Đại Phương Quảng Phật
Hoa Nghiêm Kinh
Phẩm thứ mười một,
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 5
大方廣佛華嚴經
(十一)淨行品
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến
Tập 1471
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh, thứ mười một. Đoạn lớn thứ năm là Thích Văn (釋文, giải thích kinh văn). Trong phần Thích Văn, chia thành hai đoạn:
(Sớ) Tiên Trí Thủ vấn, cử đức trưng nhân, hậu Văn Thù đáp, tiêu đức hiển nhân.
(疏)先智首問,舉德徵因,後文殊答,標德顯因。
(Sớ: Trước là ngài Trí Thủ hỏi, chính là nêu ra đức để gạn cái nhân, sau là ngài Văn Thù đáp, nhằm nêu lên đức để hiển lộ cái nhân).
Hai câu này đã bao quát toàn bộ nội dung của phẩm này. Trước hết, chúng ta học tập đoạn thứ nhất.
(Sớ) Kim sơ, diệc tiên tiêu vấn đáp chi nhân, hậu trần sở nghi chi vấn.
(疏)今初,亦先標問答之人,後陳所疑之問。
(Sớ: Nay là phần thứ nhất, cũng là trước hết, nêu ra người hỏi đáp, sau là trần thuật những điều nghi vấn).
Đối với phần [kinh văn chép] lời hỏi của ngài Trí Thủ, chia thành hai tiểu đoạn. Đoạn thứ nhất là trước hết giới thiệu người vấn đáp. Chúng ta xem kinh văn:
(Kinh) Nhĩ thời Trí Thủ Bồ Tát vấn Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ngôn.
(經)爾時智首菩薩問文殊師利菩薩言。
(Kinh: Khi ấy, Trí Thủ Bồ Tát hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng).
Câu này nhằm giới thiệu hai vị tôn giả. Nói thật ra, Trí Thủ Bồ Tát nêu câu hỏi thay cho chúng ta, Văn Thù Bồ Tát giải đáp cho chúng ta. Kinh văn hoàn toàn chẳng dài, nhưng nội dung hết sức phong phú. Chúng ta hãy xem lời chú giải của Thanh Lương đại sư.
(Sớ) Thử nhị Bồ Tát, vị hiển viên tu, lịch sự xảo nguyện, tất trí vi đạo cố.
(疏)此二菩薩,為顯圓修,歷事巧願,必智為導故。
(Sớ: Hai vị Bồ Tát này, nhằm hiển thị sự tu tập viên mãn, nguyện hay khéo từng trải các sự, ắt phải dùng trí để hướng dẫn).
Chúng ta xem trước đoạn này. Giáo pháp Đại Thừa, hai vị Bồ Tát [Trí Thủ và Văn Thù] đều biểu thị trí huệ. Một vị biểu thị Căn Bản Trí, chúng ta thường gọi trí ấy là Thật Trí, tức là trí huệ chân thật. Một vị biểu thị Quyền Trí, cũng gọi là Hậu Đắc Trí, tức là trí huệ chân thật được ứng dụng nơi sự tướng. Kinh Bát Nhã thường nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. “Vô tri” là Căn Bản Trí, “không gì chẳng biết” là nó khởi tác dụng. Khi nó khởi tác dụng, sẽ là “không gì chẳng biết”; khi chẳng khởi tác dụng, sẽ là “vô tri”.
Nói thật ra, Định và Huệ là cùng một chuyện. Trong kinh giáo Đại, Tiểu Thừa, đức Thế Tôn thường nói: “Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ”, chỉ có trí huệ mới có thể hướng dẫn hạnh! Hướng dẫn Bồ Tát phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, phải cậy vào trí huệ, chứ Định chẳng được! Định là then chốt; chẳng có Định, lấy đâu ra trí huệ? Vì thế, Định và Huệ là một Thể, chúng làm Thể và Dụng lẫn cho nhau. [Nghĩa là] Định là Thể, Huệ là tác dụng; Huệ là Thể, Định là tác dụng. Dùng làm Thể và Dụng lẫn nhau! Quý vị làm thế nào thì mới có thể đạt được trí huệ? Trì Giới, bất luận là người thượng căn, trung căn, hay hạ căn, hoặc bậc thượng thượng căn! Trong Thiền Tông Trung Hoa, chúng ta thấy Lục Tổ Huệ Năng đại sư xác thực là bậc thượng thượng căn, trong vạn vạn người khó tìm được một! Tại Trung Hoa (thầy tôi rất từ bi, khi tôi mới học đã nói với tôi), trước Huệ Năng đại sư, chẳng thấy có người như vậy, mà sau Huệ Năng đại sư, trong một ngàn ba, bốn trăm năm, cũng chẳng thấy ai. Đó là bậc thượng thượng căn. Chúng ta tôn kính, kính ngưỡng Ngài, nhưng chẳng có cách nào học tập [theo Ngài], học chẳng nổi! Chúng ta chẳng phải là căn cơ ấy!
Bậc thượng thượng căn khởi tâm động niệm, ngôn ngữ và tạo tác tự nhiên tương ứng với giới luật. Trong mười hai thời, xác thực là người ấy chẳng sanh một vọng niệm. Vọng niệm còn chẳng có, tà niệm càng chẳng có. Không khởi niệm thì thôi; hễ khởi niệm, sẽ là chánh niệm, tương ứng viên mãn với Tánh Đức. Đấy là gì? Đấy là Định Cộng Giới, Đạo Cộng Giới. Cao nhất là Đạo Cộng Giới, [nghĩa là] trong Đạo, tự nhiên viên mãn đầy đủ các giới, chẳng thể trái phạm. Bậc thượng thượng căn đắc đạo mà! Nay chúng ta chẳng đắc đạo; chẳng đắc đạo thì làm như thế nào? Tu đạo. Các Ngài đã đắc đạo, chúng ta phải tu đạo. Tu đạo khởi đầu từ nơi đâu? Khởi đầu từ giới luật!
Thưa cùng chư vị, phẩm kinh này thuộc loại giới luật, là Đại Thừa Bồ Tát Giới. Nay chúng ta cùng nhau học tập, rất hoan hỷ, có làm được hay không? Quá khó! Phải bắt đầu làm từ đâu? Thưa cùng chư vị đồng học, nhất định phải bắt đầu học từ Đệ Tử Quy, dần dần nâng cao thì mới có thể khế nhập cảnh giới tịnh hạnh. Do vậy, tôi khuyên lơn, khích lệ các đồng học hãy dùng thời gian một năm, bất luận pháp thế gian hay xuất thế gian đều nhấn mạnh “chuyên”. Đối với trẻ nhỏ học vỡ lòng, sách giáo khoa vỡ lòng là Tam Tự Kinh có câu: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (Đường lối giáo dục chú trọng nơi chuyên), đấy là giáo học. Đạo lý giáo học chẳng có gì khác, chính là một chữ Chuyên. Chớ nên học tạp, chớ nên học nhiều! Học tạp, học nhiều, sẽ chẳng thể thành tựu! Vậy thì làm như thế nào? Thuở trẻ, chúng ta đã sơ sót, chẳng vun quén căn cội. Hiện thời, tuổi đã cao, “mất dê mới lo sửa chuồng” vẫn chẳng coi là trễ! Phải xem môn công khóa này giống như một pháp môn chủ tu của chúng ta trong giai đoạn hiện tiền, đấy mới là đúng. Kỳ hạn một năm, trong thời gian một năm ấy, ta có thể nghe kinh, có thể niệm Phật, chẳng trở ngại; [nhưng đối với] khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, hành vi trong cuộc sống, nhất định phải dùng Đệ Tử Quy để làm khuôn khổ cho chính mình, nghiêm túc thực hiện. Vì vậy, thứ này chẳng phải là để nói, chẳng phải là để đọc thuộc lòng, mà phải là thực hiện từng chữ, từng câu! Quý vị thật sự có thể làm được, quý vị còn có căn cội, còn có cơ sở, giống như xây nhà, quý vị có nền tảng, học Phật trên cơ sở này.
