng có, tức là chẳng có đầu và cuối, chẳng có trong hay ngoài. Kinh điển dạy chúng ta, chân, vọng, giác, mê, chánh, tà, nhiễm, tịnh có phải là thật hay không? Kinh Kim Cang đã nói rất hay, “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, nhưng nếu quý vị bất giác, chúng sẽ là thật sự có. Nếu quý vị giác, chúng vốn là không. Vì thế, giáo học của Phật pháp là thật, chẳng giả, nói đến chỗ rốt ráo!  

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51