/ 51
290

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 11

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1483

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ năm trong phần trường hàng. Đoạn này là mười món thiện xảo, chúng ta vẫn chưa học xong, hôm nay học tiếp. Chúng tôi đọc trước kinh văn một lượt.

 

  (Kinh) Vân hà đắc Uẩn thiện xảo, Giới thiện xảo, Xứ thiện xảo, Duyên Khởi thiện xảo?

  (經)云何得蘊善巧。界善巧。處善巧。緣起善巧。

  (Kinh: Làm thế nào để đắc Uẩn thiện xảo, Giới thiện xảo, Xứ thiện xảo, Duyên Khởi thiện xảo?)

 

  Chúng ta đọc đến đoạn này. Học tập đoạn kinh văn này, xác thực là khiến cho chúng ta quan sát nghĩa thú của thiện xảo rất sâu! Ngũ Uẩn, mười tám giới, mười hai xứ đều là nói về bản thân chúng ta. Mọi người đều biết Ngũ Uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc là vật chất, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tinh thần. Mười tám giới là Ngũ Uẩn được mở rộng. Đấy chính là cách thuyết pháp thiện xảo của đức Phật dành cho ba loại người khác nhau. [Nói] Ngũ Uẩn đối với kẻ mê tâm pháp nặng nề, mê sắc pháp nhẹ. Do vậy, Ngài nói Sắc gồm một điều, nói tâm pháp gồm bốn điều. Quý vị coi trọng điều gì, phải nói cặn kẽ điều ấy. Mười tám giới là nhằm vào kẻ mê sắc và tâm đều nặng; do vậy, sắc lẫn tâm đều phải nói cặn kẽ. Mười hai xứ dành cho kẻ mê sắc pháp nặng, mê tâm pháp nhẹ. Vì thế, nói tâm pháp có một điều, nói sắc pháp đến mười một điều, [cả ba cách nói ấy] đều là nói về bản thân chúng ta.

  Chúng ta hãy ngẫm xem, Duyên Khởi được giảng rất khéo, nói đến chuyện quý vị đi đầu thai, do nguyên nhân gì mà đầu thai? Trong phần trước, chúng ta đã học những điều ấy, vì sao quý vị có thể đi đầu thai? Nhưng được làm thân người, quý vị nói xem, thân người là thiện hay bất thiện, là khéo léo hay không khéo léo? Từ trong thân thể mẹ, quý vị có đầy đủ trọn vẹn tất cả các khí quan nơi toàn thân, do ai tạo ra? Chẳng phải do con người tạo ra! Nếu con người có thể tạo, vậy thì quý vị hãy nhìn vào động vật, quý vị thấy những con chim nhỏ, có một câu ngạn ngữ rất hay: “Ma tước tuy tiểu, ngũ tạng câu toàn” (Chim sẻ tuy bé, ngũ tạng[1] đều đầy đủ). Quý vị hãy xem kỹ, chim sẻ bé tí xíu như vậy, nhưng Ngũ Uẩn, mười tám giới, mười hai xứ, nó thảy đều trọn đủ! Quý vị quan sát kỹ càng, nó phá vỡ vỏ trứng nở ra; sau khi sanh ra, thứ gì cũng đều trọn đủ. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân [bên ngoài], ngũ tạng, lục phủ[2] bên trong, chẳng có gì không đầy đủ, chẳng có gì thừa thãi, mà cũng chẳng hề thiếu khuyết thứ gì! Đấy là thiện, đấy là xảo diệu, tự nhiên là như vậy. Phật pháp gọi điều này là “chẳng thể nghĩ bàn”. Quý vị tư duy, nhưng chẳng thể nghĩ tưởng được, nghĩ không ra, chẳng thể diễn tả sự vi tế, khéo léo ấy, tối đa là chỉ có thể nói được một hình trạng của nó. Đối với Thể, Tướng, Dụng, quý vị có thể nói về Tướng và Dụng, chứ chẳng có cách nào diễn tả Thể. Lý Thể chẳng phải là thứ mà ngôn ngữ, tư duy có thể đạt được, thiện xảo đến cùng cực!

  Có một loại chúng sanh do căn tánh mà quan sát sự thiện xảo ấy, họ giác ngộ, hiểu rõ, Phật pháp gọi loại chúng sanh ấy là Duyên Giác, hoặc gọi là Độc Giác. Duyên Giác tức là họ có thầy giảng về Duyên Khởi thiện xảo, bèn khai ngộ. Hạng người ấy được gọi là Duyên Giác. Độc Giác cao minh hơn! Họ xuất hiện trong thế gian này, chẳng gặp thầy, chẳng gặp gỡ Phật pháp, do quan sát hiện tượng tự nhiên, quan sát sự thiện xảo chẳng thể nghĩ bàn, bèn hiểu rõ, giác ngộ. Vì thế, trong giáo pháp Đại Thừa có nói đến chuyện quán duyên khởi, phá chấp trước. Chúng ta biết: Chấp trước là căn cội của sự luân hồi trong lục đạo. Nếu chúng ta buông xuống chấp trước, lục đạo sẽ chẳng còn nữa, quý vị sẽ vượt thoát lục đạo. Chỉ cần quý vị còn có chấp trước, sẽ chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, các đồng học niệm Phật phải đặc biệt chú ý điều này. Quý vị thấy từ xưa đến nay, câu “khẩu đầu Thiền” của vị đường chủ Niệm Phật Đường là: “Buông xuống muôn duyên, nhất tâm chuyên niệm”. Đấy là câu khẩu đầu Thiền của vị đường chủ. Thân, tâm, thế giới, hết thảy [đều phải] buông xuống, quý vị mới có thể vãng sanh. Nếu quý vị có một chuyện chẳng thể buông xuống, sẽ chẳng thể vãng sanh. [Dẫu] niệm Phật mà vẫn chẳng thể vãng sanh, quý vị nói chuyện này có quan trọng lắm hay không? Đời này, chúng ta niệm Phật, đời này cầu nguyện vãng sanh, đến cuối cùng, lúc sắp ra đi, quý vị còn có điều gì không buông xuống được, sẽ chẳng thể vãng sanh! Chẳng vãng sanh, phải đợi tới cơ hội lần sau! Cơ hội lần sau nói không chừng là đời kế tiếp, vậy thì rất gần; nói không chừng là đời sau. Đời sau là gì? Là từ đời thứ ba trở đi mãi cho đến vô lượng kiếp, đều gọi là “đời sau”!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51