Học Phật là học từ nơi đâu? Từ Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo là cội gốc của Phật pháp, Đệ Tử Quy là cội gốc của Nho gia, là cội gốc của hiếu đạo. Phật pháp là sư đạo, sư đạo được kiến lập trên cơ sở hiếu đạo, chúng ta chớ nên không biết điều này! Chẳng có hiếu đạo, sẽ chẳng có sư đạo. Vì sao hiện thời người học Phật, tại gia lẫn xuất gia, chẳng làm được Thập Thiện? Chẳng có Thập Thiện, sẽ chẳng có Tam Quy, Ngũ Giới, những thứ ấy đều là giả. Quý vị thấy Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất do đức Phật đã dạy đối với sự học Phật của chúng ta, quyết định chớ nên trái nghịch! Điều thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, đó là điều đầu tiên. Làm được điều thứ nhất, sẽ có thể tiếp tục học tập điều thứ hai. Quý vị thấy điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Tam Quy Ngũ Giới là điều thứ hai, dùng Thập Thiện Nghiệp Đạo làm cơ sở. Thập Thiện Nghiệp Đạo dùng Đệ Tử Quy làm cơ sở. Đệ Tử Quy nói những gì? Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, chẳng thể không biết điều này. Khi quý vị không biết, quý vị niệm kinh Hoa Nghiêm từ đầu đến cuối nhuyễn nhừ, có thể đọc đảo ngược lại làu làu, vô dụng! Quý vị chẳng nhập cảnh giới ấy!
Vì vậy, học Phật, học Nho, chẳng thể không coi trọng giới luật. Hễ có Giới, sẽ còn có Phật giáo; có lễ, sẽ còn có Nho. Chẳng có lễ, Nho là giả, sẽ là Nho học, chẳng phải là học Nho. Chẳng có Giới, sẽ là Phật học, chẳng phải là học Phật, khác hẳn! Hai vị Bồ Tát ấy chính là Nhất Thừa Viên Giáo, còn cao hơn Đại Thừa. Đời này, chúng ta có duyên, có thể tiếp xúc Hoa Nghiêm, cũng thật sự là “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ)! Bài kệ Khai Kinh là do Vũ Tắc Thiên đề tặng kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm phiên dịch sang tiếng Hán, phiên dịch xong, đưa cho bà ta xem. Bà liền viết bốn câu sau đây trên bìa bộ kinh: “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ, ngã kim kiến văn đắc thọ trì, nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, viết quá hay! “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp” là nói về kinh Hoa Nghiêm; hai vị Bồ Tát ấy thuộc về hội Hoa Nghiêm.
“Vị hiển viên tu” (Vì hiển thị sự tu tập viên mãn), chuyện này là cao nhất, thù thắng nhất trong tu hành. “Viên tu” (圓修) là gì? Tu một pháp môn, mà hết thảy các pháp môn đều chẳng sót, một chính là hết thảy, hết thảy chính là một. Đó là “viên tu”. Chúng ta biết chuyện này, rất hâm mộ, rất khao khát, dần dần [sẽ đạt tới]. Nếu chúng ta thật sự có thể nương theo giáo huấn của Phật, Bồ Tát, nó (sự tu hành) có thứ tự, có công phu mười năm, hoặc hai mươi năm, chúng ta có thể từ Biệt đạt đến Viên, chẳng phải là làm không được. Mở đầu kinh, Thanh Lương đại sư đã nói rất hay: Kinh Hoa Nghiêm có mười loại đương cơ, loại cuối cùng là phàm phu. Phàm phu [đương cơ của kinh Hoa Nghiêm] có điều kiện, điều kiện gì vậy? Họ được gọi là “đại tâm phàm phu”. Chúng ta hiểu theo ý nghĩa nông cạn, dễ hiểu nhất, [đại tâm phàm phu] thì tâm lượng phải lớn! Tâm lượng nhỏ, chẳng phải là đương cơ của Hoa Nghiêm! Tâm lượng phải to lớn; đấy là hiểu theo nghĩa nông cạn, dễ hiểu nhất. Theo tiêu chuẩn của Hoa Nghiêm, “đại tâm” là Bồ Đề tâm. Người thật sự phát Bồ Đề tâm, tuy là phàm phu, mà là bậc đương cơ của Hoa Nghiêm, người ấy có điều kiện này!
Bồ Đề tâm là gì? Chân thành tâm, thanh tịnh tâm, bình đẳng tâm, chánh giác tâm, từ bi tâm. Chẳng khởi tâm động niệm thì thôi, hễ khởi tâm động niệm, nhất định tương ứng với mười chữ ấy; người ấy chính là bậc đương cơ của Hoa Nghiêm. Nói cách khác, người ấy có tư cách học Hoa Nghiêm. Mười chữ tạo thành năm câu ấy (“chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”) hết sức trọng yếu! Để vãng sanh Tịnh Độ, cũng phải hội đủ những điều kiện ấy. Vì thế, người niệm Phật chúng ta ngàn muôn phần chớ nên sơ sót! Kinh Vô Lượng Thọ đã giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, “tam bối vãng sanh”, trung bối, thượng bối, hạ bối đều nói “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Nay chúng ta quên bẵng chuyện phát Bồ Đề tâm, chỉ biết “nhất hướng chuyên niệm”. Do vậy, người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi.
Năm xưa, khi tôi theo thầy Lý học Phật, thầy thường nói: “Một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có hai, ba người”. Vì sao ít như vậy? Họ chẳng có Bồ Đề tâm. Có nghĩa là người ấy chẳng có “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, chẳng hề có, chỉ có “nhất hướng chuyên niệm”. Vì thế, chỉ là kết thiện duyên với thế giới Tây Phương, đời này chẳng thể vãng sanh. Ngày nào, người đó phát cái tâm ấy, xác thực là trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật đều là cái tâm chân thành, chẳng có mảy may hư ngụy, mà toàn là tâm thanh tịnh, chẳng có ô nhiễm, đều là tâm bình đẳng, chẳng kiêu căng ngã mạn, toàn là tâm trí huệ, chẳng mê hoặc, điên đảo, đều là từ bi tâm, chẳng tự tư tự lợi, người ấy quyết định vãng sanh. Trong giáo pháp Đại Thừa, Đại Thừa Bồ Tát đều phát Bồ Đề tâm, tức là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi đều trọn đủ, nhưng các Ngài chẳng có “nhất hướng chuyên niệm”, cho nên các Ngài cũng chẳng thể đến thế giới Cực Lạc. Vì thế, để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta phải biết là chẳng thể thiếu [những điều kiện ấy]. Hai mươi chữ mà tôi đã viết ấy quá trọng yếu! Nếu quý vị đều có thể làm được hai mươi chữ ấy, chắc chắn sẽ vãng sanh trong đời này, chính mình thực sự nắm chắc.
Do đó, chúng ta thấy hai vị Bồ Tát này, phải nghĩ trí huệ là quan trọng. Trong ấy, có một câu là “trí vi đạo cố” (dùng trí để hướng dẫn), câu này quá quan trọng. Nhất định là trí làm người dẫn đường, trí ở đằng trước để lãnh đạo quý vị. “Lịch sự xảo nguyện” (Nguyện hay khéo từng trải các sự). Đấy là “viên tu”, [tu tập] trong bất luận cảnh giới nào. Trong phần sau, có một trăm bốn mươi mốt nguyện, [đó chính là những phương pháp để tu tập trong] thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên. Quý vị thấy Bồ Tát gặp [những cảnh ấy], Ngài chuyển biến ý niệm như thế nào, chúng ta nói là “chuyển cảnh giới”! Chuyển cảnh giới thì mới thật sự là chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Chẳng lìa khỏi quần chúng, chẳng lìa khỏi xã hội, hòa quang đồng trần cùng hết thảy chúng sanh, khởi tâm động niệm tương ứng với trí huệ, chẳng tương ứng với phiền não. Tương ứng với phiền não thì sai mất rồi, phiền não là gì? Thất tình, ngũ dục, mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn, Ngài chẳng có [những thứ ấy]. Quyết định chẳng tương ứng với mười ác nghiệp. Mười ác nghiệp là thân giết, trộm, dâm, miệng nói dối, nói đôi chiều, nói thêu dệt, ác khẩu, ý thì tham, sân, si, quyết định chẳng có [những điều ấy]. Những thứ phiền não ấy đều sanh từ mê hoặc, trong trí huệ chẳng có những thứ ấy.
