Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 9
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1479
Chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ tư trong phần trường hàng. Đoạn này vẫn chưa giảng xong, chúng ta đọc kinh văn một lượt.
(Kinh) Vân hà đắc nhân lực, dục lực, phương tiện lực, duyên lực, sở duyên lực, căn lực, quan sát lực, xa-ma-tha lực, tỳ-bát-xá-na lực, tư duy lực?
(經)云何得因力。欲力。方便力。緣力。所緣力。根力。觀察力。奢摩他力。毗缽舍那力。思惟力。
(Kinh: Làm thế nào để đắc nhân lực, dục lực, phương tiện lực, duyên lực, sở duyên lực, căn lực, quan sát lực, xa-ma-tha lực, tỳ-bát-xá-na lực, tư duy lực?)
Trong phần trước, chúng ta đã học đến Sở Duyên Lực, nay xem tiếp điều thứ sáu là Căn Lực. Chú giải điều này, Thanh Lương đại sư đã nêu ra:
(Sớ) Căn vị Tín đẳng.
(疏)根謂信等。
(Sớ: Căn là nói đến Tín v.v…)
Đấy là Ngũ Căn. “Sáu” là nói đến câu thứ sáu trong mười câu [của đoạn chánh kinh vừa mới đọc]. “Căn vị Tín đẳng”, [nghĩa là nói đến] Ngũ Căn, tức Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, đấy là Ngũ Căn. Ngũ Căn có mối quan hệ hết sức trọng yếu đối với sự học tập của chúng ta. Thứ nhất là Tín Căn. Nếu quý vị không tin, sẽ chẳng có cách nào để học cả! Do vậy, trong kinh Hoa Nghiêm và những bộ luận Đại Thừa, đức Phật dạy rất hay: “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Tín là nguồn đạo, mẹ công đức), [Tín là] cội nguồn để nhập đạo. “Mẫu” là tỷ dụ “có thể sanh”, cũng là “có thể sanh ra hết thảy các công đức”, là gì vậy? Chính là Ngũ Căn có thể sanh ra hết thảy các công đức, đặc biệt là Tín Căn. Trong quá trình học tập suốt đời của bản thân chúng ta, chuyện này hết sức rõ ràng!
Cầu học thì điều thứ nhất là phải có lòng tin đối với thầy. Nếu hoài nghi thầy, chẳng tôn trọng thầy, thứ gì quý vị cũng đều chẳng học được! Cổ đại đức đã nói rất hay: “Đạo thầy trò được kiến lập trên Tín Căn đối với thầy”. Tổ Ấn Quang đã nói rất khéo: “Một phần thành kính, sẽ được một phần lợi ích. Mười phần thành kính, sẽ được mười phần lợi ích”. “Một, hai phần” [như Tổ đã dạy] chính là [nói về] tín tâm của quý vị. Do đó, đối với thầy, phải có tín tâm chân thành. Bất luận thầy của chính mình tu hành như thế nào, dẫu thầy tu hành tốt đẹp đến mấy đi nữa, hoặc thầy là Phật hay Bồ Tát tái lai, nhưng quý vị chẳng tin thầy, dẫu theo thầy, cũng chẳng đạt được lợi ích! Thầy là một gã phàm phu, chẳng tu hành chi cả, nhưng quý vị đối với thầy mười phần thành kính, quý vị sẽ có thể đạt được mười phần thành tựu.
Điều này nói ra nghe rất kỳ quái; do vậy, trong các kinh Đại Thừa, đức Phật thường dạy: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Câu này chính là tổng nguyên lý, tổng nguyên tắc. Quý vị nói bệnh tật ai nấy đều chẳng thể tránh khỏi, hễ mắc bệnh, quý vị đi khám bác sĩ. Có đúng là bác sĩ chữa trị cho quý vị hay không? Chưa chắc! Ai chữa cho quý vị lành bệnh? Tín tâm! Quý vị có lòng tin đối với người bác sĩ ấy, tin tưởng thuốc men do người ấy kê toa, chính lòng tin ấy sẽ trị lành bệnh cho quý vị. Quý vị có hiểu đạo lý này hay chăng? Người bác sĩ ấy thật sự cao minh, [thế nhưng] quý vị chẳng tin tưởng, hoài nghi người ấy. Người ấy kê toa, cho thuốc, quý vị cũng hoài nghi, uống thuốc vào sẽ chẳng lành bệnh! Do vậy, ai là thiện tri thức? Ai là thầy giỏi? Ai là thầy thuốc giỏi? Đều chẳng quan trọng! Trước hết phải hỏi: Quý vị có lòng tin đối với vị thầy hay vị bác sĩ ấy hay không? Chỉ cần quý vị tin sâu, chẳng ngờ, sẽ có lợi, quan trọng lắm! “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức, trưởng dưỡng hết thảy các thiện căn”, quý vị thấy [tín tâm] trọng yếu như thế đó!
Do có Tín thì mới có Tinh Tấn, điều thứ hai trong Ngũ Căn là Tấn. Tấn (進) là Tinh Tấn. Có Tín, đương nhiên sẽ tinh tấn. Chẳng tin thì sao? Chẳng tin thì sẽ biếng nhác, chẳng muốn học. Đã có Tín rồi sau đấy mới có Niệm. Nay chúng ta nói đến chuyện niệm Phật, có người công phu khá lắm, niệm Phật rất khá; có kẻ tâm rất tán loạn, chẳng niệm được! Niệm một tiếng đồng hồ thì còn được, chứ niệm nhiều hơn nữa, sẽ suy nghĩ loạn cào cào, không được rồi! Nếu quý vị hỏi do nguyên nhân gì ư? Điều đầu tiên là Tín có vấn đề! Đối với pháp môn Tịnh Độ bán tín bán nghi, chẳng có Tín Căn! Do vậy, cái tâm tinh tấn chẳng thể dấy lên được, niệm lực chẳng thể tập trung, quý vị làm sao có thể thành tựu cho được? Những điều này có mối quan hệ liên đới, chớ nên không biết! Chúng ta [phải tìm ra] mắt xích nào nẩy sanh vấn đề? Điều quan trọng nhất là phải tìm ra khuyết điểm, sửa đổi nó, vấn đề sẽ được giải quyết.
Trong Thất Bồ Đề Phần, đức Phật dạy chúng ta “trạch pháp”, [nghĩa là] chúng ta muốn tu pháp thì trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, quý vị chọn lựa pháp môn nào? Nếu đối với pháp môn ấy, quý vị trọn đủ tín tâm viên mãn, nghiêm túc tu học, chẳng thể nào không thành tựu! Quan trọng lắm! Chọn lựa pháp môn chẳng phải là chuyện dễ dàng! Lúc tôi mới học, gần như là dùng thời gian bảy, tám năm [để chọn lựa pháp môn]. Thầy giới thiệu pháp môn Tịnh Độ cho tôi, chẳng phải là vừa giới thiệu tôi liền tiếp nhận. [Thầy] giới thiệu, [tôi] cảm ơn thầy, tôi phải đọc kỹ kinh điển và chú sớ của tổ sư đại đức đối với pháp môn này mấy lượt, đã có sự liễu giải và nhận thức đối với pháp môn, sau đấy mới lại quyết định xem tôi có muốn học pháp môn này hay không? Chẳng dễ dàng! Thật sự hạ quyết tâm học pháp môn này, trong khi giảng kinh, tôi cũng đã thưa trình cùng quý vị mấy lần: Nhằm khi tôi đang giảng kinh Hoa Nghiêm, tức lần đầu giảng kinh Hoa Nghiêm ở Đài Loan. Khi giảng được một nửa, có một hôm, tâm huyết dâng trào, nghĩ những vị như Văn Thù, Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm đã học pháp môn gì? Đặc biệt là trong phần sau, trong năm mươi ba lần tham học, Thiện Tài đồng tử là đệ tử nhập môn và truyền pháp của Văn Thù Bồ Tát, Ngài tu pháp môn gì?
Đọc kỹ kinh Hoa Nghiêm như thế một lượt [để tìm xem] các Ngài tu gì? Tu pháp môn Niệm Phật! Văn Thù phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, Phổ Hiền cũng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Thiện Tài là môn sinh đắc ý của ngài Văn Thù, đương nhiên là truyền pháp của thầy! Chúng tôi lại xem kỹ năm mươi ba lần tham học. Vị thiện tri thức thứ nhất trong năm mươi ba lần tham học là tỳ-kheo Đức Vân, Ngài dạy Thiện Tài pháp môn gì? Pháp môn Niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ; điều này hết sức quan trọng! Người Hoa và người Ấn Độ giống nhau, đều biết “tiên nhập vi chủ” (điều gì được tiếp nhận đầu tiên sẽ là chủ yếu), [nghĩa là] điều được tiếp nhận đầu tiên sẽ gây nên ảnh hưởng chủ yếu. Lại xem vị cuối cùng, tức vị [thiện tri thức] trong lần tham học thứ năm mươi ba, chính là Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Hiền Bồ Tát dạy Thiện Tài điều gì? Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Từ đầu đến cuối, tôi bèn hiểu rõ: Thiện Tài chuyên tu pháp môn Niệm Phật, năm mươi ba lần tham học nhằm quảng học đa văn. Ngài có bị dao động bởi pháp môn nào khác hay không? Chẳng có! Thứ gì cũng đều hiểu rõ, như như bất động, thật thà niệm Phật. Ngài đã ban cho tôi sự khải thị ấy! Tôi mới khăng khăng một mực tu pháp môn này. Gần như là tôi học Phật hơn hai mươi năm mới quyết định chọn lựa pháp môn này, chẳng phải là chuyện dễ dàng!
Nhân duyên khiến cho tôi tiến nhập Phật môn là do tiên sinh Phương Đông Mỹ dùng kinh Phật như triết học để giới thiệu cho tôi. Vì thế, tôi tiến nhập Phật môn nhằm học Triết Học, tức là học Triết Học trong kinh Phật. Trong Phật môn, [cách tiếp cận ấy] được gọi là Giáo Hạ. Tôi đến học Giáo, chẳng nhằm học Thiền, mà cũng chẳng nhằm học niệm Phật, tôi mong học Giáo. Trong Giáo, đúng là tôi thích kinh Hoa Nghiêm nhất, nói chung là do duyên phận trong đời quá khứ. Trông thấy bộ kinh này, bèn sanh tâm hoan hỷ! Chúng ta hãy nên hiểu điều này: Đối với pháp này mà có tín tâm, có hứng thú, ưa thích. Đó chính là “có Căn”, [tức là Ngũ Căn] Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ.
Trong môn Định, thánh nhân thế gian và xuất thế gian dạy học đều chú trọng “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”, hoàn toàn bất đồng với quan niệm giáo dục hiện thời của chúng ta. Giáo dục hiện thời là kể từ bé, đã bắt đầu học rộng, nghe nhiều. Chương trình Tiểu Học có khá nhiều môn được giảng dạy đồng thời. Chẳng hạn như học trò Tiểu Học mỗi ngày học môn thứ nhất là Quốc Ngữ, môn thứ hai là Toán, môn thứ ba là Địa Lý, môn thứ tư là Lịch Sử. Mỗi ngày phải học khá nhiều môn khác nhau! Mỗi môn học một tiếng đồng hồ, trên thực tế, chỉ có năm mươi phút, nghỉ [đổi tiết] mười phút. [Học xong mỗi môn, đối với học trò], ấn tượng mơ hồ còn chưa hình thành! Tiết học thứ hai đã đổi [sang môn khác], đổi sang sách giáo khoa khác. Vì thế, những gì bọn trẻ học tập đều là sơ sài bên ngoài, đều là thường thức, chẳng có căn cội. Chẳng giống như giáo học theo kiểu truyền thống của Trung Hoa và Phật pháp. Giáo học theo lối truyền thống của Trung Hoa là “thâm nhập một môn”. Quý vị thấy Tam Tự Kinh đã nói rất hay: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (Đạo lý dạy học cốt yếu là chuyên nhất), chớ nên xen tạp, chớ nên nhiều. Những điều này đều là nói đến Định.
Vì lẽ ấy, thầy giảng bài chỉ dạy một môn. Quý vị chẳng học thấu đáo môn học ấy, chưa học xong xuôi, chắc chắn là chẳng thể học môn thứ hai. [Chuyện này] khiến cho quý vị trong quá trình học tập, ví như lấy kinh Phật để thí dụ, kinh Hoa Nghiêm tuy lớn, có ba mươi chín phẩm, mỗi phẩm là một môn học. Đấy là một hệ thống, gồm có ba mươi chín môn học, chúng ta học tập từng môn một. Đại khái là đối với mỗi phẩm (mỗi phẩm kinh dài hay ngắn khác nhau) đều phải tốn mấy chục giờ, có khi tốn hơn một trăm giờ. Nay chúng ta mới học đến phẩm thứ mười một, đã tốn bao nhiêu thời gian? Gần như là đã tốn hơn ba ngàn giờ. Nếu tính bình quân, đại khái là mỗi phẩm kinh phải mất khoảng hai trăm giờ. Học từng phẩm một, chẳng phải là học đồng thời rất nhiều phẩm, chẳng phải vậy! Có như thế thì tâm của quý vị mới chuyên, tâm đã định, thâm nhập một môn, có thể đạt thành tựu. Nếu đồng thời học rất nhiều môn, tâm chúng ta tán loạn, chẳng thể tập trung tư tưởng, chẳng thể tập trung ý chí, mong thành tựu quá khó khăn!
Vì thế, do Định sẽ tự nhiên khai huệ, chúng ta đã đạt được mục đích học tập. Nay chúng ta đã hiểu rõ sự học tập của người thế gian, dẫu trí nhớ tốt đến mấy đi nữa, những gì họ đã học được đều thuộc loại thường thức, chẳng mở mang trí huệ. Vì sao chẳng mở mang trí huệ? Chẳng có Định! Chớ nên không biết điều này! Đấy là Căn Lực.
Kế đó là câu thứ bảy, tức Quan Sát Lực. Thanh Lương đại sư bảo:
(Sớ) Ư tự tha sự lý dược bệnh thiện giản trạch cố.
(疏)於自他事理藥病善揀擇故。
(Sớ: Đối với ta, người, sự, lý, khuyết điểm và cách đối trị, đều khéo chọn lựa).
Điều này nói hay lắm! Quan Sát thuộc về Huệ, Huệ khởi tác dụng. Quý vị khéo quan sát chính mình, người khác (“tha” (他) là người khác), hoặc là sự việc, hay đạo lý, hay là thuốc, hoặc là bệnh. “Bệnh” là sai lầm, khuyết điểm. “Dược” là phương pháp, sửa đổi như thế nào? “Khéo chọn lựa”: Chúng ta thường nói “giản trạch” (揀擇) là chọn lựa. Đấy là trí huệ. Nói theo phía mỗi cá nhân chúng ta, nhất định là phải có sự sáng suốt tự hiểu biết. Biết căn tánh của chính mình, biết hoàn cảnh sống, công việc, và học tập của chính mình, biết ngoại duyên của sự học tập như thầy, bạn lành, hoàn cảnh bên ngoài, thảy đều liễu giải. Chọn lựa phương pháp như thế nào để tu hành, ngõ hầu trong một đời này, bản thân chúng ta nói chung là hy vọng sẽ sớm có ngày thành tựu. Có ai mà chẳng hy vọng như vậy?
Bày ra ngay trước mặt chúng ta, nói theo Đại Thừa Phật pháp, Thiền Tông, Tánh Tông cần phải là hạng người thượng thượng căn. Thật sự là người phiền não nhẹ nhàng, trí huệ tăng trưởng thì mới có năng lực học tập. Chúng ta có phải là căn tánh ấy hay không, phải biết chuyện này! [Chúng ta] chẳng phải là căn tánh ấy! Người căn tánh thượng thượng được thiện tri thức giáo huấn, đúng là “nghe một, ngộ cả ngàn”, vừa nghe liền khai ngộ, liền hiểu rõ! Chúng ta nghe bao nhiêu lần, vẫn nghe chẳng hiểu, [vì] chẳng phải là bậc thượng thượng căn. Nói cách khác, chúng ta chẳng có duyên với Thiền Tông hoặc Tánh Tông trong giáo pháp Đại Thừa, quý vị chớ nên chọn lựa pháp môn ấy. Quý vị thật sự mong tìm những vị thầy như vậy, thầy vừa nhìn thấy quý vị, [sẽ bảo]: “Ngươi chẳng phải là căn tánh này, ta chẳng thâu nhận ngươi. Ngươi hãy đến nơi khác”. Đó là vị thiện tri thức thật sự. Môn đình thiết lập khác nhau, nhiếp thọ căn cơ chẳng giống nhau.
