/ 57
397

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 24

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1509


Chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ bài kệ thứ năm[1] trong phần kệ tụng Xuất Gia Thọ Giới:


(Kinh) Thoát khứ tục phục, đương nguyện chúng sanh, cần tu thiện căn, xả chư tội ách.

(經)脫去俗服。當願眾生。勤修善根。捨諸罪軛。

(Kinh: Cởi bỏ áo đời, nguyện cho chúng sanh, siêng tu căn lành, bỏ các tội ách).


Đây là xuất gia thế độ. Bài kệ trước đó là Cầu Thỉnh Xuất Gia. Tôi cũng đã thưa bày cặn kẽ với quý vị: Xuất gia là một đại sự; tại gia thì lập gia đình là một đại sự, tuyệt đối chẳng phải là chuyện đùa bỡn của trẻ con! Nhưng hiện thời, đối với chuyện lập gia đình, cũng là kết hợp rất cẩu thả. Tình hình ấy đã tạo thành tỷ lệ ly hôn khá cao. Trong xã hội xưa kia, rất ít nghe nói đến chuyện ly hôn. Thuở ấy, hễ nghe nói đến chuyện vợ chồng nào đó ly dị, đúng là một tin sốt dẻo, hiếm nghe thấy! Hiện thời quá nhiều! Chúng ta phải lắng lòng quan sát cặn kẽ chuyện này, sau đấy mới thật sự thấu hiểu nguyên nhân chân chánh gây nên sự an nguy và động loạn trong xã hội là ở chỗ nào. Quý vị mới có thể phát hiện tình trạng nguy ngập nghiêm trọng trong xã hội hiện thời, [thấy rõ] nguồn cội của tình trạng nguy ngập ấy, cũng như nguyên nhân gây ra tình trạng nguy ngập ấy là ở chỗ nào!

Trong quá khứ, xuất gia cũng hết sức thận trọng. Không chỉ là giữa thầy và trò thật sự có sự chọn lựa rất nghiêm túc, nghiêm ngặt. Đồ đệ chọn lựa thầy, thầy chọn lựa đồ đệ, nhất định chẳng phải là rất tùy tiện, rất dễ dãi, qua quít! Đã thế, [để hội đủ tư cách xuất gia], còn phải trải qua sự khảo thí của nước nhà! Ở đây, tôi phải nói rõ thêm về điểm này. Vào thời cổ, xuất gia chẳng phải là tùy tiện xuất gia. Đạo tràng do quốc gia quản lý; vì rất nhiều đạo tràng là do quốc gia kiến tạo, chẳng phải do tư nhân xây dựng. Nếu chư vị nhìn vào rất nhiều đạo tràng có quy mô rất lớn tại Trung Hoa, sẽ thấy trên hoành phi có ghi “sắc kiến”. “Sắc kiến” (敕建) nghĩa là do hoàng đế hạ lệnh xây dựng. Có những ngôi chùa do quốc khố bỏ tiền xây cất, có những ngôi chùa do chính quyền địa phương bỏ tiền xây dựng. Chùa miếu như vậy thì làm sao quốc gia chẳng quản lý cho được? Trong số ấy, cũng có những ngôi chùa do một số ít trưởng giả, cư sĩ kiến lập.

Đạo tràng [thời cổ] đều là đạo tràng thập phương, chẳng thuộc về một cá nhân nào, nhằm cung cấp [nơi chốn] cho người xuất gia tu hành an tâm học tập nơi đó. Người xuất gia có nhu cầu sinh hoạt rất đơn giản; vì thế, chăm sóc họ cũng chẳng khó. Họ chẳng có nhu cầu xa xỉ gì, đúng là “thô trà, đạm phạn” (trà dở, cơm nhạt). Chánh phủ và nhân dân cũng vui lòng cúng dường họ. Họ có cống hiến gì đối với xã hội và quốc gia? Quý vị đọc bài Ung Chánh Hoàng Đế Thượng Dụ (huấn dụ của hoàng đế Ung Chánh) sẽ biết, nhà vua đã viết rất nhiều bài huấn dụ về tôn giáo và giáo dục. Trong [bản in] kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, [chúng tôi] có [sao lục] một bài, nguyên văn [của bài ấy] và những phần trích lục [từ những bài khác] đều được ấn hành. Chư vị hãy xem nhé! Vua Ung Chánh nói rất hay. Những vị xuất gia tu trì tốt đẹp, hằng ngày hồi hướng cho quốc gia và xã hội, người ngoại quốc nói là “kỳ đảo” (祈禱, cầu nguyện), chúc phước. Chuyện này có hiệu quả hay không? Khẳng định là có hiệu quả. Người thuở trước tin tưởng, người hiện thời chẳng tin. [Đối với chuyện] “do những lời cầu nguyện, chúc phước của quý vị, Thượng Đế sẽ nghe lời quý vị”, họ nẩy sanh hoài nghi! Trên thực tế, sự kiền thành cầu nguyện và chúc phước chẳng liên quan gì đến Thượng Đế cả! Hiệu quả là ở chỗ nào? Từ thí nghiệm với nước của tiến sĩ Giang Bổn Thắng, ta đã có chứng minh khoa học! Thiện tâm chúc phước, nhất là có rất nhiều người đồng thời [làm như vậy], không nhất định là ở cùng một chỗ, mà là cùng một lúc cầu nguyện, chúc phước, sẽ sanh ra phản ứng nhất định. Điều khó có là các nhà khoa học đã chứng minh [chuyện này]. Chuyện này thuộc về phương diện tinh thần. Trên thực tế, hành vi của những vị xuất gia ấy đã nêu gương tốt cho đại chúng trong xã hội, gương gì vậy? “Ư nhân vô tranh, ư thế vô cầu” (Chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời), khiến cho những người hằng ngày cạnh tranh trong xã hội sẽ lắng lòng phản tỉnh đôi chút. Vì thế, người xuất gia tu hành đúng pháp sẽ có cống hiến rất lớn đối với xã hội.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57