(Sớ) Sự cận, chỉ viễn, duy viên hạnh cố.
(疏)事近旨遠,唯圓行故。
(Sớ: Do sự gần gũi mà tông chỉ thì xa xôi, chỉ có hạnh là viên dung).
“Sự” (事) là cuộc sống hằng ngày, cho nên rất gần gũi. “Chỉ” (旨) là tông chỉ (宗旨), ý nghĩa này quá sâu, quá rộng! Do vậy, biểu hiện của Bồ Tát là viên hạnh, niệm nào cũng viên mãn, hạnh nào cũng viên mãn. “Viên mãn” là hoàn toàn tương ứng với Tánh Đức. Kế đó, nói rõ ràng cụ thể:
(Sớ) Văn Thù tắc Bát Nhã quán Không, Trí Thủ tắc âu hòa thiệp sự.
(疏)文殊則般若觀空,智首則漚和涉事。
(Sớ: Văn Thù là Bát Nhã quán Không, Trí Thủ là hòa quyện cùng Sự).
“Âu hòa” (漚和) là nhu hòa (揉和), [“âu hòa”] có cùng ý nghĩa với chữ “nhu hòa” (揉和, vò thành một khối). Văn Thù Bồ Tát biểu thị Căn Bản Trí, biểu thị Thật Trí. Bát Nhã quán Không, điều này rất quan trọng. Thật sự có trí huệ chân thật, biết tất cả các hiện tướng (現相, tướng được biến hiện), vũ trụ, nhân sinh, sâm la vạn tượng là chuyện như thế nào. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Bốn câu kệ trong phần sau kinh Kim Cang càng nói minh bạch hơn: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như vậy”. Đấy là Bát Nhã quán Không. Có trí huệ như vậy, tiếp xúc những cảnh giới ấy, người ấy có khởi tâm động niệm hay không? Sẽ không! Khởi tâm động niệm còn chẳng có, đương nhiên là chẳng có phân biệt, đương nhiên là chẳng có chấp trước, người như vậy là ai? [Chính là] Pháp Thân Bồ Tát. Ngài không ở trong lục đạo, chẳng ở trong mười pháp giới, ở nơi đâu? Ở trong Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới ở chỗ nào? Trọn khắp pháp giới hư không giới, không chỗ chẳng phải [là Nhất Chân pháp giới].
Chúng ta thường thảo luận những vấn đề này, tôi dùng màn hình TV làm tỷ dụ. Màn hình TV là Nhất Chân pháp giới, vĩnh hằng bất biến, trọn chẳng thể ô nhiễm. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là gì? Là hình ảnh trong TV. Bất luận xuất hiện hình ảnh như thế nào, là thiện, hay là ác, là tà, hay là chánh, chúng có tiêm nhiễm màn hình TV hay chăng? Chẳng có! Đúng là chẳng trở ngại giả tướng tỏ lộ, giả tướng nhất định chẳng nhuốm bẩn chân tánh. Từ màn hình, quý vị có thể thấu hiểu: Trí huệ Văn Thù chính là “biết chân tướng sự thật”. Vì lẽ đó, đối với chân tướng của sự thật, chắc chắn không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước. Trí Thủ Bồ Tát ứng hóa trong mười pháp giới, ứng hóa trong lục đạo, đáng nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy, đáng nên dùng phương pháp gì để giúp đỡ chúng sanh, bèn dùng phương pháp ấy, chẳng có pháp nhất định, chẳng có một hình tướng nhất định. “Âu hòa thiệp sự” (hòa quyện cùng Sự): Tuy dính líu Sự, nhưng chẳng trở ngại chân, chân và vọng bất nhị. Nhìn từ chỗ nào? Nhìn từ màn hình, bản thân cái màn hình là thật, tướng đã hiện là vọng, tức là vọng tướng! “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, chân và vọng chẳng hai. Chân và vọng chẳng trở ngại lẫn nhau!
Do vậy, [có thể nói tỷ dụ], Văn Thù Bồ Tát tượng trưng cho cái màn hình, Trí Thủ Bồ Tát tượng trưng những tướng cảnh giới biến hiện trên màn hình. Từ chỗ này, chúng ta chú tâm thấu hiểu, sẽ có thể khế nhập chút phần. Dụng tâm của Bồ Tát khi dấn mình vào Sự là như thế đó. Phàm phu thì như thế nào? Phàm phu hễ dụng tâm, dính líu đến sự, sẽ chấp tướng, ngỡ huyễn tướng là thật, chẳng biết “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, họ chẳng biết. Chẳng biết “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Trong hiện thời, có thể nói là khoa học kỹ thuật khá phát triển, một số ít các nhà khoa học tiên phong đã phát hiện, nhận thấy: Tất cả hết thảy các hiện tượng trong vũ trụ chẳng phải là thật. Phát hiện ấy rất lỗi lạc! Không chỉ là tất cả tướng đã biến hiện chẳng phải là thật, mà thời gian chẳng thật, không gian cũng chẳng thật! Vì thế, các nhà khoa học chỉ thừa nhận: “Trong vũ trụ, chỉ thật sự có “trường”[1] thật sự tồn tại. Tất cả hết thảy các tướng đã biến hiện đều là do trường biến hiện”. Điều này rất gần gũi với những điều đã nói trong Phật pháp. Phật pháp bảo muôn vàn hình tượng do đâu mà có? “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Chúng tôi nghĩ “trường” như các nhà khoa học đã nói chính là A Lại Da Thức, chứ đối với tự tánh thật sự, họ chẳng có cách nào, vẫn chưa tìm được. Thức có thể biến, tánh có thể hiện.
Tuy họ phát hiện, thử hỏi họ còn có khởi tâm động niệm hay không? Họ còn có phân biệt hay không? Còn chấp trước hay không? Có! Vẫn có. Đấy là chỗ khác với Bồ Tát! Bồ Tát khế nhập cảnh giới, đúng là chẳng có chấp trước, thật sự chẳng có phân biệt. Vì thế, Ngài lại có thể tiến cao hơn, có thể kiến tánh, thật sự có thể giải quyết vấn đề. Khoa học gia phải nhờ vào công cụ, phải cậy vào máy móc. Nếu rời khỏi những máy móc và công cụ ấy, họ bó tay chịu chết! Đúng là chẳng giống người tu hành! Người tu hành chẳng cần những thứ ấy. Hiện thời, chúng ta thăm dò vũ trụ phải dùng viễn vọng kính, trong Phật môn chẳng cần! Trong Phật môn có Thiên Nhãn Thông, chẳng cần dùng viễn vọng kính. Để trông thấy các vi sinh vật, chúng ta phải dùng kính hiển vi; đó là công cụ. A La Hán thấy vi trần bằng Thiên Nhãn. Thiên Nhãn có thể nhìn xa, mà cũng có thể nhìn gần, có thể thấy lớn, mà cũng có thể thấy nhỏ, chẳng cần sử dụng công cụ!
Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng, nhà Phật thường nói đến sáu loại thần thông. Đức Phật nói rất hay: Sáu loại thần thông ấy chính là bản năng (năng lực sẵn có) của chúng ta, vốn sẵn có trong tự tánh, chẳng phải đến từ bên ngoài. Vì sao chúng ta đánh mất các năng lực vốn có ấy? Chẳng phải là thật sự mất đi, [mà là do] hiện tiền có chướng ngại, khiến cho năng lực của quý vị chẳng có cách nào phát huy, quý vị có chướng ngại mà! Chướng ngại là gì? Phiền não, tập khí, Phật pháp chia nó thành ba loại lớn: Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não. Ba loại phiền não ấy cộng thêm tập khí, [khiến cho] trí huệ và đức năng vốn sẵn có trong tự tánh thảy đều chẳng thể hiện tiền. Phật pháp dạy người ta tu hành là tu gì vậy? Đoạn phiền não mà thôi! Dùng phương pháp gì để giúp quý vị đoạn phiền não? Giới luật. Nhất định phải khởi đầu từ chỗ này! Giới luật là Tánh Đức, xử sự, đãi người, tiếp vật trong bản tánh vốn là như thế ấy. Sau khi mê mất tự tánh, hết thảy đều do phiền não làm chủ, hình trạng ấy liền bị biến đổi. Quý vị thấy Phật, Bồ Tát, nếu ghi chép cuộc sống, công việc, cách xử sự, đãi người, tiếp vật của các Ngài, [sẽ thấy] là như thế này: Tùy thuận Tánh Đức, tùy thuận tự nhiên. Chúng ta dùng những điều này làm trợ duyên hòng gò chính mình vào khuôn khổ, dần dần khiến cho chính mình định lại, tâm chẳng còn rong ruổi bên ngoài nữa. Đấy chính là như Mạnh Tử đã nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ” (Đạo học vấn chẳng có gì khác, cốt sao tìm lại cái tâm đã mất mà thôi)[2], khiến cho cái tâm được thâu hồi. Đấy chính là học vấn.
Phật pháp nói “Định”, Định là gì? Định là thâu hồi cái tâm. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (Chẳng giữ lấy tướng, như như bất động). Có tướng hay không? Có chứ! Có thể tiếp cận tướng hay không? Có thể, chẳng trở ngại! “Bất thủ” (不取) là gì? Chớ nên chấp trước nó, chớ nên phân biệt nó, chuyện gì cũng đều chẳng có! Quý vị có thể thọ dụng, chớ nên chấp trước, chớ nên phân biệt; người như vậy là bậc giác ngộ. Người thật sự liễu giải chân tướng sự thật, sẽ đắc đại tự tại trong muôn hình tượng cũng như trong y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, đắc đại tự tại. Vì sao phàm phu đau khổ ngần ấy? Là vì thứ gì cũng đều phân biệt, thứ gì cũng đều chấp trước, sai mất rồi! Theo Lý, chẳng có phân biệt, chấp trước; nơi Sự, cũng chẳng có phân biệt, chấp trước. Phân biệt, chấp trước sanh từ vọng tưởng của quý vị, hoàn toàn là hư vọng, chẳng phải là chân thật. Quý vị có thể buông bỏ chúng, đó là đúng!
Do vậy, ngài Văn Thù dạy chúng ta quan sát, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài giảng kinh, thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm. Trong bốn mươi chín năm, đã giảng Bát Nhã. Giảng Bát Nhã chính là nói về chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, tốn bao nhiêu thời gian? Hai mươi hai năm. [Đức Phật giảng kinh] bốn mươi chín năm, [dành ra] hai mươi hai năm để giảng Bát Nhã, gần như chiếm một nửa thời gian giảng kinh giáo học của lão nhân gia. Từ chỗ này, quý vị có thể thấu hiểu, đức Phật dạy mọi người, Bát Nhã là một môn công khóa chủ yếu của Ngài.
Đối với những gì đức Phật đã nói trong suốt một đời Ngài, nói theo kiểu phân loại tổng quát thì có Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, năm giai đoạn lớn. Nay chúng ta nói là năm đại đơn vị, năm đơn vị lớn. Hoa Nghiêm là Ngài đã thành đạo, thành tựu vào năm ba mươi tuổi. Khổng Tử nói “tam thập nhi lập”, đạo đức và học vấn của Ngài đã thành tựu. Thích Ca Mâu Ni Phật vào năm ba mươi tuổi đã thị hiện thấu hiểu triệt để chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, đích thân chứng nhập. Những gì Ngài đã hiểu đều được giãi bày trọn hết, nhưng chẳng có ai hiểu! Do vì Hoa Nghiêm được giảng trong Định, hiện thời, Nam Truyền Tiểu Thừa chẳng thừa nhận. Họ bảo kinh Hoa Nghiêm do Long Thọ Bồ Tát tạo ra, chẳng phải là do đức Phật nói, họ chẳng thừa nhận! Tiểu Thừa hoàn toàn dùng sự để luận sự. Quý vị nói [kinh Hoa Nghiêm] được giảng trong Định, ở trên cõi trời, họ không tin tưởng. Người Tiểu Thừa tin tưởng A Hàm. Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành đạo, ở Lộc Dã Uyển, đã độ năm vị tỳ-kheo, thâu nhận năm môn đệ. Hằng ngày giảng dạy, thuyết pháp cho họ. Về sau, học trò ngày càng nhiều, Thường Tùy Chúng có tới một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị. Những chuyện này đều được ghi chép trong kinh, hàng Tiểu Thừa tin tưởng sự thật ấy. Quý vị nói kinh Hoa Nghiêm được giảng trong long cung, thính chúng là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, họ chẳng thể tiếp nhận.
Những kinh ấy truyền đến Trung Hoa, người Hoa có thể tiếp nhận. Người Hoa xác thực là căn tánh Đại Thừa. Người Hoa có thể ngộ nhập, có thể nương theo lý luận và phương pháp trong kinh điển để tu hành, thật sự khế nhập cảnh giới. Khế nhập cảnh giới thì sẽ như tiên sinh Phương Đông Mỹ đã nói: “Sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”. Vì thế, trí huệ của ngài Văn Thù hết sức trọng yếu! Do có Văn Thù trí thì mới có Trí Thủ. Ngài Trí Thủ đại diện cho chúng ta trong hiện thực, bất luận là cuộc sống, công việc, xử sự, hay đãi người, tiếp vật, chẳng có gì không viên mãn, viên hạnh mà! “Âu hòa thiệp sự” (Hòa quyện cùng sự): Dấn mình vào Sự mà chẳng mê Lý. “Thiệp sự” (涉事) là trong cuộc sống hằng ngày, tại gia học Phật thì quý vị chẳng lìa khỏi gia đình, xuất gia học Phật thì quý vị chẳng lìa khỏi Tăng đoàn. Những điều ấy đều là Sự. Tại gia học Phật, ngoài học Phật ra, còn có những công việc khác, có những sự nghiệp khác. Xuất gia học Phật, nhất định là phải thực hiện tốt đẹp đạo đức và học vấn, sau đấy mới có thể gánh vác sứ mạng giáo hóa chúng sanh.
Vì lẽ đó, Phật giáo chính là sự giáo dục của Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng phải là tôn giáo. Phải hiểu rõ điều này! Nói theo cách hiện thời, Phật giáo chính là giáo dục xã hội, giống như Khổng Tử trong quá khứ vậy. Phạm vi của giáo học là đối với nguồn gốc của học trò, chẳng phân biệt quốc gia, chẳng phân biệt sắc tộc, chẳng phân biệt tôn giáo. Chỉ cần quý vị đến học, chịu học, Thích Ca Mâu Ni Phật đều hết sức nhiệt tâm dạy dỗ.
(Sớ) Thiệp Sự bất mê ư Lý.
(疏)涉事不迷於理。
(Sớ: Hành nơi Sự mà chẳng mê Lý).