Nói thật ra, Mật Tông cũng là Phật pháp thượng thượng thừa. Trong Phật môn, đã có nói: “Chẳng học Mật Pháp, chẳng thể thành Phật”. Mật pháp là Phật pháp cao cấp nhất. Sẽ học tập khi nào? Trong giáo pháp Đại Thừa, bậc Địa Thượng Bồ Tát, tức là đăng địa Bồ Tát, khi ấy sẽ học Mật. Nay cả địa vị Sơ Tín Bồ Tát mà chúng ta còn chưa đạt đến, quý vị thấy Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, năm mươi địa vị, bốn mươi địa vị trước đều đã tu hoàn mãn, địa vị thứ bốn mươi mốt mới là Sơ Địa, chúng ta há có phần? Thuở trước, Chương Gia đại sư đã dạy tôi điều này. Ngài là một vị đại đức Mật Tông, chẳng gạt người!
Khi Ngài dạy dỗ tôi, đã khuyên tôi học Giáo, đặc biệt là dạy tôi học giới luật. Vì sao? Giới luật là căn cơ của hết thảy Phật pháp. Chẳng có thứ ấy, Phật pháp gì đi nữa cũng đều chẳng thể thành tựu. Đại pháp như Thiền, Mật, tiểu pháp như Tiểu Thừa, A Hàm, pháp nhân thiên, chẳng có giới luật thảy đều chẳng thể thành tựu. Chư vị đọc kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo sẽ biết. Phật pháp cấp thấp nhất nhằm giữ được thân người trong đời sau, cũng có nghĩa là quý vị sẽ chẳng đọa vào tam đồ, đời sau còn có thể hưởng phước báo nhân thiên. Sau khi đã chết, lại đầu thai sanh vào nhân gian. Phải cậy vào gì? Phải cậy vào Thập Thiện Nghiệp! Thượng phẩm Thập Thiện sanh thiên, tức là Dục Giới Thiên. Trung phẩm Thập Thiện được làm thân người. Hạ phẩm Thập Thiện là A-tu-la, quý vị hãy ngẫm xem! Do vậy, giới luật là căn bản. Bất luận quý vị tu tông nào, pháp môn nào, trước hết hãy học giới. Đấy là chánh xác.
Chương Gia đại sư dạy tôi điều này. Ngài dạy tôi thấy thấu suốt, buông xuống, mấy nguyên tắc trọng yếu ấy. Nguyên lý và nguyên tắc nhất định phải tuân thủ, Ngài căn dặn tôi “giới luật rất trọng yếu”. Vì khi đó, tôi chẳng quan tâm đến giới luật, chính mình có một quan niệm rất sai lầm, cứ ngỡ giới luật là khuôn phép cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Khuôn phép cho cuộc sống hằng ngày đương nhiên là quan trọng, nhưng giới luật chế định trong kinh Phật chính là khuôn phép sinh hoạt của người Ấn Độ từ ba ngàn năm trước, chẳng phải là của Trung Hoa. Khuôn phép trong cuộc sống của người Hoa thì Nho gia đã có Lễ. Cổ thánh tiên vương chẳng dùng hình pháp để chế ngự đất nước, mà dùng Lễ để giữ yên đất nước. Vì thế, vào thời cổ, Trung Hoa thường xưng là “lễ nghĩa chi bang”, nước ấy dùng lễ nghĩa để trị quốc! “Nghĩa” là đạo đức, tức là dùng đức và Lễ, biểu hiện ra bên ngoài là Lễ, bên trong là đức. Đó là giáo dục truyền thống của Trung Hoa.
Phật pháp dùng Giới, Giới tương đương với Lễ của Nho gia. Do đó, chẳng có Lễ, sẽ chẳng có Nho; chẳng có Giới, sẽ chẳng có Phật! Tuy kinh Phật còn đó, nhưng chẳng có người học Phật! Người học Phật nhất định phải khởi sự bằng trì giới. Thật sự trì giới thì mới gọi là “học Phật”. Nếu không trì giới, hằng ngày tụng kinh, hằng ngày niệm Phật, sẽ kết duyên với Phật, chẳng thể coi là đệ tử Phật, chẳng thể coi là học Phật, chẳng thể đạt được công đức lợi ích thù thắng trong Phật pháp. Do vậy, chúng ta hãy nghĩ xem, chúng ta chẳng phải là căn tánh thượng thừa, đúng là chẳng có phần!
Lại xem tới Giáo Hạ, dụng công từ kinh luận. Kinh luận quá nhiều, Tam Tạng mười hai phần giáo, chúng ta có thể đọc hết trong một đời này hay không? Bất luận kinh điển, sách vở của tông phái nào, đúng là đều mênh mông như khói lan tỏa trên mặt biển, sâu rộng không bờ bến! Chẳng phải là trong một thời gian ngắn, giống như đi học, [lần lượt học] Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, chẳng có chuyện mười năm hay hai mươi năm [mà thông hiểu trọn hết kinh sách nhà Phật]. Lại còn phải có một vị thầy tốt đẹp chỉ dạy, đồng học kề cận khích lệ, rèn giũa, dùi mài chẳng ngơi, phải mất mười năm hay hai mươi năm mới có thể đạt thành tựu, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Hiện thời, dẫu bản thân quý vị có điều kiện ấy, nhưng chẳng tìm được thầy, mà cũng chẳng tìm thấy đồng học, cũng chẳng tìm thấy hoàn cảnh tu học [thuận tiện], ngoại duyên chẳng đủ!
Do vậy, trong thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ Tông thù thắng! Vì sao? Kinh điển của Tịnh Độ Tông ít nhất, chỉ có sáu bộ. Kinh điển lớn nhất là kinh Vô Lượng Thọ, kinh điển ngắn nhất là Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, chỉ có hai trăm bốn mươi bốn chữ, ngắn nhất, còn ngắn hơn Tâm Kinh. Tâm Kinh là hai trăm sáu mươi chữ, Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương hai trăm bốn mươi bốn chữ. Do vậy, kinh điển của Tịnh Độ Tông, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh A Di Đà, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, và Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương là năm kinh. Tịnh Độ Tông chỉ có năm kinh, còn có một bộ luận là Vãng Sanh Luận, chẳng dài! Năm kinh một luận in thành một quyển, vẫn là một tập sách hơi mỏng, thích hợp nhất đối với người hiện thời. Người hiện thời sợ quá nhiều, sợ quá khó! [Những kinh điển của Tịnh Độ] vừa ít lại dễ dàng!
Đương nhiên là đối với năm loại kinh ấy, quý vị đều học hết [cả năm] thì đương nhiên là rất tốt. Đối với sự lý, nhân quả, phương pháp, cảnh giới của Tịnh Tông, quý vị đều có thể hiểu rõ ràng, thấu triệt. [Đó là] chuyện tốt đẹp. Nếu chẳng đủ năng lực, không sao cả! Hãy học một thứ. Từ xưa tới nay, người chọn tu theo Phật Thuyết A Di Đà Kinh đông nhất, có thành tựu hay chăng? Có chứ! Thành tựu rất thù thắng! Họ thành tựu như thế nào? Đầy đủ Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, tín tâm thành tựu. Họ có năng lực chọn lựa tốt đẹp, chọn lựa pháp môn Tịnh Độ, chọn lựa kinh A Di Đà. Đấy là quan sát. Họ có sức quan sát, có quán huệ. Biết căn tánh và hoàn cảnh của chính mình. Sự chọn lựa ấy được gọi là Dị Hành Đạo (đạo dễ hành). Trong hết thảy các pháp môn, pháp môn này dễ dàng nhất. Lại còn ổn thỏa, thích đáng nhất, đáng tin cậy nhất. Dẫu chẳng có thầy chỉ dạy, vẫn chẳng sao hết, quý vị nhất tâm nhất ý nương cậy A Di Đà Phật là được rồi!
Nhưng ở đây, chư vị phải biết: Quý vị vẫn phải có đủ Thập Thiện Nghiệp! Chẳng có Thập Thiện Nghiệp, niệm Phật chẳng thể vãng sanh. Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Kinh Di Đà đã dạy rất rõ ràng: Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là “chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ” (các vị thượng thiện nhân đều nhóm họp một chỗ). Nếu chúng ta chẳng phải là bậc thượng thiện, làm sao có thể vãng sanh cho được? Dẫu A Di Đà Phật từ bi tiếp dẫn quý vị sanh về đó, người bên ấy chẳng tiếp nhận quý vị, quý vị làm như thế nào đây? Vì sao? Quý vị chẳng phải là thượng thiện! Trong phần trước, chúng tôi đã nói: Thượng Thiện Thập Thiện Nghiệp Đạo sẽ sanh thiên, [sanh vào] Dục Giới Thiên, đấy là chuyện tuyệt diệu. Trọn đủ điều kiện sanh vào Dục Giới Thiên, người niệm Phật sẽ chắc chắn sanh về Tịnh Độ. Đối với chuyện này, những kẻ bình phàm như chúng ta nếu nghiêm túc nỗ lực một phen, sẽ có thể làm được!
Quý vị chọn lựa pháp môn này, chánh xác lắm! Hãy quay lại suy ngẫm những khuyết điểm của chính mình. Khuyết điểm là gì? Thập Ác; phải dùng Thập Thiện để đối trị những khuyết điểm ấy. Lúc chưa học Phật, không biết, thích ăn thịt, sát sanh. Nay đã hiểu “ăn thịt, sát sanh, chẳng thể sanh về thế giới Cực Lạc”. Quý vị đã phạm điều gì? “Không sát sanh”; quý vị phạm lỗi sát sanh. Chỗ nào cũng đều muốn chiếm đôi chút tiện nghi của kẻ khác. Đấy là trộm cắp. Chẳng thể buông cái tâm trộm cắp xuống, sẽ chẳng thể vãng sanh. Có ý niệm trộm cắp, làm sao có thể vãng sanh cho được? Vì thế, chúng ta phải bỏ ý niệm chiếm tiện nghi của người khác, chớ nên có! Chớ nên có ý niệm tổn thương, làm hại chúng sanh. Đã chẳng có ý niệm, đương nhiên là sẽ chẳng có hành vi. Thế giới Tây Phương là thế giới thanh tịnh, nhất định phải đoạn dâm dục. Đồng tu tại gia vợ chồng kết hợp. Vì thế, đức Phật thường nói là “không tà dâm”. Ngoài vợ chồng là tà dâm. Tà dâm chẳng thể vãng sanh! Dẫu là vợ chồng, trong lúc vãng sanh, ý niệm dâm dục cũng phải đoạn. Hoặc là khi sanh bệnh bèn đoạn trừ, chẳng có ý niệm ấy nữa. Đấy chính là điều kiện vãng sanh, rất quan trọng!
Chẳng nói dối, chẳng gạt người, nói lời thật thà. Trong xã hội hiện thời, rất nhiều đồng học nói với tôi: “Chúng ta nói thật sẽ bị thua thiệt, người khác luôn dối gạt chúng ta. Sao chúng ta có thể nói thật với kẻ khác cho được?” Vậy là tôi phải hỏi quý vị: Quý vị muốn đến thế giới Cực Lạc, hay là mong luân hồi trong lục đạo? Nếu muốn sanh về thế giới Cực Lạc, nhất định phải nói lời thật thà. Hiện thời bị thua thiệt đôi chút, chẳng sợ! Trong tương lai, ta sẽ đến thế giới Cực Lạc. Nếu hiện thời chẳng muốn bị thua thiệt, tức là vẫn muốn luân hồi, chẳng sanh về thế giới Cực Lạc trong đời này được! Hãy tính toán cho kỹ đi! Người học Phật chẳng sợ bị lừa, chẳng sợ bị thua thiệt, chẳng sợ kẻ khác lừa gạt mình! Ai có quả báo nấy. Kẻ khác lừa gạt ta, ta có biết hay không? Biết chớ! Nếu ta không biết, tức là ngu si, hồ đồ! Ta phải biết, nhưng chẳng ghim trong lòng; đó gọi là công phu! Hơn nữa, nhân quả của ai, kẻ đó sẽ thọ báo, rành rẽ, rõ ràng, vằng vặc phân minh. Kẻ đó đang mê, chẳng tỉnh ngộ, quý vị chẳng thể nói gì với họ. Hễ nói, kẻ đó sẽ ôm hận trong lòng. Dưới tình thế như vậy, chỉ đành mặc kệ kẻ đó, hắn tự làm, tự chịu. Trong tương lai bị quả báo, kẻ đó sẽ giác ngộ, quay đầu, ta lại đến độ kẻ ấy, lại đến giúp kẻ ấy. Trong một đời này, chúng ta quyết định nắm vững Tịnh Độ, điều này quan trọng hơn bất cứ chuyện gì khác! Vì thế, quyết định chẳng thể lừa gạt kẻ khác. Trong và ngoài như một, quý vị sẽ tự tại, vui sướng, chẳng có mảy may hư ngụy nào!
Chẳng nói đôi chiều: Nói đôi chiều tức là đâm bị thóc, chọc bị gạo. Trước mặt Trương Tam bảo Lý Tứ nói xấu ngươi, trước mặt Lý Tứ nói Trương Tam nói xấu ngươi, khiến cho hai người ấy chẳng hòa hợp. Đó là “nói đôi chiều”. Phá hoại gia đình của kẻ khác, phá hoại đoàn thể của người ta, phá hoại tình hữu nghị của người khác, phá hoại chuyện lành của người khác. Nhân quả ấy rất ư là nặng nề, trong giới kinh đã dạy rất rõ ràng.
Chẳng nói thêu dệt: Nói thêu dệt tức là hoa ngôn, xảo ngữ, nói nghe hết sức êm tai, nhằm mục đích gạt người, khiến cho người khác mắc lừa!
Ác khẩu: Ăn nói thô lỗ, thái độ không tốt, khiến cho người khác nghe xong, trong tâm cảm thấy khó chịu.
Chúng ta có phạm những khuyết điểm ấy hay không? Nếu có, phải sửa ngay lập tức, sửa ngay trong cuộc sống hằng ngày. Phản tỉnh mỗi ngày, sửa đổi mỗi ngày! Trong ý thức, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si. Đó gọi là Thập Thiện Nghiệp.
Vì thế, khuyết điểm của chúng ta là Thập Ác, điều thiện của chúng ta là Thập Thiện. Phải dùng phương pháp gì để đối trị tập khí tật xấu của chúng ta, khiến cho chúng ta tu hành có thể đạt đến hiệu quả thật sự? Đối với một người thật sự phát tâm tu hành, thật sự mong vãng sanh Tịnh Độ ngay trong một đời này, điều này quá trọng yếu! Do vậy, trong mấy năm gần đây nhất, chúng tôi đặc biệt đề xướng Đệ Tử Quy, do nguyên nhân nào? Đệ Tử Quy là giới luật, giới luật cơ bản! Mục đích là gì? Mục đích nhằm dạy người ta làm người tốt. Do chúng ta chẳng làm được Thập Thiện, vì sao chẳng thể thực hiện Thập Thiện? Chẳng thực hiện Thập Thiện, sẽ không có cách nào tiến nhập Phật môn. Quý vị thấy trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, đức Phật đã dạy: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, [đó là] điều đầu tiên. Quý vị làm được trọn vẹn điều này thì mới có thể “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Thọ Tam Quy mới nhập Phật môn. Vì thế, Thập Thiện Nghiệp là cơ sở phải hội đủ trước khi tiến nhập Phật môn, mà cũng là điều kiện cơ bản để tiến nhập Phật môn. Mở kinh Phật ra, mọi người đều thấy [từ ngữ] “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, đó là có tiêu chuẩn, chẳng phải là nói tùy tiện. Thập Thiện Nghiệp Đạo quý vị thảy đều làm được thì mới là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Nếu quý vị chẳng làm được, thôi rồi! Làm được thì mới coi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, hy vọng chúng ta phải đặc biệt chú ý [điều này]!
Vì sao không làm được? Vì chúng ta chẳng có nền tảng thiện! Nền tảng thiện được kiến lập từ nơi đâu? Kiến lập từ Đệ Tử Quy. Nay chúng ta chẳng dùng giới luật Tiểu Thừa, mà dùng Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy thay thế Tiểu Thừa. Chớ nên không coi trọng điều này, chớ nên không học cho kỹ. Vì thế, tôi khuyên mọi người phải hạ quyết tâm, dùng thời gian một năm để thực hiện Đệ Tử Quy. Nó có tất cả ba trăm sáu mươi câu. Thật sự làm được, quý vị chính là thiện nhân, là bậc thiện nhân trong thế gian. Dùng cơ sở ấy để tu Thập Thiện Nghiệp Đạo sẽ chẳng khó. Nói cách khác, quý vị có thiện căn. Đệ Tử Quy là thiện căn. Quý vị đã có thiện căn, học Thập Thiện Nghiệp Đạo cũng rất dễ dàng. Có cơ sở Thập Thiện Nghiệp Đạo, quý vị thọ trì Tam Quy, năm giới, mười giới chẳng khó, thật sự có thể làm được. Xuất gia thì quý vị có thể thực hiện Sa Di Luật Nghi. Những điều khác chúng tôi không bàn tới, quá cao; [chỉ bàn tiêu chuẩn] thấp nhất là Sa Di Luật Nghi. Người xuất gia chân chánh [sẽ được] chư Phật hộ niệm, long thiên che chở! Điều này có nghĩa là quý vị phải dùng trí huệ để quan sát, chọn lựa pháp môn, biết căn tánh của chính mình, mà cũng có thể giúp đỡ người khác. Đối với chính mình, đối với người khác, trong hết thảy sự lý, nhân quả, thảy đều hiểu rõ ràng, thảy đều hiểu minh bạch. Có năng lực ấy, quý vị thấy trong xã hội hiện thời có quá nhiều tình trạng xấu xa, người khác thỉnh giáo quý vị, xin quý vị giúp đỡ, quý vị thật sự có thể giúp họ giải quyết vấn đề. A! Nay đã hết thời gian rồi, chúng ta nghỉ ngơi mười phút.
***
Chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Tiếp theo là câu thứ tám, Xa-ma-tha Lực, và câu thứ chín là Tỳ-bát-xá-na Lực, hai danh từ này đều là tiếng Phạn. Xa-ma-tha (Śamatha) dịch sang nghĩa tiếng tiếng Hán là Chỉ (止, ngưng dứt), Thanh Lương đại sư chú giải:
(Sớ) Xa-ma-tha, thử vân Chỉ, cửu, Tỳ-bát-xá-na, thử vân Quán.
(疏)奢摩他,此云止,九 ,毘缽舍那,此云觀。
(Sớ: Xa-ma-tha cõi này dịch là Chỉ; điều thứ chín là Tỳ-bát-xá-na, cõi này dịch là Quán).
Chỉ Quán! Trong pháp Đại Thừa, như Hoa Nghiêm Tông, Thiên Thai Tông đều tu Chỉ Quán. Do vậy, hai danh từ này trong kinh điển được nói rất nhiều, nói rất cặn kẽ. Trước tiên, chúng tôi giải thích theo cách phổ biến, thông thường, Chỉ là gì, Quán là gì, giới thiệu đơn giản, dễ hiểu. Sau đấy, chúng ta mới xem lời giải thích “Xa-ma-tha lực, Tỳ-bát-xá-na lực” của Thanh Lương đại sư trong Sớ Sao, hãy chú trọng chữ Lực. Nay chúng tôi nói về những danh từ này trước đã!
Chỉ Quán, tiếng Phạn là Xa-ma-tha Tỳ-bát-xá-na (Śamatha Vipassana), có nghĩa là “Chỉ Quán, Định Huệ, Tịch Chiếu, Minh Tĩnh”. Từ bốn danh từ ấy, chúng ta cũng có thể lãnh hội ý nghĩa của nó. Chỉ là Định, là Tịch, là Tĩnh (Tĩnh trong Ninh Tĩnh, 寧靜); đấy là Chỉ. Quán là Huệ, là Chiếu, là Minh, dùng bốn chữ như vậy để giải thích, ý nghĩa cũng rất sáng tỏ. [Phật Học Từ Điển của Đinh Phước Bảo giảng] “Chỉ giả, đình chỉ chi nghĩa, đình chỉ ư đế lý bất động dã. Thử tựu năng chỉ nhi đắc danh” (“Chỉ” có nghĩa là ngưng lại. Ngưng trụ nơi đế lý bất động. Đấy là nói theo khía cạnh “có thể ngưng dứt” mà lập ra danh xưng ấy). Vì sao gọi là Chỉ? Chính là [nói về] cái tâm của chúng ta, Nho gia nói là “chỉ ư chí thiện” (ngưng trụ nơi chỗ an lành tột bậc), đã biết Chỉ rồi sau đó sẽ có Định. Đã Định thì sau đó sẽ có thể Tĩnh. Sau khi đã Tĩnh, bèn có thể An. Đã An rồi sẽ có thể Lự; đã có thể Lự bèn có thể Đắc. Do vậy, biết Chỉ hết sức quan trọng! “Chỉ” ở chỗ nào? “Chỉ” nơi chân lý. Nay chúng ta gọi “đế lý” (諦理) là chân lý, chúng ta phải an trụ nơi chân lý. Quyết định chẳng hoài nghi, quyết định chẳng dao động. Đấy là công phu Chỉ. Vì thế, trong Giáo Hạ, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa xác thực là an trụ nơi chân lý. Chân lý là gì? Là tự tánh, mà cũng là Pháp Tánh; tâm an trụ nơi ấy, quyết định chẳng bị lay động. Vì thế, Chỉ là do có thể ngưng trụ mà thành lập tên gọi.
“Hựu chỉ tức chi nghĩa, chỉ tức vọng niệm dã, thử tựu sở quán nhi đắc danh” (Lại nữa, nó còn có nghĩa là ngưng dứt, ngưng dứt vọng niệm. Đấy là dựa theo đối tượng được quán mà đặt tên). “Chỉ” gì vậy? Ngưng dứt vọng niệm. Công phu sơ học phải thực hiện từ chỗ này. Nếu chia nhỏ vọng niệm ra, sẽ là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thảy đều là vọng niệm! Nói thật ra, hễ có niệm đều là vọng, vô niệm cũng là vọng. Chuyện này khó hiểu, mà cũng khó thể diễn tả. Hễ có niệm thì đều là vọng. [Bởi lẽ], có niệm thì quý vị luôn rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đương nhiên là vọng niệm. Vô niệm bèn dừng nơi vô minh, vẫn là một vọng niệm. [Chư thiên trụ trong] Vô Tưởng Định thuộc Tứ Thiền Thiên là những vị trời ngoại đạo, họ chẳng phải là [tu tập] Chỉ Quán thật sự. Họ đã hiểu lầm ý nghĩa Chỉ Quán, lầm tưởng Vô Tưởng Định là cảnh giới tu hành cao nhất, tưởng đó là cảnh giới Niết Bàn bất sanh, bất diệt. Chư thiên thuộc Tứ Không Thiên cũng hiểu lầm điều này, coi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là đã đạt đến rốt ráo, trọn chẳng biết: Sau khi công phu định lực mất đi, vẫn phải luân hồi trong lục đạo, không thoát ra được! Chớ nên không hiểu đạo lý này!
Chỉ Tức trọng yếu, quá ư quan trọng! Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối vọng niệm quá nhiều. Vọng niệm là phiền não; do vậy, tâm chẳng thể thanh tịnh. Tu hành trong Tịnh Độ Tông là tu điều gì? Tu cái tâm thanh tịnh. Quý vị chẳng ngừng vọng niệm được, tâm thanh tịnh hiện tiền bằng cách nào? Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh. Tâm thanh tịnh hiện tiền, quý vị nắm chắc vãng sanh Tây Phương; đấy chính là “tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Đối với vọng niệm, phải đổ công dốc sức từ chỗ nào? Hãy bắt đầu bằng chấp trước. Trước hết, hãy học chẳng chấp trước đối với hết thảy các pháp. Cá nhân đã chẳng chấp trước, đối với chuyện thuộc về công cộng hay thường trụ, có cần chấp trước hay không? Sự việc trong thường trụ phải có quy củ thường hằng, ấn định một quy củ, mọi người đều có thể tuân thủ, đấy chính là “chỉ ư quy củ” (an trụ trong quy củ). Vì kẻ sơ học, đức Phật chế định giới luật, vì kẻ mới học Nho mà [những bậc tiên nho] chế định các lễ pháp, giống như học trò trong nhà trường có nội quy học tập, ai nấy ắt đều phải tuân thủ, quý vị nhất định phải an trụ tại một nơi. Vì thế, biết Chỉ rất quan trọng! Trong ba loại đại phiền não, trước hết, chúng ta phải ngưng dứt Kiến Tư phiền não, đó là chấp trước. Nếu tiến thêm bước nữa, chúng ta ngưng dứt phân biệt. Hết thảy phân biệt đối với pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng phải là thực tại, đều là hư vọng, vọng niệm! Cuối cùng là gì? [Ngưng dứt] khởi tâm động niệm, khởi tâm động niệm cũng là vọng niệm.
Kế đó, [từ điển Phật học] nói về Quán: “Quán giả, quán đạt chi nghĩa” (Quán là quan sát đến mức thấu đạt). “Quán” (觀) là quan sát, “đạt” (達) là thông đạt. Quý vị quan sát bèn thông đạt. “Quán trí thông đạt, khế hội Chân Như dã. Thử tựu năng quán nhi đắc danh” (Quan sát cho đến mức thông đạt, khế nhập, dung hội Chân Như. Đấy chính là dựa theo chủ thể có thể quán mà đặt tên). Do vậy, Chỉ và Quán có sai biệt. Chỉ là như như bất động, Quán là rành mạch, rõ ràng. Cổ nhân dùng nước để tỷ dụ, Chỉ là gió yên, sóng lặng. Trong trạng huống nước chẳng bị sóng gió, sẽ giống như một tấm gương. Quán là gì? Chiếu soi các phong cảnh trên bờ rành rành, giống như một tấm gương soi rành mạch vậy!
Tâm Phật, Bồ Tát giống như thế đó. Tâm [các Ngài] như nước lặng. Đấy là Chỉ. Soi thấu muôn pháp, đấy là Quán. Tâm thủy của bọn phàm phu chúng ta chẳng ngưng lặng, luôn cuộn sóng. Lục đạo phàm phu là sóng to, gió lớn; tứ thánh pháp giới là gió nhỏ, sóng nhẹ. Trong khi chúng ta gió to, sóng lớn, cảnh quan ở hai bên bờ chiếu vào trong những con sóng to, sẽ vỡ thành những mảnh nhỏ, có chiếu soi hay không? Vẫn chiếu, nhưng nát vụn, quý vị chẳng thấy được toàn thể! Vì thế, sóng càng nhỏ, càng soi rõ hơn. Khi hoàn toàn chẳng có sóng gió, giống như tấm gương. Hoàn toàn chẳng có sóng gió, chính là cảnh giới nơi quả địa của Phật. Sóng gợn lăn tăn, chúng ta chẳng nhìn thấy, chẳng cảm nhận được, đó chính là Thập Địa Bồ Tát, sóng gợn nhè nhẹ. Thập Hồi Hướng Bồ Tát sóng lại to hơn một chút. Thập Hạnh, Thập Trụ Bồ Tát gợn sóng to hơn các vị ấy một chút, nhưng vẫn có thể thấy rất rõ ràng, chẳng sai lầm! Đương nhiên là chẳng rõ ràng như những vị Bồ Tát thuộc địa vịa cao hơn những vị này, nhưng đã hiểu rõ khá rõ ràng. Đức Phật bảo: A La Hán tu Cửu Thứ Đệ Định; vì thế, cảnh giới của các Ngài là Chánh Giác, cũng có nghĩa là chẳng nhìn sai hết thảy các vấn đề. Tuy Chỉ Quán của các Ngài chưa phải là mười phần, đại khái cũng được sáu, bảy phần. Vì thế, thấy vũ trụ và nhân sinh rất rõ ràng, chẳng phạm sai lầm quá lớn.
“Hựu quán xuyên chi nghĩa, trí huệ chi lợi dụng, xuyên tạc phiền não nhi điễn diệt chi dã” (Lại có nghĩa là xuyên suốt. Do tác dụng nhạy bén của trí huệ đã đục thủng phiền não, diệt trừ hết sạch). Thật ra “điễn diệt” (殄滅, diệt trừ hết sạch) ở đây chính là chuyển phiền não thành Bồ Đề. Đấy là Chỉ Quán. “Chỉ” là khống chế vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chẳng để cho chúng nó dấy lên tác dụng. Huệ hiện tiền, trí huệ hiện tiền, đấy là Quán. “Quán” chuyển biến phiền não thành trí huệ. Bồ Đề là trí huệ, chẳng có phiền não, trí huệ hiện tiền. Chúng ta thường nói “giảm thiểu phiền não một phần, tăng trưởng trí huệ một phần; phiền não nhẹ, trí huệ tăng trưởng” chính là ý nghĩa này. Nói thật ra, phiền não và trí huệ là một Thể, một Thể mà có hai mặt. Một mặt là bất giác, là phiền não; mặt kia là giác. Giác chính là Bồ Đề, mê chính là phiền não, chúng là một, không hai. Làm thế nào để hóa phiền não thành Bồ Đề? Chỉ Quán là một phương pháp xảo diệu.
Chỉ Quán cũng là nói theo nguyên lý và nguyên tắc; chúng ta niệm Phật có phải là tu Chỉ Quán hay không? Phải chứ! Quý vị thấy vị đường chủ trong Niệm Phật Đường thường nhắc nhở mọi người: “Buông xuống muôn duyên, nhất tâm niệm Phật”. “Buông xuống muôn duyên” là Chỉ, “nhất tâm niệm Phật” là Quán. Niệm Phật hiệu rành mạch, rõ ràng, chẳng niệm trật chữ nào, chẳng niệm đảo lộn chữ nào, Quán đấy! Niệm Phật cũng là tu Chỉ Quán, [chỉ là] phương pháp khác với Tông Môn và Giáo Hạ. Chúng ta dùng phương pháp Trì Danh để tu Chỉ Quán, phải hiểu điều này! Quý vị đã hiểu rõ, đối với các pháp môn khác, tâm quý vị đã định, sẽ chẳng còn hâm mộ, sẽ chẳng chán cũ, chuộng mới! Nếu có tâm thái như vậy, hôm nay học pháp môn này, ngày mai lại đổi sang pháp môn khác, suốt cả một đời vẫn chẳng thể thành tựu! Muốn thành tựu, quyết định là “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”. Quý vị thật sự Chỉ, Huệ sẽ thật sự hiện tiền. Đấy mới là khởi tác dụng.
“Nhược tựu sở tu chi phương tiện nhi ngôn, tắc Chỉ thuộc ư Không môn, Chân Như môn, duyên vô vi chi Chân Như nhi viễn ly chư tướng dã” (Nếu nói theo phương tiện tu tập, Chỉ thuộc về Không Môn, Chân Như môn, vì nó duyên theo Chân Như vô vi để xa lìa các tướng). Đấy là quý vị đã thật sự biết Chỉ. Chỉ là buông xuống, Quán là thấy thấu suốt. Khi tôi mới học Phật, đã hướng về Chương Gia đại sư thỉnh giáo. Tôi thưa: “Con biết Phật pháp thù thắng, có phương pháp nào khiến cho con có thể khế nhập rất nhanh hay không?” Tôi nêu câu hỏi ấy. Chương Gia đại sư trầm mặc rất lâu, Ngài nhìn tôi chăm chú, chẳng nói một câu nào, gần như là nửa tiếng đồng hồ. Do như vậy, tinh thần và ý chí của tôi hoàn toàn tập trung, nghe Ngài khai thị, tâm đã định. Ngài quan sát thấy tâm tôi đã định, chẳng có vọng niệm rồi Ngài mới cất lời. Nói với quý vị khi cái tâm của quý vị hời hợt, bộp chộp, sẽ vô dụng, quý vị sẽ chẳng nhớ kỹ, mà cũng chẳng coi trọng! Vì thế, phương pháp của Ngài hết sức cao minh!
