/ 51
279

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 8

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Tập 1477

 

  Chư vị đồng học, xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn thứ ba trong phần kinh văn trường hàng. Chúng tôi đọc kinh văn một lượt.

 

   (Kinh) Vân hà đắc thắng huệ, đệ nhất huệ, tối thượng huệ, tối thắng huệ, vô lượng huệ, vô số huệ, bất tư nghị huệ, vô dữ đẳng huệ, bất khả lượng huệ, bất khả thuyết huệ?

  (經)云何得勝慧。第一慧。最上慧。最勝慧。無量慧。無數慧。不思議慧。無與等慧。不可量慧。不可說慧。

  (Kinh: Làm thế nào để được huệ thù thắng, huệ bậc nhất, huệ tối thượng, huệ tối thắng, huệ vô lượng, huệ vô số, huệ chẳng thể nghĩ bàn, huệ chẳng sánh bằng, huệ chẳng thể tính lường, huệ chẳng thể nói được?)

 

  Trong phần trước, chúng ta học đến “tối thượng huệ”, điều thứ ba là Tối Thượng Huệ. Trong phần chú giải, Thanh Lương đại sư đã nói:

 

  (Sớ) Giản Quyền Giáo cố.

  (疏)揀權教故。

  (Sớ: Nhằm vạch rõ chẳng phải là Quyền Giáo).

 

  [Các loại trí huệ được nói trong] phần trước đều vượt trỗi Nhị Thừa. “Đệ nhất huệ” [là trí huệ] vượt trỗi Nhị Thừa; “tối thượng huệ” trong câu thứ ba là [trí huệ] vượt trỗi Quyền Giáo. Tuy Quyền Giáo Bồ Tát cũng phát Bồ Đề tâm, tu lục độ, vạn hạnh, nhưng chẳng đoạn vô minh phiền não, vẫn ở trong tứ thánh pháp giới y như cũ. Những vị thuộc về Bồ Tát pháp giới hay Phật pháp giới trong tứ thánh pháp giới đều thuộc về Quyền Giáo. Nếu tiến cao hơn, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, vị ấy sẽ vượt thoát mười pháp giới, sẽ chẳng phải là Quyền Giáo Bồ Tát! [Khi ấy], phải nên sửa Quyền thành Thật, “Thật” trong Chân Thật, [Quyền Giáo Bồ Tát trở thành] Thật Giáo Bồ Tát, [người như vậy] là Bồ Tát thật sự. Thiên Thai đại sư gọi Quyền Giáo là Tương Tự Tức Phật, [nghĩa là] rất tương tự Phật, Bồ Tát, rất gần gũi, nhưng vị ấy chưa phải là [Phật, Bồ Tát] thật sự. Nếu tiến cao hơn thì mới là Thật.

  Câu thứ tư là “tối thắng huệ”.

 

  (Sớ) Phật quả siêu nhân cố.

  (疏)佛果超因故。

  (Sớ: Đó là cái nhân siêu việt của Phật quả).

 

  Chúng ta xem hai câu [chú giải] kế đó của Thanh Lương đại sư, ý nghĩa cũng rất rõ rệt. Tiếp đó, lời Sớ ghi:

 

  (Sớ) Thượng tứ giản liệt, dư lục đương thể.

  (疏)上四揀劣,餘六當體。

  (Sớ: Nhằm vạch rõ bốn câu [nói về trí huệ] trên đây nhằm nói về [trí huệ thuộc] loại kém, sáu loại huệ còn lại là Thể).

 

  Có thể thấy [trí huệ được nói trong] bốn câu thuộc phần trước chẳng vượt ngoài mười pháp giới. Phật quả ở đây chính là [quả vị] Phật trong mười pháp giới, “tối thắng huệ” thuộc mười pháp giới. Công phu tu hành của người ấy là “sắp phá vô minh, chứ chưa phá”, thuộc vào giai đoạn ấy. Nếu phá vô minh, vị ấy sẽ vượt thoát mười pháp giới. Hễ vượt thoát mười pháp giới, sẽ sanh vào thế giới Hoa Tạng. Đấy là Phật thật sự, chẳng giả, thật sự là Pháp Thân Bồ Tát. Bốn thứ trí huệ ấy (thắng huệ, đệ nhất huệ, tối thượng huệ, tối thắng huệ) chính là trí huệ trong mười pháp giới. Loại thứ nhất là Thắng Huệ, thù thắng trong thế gian, thuộc vào lục đạo. Lục đạo bao gồm hai mươi tám tầng trời. Quý vị chẳng thể nói chư thiên không có trí huệ! Trí huệ và thần thông của chư thiên mạnh mẽ hơn chúng ta khá nhiều, nhân gian chúng ta làm cách nào cũng chẳng thể sánh bằng! Nhưng nếu so sánh với tứ thánh pháp giới, chư thiên sẽ thua xa. Họ chẳng bằng Thanh Văn, chẳng sánh bằng Duyên Giác!

  [Lời sớ giải đã] vì chúng ta nói rõ từng tầng một; chúng ta cầu trí huệ chân thật, học Phật, chớ nên không biết [điều này]. Nếu đối với cái chẳng thật mà đổ khá nhiều công sức, lãng phí bao nhiêu thời gian, sẽ rất đáng tiếc! Hết thảy phải tu từ chân thật; thực hiện chân thật từ chỗ nào? Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy phải học từ cái tâm chân thật”. Chư Phật, Bồ Tát đều vận dụng cái tâm chân thật. Giáo pháp Đại Thừa thường gọi cái tâm chân thật là Bồ Đề tâm; đấy là chân tâm. Hết thảy chúng sanh ai nấy vốn sẵn có chân tâm, hết thảy chúng sanh có ai chẳng sẵn có? Có ai chẳng trọn đủ? Vì sao lại luân lạc đến nông nỗi này? Đức Phật bảo [nguyên nhân là vì] chúng ta đã mê mất chân tâm. Đã mê mất chân tâm thì cái chân tâm ấy được gọi là “vọng tâm”. Thể của vọng tâm là chân tâm. Do vậy, chân và vọng chẳng hai. Nói theo Thể, sẽ là một, chẳng hai.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51