Giống như chúng ta xem TV, các hình ảnh trên TV là Sự. Chúng ta thưởng thức những hình ảnh ấy, [đó là] “thiệp Sự”. Chẳng mê nơi Lý là gì? Những thứ ấy rỗng không, chẳng phải là thật sự có, mà là huyễn hữu, diệu hữu. Diệu Hữu là “có mà chẳng phải là có, chẳng phải là có mà có”, nên gọi là Diệu Hữu. Quý vị chẳng thể nói nó chẳng có, mà cũng không thể nói nó là có. Quý vị bảo nó có, sai mất rồi! “Đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (Bản thể chính là Không, trọn chẳng thể được). Quý vị nói “nó chẳng có” cũng sai, hình ảnh rành rành ở ngay trước mặt mà! Biết Không và Hữu là một, chẳng phải là hai. Chẳng mê nơi Lý, Lý chính là Không.
(Sớ) Cố tuy nguyện nhi vô thủ.
(疏)故雖願而無取。
(Sớ: Vì thế, tuy nguyện mà chẳng giữ lấy).
Bồ Tát luôn có nguyện. Quý vị thấy Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nguyện độ chúng sanh, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Có nguyện, tuy có nguyện, nhưng “vô thủ” thì đúng. Nguyện là gì? Thiệp sự (hành nơi Sự). “Vô thủ” (無取) là gì? Quán Không. Phải biết hết thảy các pháp đều là “vô sở đắc” (chẳng có gì để đạt được). Bát Nhã Tâm Kinh đã nói rất hay. Đức Thế Tôn nói Bát Nhã hai mươi hai năm. Trong các kinh điển được dịch sang tiếng Hán, Bát Nhã là bộ phận lớn nhất, gồm sáu trăm quyển, tức kinh Đại Bát Nhã. Sau khi tôi xem một lượt, cuối cùng, đã rút ra một kết luận: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (Hết thảy các pháp chẳng sở hữu, rốt ráo là không, chẳng thể đạt được). Không chỉ pháp thế gian là như thế, mà Phật pháp cũng là như thế, đấy mới là chân tướng sự thật. Quý vị tưởng là “có đạt được”, sai mất rồi, mê mất rồi. Quý vị chẳng biết chân tướng sự thật. Chân tướng sự thật thì hết thảy đều rỗng không. “Vậy thì ta điều gì cũng đều chẳng cần làm, nguyện cũng chẳng cần phát nữa”! Sai mất rồi! Quý vị đã đọa lạc vào bên Không. Phàm phu đọa lạc nơi Có, ngỡ những thứ ấy là thật sự có, mong giữ lấy. Ái Thủ Hữu! Hàng Nhị Thừa nghe nói “hết thảy các pháp đều Không”, chuyện gì họ cũng đều không làm, đọa vào Không! Đọa Không và đọa Hữu đều là sai lầm. Vì thế, Bồ Tát hành Trung Đạo, hai bên Không và Hữu đều chẳng dính mắc. Do có nguyện, nên chẳng phải là Không; do chẳng giữ lấy, nên chẳng phải là Hữu, bất Không, bất Hữu!
Do vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện, quý vị thấy sau khi lão nhân gia thành tựu, chẳng nghỉ ngơi ngày nào. Nhiệt tâm dạy người khác như vậy đó. Ở đâu có người thỉnh, Ngài bèn đến đó, đồ chúng ngày càng nhiều. Một ngàn hai trăm năm mươi lăm người là những vị có thành tựu, giống như bảy mươi hai hiền nhân của Khổng lão phu tử. [Đó là những vị] có thành tựu; những học trò chưa thành tựu chẳng biết là bao nhiêu! Đã thành tựu là một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, những vị ấy giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, giữa trưa ăn một bữa, tối nghỉ dưới gốc cây. Cơm ăn mỗi ngày là do đi khất thực từng nhà, đến khất thực tại các thôn trang hoặc thành thị ở bốn phía chung quanh. Khất thực có quy củ, có lễ tiết, cho nên được mọi người tôn kính. Nhu cầu sống có mức độ thấp nhất, thật sự làm được “chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời”, một niềm từ bi. Vì thế, phải có nguyện, đã có nguyện, lại chẳng thể có Thủ. Hễ có Thủ thì sai mất rồi! Nay đã hết thời gian rồi, chúng ta nghỉ ngơi mấy phút.
**
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Chúng ta xem phần Sớ Sao kế tiếp. Đối với từ ngữ “âu hòa thiệp sự”, Thanh Lương đại sư có chú giải. Trong phần chú giải, đã ghi:
(Sao) Âu hòa thiệp sự giả, thử vân phương tiện thiện xảo, tức Triệu công Tông Bổn Luận văn.
(鈔) 漚和涉事者,此云方便善巧,即肇公宗本論文。
(Sao: “Hòa quyện cùng Sự” ở đây chính là nói về phương tiện thiện xảo, tức là như đã giảng trong phần luận văn thuộc bộ Tông Bổn Luận của ngài Tăng Triệu).
Triệu công là Tăng Triệu đại sư, Ngài là một trong bốn vị đại đệ tử của đại sư Cưu Ma La Thập. Ngài nói:
(Sao) Âu hòa Bát Nhã giả, đại huệ chi xưng dã.
(鈔)漚和般若者,大慧之稱也。
(Sao: “Hòa lẫn cùng Bát Nhã” là nói đến đại huệ).
Đấy chính là đại trí huệ chân chánh. Đại trí huệ thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, thực hiện trong khi đối trước sâm la vạn tượng, hiển thị diệu dụng của trí huệ chân thật.
(Sao) Chư pháp Thật Tướng, vị chi Bát Nhã, năng bất hình chứng, âu hòa công dã.
(鈔)諸法實相,謂之般若,能不形證,漚和功也。
(Sao: Thật Tướng của các pháp được gọi là Bát Nhã, chẳng thể chứng bằng hình tướng, đấy là công năng của sự hòa quyện vậy).
Đối với Thật Tướng của các pháp, “chứng” (證) là “minh tâm kiến tánh” như trong Tông Môn đã nói. Người minh tâm kiến tánh có [dính líu đến Sự] hay không? Có chứ! Nếu người ấy chẳng dính líu đến Sự, chẳng muốn liên quan đến Sự, người ấy bỏ đi, rời khỏi mười pháp giới, sẽ đến Nhất Chân pháp giới. Nhưng tuyệt đại đa số Bồ Tát đã đạt tới cảnh giới này, có lìa khỏi mười pháp giới hay không? Các Ngài chẳng lìa khỏi, đó là công năng của sự hòa lẫn (“âu hòa”), [tức là] Ngài có thể hòa quang đồng trần. Vì sao? Trong cảnh giới, các Ngài đã là “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Trụ trong Nhất Chân, hay trụ trong mười pháp giới, chẳng hai, chẳng khác, cũng là như trong Giáo Hạ đã nói: Thật sự nhập pháp môn Bất Nhị. Do vậy, đại nguyện của Ngài đã được thực hiện, tức là cái nguyện “độ chúng sanh” [đã được thực hiện].
Nguyện độ chúng sanh, nói theo kiểu hiện thời, sẽ là vì hết thảy chúng sanh phục vụ. “Độ” (度) có nghĩa là “phục vụ, hiệp trợ, giúp đỡ”. Giúp chúng sanh chuyện gì? Căn tánh của chúng sanh chẳng ngang nhau; do vậy, quý vị nhất định phải có trí huệ chân thật, phương tiện thiện xảo. Đối với kẻ mê Lý và Sự nặng nề, cũng có nghĩa là kẻ có tâm phân biệt, chấp trước đặc biệt nặng nề, dùng phương pháp gì để giúp đỡ họ? Dùng Lý, dùng Sự, dùng nhân, dùng quả, giúp họ đoạn ác, tu thiện, đấy chính là giúp họ “lìa khổ, được vui”. Dạy họ! Dùng phương pháp Lý, Sự, nhân, quả để dạy họ, [khiến cho họ] chẳng đọa ác đạo, đời sau và đời đời kiếp kiếp sẽ hưởng thụ phước báo nhân thiên. Đó là đối với kẻ hạ căn. Đối với người trung căn, có trình độ khá cao, cũng phải dùng Lý, Sự, nhân, quả, dùng Lý cho nhiều, chứ đối với kẻ hạ căn, phải sử dụng nhân quả cho nhiều thì họ mới có thể tin tưởng. Tu nhân như thế nào, sẽ đạt được quả báo như thế đó. Tuyệt đối chẳng phải là dùng những thủ đoạn không chánh đáng để lừa lọc, cưỡng đoạt, [nếu làm như vậy], sẽ là sai lầm! Những gì quý vị đạt được thảy đều là sẵn có trong mạng của quý vị. Trong mạng chẳng có, sẽ chẳng thể đạt được! Trong mạng đã có, nhưng vì tư tưởng, ngôn luận, và hành vi của quý vị không tốt; cho nên phước báo trong mạng bị tước bớt, giảm trừ! Bản thân quý vị vẫn cứ rất đắc ý, “ta dùng những thủ đoạn hay khéo này, cho nên đã đoạt được lắm thứ như thế đó!” Thật ra, đã sai lầm mất rồi! Nếu quý vị dùng những phương cách chánh đáng, những gì quý vị đạt được còn nhiều hơn những gì đã có trong hiện thời! Nhiều hơn quá nhiều!
