/ 57
406

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 7

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1475


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm thứ mười một, tức phẩm Tịnh Hạnh, đoạn thứ hai trong phần kinh văn trường hàng. Đoạn này toàn là các câu hỏi do Trí Thủ Bồ Tát nêu ra, có tất cả hai mươi câu “vân hà” (云何,như thế nào). Đoạn đầu tiên trong phần trước là “tổng vấn kỳ quả” (hỏi chung về quả); trong mười đoạn sau đó, mỗi đoạn chỉ dùng một chữ “vân hà”, những câu tiếp đó đều tỉnh lược [chữ “vân hà”]. Vì vậy, phần trường hàng gồm có mười đoạn. Nói chung, [toàn bộ kinh văn trong phẩm Tịnh Hạnh] gồm mười một đoạn, mười đoạn sau đó (tức mười đoạn sau phần “tổng vấn kỳ quả”) nhằm nói riêng biệt [từng hạng mục], chúng tôi vẫn tính số thứ tự của từng đoạn trong toàn thể phẩm kinh cho dễ nói. Nói theo tổng thể, đoạn kinh văn này là đoạn thứ hai. Chúng ta đọc kinh văn một lượt:


(Kinh) Vân hà đắc sanh xứ cụ túc, chủng tộc cụ túc, gia cụ túc, sắc cụ túc, tướng cụ túc, niệm cụ túc, huệ cụ túc, hạnh cụ túc, vô úy cụ túc, giác ngộ cụ túc.

(經)云何得生處具足,種族具足,家具足,色具足,相具足,念具足,慧具足,行具足,無畏具足,覺悟具足。

(Kinh: Làm thế nào để được chỗ sanh đầy đủ, chủng tộc đầy đủ, nhà đầy đủ, sắc đầy đủ, tướng đầy đủ, niệm đầy đủ, huệ đầy đủ, hạnh đầy đủ, vô úy đầy đủ, giác ngộ đầy đủ?)


Thanh Lương đại sư bảo đoạn này thuộc về Dị Thục Quả trong năm loại quả, cũng gồm có mười câu hỏi. Trong Hoa Nghiêm, “mười” biểu thị sự vô tận. Vì thế, chúng ta chẳng thể coi “mười” như một con số. Phải coi nó là “viên mãn”, viên mãn rốt ráo, chẳng bị khuyết hãm, mang ý nghĩa ấy. “Mười” biểu thị ý nghĩa ấy! Tôi tin là các đồng học niệm kinh Di Đà rất nhuần nhuyễn, kinh Di Đà dùng “bảy” để biểu thị pháp, “bảy” cũng nhằm biểu thị sự viên mãn. Nói “bảy” là nói theo Đông, Tây, Nam, Bắc, đấy là bốn, [cộng thêm] phương trên và phương dưới thành sáu, còn có một phương ở chính giữa, ở ngay trung tâm, [nên gộp thành bảy], nó cũng biểu thị sự viên mãn. Vì thế, “bảy”“mười” chẳng sai biệt về mặt ý nghĩa; nói chung, [cứ hiểu] chúng biểu thị sự viên mãn là được rồi! Trong phần Sớ, Thanh Lương đại sư có giảng giải, chúng ta vẫn xem lời giải thích của Ngài. Chúng ta khế nhập Hoa Nghiêm, hai vị đại đức là Thanh Lương đại sư và Lý Trưởng Giả bầu bạn làm hướng dẫn viên du lịch cho chúng ta. Các Ngài là hai vị hướng dẫn viên du lịch rất giỏi.


(Sớ) Thập sự, Du Già cụ thích.

(疏)十事 , 瑜伽具釋。

(Sớ: Mười sự ấy được giải thích cặn kẽ trong luận Du Già)


Trong Du Già Sư Địa Luận đã có giải thích rất tỉ mỉ. Điều thứ nhất…


(Sớ) Thường sanh trung quốc hữu Phật pháp xứ.

(疏)常生中國有佛法處。

(Sớ: Thường sanh ở trung tâm của quốc gia là nơi có Phật pháp).


Đây là lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất, [tức câu] “vân hà đắc sanh xứ cụ túc” (làm thế nào để được chỗ sanh về trọn đủ), trả lời cho câu hỏi ấy. Chữ “trung quốc” ở đây chẳng phải là Trung Hoa trong hiện thời, ngàn muôn phần đừng hiểu lầm! Tương phản với “trung quốc”“biên địa”. Nếu nói theo kiểu hiện thời, “trung quốc” nghĩa là chỗ đô hội có trình độ văn hóa rất cao, có ý nghĩa này. Hơn nữa, ở nơi ấy nhất định là đặc biệt phải có Phật pháp trọn vẹn. Nếu chỗ nào chẳng có Phật pháp, sẽ gọi là “biên địa”, chẳng gọi là “trung quốc”. Trong tương lai, khi chư vị thấy chữ “sanh trung quốc” trong kinh luận, ngàn vạn phần đừng hiểu lầm!

Phật giáo truyền đến Trung Hoa đã hai ngàn năm. Vào năm Vĩnh Bình thứ mười (năm 67 công nguyên) đời Hán Minh Đế, hoàng thượng phái sứ tiết[1] qua Tây Vực, thỉnh hai vị cao tăng đại đức là Ma Đằng và Trúc Pháp Lan sang Trung Hoa; đấy là Tăng Bảo. Các Ngài mang theo tượng Phật và kinh Phật; do vậy, Tam Bảo trọn đủ, Phật Pháp Tăng Tam Bảo chánh thức truyền sang Trung Hoa, được triều đình và dân chúng Trung Hoa hoan hỷ tiếp nhận. Trong lịch sử có ghi chép chuyện này. Tương truyền, Minh Đế nằm mộng. Nhà vua có một giấc mơ rất lạ lùng, mơ thấy một người toàn thân có sắc vàng ròng, đến từ Tây Phương, phóng quang minh rất lớn. Ngày hôm sau, nhà vua kể cho các vị đại thần biết chuyện trong mộng. Trong số đó, có một vị quan có kiến thức hết sức phong phú, thưa: “Tâu hoàng thượng! Ngài trông thấy người vàng, có thể đấy là vị được gọi là Phật Đà ở Tây Vực”. Do vậy, nhà vua rất thích thú, liền phái sứ giả mang tiết việt sang Tây Vực xem thử. Nếu có, hãy thỉnh Ngài đến Trung Hoa. Nhân duyên là như thế đó, Phật giáo được truyền sang Trung Hoa!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57