/ 51
287

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 10

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1481

 

  Chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, cuối đoạn thứ tư trong phần trường hàng còn có một câu chưa giảng xong. Chúng ta đọc kinh văn một lượt:

 

  (Kinh) Vân hà đắc nhân lực, dục lực, phương tiện lực, duyên lực, sở duyên lực, căn lực, quan sát lực, xa-ma-tha lực, tỳ-bát-xá-na lực, tư duy lực?

  (經)云何得因力。欲力。方便力。緣力。所緣力。根力。觀察力。奢摩他力。毘缽舍那力。思惟力。

  (Kinh: Làm thế nào để đắc nhân lực, dục lực, phương tiện lực, duyên lực, sở duyên lực, căn lực, quan sát lực, xa-ma-tha lực, tỳ-bát-xá-na lực, tư duy lực?)

 

  Trong buổi trước, chúng ta đã học đến đoạn thứ mười của phần khai thị trong bộ [Hoa Nghiêm Kinh] Sớ Sao của Thanh Lương đại sư:

 

  (Sớ) Thập tức thử Phổ Môn chi trí vi chủ, cố đốn chiếu Phổ Môn pháp giới thời, tất nhiếp nhất thiết vi bạn, vô tận vô tận, thị thử Hoa Nghiêm sở cầu Chỉ Quán.

  (疏)十即此普門之智為主,故頓照普門法界時,必攝一切為伴,無盡無盡,是此華嚴所求止觀。

  (Sớ: Mười là dùng trí Phổ Môn ấy làm chủ, cho nên khi nhanh chóng chiếu soi pháp giới Phổ Môn, ắt sẽ gồm thâu hết thảy làm bạn, vô tận, vô tận. Đấy chính là Chỉ Quán được mong cầu trong Hoa Nghiêm).

 

  Đoạn này hết sức trọng yếu, [Thanh Lương đại sư] đã chỉ ra pháp Chỉ Quán được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Phạm vi của Chỉ Quán hết sức rộng lớn, Hoa Nghiêm dùng gì để Chỉ Quán? Chúng ta đọc bộ đại kinh này, [sẽ thấy] ở đây, ngài Thanh Lương cho chúng ta biết [cảnh giới Chỉ Quán] phát xuất từ câu thứ chín [trong lời Sớ]. Câu thứ chín đã viết: “Sự tắc trùng trùng vô tận, Chỉ Quán diệc phổ nhãn tề chiếu” (Sự là trùng trùng vô tận, Chỉ Quán cũng là phổ nhãn cùng chiếu). Kinh Hoa Nghiêm lấy chuyện này làm chủ; vì thế nói “tức thử Phổ Môn chi trí vi chủ” (lấy ngay trí Phổ Môn này làm chủ). “Phổ” (普) là phổ biến, Môn (門) là pháp môn. Chúng ta thường gọi Phổ Môn là “vô lượng pháp môn”, nhưng nhất định phải hiểu, “vô lượng là một, một là vô lượng, một và nhiều chẳng hai”, đấy mới là trí, đấy mới gọi là Phổ Môn, dùng trí ấy làm chủ. Trí là Chỉ Quán, trong phần trước, chúng ta đã học: “Chỉ thật sự sẽ nhất định có Quán, Quán thật sự sẽ nhất định có Chỉ. Chỉ và Quán chẳng hai. Chỉ chính là Quán, Quán chính là Chỉ”. Đấy mới là chân thật. Nói thành hai phương diện, trên thực tế là một chuyện, [đó là] hai mặt của một Thể. Tu học Phật pháp, chúng ta nói “tu hành Phật pháp” là tu gì vậy? Hai chữ Chỉ Quán đã bao gồm trọn hết! Vì thế, Chỉ Quán thâu nhiếp viên mãn hết thảy các pháp!

  Tôi cũng từng đặc biệt thưa trình với mọi người, thầy dạy tôi, Ngài đã thay đổi danh từ, vì khi ấy tôi mới học Phật, vừa mới tiếp xúc Phật giáo chưa đầy một tháng, điều gì cũng đều chẳng hiểu. Tôi hướng về lão nhân gia thỉnh giáo, thưa: “Con biết Phật pháp tốt đẹp, Phật pháp thù thắng, có phương pháp gì khiến cho con có thể khế nhập rất nhanh hay không?” Hỏi vấn đề ấy đúng là lớn quá! Lão nhân gia quả thật có phương tiện thiện xảo, Ngài dạy tôi: “Thấy thấu suốt, buông xuống”. Thấy thấu suốt là Quán, buông xuống là Chỉ, Ngài chẳng dùng [từ ngữ] Chỉ Quán. Nếu Ngài nói Chỉ Quán, sẽ khiến cho tôi hồ đồ! Ngài dùng chữ “thấy thấu suốt, buông xuống”, dường như tôi nghe cũng có thể hiểu ý nghĩa, cũng có thể tiếp nhận. Đấy là phương tiện thiện xảo. Dạy kẻ sơ học như thế nào? Thầy đã làm gương cho chúng tôi thấy, chẳng cần phải nói bằng những danh từ, thuật ngữ [chuyên biệt]! [Dùng] danh từ thuật ngữ [để giảng giải] thì có nói cả buổi cũng chẳng nói rõ ràng được! Vì thế, đây là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc tu hành trong Phật pháp, từ sơ phát tâm cho đến địa vị Như Lai, quý vị đều chẳng rời khỏi nguyên tắc này. Chỉ giúp đỡ Quán, [nghĩa là] thấy thấu suốt giúp buông xuống, buông xuống lại giúp thấy thấu suốt. Hai chuyện ấy lần lượt làm chủ và khách cho nhau, dùng làm Thể và Dụng cho nhau, giống như lên cầu thang, [trèo lên] từng tầng một đạt tới viên mãn rốt ráo.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51