Con người quyết định chớ nên tạo tội nghiệp, quyết định chớ nên tổn người, lợi mình. Đó là sai lầm đặc biệt to lớn! Nếu chính mình có thể tổn mình, lợi người, phước báo mai sau sẽ không ngừng tăng cao hơn! Sau khi đã nói rõ ràng, nói minh bạch đạo lý này, thế gian sẽ chẳng có tham quan. Tham quan ô lại sẽ chẳng có, các thương nhân kinh doanh cũng giữ đúng bổn phận. Vì sao? Họ thật sự có thể đạt được lợi ích. Lợi ích trong mạng của họ mỗi ngày một tăng trưởng, chẳng đến nỗi hao bớt. Bất luận nghề nghiệp nào cũng nhất định là nói đến đạo đức, nói đến luân lý, sự nghiệp ấy mới có thể lâu dài, lợi nhuận sẽ không ngừng tăng lên. Hễ ý niệm sai lầm, cứ ngỡ “ta chẳng lừa kẻ khác, ta không hãm hại kẻ khác, sẽ chẳng thể kiếm tiền”. Sai mất rồi, sai toàn bộ, sai lầm đặc biệt to tát! Đối với kẻ hạ căn thì nói những điều này, đối với người trung căn thì giúp họ phá mê khai ngộ, đối với kẻ thượng căn thì giúp họ chuyển phàm thành thánh. Do vậy, đối với người hạ căn, giáo dục nhân quả là thích hợp nhất. Đối với người trung căn, giáo dục Nho gia hoặc giáo dục Tiểu Thừa trong Phật pháp sẽ rất thích đáng. Đối với bậc thượng căn, pháp Nhất Thừa, pháp Đại Thừa, pháp thượng thượng thừa sẽ hữu dụng, giúp họ thật sự thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly mười pháp giới.
Bồ Tát đạt đến cảnh giới ấy, chẳng chứng Bát Niết Bàn, nói theo giáo pháp Đại Thừa, sẽ là “chẳng trụ sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn”. Đối với chứng đắc của người như vậy (bậc thượng căn), Phật pháp có một danh từ là Vô Trụ Niết Bàn. Vị ấy thật sự trụ trong cảnh giới Bát Niết Bàn, nhưng chẳng chứng! Hai bên Niết Bàn và sanh tử đều chẳng vướng mắc; do vậy, nói là “chẳng trụ sanh tử, chẳng trụ Niết Bàn”. Do chẳng trụ sanh tử, nên chẳng phải là phàm phu. Do chẳng trụ Niết Bàn, chẳng phải là Như Lai. Vị ấy dùng thân phận Bồ Tát du hóa trong mười pháp giới. Chỗ nào có cảm, Ngài sẽ ứng nơi đó, chẳng có sắc tướng nhất định. Đáng nên dùng thân gì để độ, bèn hiện thân ấy. Quan sát căn cơ của chúng sanh, đáng nên thuyết pháp nào, bèn thuyết pháp ấy cho họ. Đó gọi là “phương tiện thiện xảo”. Đó gọi là “âu hòa Bát Nhã”. Thật sự là đại trí huệ, đại Bát Nhã.
Tiếp đó, giải thích rất hay:
(Sao) Thích hóa chúng sanh, vị chi âu hòa.
(鈔)適化眾生,謂之漚和。
(Sao: Giáo hóa chúng sanh thích đáng thì gọi là “âu hòa”).
“Thích” (適) là hết sức thích hợp, chúng ta nói là “khế cơ, khế Lý”. Do căn tánh của chúng sanh khác nhau, phương pháp giáo học của quý vị sẽ không giống nhau, nhưng quyết định là khiến cho họ đạt được lợi ích trong hiện tiền, trong tương lai đạt được lợi ích. Điều này rất trọng yếu! [Nếu] hiện tiền đạt được lợi ích, trong tương lai chẳng đạt được lợi ích, sai mất rồi! Ví như dạy quý vị rất nhiều phương pháp chẳng chánh đáng, quý vị thu được mối lợi to lớn, thu được của cải, đạt được địa vị, đều là do dùng những thủ đoạn không chánh đáng, hiện tiền đạt được lợi ích, sau khi đã chết, sẽ đọa địa ngục; đấy chẳng phải là lợi ích! Lợi ích trong hiện tiền ngắn ngủi, khổ báo đọa trong địa ngục khôn cùng! Thời gian ấy quá dài; vì thế, [tạo lợi ích] kiểu đó là sai lầm! Phật pháp dạy người ta, [có thể là] hiện tiền chẳng đạt được lợi ích, nhưng trong tương lai, sẽ được lợi ích. Đấy là chánh xác. Hiện tiền đạt được lợi ích, trong tương lai cũng có lợi ích, đương nhiên là càng tốt hơn, có ai mà chẳng mong mỏi! Quyết định là chẳng thể khiến cho [chúng sanh] trong đời sau chẳng đạt được lợi ích. [Nếu đời sau chẳng đạt được lợi ích], hỏng rồi, sai mất rồi!
“Âu hòa” (漚和) là danh từ Bát Nhã, [hàm ý] người ấy có thể [vận dụng] phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh. Trong thế giới hiện thời, chúng ta nhất định phải khẳng định tánh con người vốn lành, “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (con người thoạt đầu tánh vốn lành), nhất định phải khẳng định điều này. Vì sao biến thành bất thiện? Bị dạy hư! Vì thế, Phật, Bồ Tát là do được dạy thành, thánh hiền cũng là do được dạy thành. Ác nhân cũng là do được dạy thành, yêu ma quỷ quái vẫn là do được dạy thành. Tùy thuộc quý vị dạy những gì? Thánh hiền dùng chánh đạo để dạy người khác, chẳng dạy tà đạo, mà là dạy người ta bằng chánh đạo. Tương ứng với tự tánh, tương ứng với Tánh Đức, tương ứng với pháp tắc vận hành của thiên nhiên, đó là “thánh đạo”, là trí huệ chân thật. Tiếp đó [lời Sao] viết:
(Sao) Bất nhiễm trần lụy, Bát Nhã lực dã.
(鈔)不染塵累,般若力也。
(Sao: Chẳng nhiễm trần lụy là do sức Bát Nhã).
Câu này rất quan trọng. Chư vị phải biết: Bồ Tát ở trong thế gian, chẳng phải là thần tiên. Trong Phật môn, [những vị] được gọi là Phật hoặc Bồ Tát chẳng liên quan gì đến thần tiên! Trong các buổi giảng, chúng tôi đã nói chuyện này rất nhiều lần. Bồ Tát, Phật, A La Hán là những danh xưng học vị trong Phật giáo, giống như các học vị (degree) trong trường đại học hiện thời. Cao nhất là Tiến Sĩ, trong Phật pháp gọi là Phật Đà. Phật Đà là Tiến Sĩ, Bồ Tát là Thạc Sĩ, A La Hán là Học Sĩ (Cử Nhân), có những học vị ấy. Ngoài ra, bất luận là tại gia hay xuất gia đều chẳng đạt được học vị. Đạt được học vị, tiêu chuẩn của học vị là gì? Đoạn Hoặc, chứng Chân; Hoặc (惑) là mê hoặc, phiền não. Đối với ba loại đại phiền não, đoạn Kiến Tư phiền não, quý vị được gọi là A La Hán. Đoạn Trần Sa phiền não, quý vị được gọi là Bồ Tát. Đoạn vô minh phiền não, quý vị được gọi là Phật Đà.
