Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 13
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1487
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, xem từ đoạn thứ tám của phần trường hàng. Chúng tôi đọc kinh văn một lượt.
(Kinh) Vân hà đắc xứ phi xứ trí lực, quá vị hiện tại nghiệp báo trí lực, căn thắng liệt trí lực, chủng chủng giới trí lực, chủng chủng giải trí lực, nhất thiết chí xứ đạo trí lực, Thiền giải thoát tam-muội nhiễm tịnh trí lực, túc trụ niệm trí lực, vô chướng ngại Thiên Nhãn trí lực, đoạn chư Tập trí lực?
(經)云何得處非處智力。過未現在業報智力。根勝劣智力。種種界智力。種種解智力。一切至處道智力。禪解脫三昧染淨智力。宿住念智力。無障礙天眼智力。斷諸習智力。
(Kinh: Làm thế nào để đắc trí lực biết sự vật hợp lý hay phi lý, trí lực biết nghiệp báo trong quá khứ, vị lai, hiện tại, trí lực biết căn cơ thù thắng hay kém cỏi, trí lực biết các thứ cảnh giới, trí lực thấu hiểu các thứ tri giải, trí lực biết hết thảy chúng sanh sẽ sanh vào đường nào, trí lực biết Thiền giải thoát tam-muội nhiễm hay tịnh, trí lực biết túc mạng an trụ Niết Bàn, trí lực Thiên Nhãn chẳng bị chướng ngại, trí lực đoạn dứt các Tập?)
Đấy là trọn đủ mười lực. Trong phần trước, chúng ta đã học đến loại thứ tư là “chủng chủng giới trí lực”, nay chúng ta xem loại tiếp theo là “chủng chủng giải trí lực”. Những trí lực này đều là trí huệ khởi tác dụng. Nói theo cách hiện thời, sẽ là “có thể biết, có thể lý giải trình độ của hết thảy chúng sanh”. Chúng ta biết: Trình độ lý giải của hết thảy chúng sanh đối với hết thảy các pháp, xác thực là mỗi người mỗi khác. Như Lai chẳng có gì không biết. Nói theo phương diện giáo học, sẽ hết sức thuận tiện. Những điều đã nói, đã thị hiện, đều phù hợp khít khao với trình độ của học trò. Nói thông thường, chuyện này rất khó làm được! Những người dạy học đã lâu sẽ giỏi quan sát căn cơ [của học trò] hơn những thầy giáo trẻ. Họ có kinh nghiệm dạy học phong phú, trong một thời gian dài, họ đã tiếp xúc học trò lâu ngày. Do vậy, trong kinh nghiệm, họ có thể có năng lực quan sát, nhưng nói chung, vẫn thua kém Phật, Bồ Tát. Vì sao? Phật, Bồ Tát có thể biết quá khứ và vị lai của hết thảy chúng sanh, [biết rõ] trong quá khứ, họ đã từng học loại khoa học nào, từng theo đuổi nghề nghiệp gì. [Lại còn biết rõ] trong đời quá khứ, họ đã học loại khoa học nào, hoặc là theo đuổi nghề nghiệp nào đó trong thời gian bao lâu! Trong A Lại Da Thức đã kèm theo tập khí ấy, đời này lại gặp gỡ, cho nên rất dễ lý giải.
Chúng tôi mượn ngay môn học Phật này để nói. Các đồng học ở cùng một chỗ với nhau, sự liễu giải của mỗi người mỗi khác. Có người đối với Giáo rất dễ nhập môn, có thể nghe hiểu, có thể lãnh hội, đấy là do nguyên nhân nào? Đời trước đã từng học! Giảng kinh rất khá; trước kia, thầy Lý đã bảo tôi (thầy là một vị tại gia cư sĩ giỏi giảng kinh), trong đời quá khứ, nói chung [thầy Lý] là một vị pháp sư giảng kinh, chắc chắn chẳng phải là một đời. [Nếu chỉ là] một đời, sẽ chẳng làm được! Nói thông thường, sẽ là ba đời hoặc năm đời, thì mới có thành tựu trong đời này, có thể thâm nhập mà diễn tả đơn giản, có thể nhiếp thọ tâm người nghe. Trong những trường hợp thông thường, thầy sẽ chẳng nói những lời ấy, vì thường là Ngài hết sức khiêm hư. Ở cùng một chỗ với các đồng học chúng tôi, thầy thường khích lệ riêng tư: - Đời này, căn tánh kém cỏi đôi chút, chẳng giảng giỏi như vậy, không sao hết! Phải nỗ lực, vì đấy chẳng phải là chuyện một đời, một kiếp. Để thật sự giảng hay, thường là phải [đã từng giảng kinh] từ ba đời cho đến năm đời, đương nhiên là càng dài càng tốt.
Qua Tam Muội Từ Bi Thủy Sám, ta thấy Ngộ Đạt quốc sư là thầy của hoàng đế, tôn giả Ca Nặc Ca đã nêu ra căn cơ của quốc sư: “Cao tăng trong mười đời!” Sư đã học Phật suốt mười đời, lại còn là mười đời liên tục, quá khó, quá chẳng dễ dàng! Mười đời chẳng đánh mất thân người, rất khó khăn! Do vậy, có thể biết: Sư học Phật rất nghiêm túc, trì giới rất nghiêm. Được làm thân người là do Thập Thiện, Ngũ Giới. Thập Thiện, Ngũ Giới chẳng thiếu sót, quý vị chắc chắn chẳng đánh mất thân người. Do vậy, chúng ta chớ nên không biết điều này. Đúng là phải xem, phải nghe kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo cho nhiều! Học Phật, bất luận tu học pháp môn nào mà chẳng có điều kiện này, nếu như là niệm Phật, sẽ chẳng thể vãng sanh. Bởi lẽ, công phu Niệm Phật chẳng đủ, chẳng thể vãng sanh, vẫn phải luân hồi. Đã luân hồi, lại do quý vị chẳng tu Thập Thiện tốt đẹp, chẳng được làm thân người. Dẫu đời này học Phật giỏi giang, [đời kế tiếp] chẳng được làm thân người, sẽ chẳng có cơ hội tiếp tục tu tập! Hễ đọa lạc như thế, chẳng biết sẽ đọa lạc đến bao nhiêu đời, chệch choạc bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp!