/ 51
331

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 12

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1485

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ sáu trong phần trường hàng. Chúng tôi đọc kinh văn một lượt để quý vị dò cho đúng chỗ.

 

  (Kinh) Vân hà thiện tu tập Niệm Giác Phần, Trạch Pháp Giác Phần, Tinh Tấn Giác Phần, Hỷ Giác Phần, Y Giác Phần, Định Giác Phần, Xả Giác Phần, Không, Vô Tướng, Vô Nguyện?

  (經)云何善修習念覺分。擇法覺分。精進覺分。喜覺分。猗覺分。定覺分。捨覺分。空。無相。無願。

  (Kinh: Làm thế nào để khéo tu tập Niệm Giác Phần, Trạch Pháp Giác Phần, Tinh Tấn Giác Phần, Hỷ Giác Phần, Y Giác Phần, Định Giác Phần, Xả Giác Phần, Không, Vô Tướng, Vô Nguyện?)

 

  Trong lời Sớ, Thanh Lương đại sư đã bảo: Mười chuyện được hỏi trong đoạn này chính là…

 

  (Sớ) Tu Niết Bàn nhân, Thất Giác, Tam Không, Thập Địa phẩm quảng thuyết.

  (疏)修涅槃因,七覺三空,十地品廣說。

  (Sớ: Cái nhân để tu Niết Bàn. Bảy Giác Phần và ba món Không đã được nói chi tiết trong phẩm Thập Địa).

 

   Vì thế, ở đây Ngài chẳng chú giải thêm, [vì] trong phẩm Thập Địa đã giảng rất cặn kẽ. Trong phần trước, tôi đã giới thiệu đại lược Thất Giác cùng chư vị. Sau đấy là Tam Không, tức “Không, Vô Tướng, Vô Nguyện”. Tam Không còn gọi là ba tam-muội, ba Tam-ma-địa, ba Đẳng Trì, kinh Nhân Vương gọi nó là Tam Không. Hữu Lậu Định được gọi là “ba tam-muội”, chư vị phải liễu giải chỗ này. Ba tam-muội là Tam Không, hoặc Hữu Lậu Định. Nếu nói đến Vô Lậu Định, sẽ gọi là Tam Giải Thoát Môn.

  Hữu lậu là gì? Vô lậu là gì? Kinh Hoa Nghiêm gọi Lậu là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Nếu chẳng đoạn những thứ ấy, bất luận là đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, ta còn có chấp trước, còn có phân biệt, còn khởi tâm động niệm, ba thứ Tam-ma-địa này đều thuộc về Hữu Lậu Định. Nếu đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta đều đã đoạn, sẽ gọi là Tam Giải Thoát Môn, tức là ba thứ giải thoát. Giải (解) là giải trừ, giải trừ gì vậy? Chẳng có phiền não! Chư vị phải hiểu, giáo pháp Đại Thừa gọi chấp trước là Kiến Tư phiền não, phân biệt là Trần Sa phiền não, vọng tưởng là Vô Minh phiền não. Giải trừ ba thứ phiền não, đó là thật sự giải phóng. Thoát (脫) là thoát ly. Không chỉ là thoát ly lục đạo, [mà còn] vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới. Vì thế, gọi là ba món giải thoát môn. Có tất cả ba loại, [nhằm đối trị] ba loại đại phiền não như chúng tôi vừa mới nói.

  Không tam-muội tương ứng với hai hành tướng Không và Vô Ngã trong Khổ Đế. Tam-muội (Samādhi) là tiếng Phạn, Không là tiếng Hán. Vì thế, danh từ này được gọi là “Phạn Hoa hợp dịch”. “Không” là Hoa văn, Tam-muội là Phạn văn, danh từ này được hợp thành như thế đó. Tam-muội là dịch âm (phiên âm), dịch theo nghĩa sẽ là Chánh Thọ. Tam là Chánh, Muội là Thọ. Đấy là ý nghĩa trong tiếng Phạn. Như chúng ta thường thấy trong kinh điển, [một từ ngữ] rất quen thuộc là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Từ ngữ này hoàn toàn là phiên âm tiếng Phạn. A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề: Tam Bồ Đề (Saṃbodhi), Bồ Đề là Giác, Tam là Chánh. Vì thế, Tam Bồ Đề là Chánh Giác, dịch sang tiếng Hán sẽ là Chánh Giác; Tam Miệu (Samyak), Tam là Chánh, Miệu là Đẳng, [Tam Miệu Tam Bồ Đề là] Chánh Đẳng Chánh Giác. Do Tam là Chánh, ở đây, [Tam-muội] là Chánh Thọ. Chánh Thọ là sự hưởng thụ bình thường, chánh đáng.

  Chư vị phải biết: Không chính là sự hưởng thụ chánh đáng, bình thường. “Không” những gì? Ngã đã Không, Ngã Sở đã Không. Chẳng có hai thứ ấy; do vậy, quán hết thảy các pháp đều là sanh từ nhân duyên. Quán các pháp, kể cả thân thể của chúng ta, đều là sanh từ nhân duyên. Hễ là pháp sanh bởi nhân duyên, chắc chắn là chẳng có Ngã. Ngã còn chẳng có, lấy đâu ra Ngã sở hữu? Đấy là Thật Tướng của các pháp. Vì thế, nếu quý vị có một sự Chánh Thọ như vậy, [tức là] sự hưởng thụ bình thường, chánh đáng, chẳng có Ngã, mà cũng chẳng có Ngã Sở, thưa cùng chư vị, sẽ chẳng có lục đạo luân hồi! Vậy thì chúc mừng quý vị, quý vị đã vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi. Chỉ cần quý vị có Ngã, chấp trước một cái Ngã, chấp trước có Ngã Sở, Ngã Sở là những cái mà ta sở hữu, [chẳng hạn như] của cải của ta, quyến thuộc của ta, vinh dự của ta, địa vị của ta, chỉ cần quý vị có cái “sở hữu bởi ta”, sẽ có phiền phức. Do vậy, đức Phật dạy người khác xuất gia, vì sao? Sản nghiệp, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn trong gia đình đều là sở hữu của ta, quý vị sẽ chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi! Vì thế, xuất gia, quan trọng nhất là phải liễu giải chân tướng sự thật này.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51