Trong Phật môn, Phật, Bồ Tát, La Hán quá ư là nhiều! Phật giáo chẳng giống các tôn giáo khác. Trong tôn giáo, thần chỉ có một, chẳng thể có hai vị! Thượng Đế chỉ có một, chẳng thể có rất nhiều. Trong Phật giáo, Phật rất nhiều. Đó là danh xưng của học vị, chẳng biểu thị quyền lực. Phật chẳng có quyền lực; Ngài tượng trưng cho trí huệ, tượng trưng cho đức hạnh, [Phật là] đức hạnh và trí huệ. Vì thế, Phật giáo là giáo dục. Giáo hóa chúng sanh, đương nhiên là sẽ ở cùng một chỗ với chúng sanh, nhưng chẳng nhiễm trần lụy. Quý vị thấy đó, bọn phàm phu chúng ta ở trong thế gian này lắm nỗi phiền não, lắm thứ đèo bồng không cần thiết, [những điều ấy] thường gọi là “vướng mắc, nghi ngại”, thân và tâm đều có áp lực. Nhưng Bồ Tát ở trong thế gian này, chẳng có trần lụy, chẳng có áp lực. Vì sao? Các Ngài biết “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”; tuy rất nỗ lực làm việc, nhưng chẳng có phiền lụy. Vì sao? “Làm mà không làm, không làm mà làm”, chẳng có phiền lụy. Làm việc cũng có khi thành công, cũng có lúc thất bại. Thành công là gì? Chúng sanh có phước, chẳng kể công. Tâm thanh tịnh, tuyệt đối không nghĩ “ta đã vì chúng sanh làm bao nhiêu chuyện tốt đẹp”. Chẳng có! Chẳng có ý niệm nào! Chuyện chẳng làm thành công, chúng sanh chẳng có phước, ta chẳng có lầm lỗi, chẳng nhiễm trần lụy. Đó là gì? Đấy chính là trí huệ Bát Nhã.
Chẳng có trí huệ Bát Nhã, trong công việc hằng ngày, sẽ tính toán, so đo chi ly, đã bỏ ra bao nhiêu công sức thì nhất định phải được đền bù bấy nhiêu, chẳng giống như Bồ Tát. Nói theo cách nói của phàm phu, Bồ Tát chỉ có bỏ ra, tuyệt đối chẳng có ý niệm thu về, chẳng có ý niệm ấy. Nếu là Bồ Tát thuộc địa vị cao hơn đôi chút, hằng ngày chịu khổ chịu khó làm lụng, ngay cả ý niệm siêng khổ làm việc cũng chẳng có. Đấy là “làm mà không làm, không làm mà làm”; vì thế, Ngài chẳng có phiền lụy, tâm khai ý giải. Mặt trời chiếu trọn khắp đại địa, mặt trời có kể công hay chăng? Ta đối với quý vị có ân đức to lớn ngần ấy, hằng ngày chiếu cố các vị, mỗi ngày tặng nguồn năng lượng cho quý vị. Chẳng có! Chẳng hề kể công, tự nhiên! Từ chư Phật, Bồ Tát, A La Hán trở lên, các Ngài ứng hóa trong thế gian, vì hết thảy chúng sanh phục vụ, tuyệt đối chẳng có ý niệm kể công! Vì sao phải làm? Vì thực hiện bổn nguyện, lúc mới học Phật đã phát nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Hiện tại, có đức năng ấy, có năng lực ấy, có đạo đức ấy, có học thuật ấy, nếu quý vị chẳng chịu phục vụ chúng sanh, chẳng phải là quý vị đã phát nguyện ấy rỗng tuếch hay sao? Nói rồi chẳng làm, há có lẽ ấy! Vì thế, tự nhiên là phải thực hiện!
Đã chứng đắc A La Hán, chứng đắc Bồ Tát, chứng đắc quả vị Phật, có phải trì giới hay không? Phải! Nói thật ra, các Ngài giới hạnh viên mãn, [vẫn trì giới nhằm] mong nêu gương cho người khác thấy. Nếu không nêu gương tốt, dạy kẻ khác trì giới, nhưng chính mình chẳng trì giới, người ta sẽ không tin tưởng. Chính mình phải nêu gương cho người ta thấy, mọi người trông thấy chẳng bàn ra tán vào được nữa, đã tin tưởng! Vì thế, trì giới là vì người khác; đấy là giáo học, thân giáo, lấy chính mình làm gương. Trước là có thân giáo, sau đó có ngôn giáo, mọi người mới tin tưởng, mới tiếp nhận. Do vậy, phải đoạn phiền não, phải học pháp môn; thật ra, có pháp môn nào các Ngài chẳng trọn đủ? Vẫn là rất nghiêm túc từ cạn đến sâu, học dần dần từ bộ kinh nhỏ đến bộ kinh lớn, chẳng có điều gì không nhằm làm cho người khác trông thấy! Trong kinh Phạm Võng, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói lời thật, chúng ta mới biết lão nhân gia đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa. Lần này, Ngài đến địa cầu nhằm biểu diễn một phen. Ngài bảo lần này là lần thứ tám ngàn Ngài đến đây! Mỗi lần đến đều giống như diễn tuồng, đều là làm từ đầu, nêu gương cho kẻ khác thấy.
Trước hết, dạy chúng ta buông xuống. Tôi học Phật, ngày đầu tiên gặp mặt Chương Gia đại sư. Vị này là người xuất gia, đấy là lần đầu tiên tôi gặp một người xuất gia trong đời này. Tôi bèn thỉnh giáo lão nhân gia, Ngài dạy tôi sáu chữ “khán đắc phá, phóng đắc hạ” (nhìn thấu suốt, buông xuống). Về sau, chúng tôi thâm nhập kinh tạng, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn, đúng là “thấy thấu suốt, buông xuống”. Ngài là vương tử, chẳng cần đến ngôi vua, từ bỏ, vinh hoa, phú quý, vợ con đều từ bỏ, xuất gia tu đạo, sống cuộc đời của một vị Tăng khổ hạnh. Vì sao phải làm như vậy? Làm cho chúng ta nhìn vào! Trong tâm chúng ta, niệm nào cũng đều truy cầu vinh hoa, phú quý, truy cầu địa vị, truy cầu quyền lực, truy cầu ngũ dục, lục trần, lão nhân gia biểu diễn buông xuống toàn bộ cho chúng ta thấy, khiến cho chúng ta trông thấy một chiêu ấy, sẽ nghiêm túc suy nghĩ cặn kẽ, vì sao Ngài làm như vậy? Chính là bảo cho quý vị biết: Những gì quý vị mong cầu, vướng mắc, suy nghĩ, toàn là giả trất, chẳng thật! Con người sống trên cõi đời, điều gì quan trọng nhất? Chân thật mới là quan trọng nhất, chứ hư giả sẽ chẳng quan trọng! Trong phần trước, chúng tôi đã nói về những cái giả, chính là lợi ích trước mắt, còn Chân là gì? Lợi ích đời đời kiếp kiếp mai sau, thời gian lâu dài.
