Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 15
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1491
Chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Hôm nay là ngày Nguyên Đán năm 2006. Trước hết, ở đây, tôi chúc phước mọi người “năm mới hoan hỷ”. Trong Phật môn, có hai câu: “Chư ác mạc tác, niên niên như ý; chúng thiện phụng hành, tuế tuế bình an” (Đừng làm các điều ác, năm nào cũng như ý. Vâng làm các điều thiện, năm nào cũng bình an). Chúng ta vẫn tuân thủ lời dạy của đức Phật, “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” thì mới thật sự có thể đạt được “năm nào cũng bình an, năm nào cũng như ý”. Cảm ơn mọi người!
Xin xem phần trường hàng của phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, tức phần trường hàng nêu câu hỏi, xem đoạn cuối cùng, chúng tôi còn một câu chưa giảng xong. Chúng ta đọc đoạn kinh văn này một lượt.
(Kinh) Vân hà ư nhất thiết chúng sanh vi đệ nhất, vi đại, vi thắng, vi tối thắng, vi diệu, vi cực diệu, vi thượng, vi vô thượng, vi vô đẳng, vi vô đẳng đẳng?
(經)云何於一切眾生中為第一。為大。為勝。為最勝。為妙。為極妙。為上。為無上。為無等。為無等等。
(Kinh: Làm thế nào để trong hết thảy chúng sanh sẽ là bậc nhất, là lớn, là thù thắng, là tối thắng, là diệu, là cực diệu, là thượng, là vô thượng, là vô đẳng, là vô đẳng đẳng?)
Lần trước, chúng tôi đã nói đến Diệu. Đối với Diệu và Cực Diệu, trong phần chú giải, Thanh Lương đại sư đã giảng:
(Sớ) Diệu giả, Phiền Não Chướng tận cố. Cực diệu giả, Sở Tri Chướng tận cố.
(疏)妙者,煩惱障盡故。極妙者,所知障盡故。
(Sớ: “Diệu” là đã hết sạch Phiền Não Chướng. “Cực diệu” là đã hết sạch Sở Tri Chướng).
Hai câu này nói rất hay! Phiền Não Chướng là Kiến Tư, chúng ta gọi [Kiến Tư] là “kiến giải sai lầm, tư tưởng sai lầm”. Vì tư tưởng và kiến giải sai lầm, cho nên dẫn đến lời nói và hành vi của chúng ta sai lầm. Vì vậy, mới chuốc lấy quả báo bất thiện. Tuy Sở Tri chẳng phải là chướng, nhưng loại chướng ngại này có thể ngăn trở sự hiểu biết của chúng ta. Trên thực tế, Phiền Não và Sở Tri có quan hệ liên đới. Kinh Hoa Nghiêm chẳng nói Kiến Tư phiền não, mà nói là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Chấp trước là Phiền Não Chướng, vọng tưởng là Sở Tri Chướng. Kinh Hoa Nghiêm nói [như vậy] dễ hiểu! Nói cách khác, chúng ta chẳng còn chấp trước hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, Phiền Não Chướng sẽ hết. Chư vị hãy suy nghĩ cẩn thận, khéo suy tưởng, quý vị thấy phiền não có phải là sanh từ chấp trước hay không? Nếu không chấp trước, quý vị hãy ngẫm xem, có còn phiền não hay chăng? Người thế gian gọi [chấp trước] là “thành kiến”, thành kiến là chấp trước! Luôn nghĩ chính mình là đúng, người khác sai be bét!
Trong cảm nhận của Phật, Bồ Tát, pháp nào cũng đều như nhau, mọi pháp bất nhị! Nay chúng ta có chấp trước, tà và chánh là hai pháp, thiện và ác là hai pháp, đúng và sai là hai pháp, chân và vọng là hai pháp. Nếu quý vị gặp Lục Tổ Huệ Năng, hướng về Ngài thỉnh giáo, Ngài sẽ dạy: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị”. Đối với pháp bất nhị, tà và chánh là pháp bất nhị, tà và chánh như một. Đúng và sai như một, thiện và ác như một; do đó, mọi pháp đều là Như. Vì sao? Không chấp trước, sẽ chẳng có [những thứ đối lập ấy]. Hễ chấp trước một cái là chánh, đối lập với chánh sẽ là tà. Chấp trước một pháp là đúng, tương phản với đúng là sai, luôn rớt vào hai bên! Kinh Bát Nhã đã dạy chúng ta: “Hai bên chẳng lập, Trung Đạo chẳng tồn tại”. Hai bên đã không lập, hễ còn có Trung Đạo, Trung Đạo cũng là giả, chẳng phải là thật. Trung Đạo và hai bên [nếu vẫn tồn tại], chẳng phải là lại biến thành đối lập hay sao? Quý vị vĩnh viễn chẳng có đối lập, tuyệt lắm! Nhưng cảnh giới này là cảnh giới của Bồ Tát. Nếu quý vị có cảnh giới này, chúc mừng quý vị, quý vị chẳng phải là Bồ Tát, nhưng cách Bồ Tát chẳng xa, cũng là rất gần gũi!