Trầm mặc lâu như thế, sau đấy, Ngài buông một chữ Có! Tôi cũng rất chú ý, Có, dỏng tai lên nghe, Ngài lại chẳng nói gì nữa! Trầm mặc lần này thời gian ngắn hơn, chưa đến năm phút. Ngài nói sáu chữ, nói hết sức chậm: “Khán đắc phá, phóng đắc hạ” (Thấy thấu suốt, buông xuống), tôi nói với tốc độ mau, chứ tốc độ của Ngài rất chậm. Chúng tôi tuổi trẻ, chẳng có sự tu dưỡng như Ngài, nghe sáu chữ ấy, lập tức có phản ứng: Tôi có thể lãnh hội ý nghĩa của sáu chữ ấy, nhưng thực hiện từ đâu? Thầy lại trầm mặc mấy phút, buông ra hai chữ: “Bố thí”. Tôi gặp mặt Ngài lần đầu, gần như là hai tiếng đồng hồ, gần như là đều đang tĩnh tọa, khiến cho cái tật hời hợt, bộp chộp của tôi thảy đều thâu liễm. Vì thế, khi ấy, tôi hiểu được chỗ hết sức cao minh của phương pháp giáo học ấy, suốt một đời từ đấy trở đi, chẳng hề gặp [vị nào có cách dạy như vậy]! Lời nói đơn giản, hữu lực, khiến cho quý vị vĩnh viễn chẳng quên lãng! Bởi lẽ, “thấy thấu suốt, buông xuống” chính là Chỉ Quán. Ngài thay đổi cách nói. Nếu Ngài nói Chỉ Quán, chúng tôi sẽ không hiểu. Nói Chỉ là gì, Quán là gì, hay lắm, nhưng tốn công. Đấy là trí huệ chân thật!
Nói theo phương tiện tu hành, quý vị hãy xem câu hỏi của tôi, thực hiện từ chỗ nào? Bố thí. Bố thí là buông xuống; buông xuống là Chỉ. Vì sao bảo quý vị phải buông xuống? Kinh Bát Nhã đã nói rất hay: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”; quý vị chấp trước nó, phân biệt nó, sai mất rồi! Hết thảy đều buông xuống, hết thảy đều ngưng dứt, tâm của quý vị là định. Vì thế nói: “Chỉ thuộc ư Không môn, thuộc ư Chân Như môn” (Chỉ thuộc về Không môn, Chân Như môn). Chân Như chẳng có tướng. “Chân” là nói tới chân tánh, Pháp Tánh. Nó là chân thật, có thể hiện hết thảy các tướng. “Như” là Pháp Tướng, tức là hết thảy các tướng được hiện ra. Năng và Sở là một, không hai, gọi là Chân Như. Chân tánh trọn đủ trí huệ và đức tướng. Chân tánh chẳng phải là vật chất, mà cũng chẳng phải là tinh thần. Nó có thể hiện tướng, cái được hiện là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, nay chúng ta nói là “hết thảy các hiện tượng thuộc về vũ trụ và nhân sinh”. Đấy là Pháp Tướng. Pháp Tướng do đâu mà có? Do Pháp Tánh biến hiện ra. Pháp Tánh vốn có trí huệ và đức tướng, bất sanh, bất diệt. Tướng Phần do nó (Pháp Tánh) biến hiện, tức là trong các tướng đã hiện ấy, có những thứ trí huệ và đức tướng vốn sẵn có trong Pháp Tánh như vậy hay không? Có chứ! Tánh và Tướng như một, Tánh và Tướng chẳng hai!
“Duyên vô vi chi Chân Như nhi viễn ly chư tướng” (Do duyên theo Chân Như vô vi mà xa lìa các tướng), “viễn ly” ở đây là không chấp trước. Không chấp trước, chẳng phân biệt. Trong hết thảy các tướng, chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là Chỉ. Có các tướng hay không? Chẳng thể nói là Có, chẳng thể nói là không có! Nếu quý vị nói “nó chẳng có” ư? Tướng tồn tại! Nếu quý vị bảo “nó là Có”, bản thể của nó chính là Không, trọn chẳng thể được! Vì thế, Phật pháp gọi Có là Diệu Hữu, Diệu Hữu mà chẳng có; gọi Chân Như là Chân Không, Chân Không chẳng không. Nó có thể hiện tướng. Tướng đã hiện mà chẳng có tự thể, đúng là mầu nhiệm chẳng thể diễn tả! Đấy là Tánh. Vì thế, người khế nhập Đại Thừa biết hết thảy các tướng đã được hiện trong vũ trụ chính là Pháp Tánh, là Chân Như. Ở chỗ nào? Người khai ngộ trong Tông Môn lấy bất cứ một pháp nào, chẳng có pháp nào không phải là [Pháp Tánh], đúng như thế đó.
Lấy bất cứ một pháp nào, nó có Tánh Đức hay không? Có chứ; bởi lẽ, muôn sự muôn vật đều có linh tánh. Hiện thời, điều khó có là tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản đã dùng phương pháp khoa học để làm thí nghiệm. Ông ta thí nghiệm thấy khoáng vật, nước thuộc loại khoáng vật, nó có thấy, nghe, hay, biết. Thấy, nghe, hay, biết chính là Tánh Đức. Nước có thể thấy, có thể nghe, hiểu ý nghĩ của con người, tùy theo tâm ý của con người mà hiện ra cảnh giới bất đồng. Cho thấy mỗi một nguyên lý khác nhau trong y báo và chánh báo trang nghiêm đều được tỏ lộ. Tâm hạnh của chúng sanh trong mười pháp giới khác nhau; vì thế, sắc tướng không giống nhau. Sắc, thanh, hương, vị khác nhau. Tâm địa thanh tịnh, thiện lương, sắc, thanh, hương, vị sẽ hết sức đẹp đẽ. Tâm hạnh chẳng thiện lương, sắc, thanh, hương, vị đều rất xấu xí. Nếu chúng ta thật sự tham cứu thấu đạt đạo lý này, chúng ta muốn tu tướng hảo, muốn tu cho thân thể khỏe mạnh, quý vị sẽ hiểu, sẽ biết cách tu như thế nào! Tu thiện tâm, thiện ý, thiện niệm, thiện ngữ, thiện hạnh, không có gì là bất thiện, như vậy thì tướng mạo của quý vị sẽ giống như Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát chẳng có gì bất thiện. Thân thể quý vị cũng giống như thân Phật, Bồ Tát, kim cang bất hoại thân! Do vậy, nếu quý vị hiểu đạo lý, sau đấy, quý vị sẽ biết tu như thế nào. Tu hành vẫn chẳng lìa nguyên tắc này của Chỉ Quán.
Kế đó, [Phật Học Từ Điển] chép: “Quán giả thuộc ư Hữu Môn, sanh diệt môn” (Quán thuộc về Hữu môn, thuộc về Sanh Diệt Môn). Quán là gì? Quán Hữu! Có tướng thì quý vị mới có thể quán. Quý vị chẳng có cách nào quán Chân Như! Chân Như chỉ có Chỉ, quý vị mới có thể lãnh hội, chứ chẳng có cách nào quan sát. Quán là gì? Pháp tướng. Pháp tướng là Hữu môn, Hữu là có sanh diệt. “Không” là chẳng có sanh diệt. Bởi lẽ, Pháp Tánh chẳng có sanh diệt, pháp tướng có sanh diệt. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là pháp tướng. “Duyên hữu vi chi sự tướng nhi phát đạt trí giải” (Duyên theo sự tướng hữu vi mà phát khởi, đạt đến trí giải). Quán là duyên theo sự tướng hữu vi. Hữu vi là có sanh diệt; bởi lẽ, nó là Sự, là tướng, trọn khắp pháp giới hư không giới. Từ những sự tướng ấy, chúng ta nói đến sự khai ngộ. “Phát đạt” (發達) là khai ngộ, trí giải! “Phát đạt trí giải” chính là trí huệ Bát Nhã vốn sẵn có trong tự tánh, nói theo giáo pháp Đại Thừa, nó thuộc loại Hậu Đắc Trí. Chỉ thuộc về Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là Chỉ, Hậu Đắc Trí là Quán.
“Nhược tựu sở tu chi thứ đệ nhi ngôn, tắc Chỉ tại tiền, tiên phục phiền não, Quán tại hậu, đoạn phiền não, chánh chứng Chân Như” (Nếu nói theo thứ tự tu tập thì Chỉ ở trước, [tức là] trước hết chế phục phiền não, Quán ở sau, đoạn phiền não, thật sự chứng nhập Chân Như). Có thứ tự ấy! Chương Gia đại sư dạy tôi “thấy thấu suốt, buông xuống”. Tôi hỏi Ngài thực hiện từ chỗ nào? Bố Thí. Bố Thí là buông xuống; trước hết là thực hiện từ Chỉ, có thứ tự ấy. Vì sao? Nếu quý vị chẳng Chỉ, tâm quý vị sẽ loạn. Cái tâm tán loạn làm sao có thể sanh ra trí huệ cho được? Há có năng lực Quán? Vì thế, trước hết, ắt phải biết Chỉ, vì Chỉ giúp quý vị chế phục phiền não. Ví như trong cuộc sống hằng ngày, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, khởi tâm động niệm. Ta ưa thích thứ này, rất mong có được nó. Ý niệm ấy vừa dấy lên, chúng ta hãy ngẫm xem có cần bắt buộc phải có thứ ấy hay không? Nếu chẳng phải là thứ ắt cần [phải có], có thể không cần đến, hãy chế phục ý niệm tham của chính mình. Tuy ra chợ nhìn ngắm, thấy trong chợ muôn hình muôn vẻ, mắt thấy đủ thứ chói lòa, thấy rành mạch, rõ ràng, rành rẽ, phải Chỉ. Thấy xong sẽ như thế nào? Như như bất động, chẳng dấy lên tham, sân, si, mạn. Đấy là Chỉ, đấy là công phu.
Vì vậy, thật sự dụng công, trước hết là Chỉ, hãy học Chỉ, tức là học chẳng bị lay động bởi cảnh giới, chẳng bị cảnh duyên dụ hoặc, quý vị học công phu ấy trước. Cảnh giới tốt đẹp, chẳng khởi tham dục. Cảnh giới chẳng tốt, không sanh sân khuể. Đấy là tu Chỉ. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chẳng dấy lên tham, sân, si. Lại thêm hai thứ vào sau đó nữa, sẽ thành tham, sân, si, mạn, nghi. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, chẳng dấy lên tham, sân, si, mạn, nghi. Đấy là Chỉ. Công phu luôn luyện trong cuộc sống hằng ngày, rèn luyện công phu của quý vị, quý vị phải thật sự tu hành! Quán là sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều hiểu rành mạch, rõ ràng, chẳng chấp lấy tướng, như như bất động, [tức là] trong ấy có Quán. “Chỉ” là chế phục phiền não; Quán là khai trí huệ, đoạn phiền não. Đoạn phiền não sẽ chứng Chân Như. Vì sao? Phiền não là Chân Như, tánh và tướng là một, Sự và Lý chẳng hai! Quý vị biết phiền não là Chân Như, chẳng còn phiền não nữa. Đấy chính là thật sự tu hành.
Tôi vừa mới nói, Tịnh Tông dùng một câu Phật hiệu, nhất định phải hiểu rõ: Ngay trong cuộc sống, trong công việc hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật, phiền não vừa mới động, phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn, tức là bảy mối tình cảm! Những ý niệm ấy dấy lên, tức là phiền não dấy lên hiện hành! Cổ đại đức thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Tham, sân, si, mạn là phiền não, mừng, giận, buồn, vui… là thất tình. Phiền não và thất tình vừa mới dấy lên, đó là ý niệm thứ nhất, ý niệm thứ hai bèn là “nam-mô A Di Đà Phật”. Một câu Phật hiệu xóa sạch vọng niệm ấy, chế phục nó. Chỉ Quán đấy nhé! Chế phục vọng niệm là Chỉ; sáu chữ hồng danh rành rẽ, rõ ràng, nhắc nhở chính mình, đó là Quán. Trong Niệm Phật có Chỉ và Quán!
Chỉ Quán là Thiền Định. Thiền Định là Định và Huệ cân bằng. Chỉ Quán hợp lại, Chỉ Quán chẳng hai, đó gọi là Thiền Định. Chỉ Quán như một, Quán ở trong Chỉ, Chỉ ở trong Quán. Cổ đức có một tỷ dụ rất hay: “Chỉ phục vọng niệm, thí như ma kính. Ma dĩ, tắc kính thể ly chư cấu” (Chỉ là chế phục vọng niệm, ví như mài gương. Đã mài thì Thể của gương sẽ lìa các chất nhơ), giống như đoạn Hoặc. Ở chỗ này, chúng ta phải hiểu, vì đối với người hiện thời, họ không hiểu vì sao phải mài gương? Gương hiện thời làm bằng thủy tinh, rất tiến bộ, chẳng cần phải mài! Thuở xưa, chưa phát minh ra thủy tinh; thời cổ dùng gì để làm gương? Đồng! Gương đồng cũng làm rất tinh xảo. Nếu quý vị có dịp đến thăm viện bảo tàng, sẽ có thể thấy gương đồng. Một mặt là gương, được chế tác rất tinh xảo, làm bằng đồng. Mặt kia tức là mặt sau của gương có hoa văn, cũng thường khắc những câu cách ngôn nhằm cảnh tỉnh chính mình; mặt đối diện là gương. Gương để lâu sẽ đóng bụi bặm, có teng đồng, khi quý vị soi, sẽ chiếu soi [hình ảnh] không rõ ràng cho lắm! Do vậy, ắt phải thường xuyên mài bóng. Vì thế nói “ma kính” (mài gương), càng mài càng sáng. Mài sạch những thứ dơ bẩn nơi mặt gương, chuyện này giống như đoạn Hoặc. Sau đấy, cầm gương để soi, sẽ giống như gương [thủy tinh trong hiện thời]. Quý vị soi bóng [những hình tướng] bên ngoài rành rẽ, phân minh. “Năng hiện vạn tượng” (Có thể hiện ra muôn hình tượng), điều này giống như chứng Lý, “thị tức Quán dã” (đấy chính là Quán). Mài sạch những chất nhơ khỏi Thể của gương, đấy là Chỉ. Khi gương khởi tác dụng Chiếu, sẽ Quán. Quán thuộc về Huệ, Quán có thể chứng Lý.
“Nhược chân Chỉ, chân Quán, tất vi bất nhị” (Nếu là Chỉ và Quán thật sự, ắt sẽ chẳng hai). Đấy là tỷ dụ chúng giống như gương. Thể của gương là Chỉ, khởi tác dụng chiếu là Quán. Chúng nhất định chẳng hai! Lại xem một sự thật: “Pháp Tánh tịch nhiên thị Chỉ, Pháp Tánh thường chiếu thị Quán” (Pháp Tánh vắng lặng là Chỉ, Pháp Tánh thường chiếu là Quán). Đấy là chân lý của vũ trụ. Trong các khóa giảng trong quá khứ, chúng tôi đã nói về Pháp Tánh rất nhiều! Pháp Tánh chẳng phải là vật chất, mà cũng chẳng phải là tinh thần, sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý của chúng ta đều chẳng thể tiếp xúc được, kinh Phật nói là “chẳng duyên được”. Thức thứ sáu là Ý Thức chính là tư tưởng, chẳng tưởng được, mắt chẳng thấy, tai chẳng nghe, mũi chẳng ngửi thấy, lưỡi chẳng nếm được, thân chẳng tiếp xúc được, tâm cũng chẳng tưởng được! Nó (Pháp Tánh) thật sự có, nó tồn tại, nó có thể hiện, hiện gì vậy? Hiện ra hư không, hiện ra thế giới. Tất cả hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều do nó biến hiện, nó có thể hiện! Nó có thể hiện ra tinh thần, có năng lực hiện ra vật chất. Tinh thần và vật chất thảy đều do Pháp Tánh biến hiện.
Pháp Tánh vắng lặng, nó như như bất động, trước nay chẳng động, chính là Chỉ. Tuy nó vắng lặng, nhưng nó lại thường chiếu. Thường chiếu là Quán. Nói cách khác, chẳng có gì nó không hiểu rõ; chẳng có gì nó không thông đạt. Đấy là Quán. Quán thuộc về Huệ, Tịch thuộc về Định. Chân Chỉ, chân Quán nhất định là chẳng hai! Vì thế nói chân Quán nhất định là vắng lặng, trí huệ thật sự nhất định là như như bất động. “Chân Quán tất tịch nhiên, cố Quán tức Chỉ. Chân Chỉ tất minh tịnh” (Chân Quán ắt vắng lặng; vì thế, Quán chính là Chỉ. Chân Chỉ ắt sáng suốt, thanh tịnh). Chân Chỉ tất nhiên là hiểu rõ, tất nhiên là thanh tịnh. Thanh tịnh là chẳng có mảy may ô nhiễm. “Cố Chỉ tức Quán dã” (Vì thế, Chỉ tức là Quán). Vì lẽ này, mối quan hệ giữa Chỉ và Quán là một, không hai. Chỉ là Thể, Quán là Dụng; Quán là Thể, Chỉ là Dụng. Hai thứ ấy có thể làm Thể và Dụng lẫn cho nhau. Tịch chính là Chiếu, Chiếu tức là Tịch. Chỉ là Quán, Quán là Chỉ, là một, không hai. Chỉ Quán thật sự [là như thế đấy]!
Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật dạy chúng ta tu hành, quý vị hiểu đạo lý này, hiểu phương pháp này, nguyên lý và nguyên tắc được vận dụng vào chỗ nào? Dùng ngay trong cuộc sống hằng ngày, dùng vào công việc, dùng trong xử sự, đãi người, tiếp vật. Tâm địa thanh tịnh, quang minh. Thanh tịnh là Chỉ, quang minh là Quán. Thanh tịnh là Định, quang minh là Huệ. Vì lẽ này, Lục Tổ Huệ Năng gặp Ngũ Tổ, đã thưa với Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Quý vị có hiểu câu nói ấy hay không? Nếu quý vị đã hiểu đạo lý Chỉ Quán, quý vị sẽ hiểu rõ [hàm nghĩa trong câu nói ấy]. Tâm Lục Tổ như nước lặng, đối với cảnh giới bên ngoài xác thực là như kinh Kim Cang đã nói: “Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. Chẳng có gì Ngài không hiểu rõ, chẳng có gì Ngài không thông đạt. “Thường sanh trí huệ” có nghĩa là chẳng sanh phiền não, chẳng dấy lên sự đắm nhiễm. Đấy là công phu của Ngài!
Đoạn này nhằm giới thiệu [Chỉ Quán theo cách hiểu] thông thường. Trong buổi học sau, chúng ta lại xem cảnh giới của Thanh Lương đại sư trong phẩm kinh này, xem lão nhân gia giảng giải về Chỉ Quán. A! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tới chỗ này.
Tập 1480
Chư vị đồng học xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ tư trong phần trường hàng. Chúng ta đọc kinh văn một lượt.
(Kinh) Vân hà đắc nhân lực, dục lực, phương tiện lực, duyên lực, sở duyên lực, căn lực, quan sát lực, xa-ma-tha lực, tỳ-bát-xá-na lực, tư duy lực?
(經)云何得因力。欲力。方便力。緣力。所緣力。根力。觀察力。奢摩他力。毗缽舍那力。思惟力。
(Kinh: Làm thế nào để đắc nhân lực, dục lực, phương tiện lực, duyên lực, sở duyên lực, căn lực, quán sát lực, xa-ma-tha lực, tỳ-bát-xá-na lực, tư duy lực?)
Đối với đoạn kinh văn này, trong phần trước, chúng ta đã học đến Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na. Đấy là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán sẽ là Chỉ Quán. Trong phần trước, chúng tôi đã thưa trình cùng quý vị cách giải thích danh tướng thông thường theo giáo pháp Đại Thừa. Hôm nay, chúng ta xem những lời dạy của Thanh Lương đại sư trong Sớ Sao. Chúng tôi đọc lời văn của Thanh Lương đại sư một lượt.
(Sớ) Bát, Xa-ma-tha, thử vân Chỉ.
(疏)八奢摩他,此云止。
(Sớ: Tám, Xa-ma tha, cõi này nói là Chỉ).
Xa-ma-tha là tiếng Phạn, “thử” (此) là nơi đây, tức Trung Hoa, nghĩa tiếng Hán là Chỉ.
(Sớ) Đệ cửu, Tỳ-bát-xá-na.
(疏)第九毘缽舍那。
(Sớ: Thứ chín là Tỳ-bát-xá-na).
Đây là tiếng Phạn.
(Sớ) Thử vân Quán dã.
(疏)此云觀也。
(Sớ: Cõi này dịch là Quán).
Nói gộp lại, sẽ là Chỉ Quán.
(Sớ) Du Già, Khởi Tín đẳng luận.
(疏)瑜伽,起信等論。
(Sớ: Các bộ luận như Du Già, Khởi Tín v.v…)
Du Già Sư Địa Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, kinh Giải Thâm Mật, kinh Đại Niết Bàn v.v…
(Sớ) Quảng biện kỳ tướng, cụ như biệt chương.
(疏)廣辨其相,具如別章。
(Sớ: Đều biện định rộng rãi tướng của chúng, [những điều này] đã được nêu đầy đủ trong chương khác).
Hai danh tướng ấy đã được giải thích hết sức tỉ mỉ [trong các bộ kinh luận ấy]. Trong Sớ Sao, Thanh Lương đại sư cũng đã trích dẫn, nhưng không [nêu ra] ở chỗ này. Trong phần sau, chúng ta sẽ còn đọc thấy. Đọc đến chỗ đó, sẽ thấy càng nói càng cặn kẽ!
Từ những phần trước, chúng ta đã nhiều lần thấy kinh Hoa Nghiêm nói đến điều gì? Vừa mở đầu, đã giới thiệu duyên khởi của pháp giới. Phẩm Hoa Tạng Thế Giới và phẩm Thế Giới Thành Tựu, nói theo kiểu hiện thời, toàn là nói về khoa học. Vũ trụ do đâu mà có? Thế giới thành tựu như thế nào? Kinh đã nói về hoàn cảnh y báo của chúng ta rất rõ ràng. Kế đó là nói về sự tu hành, phàm phu như thế nào thì mới có thể đạt tới quả địa viên mãn rốt ráo? Do vậy, các đề mục chánh yếu của kinh này là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Sau đó là kèm theo phần biểu diễn, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử nhằm làm cho chúng ta thấy. Do vậy, thuở trước tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu bộ kinh này cho tôi, đã nói đây là một bộ sách tuyệt diệu vô song trên thế giới, là một bộ Phật học khái luận hoàn chỉnh. Vì sao nói là hoàn mỹ? Nó có lý luận, có phương pháp, còn kèm thêm biểu diễn. Sách giáo khoa được biên soạn như vậy, chẳng tìm thấy bộ thứ hai trên thế giới!
Sau khi tôi đọc Hoa Nghiêm, nghĩ đến Châu phu tử (Châu Hy) đời Tống biên tập Tứ Thư. Châu phu tử cũng đổ công dốc sức rất nhiều nơi Phật giáo, có khá nhiều điều ông dùng Phật giáo để giải thích kinh điển Nho gia. Tôi nghĩ có thể là ông ta biên tập Tứ Thư do được gợi hứng từ kinh Hoa Nghiêm. Vì sao? Tứ Thư gồm có bốn bộ, tức là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, và Mạnh Tử[1]. Đại Học nói về phương pháp, Trung Dung giảng về lý luận, Luận Ngữ và Mạnh Tử chính là sự biểu diễn của Khổng Tử và Mạnh Tử. Làm thế nào để áp dụng phương pháp và lý luận ấy trong cuộc sống, thực hiện trong công việc, thực hiện trong xử sự, đãi người, tiếp vật? Rất có hương vị của Hoa Nghiêm! Đấy là suy nghĩ của tôi, đương nhiên là chẳng tìm thấy căn cứ, có thể là [Châu phu tử] do tiếp nhận khải thị của kinh Hoa Nghiêm, do đọc kinh Hoa Nghiêm, đột nhiên có sự linh cảm như vậy đó. Bởi thế, Tứ Thư là sách giáo khoa hết sức hoàn mỹ của Nho gia, chúng ta cũng có thể coi Tứ Thư như triết học khái luận của Nho gia.
Ở đây, Thanh Lương đại sư đã nói đại lược.
(Sớ) Kim lược hiển kỳ tướng, dĩ vi thập môn.
(疏)今略顯其相,以為十門。
(Sớ: Nay nói đại lược tướng ấy, gồm có mười môn).
Đây là nói về Chỉ, tức Xa-ma-tha. Chỉ và Quán, trong phần trước, chúng tôi đã nói, chẳng thể tách rời! Trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ. Chỉ tức là Quán, Quán tức là Chỉ. Trong phần trước, đã trình bày ý nghĩa này rất minh bạch. Nay chúng ta xem ở chỗ này.
(Sớ) Tâm hạnh xứng lý, nhiếp tán danh Chỉ.
(疏)心行稱理,攝散名止。
(Sớ: Tâm hạnh tương ứng với Lý, thâu nhiếp tán loạn, gọi là Chỉ).
Thanh Lương đại sư nói đơn giản, trọng yếu, ngắn gọn. “Tâm” là khởi tâm động niệm, “hạnh” là hành vi, ngôn ngữ, tạo tác. Tâm và hạnh đã bao gồm ba nghiệp. Quý vị thấy “thân, ngữ, ý”, thân và ngữ là hạnh, tâm là ý. Tam nghiệp đều xứng lý, tức là tương ứng với Lý. Lý là gì? Lý là Tánh Đức, [xứng Lý] là tương ứng với tự tánh, tương ứng với Pháp Tánh. Tự tánh và Pháp Tánh là một tánh, trong Nho gia gọi là “bản tánh”. Quý vị thấy sách Nho nói hết thảy mọi người tánh vốn lành. Tam Tự Kinh nhằm dạy trẻ nít, là sách giáo khoa để dạy vỡ lòng. Câu đầu tiên là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thoạt đầu tánh vốn lành). Bản tánh vốn lành là Lý. Chúng ta khởi tâm động niệm là thiện, ngôn ngữ, hành vi tạo tác là thiện, đấy gọi là “xứng Lý”, nhằm phân biệt với ba nghiệp thân, ngữ, ý chẳng lành, [ba nghiệp chẳng lành thì] sai mất rồi! Ba nghiệp thuần tịnh, thuần thiện! Câu này là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc, chúng ta phải nhớ kỹ. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều phải tương ứng với bản tánh vốn lành. Thiện trong Nho gia là luân lý, đạo đức, ngũ luân, bát đức. Đấy là Lý, phải tương ứng!
“Chỉ” nghĩa là gì? Là “nhiếp tán”. “Tán” (散) là gì? Suy nghĩ lung tung, tâm tán loạn. Chúng ta thâu hồi cái tâm tán loạn, đó là Chỉ. Đúng như Mạnh Tử đã dạy: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ” (Đạo học vấn chẳng có gì khác, mong sao thâu hồi cái tâm buông lung mà thôi). Tâm quý vị luôn rong ruổi bên ngoài, chúng ta có thể thâu hồi cái tâm buông lung ấy; đấy chính là học vấn, ở đây, gọi là Xa-ma-tha. Xa-ma-tha là thâu hồi cái tâm. Trong cuộc sống hằng ngày, mắt chúng ta thấy sắc, thấy cái gì hợp với ý nghĩ của chính mình, tâm tham ái bèn dấy lên, tâm chạy theo cảnh giới bên ngoài, quý vị thường nghĩ nhớ nó. Thấy cảnh giới nào mà chính mình chẳng ưa thích, liền chán ghét, tâm sân khuể sanh khởi. Thấy người khác tốt lành hơn chúng ta, cái tâm ghen tỵ liền dấy lên. Thấy người khác chẳng bằng chúng ta, tâm ngạo mạn nẩy sanh. Những điều ấy đều gọi là “tâm tán loạn”. Suốt ngày từ sáng đến tối, cái tâm như nổi sóng, chao động không ngừng, chẳng thể Chỉ được. Cái tâm của quý vị luôn động!
Chỉ là gì? Chỉ là khiến cho cái tâm của chúng ta khôi phục sự bình lặng thì gọi là Chỉ. Khi nào sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, đối với thuận cảnh, thiện duyên, cảnh giới tốt đẹp, thường là tâm chúng ta rất hoan hỷ, nhưng chẳng sanh tham luyến. Tham luyến là sóng gió. Chẳng dấy lên sóng gió. Trước nghịch cảnh, ác duyên, chúng ta nói là “oan gia đối đầu”, sau khi đã gặp phải [oan gia đối đầu], tâm sân khuể bèn sanh khởi. Trong khi đó, quý vị có thể giữ sao cho không sân khuể, tâm quý vị đã Chỉ. Phải học điều này! Tâm hạnh xứng lý, trong Phật môn gọi điều đó là “Bồ Đề tâm, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, lý đấy! Hạnh là Thập Thiện Nghiệp, chẳng giết, chẳng trộm, không dâm, không nói dối, không nói đôi chiều, không ác khẩu, không nói thêu dệt, không tham, không sân, không si. Nếu cái tâm thật sự là tâm hạnh đều tương ứng với Bồ Đề tâm, đều tương ứng với Thập Thiện Nghiệp, tâm của quý vị đã Chỉ. An trụ nơi Bồ Đề, an trụ trong Thập Thiện. Đó là đúng, hãy nên biết để học tập [điều này].
Ý nghĩa thứ hai:
(Sớ) Chỉ bất trệ tịch, bất ngại quán Sự.
(疏)止不滯寂,不礙觀事。
(Sớ: Chỉ chẳng trầm trệ nơi Tịch, chẳng trở ngại quán Sự).
Chỉ là Tịch. Tuy là Chỉ Tịch, nó khởi tác dụng, chẳng phải là chết cứng, mà là sống động, giống như nước khi gió yên, sóng lặng. Sáu căn của chúng ta ở trong cảnh giới sáu trần đã đạt đến mức độ nào? Chẳng chấp trước, chẳng phân biệt, không khởi tâm, chẳng động niệm, cái tâm bình lặng. Đó là Chỉ Tịch. Nhưng sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, bèn thấu hiểu rành mạch, rõ ràng, [đó là] “bất ngại quán Sự”. Chỉ là Định, Quán là Huệ. Chỉ là như như bất động, Quán là hiểu rành mạch, rõ ràng. Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, trong công việc, xử sự, đãi người tiếp vật, hãy nên học như thế thì là đúng. Đấy là cảnh giới của Phật, Bồ Tát. Các Ngài cũng là sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, chúng ta cũng thế, nhưng tâm chúng ta chẳng định. Tâm không định, bèn suy nghĩ loạn xạ, cho nên trong tâm cuộn sóng. Nếu là phẫn hận to lớn, nổi cáu, sẽ là sóng to gió lớn!
Chỉ cần tâm có thất tình, ngũ dục, tâm sẽ chẳng bình lặng, chẳng tịnh, chẳng có Chỉ Tịch. Có thể quán Sự hay không? Có thể, nhưng thường là nhìn nhận sự việc sai be bét! Chuyện bày ra trước mặt quý vị rõ ràng, [thế mà quý vị] thấy sai, nghe trật, hiểu sai ý nghĩa! Chuyện như vậy có nhiều hay không? Quá nhiều! Chẳng cần hỏi ai khác, cứ hỏi chính mình, [sẽ nhận thấy] chính mình thường là như vậy. Do nguyên nhân gì? Đọc những sách ấy sẽ biết, tâm chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, quý vị thấy cũng thế, nghe cũng thế, đúng là rành mạch, rõ ràng, chẳng có lầm lỗi! Tâm chẳng thanh tịnh, nghe sai, hiểu sai ý nghĩa, thường nẩy sanh sai lầm! Ở chỗ nào? Ngay trong cuộc sống hằng ngày, hằng ngày đều gặp phải! Từ nay về sau, hễ gặp phải những chuyện ấy, tâm quý vị hiểu rõ ràng, đừng nên trách móc người khác! Vì sao? Tâm họ chẳng định! Bản thân chúng ta cũng đừng nên học theo họ, tâm nhất định phải thanh tịnh, vọng niệm càng ít càng hay. Vọng niệm là phiền não. Vọng niệm ít, trí huệ sẽ tăng trưởng. Vì sao? Quán sự sẽ hiểu rõ, thông đạt, chẳng có chướng ngại. Đấy chính là trí huệ, trí huệ đã mở mang!
Tiếp đó là câu thứ ba:
(Sớ) Do Lý Sự giao triệt nhi tất câu toại, sử Chỉ Quán vô ngại nhi song vận.
(疏)由理事交徹而必俱遂,使止觀無礙而雙運。
(Sớ: Do Lý và Sự hoàn toàn dung thông lẫn nhau, nên đều cùng thành tựu, khiến cho Chỉ Quán vô ngại, cùng vận dụng Chỉ và Quán).
Lý nhất định có Sự, Sự nhất định có Lý. Trong Lý có Sự, trong Sự có Lý. Đó gọi là “Lý Sự giao triệt”. Chẳng nói là chỉ đơn độc có Sự, không có Lý. Đơn độc có Lý, chẳng có Sự, chuyện này nói chẳng suông! Đấy là cảnh sở duyên của chúng ta, tất nhiên sẽ khiến cho Chỉ Quán vô ngại, mà có thể vận dụng đồng thời. Chỉ Quán là năng quán (chủ thể quán sát), Lý Sự là sở quán (đối tượng được quán). Trong phần trước, tôi cũng đã thưa trình cùng chư vị: Chỉ là buông xuống, Quán là thấy thấu suốt. Đấy là phương pháp tu học do Chương Gia đại sư dạy cho tôi trước kia. Ngài chẳng nói Chỉ Quán! Nếu Ngài dùng danh từ Chỉ Quán, chỉ sợ tôi nghe cũng không hiểu, sẽ rất tốn công. Tôi là kẻ mới học, vừa mới tiếp xúc Phật pháp. Ngài thay đổi danh tướng để nói; đấy là chỗ cao minh, chỗ trí huệ của Ngài!
