/ 57
388

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 6

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1473


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh, thứ mười một, đoạn thứ hai trong Sớ Sao của Thanh Lương đại sư.


(Sớ) Trần sở vấn trung, hữu nhị thập vân hà, tổng thập nhất đoạn, đoạn các thập cú, thành nhất bách nhất thập chủng đức, đệ nhất đoạn, minh tam nghiệp ly quá thành đức, nhị đắc kham truyền pháp khí, tam thành tựu chúng huệ, tứ cụ đạo nhân duyên, ngũ ư pháp thiện xảo, lục tu Niết Bàn nhân, thất mãn Bồ Tát hạnh, bát đắc Thập Lực trí.

(疏)陳所問中,有二十云何,總十一段,段各十句,成一百一十種德,第一段,明三業離過成德,二得堪傳法器,三成就眾慧,四具道因緣,五於法善巧,六修涅槃因,七滿菩薩行,八得十力智。

(Sớ: Trong phần trần thuật những điều thưa hỏi, có hai mươi điều “như thế nào”, tổng cộng là mười một đoạn, mỗi đoạn gồm mười câu, hợp thành một trăm mười loại đức. Đoạn thứ nhất là nói tam nghiệp lìa lỗi thành đức, hai là đáng làm pháp khí để truyền pháp, ba là thành tựu các thứ trí huệ, bốn là trọn đủ nhân duyên tu đạo, năm là thiện xảo đối với pháp, sáu là tu cái nhân của Niết Bàn, bảy là viên mãn hạnh Bồ Tát, tám là đắc Thập Lực trí).


Trong lần trước, chúng ta đã học đến chỗ này. Nay xem tiếp đoạn thứ chín.


(Sớ) Thập vương kính hộ.

(疏)十王敬護。

(Sớ: Mười vua kính trọng, hộ trì).

Một người phát Bồ Đề tâm, tu Phổ Hiền hạnh, mười vị vua đều tôn kính, đều làm hộ pháp cho người ấy. Điều này thuộc loại Tăng Thượng Duyên. Điều thứ mười…


(Sớ) Năng vi nhiêu ích.

(疏)能為饒益。

(Sớ: Có thể tạo lợi ích rộng lớn).


“Ích” (益) là lợi ích, “nhiêu” (饒) là phong nhiêu (豐饒, dồi dào). Có nghĩa là: Có thể đem lại lợi ích thù thắng nhất cho chúng sanh. Lợi ích thù thắng nhất là gì? Người hiện thời hễ nói tới “lợi ích”, chẳng có ai không hiểu, nhưng những cái được gọi là “lợi ích” đều chỉ là của cải, quyền vị, ngỡ những thứ đó là lợi ích. Chẳng thể nói những thứ ấy không phải là lợi ích, nhưng chúng chẳng phải là “nhiêu ích”. Vì các lợi ích ấy chỉ có thể giải quyết những khó khăn nhỏ nhoi trước mắt, chẳng thể giải quyết đại sự sanh tử, chẳng thể giải quyết vấn đề luân hồi. Vì thế, những lợi ích ấy chẳng phải là đại lợi ích. Người đọc sách vào thời cổ, không chỉ là tại Trung Hoa, ở ngoại quốc cũng có rất nhiều vị, [đều là] thật sự có học vấn, thật sự biết nâng cao linh tánh của chính mình, đều xem rất nhẹ cuộc sống vật chất, chẳng ghim tiếng tăm, lợi dưỡng trong lòng. Tại Trung Hoa, quý vị thấy Khổng, Mạnh, thấy Lão Trang; bên ngoại quốc, quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật. Quý vị thấy khá nhiều nhà tôn giáo trên thế giới, những nhà tôn giáo sáng lập tôn giáo đều vì chúng ta thị hiện khổ hạnh. Suốt một đời, họ chẳng nề hà lao khổ, giáo hóa chúng sanh, khuyên hết thảy chúng sanh đoạn ác, tu thiện, phá mê, khai ngộ, như vậy thì mới có thể lìa khổ, được vui.

“Lạc” là thật, chẳng giả. Có khi chúng ta thấy họ trọn chẳng rời khỏi khổ! Tại Trung Hoa, Nhan Hồi là một thí dụ tốt nhất. Nhan Hồi “đan thực, biều ẩm, cư lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc” (ăn cơm trong giỏ, uống nước trong bầu, ở trong ngõ nghèo cùng, người khác chẳng chịu được nỗi khổ ấy. Nhan Hồi cũng chẳng biến đổi niềm vui ấy). Khổng phu tử dùng mấy câu ấy để tán thán ông ta. Cuộc sống vật chất của Nhan Hồi hết sức bần khổ, chẳng có của cải, chẳng có địa vị. Người trong xã hội nghĩ loại người như vậy là kẻ bần tiện, “bần” (貧, nghèo) là chẳng có của cải, “tiện” (賤, hèn) là chẳng có địa vị; Nhan Hồi hoàn toàn chẳng lo buồn vì chuyện ấy. Mỗi ngày, ông ta hết sức sung sướng. Nói theo kiểu hiện thời, cuộc sống vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng cuộc sống tinh thần phong phú. Ông ta tôn Khổng Tử làm thầy, thật sự học được đạo của Phu Tử[1]. “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ” (Học rồi tu tập, cũng chẳng vui sao). “Duyệt” (悅) là sự hỷ duyệt (喜悅, vui sướng) từ trong nội tâm. Còn như ông ta bần nghèo hèn, đoản mạng, Phu Tử nói đó là “thiên dã” (天也, mạng trời vậy), thiên mạng! Nói theo Phật pháp, Nhan Hồi cũng là Bồ Tát thị hiện. Tuy thời gian [thị hiện] không dài, đã lưu lại một tấm gương tốt nhất cho người đời sau: Hiếu học, chẳng mỏi mệt! Phu Tử chịu dạy, ông ta chịu học, học rất giống! Còn đối với chuyện phú quý, bần tiện, Nho gia nói là “thiên mạng”; nói theo Phật pháp thì là “nhân quả”.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57