/ 57
496

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 23

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1507


Chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, bài kệ thứ hai trong phần Xuất Gia Thọ Giới:


(Kinh) Nhập tăng già-lam, đương nguyện chúng sanh, diễn thuyết chủng chủng, vô quai tránh pháp.

(經)入僧伽藍。當願眾生。演說種種。無乖諍法。

(Kinh: Vào tăng-già-lam, nguyện cho chúng sanh, diễn thuyết các thứ pháp chẳng tranh chấp).


Chúng ta xem chú giải của Thanh Lương đại sư:


(Sớ) Tăng-già-lam giả, thử vân Chúng Viên. Chúng hữu Lục Hòa pháp, tắc Sự Lý nhất vị, cố vô tránh dã.

(疏)僧伽藍者,此云眾園,眾有六和法,則事理一味,故無諍也。

(Sớ: “Tăng già-lam”, cõi này dịch là Chúng Viên. Chúng có pháp Lục Hòa, tức là Sự và Lý một vị. Vì thế, chẳng tranh cãi).


Đoạn khai thị này rất đơn giản, hết sức trọng yếu. Trước hết, chúng ta phải liễu giải chánh xác ý nghĩa của chữ Tăng Già. Chữ Tăng Già (Sam̐ghā) trong hiện thời, vốn là Tăng-già-lam, gọi tắt là Tăng Già, còn gọi là Tăng. Đại chúng bình phàm trong xã hội, hễ thấy chữ Tăng liền nghĩ là nói đến người xuất gia, nay đã trở thành thói quen. Cũng có thể nói như vậy, đấy là [thói quen] trong xã hội Trung Hoa. Trên thực tế, ý nghĩa trong tiếng Phạn không phải là chuyên nói về người xuất gia, mà là nói về đoàn thể. Chữ này nói về đoàn thể. Bất quá, đoàn thể ấy chẳng giống các đoàn thể thông thường cho lắm. Vì sao? Nhất định là mỗi thành viên đều phải tuân thủ Lục Hòa Kính, đoàn thể ấy mới được gọi là Tăng đoàn.

Do vậy, Tăng già-lam (Sam̐ghārāma) là nơi chốn cư trụ của Tăng đoàn. Lam (Ārāma) là nơi chốn. Nay chúng ta gọi [Tăng-già-lam] là “đạo tràng”. Dịch theo ý nghĩa gốc, sẽ là Chúng Viên (眾園, khu vườn của đại chúng). Quý vị thấy chữ này chẳng phải là “tinh xá” (精舍), chẳng phải là tự, viện, am, đường, vì sao? Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế giáo học, chẳng có bất cứ kiến trúc nào, toàn là ở dưới cội cây, bên cạnh chỗ có nước. Đức Phật ngồi xuống nơi ấy, tứ chúng đồng học vây quanh Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta nói “tịch địa nhi tọa” (trải chiếu trên đất để ngồi), còn trải cái chiếu, chứ thuở ấy chẳng có chiếu. Chư vị phải biết, đối với người xuất gia hiện thời, cái được người Hoa gọi là Cụ (Niṣadana, tấm ni-sư-đàn, tọa cụ), hiện thời dùng để làm gì? Dùng trong lúc lạy Phật, trải xuống dưới cái đệm để quỳ lên. Xưa kia, bất luận ngồi xuống chỗ nào, bèn lót [tọa cụ] xuống dưới. [Tọa cụ] là một tấm vải để lót xuống dưới, hòng ngồi xuống đất nghe đức Phật thuyết pháp, cũng tức là nghe thầy dạy học. Bởi lẽ, Ngài chẳng có phòng ốc, cũng chẳng có bàn ghế. Chữ Tăng Viên (僧園) đã miêu tả hoàn toàn trạng huống giáo học thuở ấy của đức Thế Tôn. Bắt đầu giáo học ở chỗ nào, chỗ ấy được gọi là Tăng-già-lam.

Điều trọng yếu là chúng ta còn gọi Tăng-già-lam là “Tăng đoàn”, tức là “đoàn thể”. Đối với ý nghĩa của chữ Tăng, đối với ý nghĩa gốc, nếu nói theo kiểu hiện thời, sẽ là “đoàn thể”. Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta, từ bốn người trở lên tụ tập cùng một chỗ, tuân thủ Lục Hòa Kính, đoàn thể ấy là Tăng đoàn, chẳng phân biệt tại gia hay xuất gia! Tại gia, nếu nhà quý vị có bốn người, từ bốn người trở lên; hiện thời, cũng thường có thể thấy, hai vợ chồng, có một con trai, một con gái, thành bốn người. Nếu bốn người tu Lục Hòa Kính, gia đình ấy là Tăng đoàn. Điều quan trọng nhất là pháp Lục Hòa; bởi lẽ, “Chúng” có pháp Lục Hòa. Trong pháp Lục Hòa, có Lý và Sự. Điều thứ nhất là Lý, tức Kiến Hòa Đồng Giải. Điều này là Lý. Tăng đoàn thời đức Thế Tôn tại thế, đức Phật yêu cầu đại chúng mỗi người đối với phân biệt, chấp trước của chính mình, vọng tưởng chẳng cần bàn tới, đối với phân biệt và chấp trước thảy đều buông xuống, đối với người, đối với sự, đối với vật, đều chẳng có phân biệt, đều chẳng có chấp trước. Đấy chính là hòa thuận.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57