Buông xuống gì vậy? Buông xuống vọng tưởng, buông xuống phân biệt, buông xuống tiếng tăm, lợi dưỡng, buông xuống thất tình, ngũ dục. Tâm của quý vị bình lặng, tức là Chỉ. Chỉ cần quý vị thật sự có thể buông xuống, trí huệ hiện tiền, nhìn cũng thế, nghe cũng thế, tư duy cũng thế, xác thực là cao hơn người khác một bậc, trí huệ vượt trỗi người khác! Trí huệ do đâu mà có? Chính mình vốn sẵn có! Vì sao chúng ta đánh mất trí huệ? Vọng niệm quá nhiều, [cho nên] Chỉ không được. Trong tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất nhiều, cho nên chỉ có vọng tưởng, chẳng có trí huệ, đạo lý ở ngay chỗ này. Người công phu đắc lực, công phu Chỉ Quán thật sự đắc lực, thấy thấu suốt giúp quý vị buông xuống; buông xuống lại giúp cho quý vị thấy thấu suốt. Đấy là “Chỉ Quán song vận, Chỉ Quán vô ngại”. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, tâm như như bất động, chẳng bị ảnh hưởng bởi cảnh giới bên ngoài. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, bất luận là thiện duyên hay ác duyên, quyết định chẳng bị ảnh hưởng, trong tâm như như bất động. Vì sao người ấy có thể làm được? Vì sao người trong thế gian chẳng làm được? “Chuyện này ta có thể chẳng nghĩ tới ư? Chuyện này có liên quan đến ta, có thể chẳng nghĩ tới hay sao?” Vì thế, họ Chỉ không được. “Chỉ” không được là vì họ chẳng thấy thấu suốt, chẳng hiểu chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Giống như kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Tâm Kinh đã nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng giống như thế”.
Đức Thế Tôn giảng kinh Bát Nhã hai mươi hai năm, chúng tôi đọc xong, đã nêu ra tổng kết: “Tất cả hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian vô sở hữu, tất cánh không, chẳng thể được!” Nếu quý vị có thể hiểu chân tướng sự thật này, có gì mà chẳng buông xuống được? Quý vị buông xuống, đúng rồi. Quý vị chẳng buông xuống, sai rồi! Đúng là “thiên hạ bổn vô sự, dung nhân tự nhiễu chi” (thiên hạ vốn chẳng có chuyện gì, kẻ tầm thường tự mình quấy nhiễu). Không buông xuống được, sẽ là “dung nhân” (庸人, kẻ tầm thường, kém cỏi). Buông xuống sẽ là “thánh nhân”. Thánh nhân: Thánh (聖) có nghĩa là minh bạch; “thánh nhân” là người đã minh bạch. Không buông xuống được sẽ là “dung nhân”, là kẻ ngu si. Phàm và thánh khác biệt ở ngay chỗ này! Vì thế, chúng ta phải học, phải thật sự tu hành, thật sự dụng công.
Trong phần trước, tôi đã thưa trình cùng chư vị: Niệm Phật là tu Chỉ Quán. Ngay vào lúc trong tâm dấy lên vọng tưởng, phân biệt, bèn ngay lập tức “nam-mô A Di Đà Phật” để trừ khử, thay thế tạp niệm ấy [bằng Phật hiệu]. Đấy chính là như cổ đại đức đã nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Vọng niệm dấy lên, không sao hết! Vì là phàm phu, đương nhiên là vọng niệm sẽ dấy lên. Nếu chẳng dấy vọng niệm, đấy chính là thánh nhân, quý vị đã tu thành công. Há có lẽ nào phàm phu chẳng dấy lên vọng niệm? Nhưng vọng niệm vừa dấy lên, quý vị có thể nhận biết. Đó là giác ngộ! Hễ nhận biết, sẽ ngay lập tức dùng một câu Phật hiệu để đánh tan, dùng Phật hiệu để thay thế, chẳng để vọng niệm tiếp tục, khiến cho từng tiếng Phật hiệu “A Di Đà Phật” tiếp nối, vọng niệm sẽ chẳng dấy lên. Đấy chính là công phu.
Niệm đã lâu, thông thường thì đại khái là bao lâu? Chúng ta thấy cổ đại đức, tám chín phần mười là ba năm! Thật sự dụng công ba năm, dùng một câu A Di Đà Phật để áp chế vọng tưởng. Ý niệm dấy lên, bất luận là thiện niệm hay ác niệm đều chẳng quan tâm, chỉ cần ý niệm dấy lên, bèn “A Di Đà Phật” để áp chế nó. Ba năm, công phu tốt đẹp sẽ đắc nhất tâm, nhất tâm bất loạn. Trong số ấy, người đắc Sự nhất tâm thì nhiều, người đắc Lý nhất tâm ít ỏi. Công phu nông cạn, tức công phu nhất tâm bất loạn nông cạn nhất, chúng ta thường gọi là “công phu thành phiến” có nghĩa là gì? Đối với vọng niệm, công phu niệm Phật của quý vị mới vừa đạt tới mức độ có thể chế phục nó. Chẳng dấy lên ý niệm thì thôi; lúc dấy lên, sẽ đều là “A Di Đà Phật”. Trừ “A Di Đà Phật” ra, chẳng khởi ý niệm nào khác! Đó gọi là “công phu thành phiến”. Đấy là mức thấp nhất, là nhất tâm bất loạn thuộc mức sơ cấp nhất! Công phu như vậy quyết định sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế giới Cực Lạc. Tôi nói lời này, hy vọng các đồng học phải lưu ý, phải nghiêm túc nghe. Vì sao? Chẳng có công phu này, sẽ chẳng thể vãng sanh! Mỗi ngày quý vị niệm mười vạn câu Phật hiệu, một mặt niệm Phật hiệu, mặt khác vẫn dấy vọng tưởng, vô dụng! Phải niệm đến mức nào? Niệm đến mức Phật hiệu chẳng có vọng tưởng, quý vị sẽ nắm chắc vãng sanh! Khi niệm Phật còn có vọng tưởng, chẳng nắm chắc. Chớ nên không biết điều này, đó gọi là công phu thật sự!
Khi thật sự đổ công dốc sức, pháp môn Tịnh Tông thù thắng lắm. Vì sao? Nó chẳng trở ngại Sự, không trở ngại quý vị làm việc. Ta vừa làm việc, vừa có thể dụng công. Nhất là [khi làm những việc] không cần suy nghĩ, chỉ tốn sức, chẳng cần suy nghĩ, sẽ càng dễ dàng. “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, mỗi niệm đều là A Di Đà Phật. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, có chép chuyện một người thợ rèn, rèn sắt rất vất vả. Có một hôm, gặp một vị xuất gia, ông ta mời vị xuất gia ấy uống một chén nước, thỉnh giáo: “Con rèn sắt quá cực nhọc, có phương pháp nào giúp cho con giải thoát hay không?” Vị pháp sư ấy dạy ông ta niệm A Di Đà Phật. Sư dặn: “Ông cầm búa đập xuống, A Di Đà Phật; nhấc búa lên, A Di Đà Phật”. Ông ta bèn học như thế, hằng ngày rèn sắt cứ “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”. Người khác hỏi ông ta: “Ông vừa rèn sắt vừa niệm Phật, có quá mệt hay không?” Ông ta thưa: “Không! Trước đây, rèn sắt thì mệt. Kể từ khi tôi niệm Phật, rèn sắt chẳng thấy mệt”. Ba năm sau, ông ta đứng vãng sanh. Ngay trong lúc rèn sắt, đập một búa xuống, “A Di Đà Phật”, ông ta chẳng chuyển động, đã vãng sanh, đứng thác! Dường như còn nói thêm một bài kệ: “Beng beng, bang bang, luyện lâu thành thép, thái bình đã gần, ta về Tây Phương”. Đập xuống một búa, đã đi mất rồi. Đấy là gì? Công phu thành phiến!
Quý vị xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, xem Vãng Sanh Truyện, [sẽ thấy] bảy tám phần mười là ba năm, từ ba năm cho đến năm năm, công phu bèn thành tựu. Chúng ta niệm Phật không chỉ là ba năm, không chỉ là năm năm, vì sao hiện thời ngay cả tin tức của Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng có? Chẳng có Chỉ! Niệm Phật hiệu hằng ngày, [nhưng là] tán niệm, chẳng có cách nào thành tựu công phu! Làm như thế nào để có thể thành tựu công phu? Quý vị phải biết nhiếp tâm; câu Phật hiệu xác thực giúp chúng ta nhiếp tâm. Niệm dấy lên, bèn “A Di Đà Phật”, dùng [Phật hiệu] để thay thế cái niệm ấy. “Niệm” (vọng niệm, tán niệm) chẳng còn nữa, chỉ còn lại A Di Đà Phật! Câu “A Di Đà Phật” có thể khiến cho vọng niệm chẳng dấy lên. Chẳng phải là đoạn vọng niệm, chẳng hề đoạn, mà là chế ngự nó, giống như đá đè lấp, giằn ép cây cỏ. Ai nấy đều khởi sự luyện tập từ chỗ này. Đó gọi là “công phu đắc lực”. Chẳng thể giằn ép vọng niệm được, công phu sẽ chẳng đắc lực!
Hiện thời, chúng ta thấy người niệm Phật rất nhiều, nhưng chẳng thể giằn ép phiền não, quý vị hãy xem xét kỹ. Lỡ ai đó có động tác hay nói năng không cẩn thận làm mất lòng họ, ngay lập tức nổi quạu liền. Thấy thứ gì ưa thích, tâm tham ngay lập tức dấy lên, chẳng có công phu. “Chẳng có công phu” là không chịu nổi sự dụ dỗ, mê hoặc do cảnh giới bên ngoài. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần liền khởi tham, sân, si, mạn y như cũ, khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước y như cũ. Đấy là niệm Phật uổng công mất rồi! Cổ đại đức nói: “Tối đa là gieo chủng tử niệm Phật trong A Lại Da Thức, chẳng thể dấy lên hiện hành trong đời này”. Trong đời này, chẳng có cách nào hết! Chúng ta chớ nên không biết chuyện này. Do vậy, chúng ta phải thật sự biết niệm Phật, nhất định phải hiểu ý nghĩa của hai chữ Chỉ Quán.
Đối với Quán, ta chẳng phải là tách lìa, tách lìa là sai lầm! Ta ở trong cảnh giới, hòa quang đồng trần, ta thấy rõ ràng, nghe rõ ràng, nhưng như thế nào? Không khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, chỉ có một câu “A Di Đà Phật”. Người khác cung kính ta, “A Di Đà Phật”; người khác hận ta, “A Di Đà Phật”; chẳng cần phải bận tâm đến cảnh giới bên ngoài. Chẳng qua ta trả lời, cười hì hì, đáp bằng một tiếng “A Di Đà Phật”! Bất luận trong cảnh giới nào, tập khí phiền não đều chẳng dấy lên hiện hành, [tức là] công phu đắc lực, mới có thể vãng sanh. Đấy là mục tiêu rốt cùng của chúng ta, hy vọng có thể thực hiện được. Nếu niệm Phật vẫn quy về niệm Phật, khởi tâm động niệm vẫn quy về khởi tâm động niệm, chẳng được rồi! Đấy chẳng phải là cách thức [niệm Phật đúng lẽ]. Vì thế, vận dụng cả Chỉ lẫn Quán, tức là: Do thấy thấu suốt mà buông xuống, do buông xuống mà thấy thấu suốt.
Hãy nhớ thuở Bố Đại hòa thượng tại thế, vào thời đại Nam Tống. Ngài sống cùng thời đại với Nhạc Phi. Cũng chẳng có ai biết Ngài họ gì, tên gì, không có ai biết cả! Do hằng ngày Ngài luôn cầm một cái túi vải to, nên mọi người gọi Ngài là Bố Đại hòa thượng (布袋和尚, hòa thượng túi vải). Bố Đại hòa thượng nổi danh, nói tới Bố Đại hòa thượng chẳng có ai không biết. Trong truyện ký, cũng chẳng ghi tên Ngài, mà cũng viết là Bố Đại hòa thượng. Có người hỏi lão nhân gia: “Phật pháp là gì?” Ngài buông túi xuống đất, buông thõng hai tay, buông xuống đấy! Phật pháp là gì? Buông xuống; buông xuống chính là Chỉ. Người ta thấy dáng vẻ ấy, thấu hiểu ý nghĩa ấy, buông xuống! Sau khi đã buông xuống thì làm sao? Ngài nhấc cái túi lên, khoác lên vai, bỏ đi, chẳng nói câu nào cả! Nghĩa là gì? Sau khi đã buông xuống phải nhấc lên, chẳng phải là buông xuống là đã xong chuyện! Sau khi buông xuống, phải nhấc lên, nhấc lên điều gì vậy (thực hiện điều gì vậy)? Giáo hóa chúng sanh. Buông xuống nhằm thành tựu chính mình; sau khi chính mình đã thành tựu, nhất định phải thành tựu chúng sanh. Về sau, mọi người biết Ngài là Di Lặc Bồ Tát thị hiện. Vì thế, trong các tự viện tại Trung Hoa, hễ tạc tượng Di Lặc Bồ Tát, đều tạc tượng Ngài (Bố Đại hòa thượng).
Ý nghĩa của câu thứ tư sâu xa:
(Sớ) Lý Sự hình đoạt nhi câu tận, cố Chỉ Quán lưỡng vong nhi tuyệt ký.
(疏)理事形奪而俱盡,故止觀兩亡而絕寄。
(Sớ: Do Lý và Sự đoạt lẫn nhau, nên đều cùng hết sạch. Vì thế, Chỉ và Quán cùng mất, chẳng còn nương dựa vào đâu nữa).
Dùng Lý để đoạt Sự, Sự chẳng tồn tại. Câu này chẳng dễ hiểu. Ví như các nhà khoa học hiện thời đã phát hiện: “Thời gian và không gian chẳng phải là thật, vật chất là huyễn tướng”. Điều phát hiện ấy chính là Lý. Dưới một điều kiện nào đó, không gian bằng zéro; dưới một điều kiện nào đó, thời gian bằng zéro. Không gian bằng zéro, [tức là] chẳng có xa hay gần; thời gian bằng zéro, chẳng có trước hay sau! Do đâu mà có vật chất? Từ trong Vô sanh ra Hữu, Hữu lại trở về Vô. Tốc độ dấy lên rồi diệt mất ấy quá nhanh chóng, nhanh đến nỗi chẳng có cách nào hình dung; đấy là Lý. Nếu nói theo Lý, Sự cũng chẳng tồn tại. Thời gian và không gian thảy đều không tồn tại. Dùng Lý đoạt Sự, Sự chẳng có. Dùng Sự để đoạt Lý, Lý sẽ chẳng có.
Quý vị nói “một điều kiện nào đó”, nay chúng ta xác thực là có không gian, có thời gian, có vật chất. Cũng có nghĩa là đối với các hiện tượng trong vũ trụ, quý vị nhìn từ góc độ nào? Giống như cái chén này, nhìn từ phía này, quý vị thấy nó lõm, lõm xuống. Nhìn từ bên kia, nó lồi lên! Người nhìn từ phía này, sẽ nói là lồi, trọn chẳng thừa nhận nó bị lõm. Người nhìn từ mặt kia, sẽ thừa nhận là lõm xuống, trọn chẳng thừa nhận nó lồi lên. Đấy là chỉ nhìn vào một mặt, chẳng thấy mặt khác. “Lý Sự hình đoạt” (Lý và Sự đoạt lẫn nhau): Lý và Sự đều chẳng tồn tại. Lý và Sự là đối tượng của Chỉ Quán, nó là cảnh giới được quán. Cảnh giới để quán (sở quán) chẳng có, Quán Huệ có thể quán (năng quán) cũng chẳng tồn tại. Nếu Năng và Sở đối lập, sẽ có năng quán và sở quán. Hễ thiếu một bên, hai bên đều chẳng tồn tại. Lý này sâu lắm! “Chỉ Quán song vong” (Chỉ và Quán cùng mất), đấy là cảnh giới gì? Cảnh giới Đại Niết Bàn nơi quả địa Như Lai, cũng là như Bố Đại hòa thượng bỏ cái túi xuống đất, buông thõng hai tay, chính là cảnh giới như thế đó.
