/ 51
304

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 14

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

 

Tập 1489

 

  Chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống, xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ đoạn thứ mười trong phần trường hàng. Chúng tôi đọc kinh văn một lượt:

 

  (Kinh) Vân hà đắc dữ nhất thiết chúng sanh vi y, vi cứu, vi quy, vi thú, vi cự, vi minh, vi chiếu, vi đạo, vi thắng đạo, vi phổ đạo?

  (經)云何得與一切眾生為依。為救。為歸。為趣。為炬。為明。為照。為導。為勝導。為普導。

  (Kinh: Làm thế nào để là nơi nương tựa, nơi cứu tế, nơi quay về, nơi hướng đến, làm đuốc, làm ánh sáng, chiếu soi, dẫn dắt, dẫn dắt thù thắng, dẫn dắt trọn khắp cho hết thảy chúng sanh?)

 

  Đối với mười câu này, hôm qua chúng ta đã học đến “vi y, vi cứu”, hôm nay xem từ câu thứ ba, tức là “vi quy”, cũng là “vân hà đắc dữ nhất thiết chúng sanh vi quy” (làm thế nào để làm chỗ quay về cho hết thảy chúng sanh). “Quy” (歸) là quay đầu. Trong phần [kinh văn của địa vị] Sơ Hồi Hướng [trong phẩm Thập Hồi Hướng kinh Hoa Nghiêm], Thanh Lương đại sư đã bảo “giai linh đắc ly chư bố úy cố” (vì đều làm cho [hết thảy chúng sanh] được lìa các sự sợ hãi). Câu ấy đã nói rất rõ ràng, nay chúng ta đọc xong, có cảm xúc vô cùng sâu đậm! Vì xã hội hiện tại đáng gọi là “xã hội khủng bố”, làm thế nào để có thể hóa giải xung đột, xa lìa sợ hãi chính là chủ đề đàm luận của mọi người trong mấy năm gần đây. Do vậy, chúng tôi đọc câu kinh văn này, cảm xúc càng sâu hơn!

  “Quy” là quay đầu, nhà Phật thường nói “hồi đầu thị ngạn” (回頭是岸, quay đầu là bờ), phải từ trong nỗi sợ hãi mà quay lại. “Bố úy” (怖畏) được nói trong Phật pháp còn đáng kinh sợ hơn những phần tử khủng bố như người hiện thời thường nói. “Bố úy” ở đây chính là nói đến tam đồ, tức địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như thế nào mới có thể lìa khỏi tam đồ? Vậy thì quý vị phải biết tam đồ do như thế nào mà có? Trong kinh luận Đại, Tiểu Thừa, đức Phật đã dạy cặn kẽ, nhất là địa ngục quá sức kinh sợ, [tam đồ] là do trong đời này chúng ta đã tạo các nghiệp bất thiện mà cảm vời! Vô lượng hình phạt trong địa ngục nói chẳng cùng tận! Trong các kinh điển, đức Phật đã nói đến, đã nói rất nhiều. Nói thật ra, [những điều Ngài đã nói] chỉ là tình huống đại khái trong địa ngục mà thôi! Vì sao nói chẳng cùng tận? Chúng sanh tạo nghiệp vô lượng vô biên, cho nên nghiệp báo cũng là vô lượng vô biên. Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, đức Phật đã dạy, chỉ cần chẳng tạo mười ác nghiệp, mỗi điều trong mười ác nghiệp đều là cương lãnh [của các ác nghiệp]. Nói cặn kẽ, mỗi điều sẽ đều nói chẳng cùng tận! Không sát sanh, sẽ không kết oán cừu với hết thảy chúng sanh. Giết hại chúng sanh, chẳng biết đến nỗi oán hận của chúng sanh. Nỗi oán hận ấy sẽ là oan oan tương báo, chẳng hết, chẳng xong, đời đời kiếp kiếp! Quý vị nói xem, chuyện này đáng sợ lắm thay! Khi quý vị lấn hiếp kẻ khác, người ta sẽ báo cừu, đời này chẳng thể báo cừu, [sẽ đợi tới] đời sau!

  Các đồng học học Phật đều biết, quý vị đều đã đọc Từ Bi Tam Muội Thủy Sám. Từ Bi Tam Muội Thủy Sám nói về chuyện của Ngộ Đạt quốc sư là người thời Đường. Ngài bị một mụt ghẻ mặt người, gần như mất mạng! Do đâu mà có mụt ghẻ mặt người ấy? Nguyên lai là trong mười đời trước, Ngài đã từng giết một người. Người ấy oán hận Ngài, cả mười đời đều theo sát bên Ngài. Nhưng đến đời thứ hai, Ngài xuất gia, tu hành rất khá, có thần hộ pháp bảo vệ. Mỗi đời tiếp theo, Ngài suốt mười đời trì giới tinh nghiêm, chẳng tạo ác nghiệp. Vì thế, cả mười đời chẳng mất thân người, lỗi lạc thay! Mười đời chẳng mất thân người, lại còn mười đời đều xuất gia, đều tu hành, tu hành rất khá. Đời thứ mười một, làm thầy của hoàng đế, tức quốc sư, vinh diệu tột bậc! Nhà vua biếu Ngài một tòa báu bằng trầm hương. Sau khi Ngài nhận lấy, hết sức hoan hỷ, dấy lên tâm ngạo mạn (ngạo mạn là phiền não, tham, sân, si, mạn), cảm thấy chính mình rất vinh diệu, người xuất gia trong thiên hạ chẳng có kẻ nào mà hòng sánh bằng Ngài! Vừa sanh ý niệm ấy, thần hộ pháp bỏ đi, oan gia tìm tới, đấy chính là [nguyên cớ nổi] mụt ghẻ mặt người, đến báo cừu mà! Khéo sao, Ngài tu hành mười đời, xác thực là chẳng uổng phí công phu, cảm động một vị A La Hán, tức tôn giả Ca Nặc Ca. Tôn giả Ca Nặc Ca điều giải cho Ngài, đối phương kể ra nhân duyên, “do nguyên nhân gì mà tìm đến ngươi”! Nay được tôn giả Ca Nặc Ca điều giải, người ấy cũng hoan hỷ tiếp nhận, lìa khỏi, ghẻ mặt người khỏi hẳn!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51