Lại xem câu thứ năm kế tiếp:
(Sớ) Tuyệt Lý Sự vô ngại chi cảnh, dữ mẫn Chỉ Quán vô ngại chi tâm, nhị nhi bất nhị, cố bất ngại tâm cảnh nhi nhất vị, bất nhị nhi nhị, cố bất hoại nhất vị nhi tâm cảnh lưỡng thù.
(疏)絕理事無礙之境,與泯止觀無礙之心,二而不二,故不礙心境而一味,不二而二,故不壞一味而心境兩殊。
(Sớ: Do dứt tuyệt cảnh Lý Sự vô ngại, và mất sạch cái tâm Chỉ Quán vô ngại. Do tuy là hai mà chẳng hai, nên chẳng ngại tâm và cảnh một vị. Do chẳng hai mà là hai, cho nên chẳng hoại một vị mà tâm và cảnh hai đằng khác nhau).
Đây là dạy chúng ta ắt phải quán từ mỗi mặt, quý vị mới thật sự liễu giải chân tướng sự thật. Mỗi mặt đều nhìn trọn vẹn, chẳng dễ dàng! Lúc chúng tôi mới học Phật, thầy Lý dạy: Người thế gian nhìn mọi việc theo kiểu bộp chộp nuốt trộng quả táo. Đức Phật dạy mọi người phương pháp quan sát hết thảy các hiện tượng, tối thiểu là quý vị phải biết cách quan sát tám mặt. Tám mặt là gì? Thấy Thể, Tướng, Dụng của nó là ba mặt. Lại thấy nhân, duyên, quả của nó, là sáu mặt. Lại thấy Sự và Lý của nó, [cộng lại thành] tám mặt. Như vậy, đối với mỗi chuyện, kể như quý vị thấy chẳng sai, thấy rõ ràng, nhưng như thế nào? Quý vị chỉ thấy bề ngoài, chẳng có chiều sâu. Chiều sâu là gì? Mỗi mặt đều có tám mặt, tám lần tám là sáu mươi bốn mặt. Sáu mươi bốn mặt, quý vị sẽ thấy mọi vật có chiều sâu. Sâu cỡ nào? Chẳng sâu lắm; tuy có chiều sâu, chẳng đủ sâu! “Đủ sâu” là như thế nào? Mỗi mặt trong sáu mươi bốn mặt lại có tám mặt, trùng trùng vô tận!
Từ chỗ này, chúng ta mới lãnh hội trí huệ của Phật, Bồ Tát là gì, chúng ta làm sao có thể sánh bằng cho được? Ý niệm tự cho là đúng, tự cho chính mình là rất lỗi lạc sẽ ngay lập tức tiêu mất! Chẳng cần nói tám mặt, chúng ta miễn cưỡng có thể nhìn tám mặt, chứ sáu mươi bốn mặt thì chẳng được rồi! Trong Lý có Lý, có Sự; trong Lý có Thể, có Tướng, có Dụng, có nhân, có duyên, có quả, trùng trùng vô tận, sâu không đáy, rộng vô biên. Nay đã hết thời gian rồi, chúng ta nghỉ ngơi mấy phút.
***
Chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Chúng ta xem tiếp phần chú giải của Thanh Lương đại sư. Điều thứ năm…
(Sớ) Tuyệt Lý Sự vô ngại chi cảnh, dữ mẫn Chỉ Quán vô ngại chi tâm, nhị nhi bất nhị, cố bất ngại tâm cảnh nhi nhất vị, bất nhị nhi nhị, cố bất hoại nhất vị nhi tâm cảnh lưỡng thù.
(疏)絕理事無礙之境,與泯止觀無礙之心,二而不二,故不礙心境而一味,不二而二,故不壞一味而心境兩殊。
(Sớ: Do dứt tuyệt cảnh Lý Sự vô ngại, và mất sạch cái tâm Chỉ Quán vô ngại. Do tuy là hai mà chẳng hai, nên chẳng ngại tâm và cảnh một vị. Do chẳng hai mà là hai, cho nên chẳng hoại một vị mà tâm và cảnh hai đằng khác nhau).
Trước khi nói tới điều này, chúng tôi đã nói Phật pháp dạy chúng ta đối với hiện tượng đều phải quan sát trọn khắp từng mặt. Lại còn phải trùng trùng khế nhập bất tận. Điều ấy có liên quan đến hai câu này. “Tuyệt” (絕) và “mẫn” (泯) có cùng một ý nghĩa. “Tuyệt Lý Sự vô ngại chi cảnh” (Dứt mất cảnh Lý Sự vô ngại), câu này nói về ngoại cảnh. Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Lý, Lý Sự vô ngại, cũng giống như “Chỉ chẳng ngại Quán, Quán chẳng ngại Chỉ”. “Mẫn Chỉ Quán vô ngại chi tâm”. “Mẫn” và “tuyệt” đều là nói “buông xuống”, “mẫn” cũng là buông xuống, “tuyệt” cũng là buông xuống, cảnh giới này càng cao hơn! Có Chỉ Quán hay không? Có. Buông xuống là gì? Trong tâm buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chẳng chấp trước Chỉ Quán, chẳng chấp trước Lý Sự, chẳng phân biệt, không khởi tâm, chẳng động niệm; Lý, Sự, Chỉ Quán vô ngại đều hiện tiền.
Trong cảnh giới ấy, “nhị nhi bất nhị” (tuy hai mà chẳng hai). Lý và Sự tuy hai mà chẳng hai, Chỉ Quán tuy hai mà chẳng hai. Năng Quán là Chỉ Quán, Sở Quán là Lý Sự, cũng là hai mà chẳng hai. Vì thế, “bất ngại tâm cảnh nhi nhất vị” (chẳng ngại tâm và cảnh một vị). Tâm là Chỉ Quán, cảnh là Lý Sự, tâm và cảnh một vị, cảnh giới này sâu lắm. Đây là nói đến điều gì? Vũ trụ là một, Năng và Sở bất nhị, đó là cảnh giới sở chứng của Pháp Thân Bồ Tát và chư Phật Như Lai. Đó là nói theo Lý. Nếu nói theo sự tướng, [sẽ là] chẳng hai mà hai, [tức là] nói theo Tục Đế. Trong phần trước là nói theo Chân Đế, ở đây là nói theo Tục Đế, chẳng hai. “Cố bất hoại nhất vị nhi tâm cảnh lưỡng thù” (Vì thế, chẳng hoại một vị mà tâm và cảnh hai đằng khác nhau). Xác thực là có tâm, có cảnh, có Lý, có Sự, có Chỉ, có Quán. Có chướng ngại hay không? Chẳng có! Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, hiển thị pháp giới chẳng có chướng ngại.
Pháp giới vô chướng ngại, nay chúng ta gọi pháp giới vô chướng ngại là “hài hòa”. Cổ nhân nói là “thái hòa”, thái hòa (太和) là gì? Thái hòa là nói tới sự hài hòa trong vũ trụ. Xác thực là vũ trụ hài hòa, các hệ tinh cầu là hài hòa. Quý vị thấy bao nhiêu ngôi sao trong hệ Ngân Hà đều vận hành xoay quanh trung tâm, mỗi tinh cầu có quỹ đạo riêng, chẳng va chạm nhau. Vũ trụ hài hòa, thái hòa đấy! Nếu quan sát gần hơn, ở trên địa cầu mà chúng ta đang sống, tất cả sinh vật, động vật, thực vật, khoáng vật trên địa cầu cũng là hài hòa. Vì thế, sự cư xử giữa người và người, sự cư xử giữa con người và thiên địa, vạn vật, tự nhiên là hài hòa. Vốn là hài hòa, nhưng hiện thời bất hòa, nguyên nhân bất hòa là ở chỗ nào? Nguyên nhân là do chúng ta không biết chân tướng của vũ trụ và vạn vật.
Do vậy, tôi thường nói với các đồng học học Phật: Nếu quý vị cảm thấy đạo lý này quá sâu, chẳng dễ hiểu, hãy quan sát chính mình, quan sát thân thể của chính mình. Đó là [quán theo phạm vi] nhỏ. Nếu thân thể của chính mình chẳng dễ quán, hãy nhìn vào thân thể của người khác, quý vị hãy nhìn cẩn thận. Quý vị thấy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, có hài hòa hay không? Mắt thấy, tai nghe, mắt và tai có cãi nhau hay không? Mắt có nói “ta có thể thấy, ta cũng có thể nghe, ta chẳng cần ngươi” hay không? Tai có nói “ta có thể nghe, mà cũng có thể thấy, ta cũng không cần ngươi” hay không? Có cãi nhau hay không? Nhìn vào bên trong, ngũ tạng, lục phủ, có phải là hài hòa hay không? Tự nhiên hài hòa. Vì thế là thái hòa, thân thể của chúng ta là một tiểu vũ trụ, vũ trụ cô đọng. Mỗi khí quan, thậm chí mỗi tế bào, quý vị thấy mỗi cái vận hành theo cương vị của nó, thực hiện viên mãn, hợp tác hài hòa với toàn thể. Hỗ trợ hợp tác, hòa thuận, hài hòa, chẳng có mảy may xung đột.
Trong thân thể của chúng ta, có khí quan nào phát sanh xung đột với khí quan khác? Chẳng có. Tế bào nào phát sanh xung đột với tế bào khác? Chẳng có! Vốn là hài hòa. Nếu bất hòa, sẽ sanh bệnh; bất hòa là bệnh tật, hài hòa là khỏe mạnh, câu này nhằm nói về đạo lý ấy. “Tâm cảnh lưỡng thù” (Tâm và cảnh hai đằng sai khác): Giống như các khí quan khác nhau trong thân thể chúng ta, chúng có hình tướng khác nhau, có tác dụng khác nhau, nhưng như thế nào? Chúng lại là “tuy hai mà một”. “Bất ngại tâm cảnh nhi nhất vị” (Chẳng trở ngại tâm và cảnh là một vị), điều này có nghĩa là gì? Khí quan dẫu nhiều, tuy hai mà chẳng hai, cùng một thân thể, “nhất vị” là “cùng một thân thể”. Thân thể chính là “cộng đồng thể” (cái thể chung), là sanh mạng của tất cả các khí quan, cộng đồng thể ấy là nhất vị. Nếu quý vị nói rộng ra, “cộng đồng nhất vị” của đại vũ trụ chính là gì? Pháp Thân! Pháp Thân là nhất vị; đúng là tâm cảnh chẳng ngại mà nhất vị!
Pháp Thân là toàn thể, tâm cảnh là bộ phận, là các khí quan khác nhau! Nói theo phương diện các khí quan khác nhau, hình tướng của các khí quan khác nhau, tác dụng khác nhau, xác thực là có sai biệt. Sai biệt và “một Thể” chẳng hai, đó là hài hòa. Nếu sai biệt và “một Thể” phát sanh xung đột, loài người sẽ bị bệnh, địa cầu sanh bệnh, vũ trụ sanh bệnh. Chúng ta thâm nhập quan sát từ chỗ này, quý vị sẽ có thể khai trí huệ, cũng có nghĩa là quý vị có thể thấy thấu suốt. Sau khi đã thấy thấu suốt, quý vị sẽ có thể buông xuống. Buông xuống những gì? Buông xuống chấp trước, buông xuống phân biệt, thiên hạ vô sự, thiên hạ thái bình. Tất cả hết thảy mọi chuyện đều là do đôi bên chẳng buông xuống được, phát sanh đối lập lẫn nhau, sanh ra sự mâu thuẫn lẫn nhau, xung đột bèn phát sanh, hoàn toàn là sai lầm. Giữa con người với nhau, giống như giữa các tế bào trong một thân thể, có cùng một đạo lý. Giữa con người và thiên địa vạn vật, cũng có mối quan hệ hoàn toàn giống như mối quan hệ giữa các tế bào và toàn thân.
Quan sát ở một mức độ cao hơn nữa, [chính là] điều thứ sáu...
(Sớ) Do tức Lý chi Sự thâu nhất thiết pháp, cố tức Chỉ chi Quán diệc kiến nhất thiết.
(疏)由即理之事收一切法,故即止之觀亦見一切。
(Sớ: Do Sự chính là Lý gồm thâu hết thảy các pháp, cho nên Quán chính là Chỉ cũng thấy hết thảy).
Lý là một, Sự có vô lượng. Lý là gì? Pháp Tánh, Sự là pháp tướng. Pháp tướng của tất cả hết thảy các sự đều là do Pháp Tánh biến hiện; do vậy, Pháp Tánh có thể gồm thâu hết thảy các pháp. Trong Phật pháp, Pháp Tánh cũng thường được gọi là Pháp Thân. “Pháp” là vạn pháp, là hết thảy các pháp. Do dùng hết thảy các pháp làm thân, nên gọi là Pháp Thân. Pháp Thân ở chỗ nào? Pháp Thân không chỗ nào chẳng tồn tại, nó hiện diện khắp nơi. Tất cả hết thảy các hình tướng đều là Pháp Thân. Vì thế, nói đến Pháp Tánh, hoặc nói đến Pháp Thân, đều gồm thâu hết thảy các pháp. “Cố tức Chỉ chi Quán diệc kiến nhất thiết” (Vì thế, Quán tức là Chỉ cũng thấy hết thảy), [Quán] chính là Chỉ vì tâm đã định, tâm thanh tịnh. Cái tâm ấy thanh tịnh đến một mức độ nhất định, tác dụng quán chiếu sẽ hiện tiền. Giống như nước, nước đạt đến thanh tịnh, chẳng nổi sóng, hoàn toàn ở trong trạng huống yên lặng, mặt nước giống như một tấm gương, soi chiếu rành rẽ tất cả các hiện tướng (tướng được biến hiện) bên ngoài, chẳng sai sót mảy may! Chuyện này giống như “tức Chỉ chi Quán diệc kiến nhất thiết” vậy!
Những điều này do chính đức Phật dạy, ở đây, Thanh Lương đại sư dạy lại chúng ta, hy vọng trong cuộc sống hằng ngày, khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, sẽ biết xem, sẽ biết nghe, sẽ có thể lãnh hội cảnh giới này. Thật sự biết xem, biết nghe, sẽ chẳng thể chấp trước, mà cũng chẳng thể phân biệt. Chẳng phân biệt, không chấp trước là Chỉ. Nếu quý vị dấy lên phân biệt, chấp trước, dẫu chân tướng của vũ trụ bày ra ngay trước mặt, quý vị vẫn chẳng thấy! Vì sao? Tâm thủy của quý vị bị xáo động, gợn sóng, cuộn sóng, tác dụng chiếu kiến bị mất đi. Đạo lý ở chỗ này.
Kế đến là câu thứ bảy:
(Sớ) Do thử sự tức thị bỉ sự, cố linh Chỉ Quán kiến thử tâm tức thị bỉ tâm.
(疏)由此事即是彼事,故令止觀見此心即是彼心。
(Sớ: Do sự này chính là sự kia, cho nên khiến cho Chỉ Quán thấy cái tâm này chính là cái tâm kia).
Mấy câu này chẳng dễ hiểu, xác thực là có mức độ khá sâu. “Sự này chính là sự kia” là như thế nào? Cớ sao nói “tâm này chính là tâm kia”? Tâm tôi và tâm quý vị có giống hệt nhau hay không? Chẳng giống! Khi có chướng ngại, sẽ khác nhau. [Bởi lẽ], Lý Sự có chướng ngại, Sự Sự có chướng ngại. Hễ đạt đến tứ vô ngại pháp giới, sẽ giống hệt như nhau! Xác thực là cổ nhân đã thị hiện năng lực như thế đó. Có một vị đạo nhân gặp một tú tài. Chàng tú tài đọc văn chương của mình hết sức đắc ý. Những bài văn ấy do chàng đã viết lúc đi thi. Đạo nhân rút một trang giấy từ trong tay áo, đưa cho chàng ta xem. Chàng ta trông thấy sững sờ, [bài văn ấy] do chàng viết, đúng y hệt: “Bài văn do tôi viết sao lại ở chỗ ông?” Đạo nhân nói: “Không chỉ là một bài văn này, mà những văn tự do ông đã viết suốt một đời, tôi đều có hết”. Đấy là thị hiện, thị hiện điều gì? Tự và Tha là một, không hai! Nhà Phật nói Tha Tâm Thông, nay chúng ta “tha tâm bất thông” (chẳng thông hiểu cái tâm của người khác). Khi đã thật sự thông, người khác khởi tâm động niệm, chẳng có gì mà [người đã đắc Tha Tâm Thông] không hiểu rõ ràng!
Nói tới lục thần thông, tức Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Túc Mạng, Tha Tâm, Thần Túc, Vô Lậu, nói theo cách diễn tả của các khoa học gia hiện thời, khởi tâm động niệm là hiện tượng dao động. Đối với một ao nước, bất luận chúng ta ở góc nào bên bờ ao, ném một viên đá nhỏ xuống ao, quý vị sẽ thấy ao gợn sóng, những gợn sóng sẽ từ từ lan khắp mặt ao. Một người khác ở bờ bên kia, cũng ném xuống một viên đá nhỏ, dao động cũng dần dần thong thả lan khắp cả ao. Chúng ta đã thấy hiện tượng ấy, [đấy chính là] hiện tượng dao động. Khởi tâm động niệm là sóng tư tưởng, nay chúng ta đúng là có chướng ngại, chẳng thể tiếp nhận luồng sóng tư tưởng của người khác. Nếu chẳng có chướng ngại, chúng ta có thể tiếp thu [luồng sóng tư tưởng của] người khác, người khác cũng có thể tiếp thu [luồng sóng tư tưởng của] chúng ta. Như vậy thì sẽ giống như ở đây đã nói: “Thử sự tức thị bỉ sự” (chuyện này chính là chuyện kia), hiện tượng dao động đấy mà!
Vì thế, Chỉ Quán sẽ thấy tâm này chính là tâm kia, [vì] là một tâm. Không chỉ tâm là một, kinh Hoa Nghiêm nói vạn hữu trong vũ trụ là “tâm hiện, thức biến”. Tâm là một, mọi người chúng ta đều rất dễ dàng khẳng định, thừa nhận “tâm là một”, nhưng nếu bảo quý vị “thức là một”, quý vị sẽ hoài nghi. Nói đến tâm, tức là chân tâm thì nó có thể hiện, duy tâm sở hiện. Nói đến thức thì thức là vọng tâm, duy thức sở biến. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Duy thức sở biến. Mỗi pháp giới khác nhau, mười pháp giới khác nhau. Tâm tưởng của chúng sanh trong mười pháp giới khác nhau, kinh Đại Thừa đã nói về điều này rất nhiều. “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, khác nhau! Nhưng kinh Đại Thừa lại dạy: “Đồng phận kiến vọng, biệt nghiệp kiến vọng”, nghĩa là chúng ta trong hiện tiền, trong thời khắc này, cùng được làm thân người, cùng cư trụ một chỗ, đó là “đồng phận”, còn biệt nghiệp thì sao? Đương nhiên là đồng phận và biệt nghiệp đều có. Cảnh giới hiện tiền có phải do tâm tôi hiện ra hay không? Hay là do tâm quý vị hiện? Bọn chúng ta rất đông, mỗi người chúng ta ai nấy có thức biến riêng, hay là chúng ta có cùng chung một cái thức biến ra? Nếu quý vị tham cứu thấu đạt chuyện này, quý vị sẽ hiểu rõ “chuyện này, chuyện kia” ở đây!
Như thế nào thì mới có thể tham cứu thấu đạt? Đương nhiên là do Thiền Định rất sâu, trí huệ rất sâu. Định sanh Huệ, Huệ mới có thể thấy được. Vì thế, Định chỉ có thể chế phục Hoặc, còn Huệ có thể chuyển Hoặc, chuyển mê thành ngộ, chuyển Hoặc thành trí. Trí có thể chế phục, Huệ có thể hóa giải, Quán chính là hóa giải. Do vậy, phải chế phục cái tâm, sau đấy, dần dần trí sẽ hiện tiền, sẽ hóa giải. Trong phần trước, tôi đã từng nói những điều này, ứng dụng ngay trong hằng ngày, khi tu hành nhập môn thì hãy nên dùng Chỉ trước, sau đấy sẽ dùng Quán.
Chuyện này và chuyện kia là một chuyện, tâm này và tâm kia là một tâm. Chân tâm là một, vọng tâm cũng là một. Chân tâm đã là một, làm sao có thể có nhiều vọng tâm cho được? Kinh Hoa Nghiêm nói hay lắm, “một chính là nhiều, nhiều chính là một, một và nhiều chẳng hai”. Chúng ta phải tham cứu đạo lý này dần dần, chớ nên tư duy, chớ nên suy đoán, chẳng thêm vào mảy may phân biệt, chấp trước, không khởi tâm, chẳng động niệm, vấn đề này sẽ được giải quyết. Nếu còn có khởi tâm động niệm, sẽ chẳng thể giải quyết vấn đề này, nghi vấn này sẽ tồn tại. Khi nào chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, mới thật sự trở về cảnh giới “vạn pháp chính là một, một chính là vạn pháp, một chính là nhiều, nhiều chính là một”, mới có thể trở về cảnh giới này. Trong kinh, đức Phật thường nói là “tịnh cực quang thông”.
Kế tiếp là câu thứ tám:
(Sớ) Do tiền trung, lục tắc nhất đa tương nhập nhi phi nhất.
(疏)由前中,六則一多相入而非一。
(Sớ: Do những điều trên đây, điều thứ sáu chính là một và nhiều dung nhập lẫn nhau, chẳng phải là một).
Điều thứ sáu chính là “tức Lý chi Sự thâu nhất thiết pháp, cố tức Chỉ chi Quán diệc kiến nhất thiết” (Sự tức Lý gồm thâu hết thảy pháp, vì thế, Quán chính là Chỉ cũng thấy hết thảy). Điều thứ sáu chính là môn “nhất đa tương nhập, nhi phi nhất” (một và nhiều dung nhập lẫn nhau, chẳng phải là một).
Điều thứ bảy “do thử sự tức thị bỉ sự, cố linh Chỉ Quán kiến thử tâm tức thị bỉ tâm” (do chuyện này chính là chuyện kia, nên khiến cho Chỉ Quán thấy tâm này chính là tâm kia). Đấy chính là “nhất đa tương tức” (một chính là nhiều, nhiều chính là một). Ở chỗ này, dùng chữ Thị (是, là) cũng được. Trong kinh luận, thường dùng “nhất đa tương tức nhi phi dị” (một và nhiều chính là lẫn nhau, nhưng chẳng phải là khác). Một chính là nhiều, nhiều chính là một.
(Sớ) Thử nhị bất nhị, đồng nhất pháp giới Chỉ Quán vô nhị chi trí, đốn kiến tức nhập nhị môn, đồng nhất pháp giới nhi vô tán động.
(疏)此二不二,同一法界止觀無二之智,頓見即入二門,同一法界而無散動。
(Sớ: Hai điều ấy chẳng hai, cùng là một trí bất nhị Chỉ Quán pháp giới, nhanh chóng thấy hai môn tương tức và tương nhập, cùng một pháp giới mà chẳng tán loạn, dao động).
Cảnh giới này tối thiểu là cảnh giới của Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, phá một phẩm vô minh, thấy một phần Pháp Thân, sẽ nhập cảnh giới này. Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều dung nhập lẫn nhau mà chẳng phải là một, một và nhiều chính là lẫn nhau mà chẳng phải là khác. Vì thế, chẳng phải là một, chẳng phải là khác, chẳng thể nói là một, chẳng thể nói là nhiều. Vì sao? Chúng ta hãy suy ngẫm câu nói của pháp sư Huệ Năng trong Đàn Kinh: “Một và nhiều là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp bất nhị”. “Chẳng phải một, chẳng phải khác” thì là hai pháp. Hai pháp thì chẳng phải là Phật pháp. Hai điều ấy chẳng hai. Vì sao là chẳng hai? Cùng một pháp giới.
Nay chúng tôi nêu tỷ dụ để nói. Mắt chẳng phải là tai, tai chẳng phải là mắt, mắt và tai là hai pháp. Tuy là hai pháp, nhưng như thế nào? Cùng ở trong một thân, giống như cùng một pháp giới. Quý vị nói nó là hai, hay nói nó là một? Cùng một pháp giới mà! Vì thế, nói theo thân thể con người, một và nhiều đều chẳng có, cùng một Pháp Thân! Ở đây, chúng ta tỷ dụ Pháp Thân như pháp giới, quý vị sẽ thấy dễ hiểu. Gạt bỏ toàn thể, chẳng nói đến nữa, chỉ nói cục bộ thì có thể nói: ‘Mắt và tai là hai pháp, chẳng phải là một pháp’. Nói theo toàn thể, sẽ là chẳng hai, cùng một pháp giới. “Chỉ Quán vô nhị”, đấy mới là Trí. Chỉ là Căn Bản Trí, Quán là Hậu Đắc Trí. Chỉ là nói theo Thể, Quán là nói theo Dụng. Chỉ là đối với tâm tánh, tâm tánh chẳng sanh một niệm, Quán là đối với ngoại cảnh. Trong phần trước, chúng tôi đã nói cổ nhân dùng mặt gương để tỷ dụ, dùng gương đồng, tỷ dụ ấy hay lắm. “Chỉ” giống như mài gương, Quán là như gương sau khi đã mài kỹ, bèn tỏa sáng, có thể chiếu. Nói theo sự năng chiếu thì là Quán; xét theo phương diện nó sạch bong, chẳng nhiễm mảy trần, thì gọi là Chỉ. Chỉ và Quán là một, không hai. Chỉ Quán là trí không hai. “Đốn kiến tức nhập nhị môn” (Nhanh chóng thấy hai môn tương tức và tương nhập). Do cùng một pháp giới, quý vị sẽ nhập pháp môn Bất Nhị, hai môn mà chẳng hai, cùng một pháp giới! Chỉ bất động thì Quán có bao giờ dao động? “Đồng nhất pháp giới nhi vô tán động” (Cùng một pháp giới, nhưng chẳng tán loạn, dao động), trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói đến cảnh giới này.
Các hiện tượng trong toàn thể vũ trụ là lặng lẽ. Do quán chiếu tinh vi, tỉ mỉ những hiện tượng ấy, đức Phật đã dạy: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”. Do cái tâm của chúng ta động, nên thấy cảnh giới bên ngoài là động. Tâm chúng ta tĩnh, sẽ thấy cảnh giới bên ngoài tĩnh lặng, cảnh chuyển theo tâm mà! Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai”. Tâm bọn phàm phu chúng ta là động, cho nên thấy toàn thể vũ trụ đều là động. Tâm Như Lai tĩnh lặng, cho nên trong cảnh giới của Như Lai, muôn pháp đều tĩnh lặng, tướng tịch diệt thanh tịnh! Từ những hiện tượng ấy, chúng ta có thể lãnh hội: Các tướng được biến hiện bên ngoài đều chẳng thật. [Nếu là] thật, làm sao có thể chuyển biến theo ý niệm của chúng ta được? Chúng chẳng thật! Đó là huyễn tướng, tức là Diệu Hữu! Diệu Hữu chẳng phải là Có, Chân Không chẳng phải là Không, thể nghiệm từ chỗ này, sẽ có thể lãnh hội.
Nói cách khác, chỉ có Thiền Định rất sâu, trí huệ rất sâu, mới có thể thấy chân tướng của vũ trụ. Chân tướng là gì? Cùng một pháp giới. Đúng như các kinh Đại Thừa thường nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân, một tâm, một trí huệ”, trong phần trước, chúng ta đã từng đọc: “Một tâm, một trí huệ, lực vô úy cũng thế”. Trong cảnh giới ấy, há có Tự hay Tha? Vì thế, có thể biết: Do đâu mà có Tự và Tha? Do từ phân biệt, chấp trước. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Tự và Tha đều chẳng có, đối lập chẳng có, mâu thuẫn chẳng có, chúng ta lãnh hội từ chỗ này! Sau khi đã lãnh hội, sẽ thực hiện từ chỗ nào? Học tập như thế nào? Phải buông xuống sự đối lập với người khác, đối lập với vật, đối lập với sự (sự thì có chuyện thích làm, có chuyện chẳng thích làm) trong cái tâm của chính mình, buông xuống sự chấp trước về đối lập, buông xuống sự phân biệt về đối lập. Dần dần, chúng ta có thể “nhi vô tán động” (chẳng tán loạn, dao động), trở về pháp giới. Pháp giới là bản tánh vốn lành.
Lại xem câu thứ chín kế đó:
(Sớ) Do Sự tắc trùng trùng vô tận, Chỉ Quán diệc phổ nhãn tề chiếu.
(疏)由事則重重無盡,止觀亦普眼齊照。
(Sớ: Do Sự là trùng trùng vô tận, Chỉ Quán cũng là phổ nhãn đều cùng chiếu).
Nói theo Sự, Sự là trùng trùng vô tận, vô lượng, vô biên. Chúng ta thường nói là “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”; ở đây, chỉ nói tới thế giới Sa Bà. Một đại thế giới, [xét theo] thế giới Hoa Tạng, thế giới Hoa Tạng có hai mươi tầng, Sa Bà và Cực Lạc đều thuộc tầng thứ mười ba. Trong thế giới Hoa Tạng, có bao nhiêu đại thế giới? Đại thế giới là cõi hóa độ của chư Phật, trùng trùng vô tận. Hai chữ “trùng trùng” tuyệt diệu thay! Nếu chúng ta chưa đọc kinh Hoa Nghiêm, sẽ chẳng cảm nhận ý vị của hai chữ ấy! Phần kinh văn phía trước đã dạy cho chúng ta biết một chân tướng sự thật: Lớn và nhỏ chẳng hai!
Nay chúng ta nói “lớn là thế giới, nhỏ là vi trần”, lớn và nhỏ chẳng hai. Trong thế giới có vi trần, chẳng biết là có bao nhiêu. Trong vi trần có thế giới, cũng chẳng biết là có bao nhiêu. Trong thế giới có vô tận vô số vi trần, chúng ta hiểu [chuyện này] dễ dàng. Trong vi trần cũng có vô tận vô số thế giới, chúng ta chẳng hiểu. Nhưng chuyện này chẳng khó hiểu, quý vị chỉ chú tâm suy tưởng, thế giới trong vi trần và thế giới như nay chúng ta đang thấy to như nhau! Thế giới trong vi trần chẳng phóng to, thế giới của chúng ta chẳng rút nhỏ. Ai có thể vào thế giới trong vi trần? Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: Phổ Hiền Bồ Tát có thể vào. Nếu chúng ta hỏi Ngài: Thế giới trong vi trần còn có vi trần hay không? Đương nhiên là có! Vô tận vô số vi trần. Trong mỗi vi trần thuộc vô tận vô số vi trần ấy, có thế giới hay không? Có thể có! Trùng trùng vô tận mà! Thế giới trùng trùng vô tận, Lý Sự trùng trùng vô tận.
Vì thế, Chỉ Quán cũng “phổ nhãn tề chiếu” giống như vậy! Ai có thể chiếu trùng trùng vô tận thế giới? Phổ nhãn thì có thể chiếu. Ai có phổ nhãn? Chư Phật Như Lai và bậc đại Bồ Tát có phổ nhãn, thường nói là Địa Thượng Bồ Tát. Nếu dựa theo cách nói trong kinh Hoa Nghiêm, vị Phổ Hiền ấy chính là Đương Vị Phổ Hiền, tức là bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Đẳng Giác Bồ Tát phổ nhãn tề chiếu, chúng ta tin tưởng, chẳng nghi hoặc chuyện này. Mở rộng giới hạn một chút, nới lỏng một chút, bậc Địa Thượng Bồ Tát, tức là hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên, hoặc nếu chúng ta nói cẩn thận hơn một chút, [sẽ là] từ Thất Địa trở lên, chúng ta có thể tin tưởng điều này. Kinh Hoa Nghiêm gọi cảnh giới “phổ nhãn tề chiếu” là “bất tư nghị giải thoát cảnh giới”. Cảnh giới bất tư nghị giải thoát rất khó hiểu, nhưng từ một câu ở đây, nếu quý vị chú tâm lãnh hội, tuy chẳng hiểu rõ, sẽ có thể hiểu đôi chút. Bởi lẽ, trí huệ và đức năng của con người chẳng thể nghĩ bàn. Trí huệ và đức năng vốn sẵn có trong tự tánh chẳng thể nghĩ bàn. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi nói tới chỗ này.
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 9 hết
[1] Đại Học là một chương sách rút ra từ sách Lễ Ký bao gồm những lời chú thích của Tăng Sâm đối với một đoạn lời dạy của Khổng Tử. Trung Dung là một chương sách khác rút ra từ Lễ Ký, bao gồm những lời giảng giải của Tử Tư (cháu nội Khổng Tử). Luận Ngữ là tuyển tập các lời dạy của Khổng Tử, sách Mạnh Tử là tuyển tập các lời dạy của Mạnh Tử.