Lợi ích chân thật là nâng cao linh tánh. Nói cụ thể hơn một chút, Tam Học Giới, Định, Huệ được tăng cao. Giới là chẳng tham, Định là chẳng sân, Huệ là chẳng si. Tương phản của Giới, Định, Huệ là tham, sân, si. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện, buông xuống tham, sân, si, hiện ra Giới, Định, Huệ, những thứ này quý vị có thể mang theo được! Chúng ta phải mang theo Giới, Định, Huệ, đừng nên đem theo tham, sân, si. Mang theo tham, sân, si chính là đi vào ba ác đạo, mang theo Giới, Định, Huệ chính là đại pháp nhân thiên. Nếu Giới, Định, Huệ chẳng ngừng tăng cao, quý vị sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi, sẽ thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Tăng cao hơn nữa, sẽ vượt thoát mười pháp giới, quý vị gia nhập câu lạc bộ của chư Phật Như Lai. Thật đấy! Chẳng giả đâu nhé! Đạt tới cảnh giới ấy, chẳng cần nói tới Nhất Chân pháp giới, chỉ cần quý vị có thể đạt tới tứ thánh pháp giới, quả A La Hán là học vị trong Phật môn, là học vị thấp nhất mà quý vị thật sự đạt được, sẽ có năng lực đến thị hiện trong lục đạo, đáng nên dùng thân gì để độ, bèn hiện thân ấy. A La Hán có thể làm được [chuyện này].
Trong A La Hán, có Tiểu Thừa và Đại Thừa. Đại Thừa A La Hán là Bồ Tát, tức là Thập Tín Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm. Trong phần trước, chúng tôi đã nói rất nhiều, nói rất rõ ràng. Địa vị Sơ Tín bằng Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa. Địa vị Thất Tín bằng Tiểu Thừa A La Hán, địa vị Bát Tín bằng Bích Chi Phật, địa vị Cửu Tín bằng Bồ Tát trong mười pháp giới. Địa vị Thập Tín là Phật trong mười pháp giới, Thập Tín Bồ Tát đấy nhé! Lên cao hơn sẽ là Sơ Trụ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, vị ấy là Pháp Thân Như Lai. Trong Hoa Nghiêm, các Ngài được gọi chung là “Pháp Thân đại sĩ”, kinh Kim Cang gọi các Ngài là “chư Phật Như Lai”. Sơ Trụ trong Viên Giáo thuộc địa vị chư Phật Như Lai. Chúng ta phải hiểu rõ, phải thấu hiểu, phải thật sự hiểu rõ, thật sự hiểu minh bạch chân tướng sự thật này! Không chỉ là quý vị sẽ chẳng làm chuyện xấu, mà những ý niệm bất thiện, xấu ác đều chẳng có! Vì sao? Dấy lên một ác niệm, sẽ gây hại rất lớn đối với đức hạnh của chính mình. Hại người, người khác chẳng bị thương tổn cho mấy, chính mình bị tổn hại quá nghiêm trọng. Quý vị khởi tâm động niệm hại kẻ nào đó, người ta bị thương tổn ba phần, chính mình bị hại bảy phần. Ai mong làm chuyện ấy, chẳng có ai muốn làm!
Hiện thời, chúng ta nhìn vào xã hội hiện tiền, quý vị mới biết nền giáo dục của đức Phật quan trọng dường ấy, nền giáo dục của Khổng Mạnh quan trọng dường ấy, giáo dục nhân quả trọng yếu dường ấy! Vứt bỏ ba loại giáo dục ấy, mà mong thế giới khôi phục sự an định, khôi phục hòa bình, sẽ là như xưa kia thầy Lý thường nói: “Chư Phật, Bồ Tát, thần tiên đều làm không được!” Phương pháp duy nhất là nỗ lực học tập sự giáo dục của thánh hiền, học bắt đầu từ nơi đâu? Học khởi đầu từ chính bản thân ta! Quý vị chớ nên mong mỏi ai khác! Quý vị trông mong người khác thì sai mất rồi, hãy làm từ chính mình, bắt đầu học từ bản thân. Bản thân chúng ta học giống như vậy, tự nhiên sẽ ảnh hưởng những người chung quanh ta. Ta học càng giống, ảnh hưởng càng to, thời gian ảnh hưởng cũng càng dài. Hãy thật sự làm, chẳng thể làm giả vờ được! Trong kinh Phật thường nói “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta được làm thân người, nghe Phật pháp, cơ duyên ấy chính là trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ. Đã được gặp gỡ, chớ nên để luống uổng đời này, nhất định là phải có thành tựu!
Thành tựu lớn hay nhỏ là do sự nỗ lực của chính mình. Thật sự nỗ lực, chẳng ngừng siêng năng tinh ròng, quý vị sẽ có thành tựu rất lớn. Giải đãi, lười nhác, tán loạn, thành tựu rất hữu hạn. Trong xã hội này, sức dụ dỗ, mê hoặc bên ngoài hết sức mạnh mẽ, to lớn; do đó, nếu chính mình chẳng thâm nhập kinh tạng, quý vị làm sao có thể bảo vệ chính mình? Quý vị làm sao có thể không bị dụ dỗ, mê hoặc, chẳng bị quấy nhiễu? Chẳng dễ dàng! Những điều này đều là công năng của sự “hòa quyện cùng Bát Nhã”, chẳng nhiễm trần lụy. Thật sự là sức mạnh của Bát Nhã. Bát Nhã nhất định là do Định mà có, Định nhất định là do Giới mà có. Vì thế, chúng ta phải mong có trí huệ như vậy, hòng có thể chẳng bị bên ngoài quấy nhiễu. Công phu sâu hơn, chúng ta còn có thể cảm hóa người khác, còn có thể thay đổi phong tục, có thể biến đổi hoàn cảnh, đều phải cậy vào chính mình thật tu, thật sự làm!
Sau đấy, [lời Sao] viết:
(Sao) Nhiên tắc Bát Nhã chi môn quán Không, âu hòa chi môn thiệp Hữu. Thiệp Hữu, vị thỉ mê hư, cố thường xử Hữu nhi bất nhiễm. Bất yếm Hữu nhi quán Không, cố quán Không nhi bất chứng. Thị vi nhất niệm chi lực, Quyền Huệ cụ hỹ.
(鈔)然則般若之門觀空,漚和之門涉有,涉有未始迷虛,故常處有而不染,不厭有而觀空,故觀空而不證,是為一念之力,權慧具矣。
(Sao: Vậy thì môn Bát Nhã là quán Không, môn “hòa quyện” dính líu Hữu. Dính líu Hữu mà chẳng mê nơi Hư, cho nên thường ở trong Hữu mà chẳng nhiễm. Chẳng chán Hữu mà quán Không, vì thế, quán Không mà chẳng chứng. Đấy là sức của nhất niệm, Quyền Huệ trọn đủ).
Mấy câu này rất quan trọng. Bát Nhã là triệt để hiểu rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Quán Không là chân tướng. “Không” chẳng dễ hiểu cho lắm! Vì sao? “Không” chẳng phải là Vô (không có gì); lũ bình phàm chúng ta hễ nói đến Không, bèn nghĩ Không là Vô. Thứ gì cũng chẳng có, bèn gọi là Không; đấy là sai lầm. Phật pháp nói Không thì nó là có, giống như nay chúng ta nhìn vào màn hình TV, trong ấy có sắc tướng hiện ra, nhưng quý vị chẳng nắm bắt sắc tướng ấy được! Vì thế, bản thể của nó chính là Không. Kinh Bát Nhã đã tổng kết: “Vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” (Chẳng sở hữu gì, rốt ráo là không, chẳng thể được). Đối với kẻ sơ học như chúng ta, tốt nhất là học chín chữ này từ TV! Đối trước TV, quý vị thường dùng ba câu ấy để nhắc nhở, “hết thảy các pháp chẳng có sở hữu, rốt ráo là không, chẳng thể được!” Xem hằng ngày, hằng ngày luôn nhắc nhở, tôi nghĩ dăm ba năm, quý vị sẽ hoát nhiên đại ngộ. Sau khi đã ngộ, sâm la vạn tượng trước mắt chúng ta chẳng khác [những hình ảnh] trong TV.
Do vậy, trong Chứng Đạo Ca, ngài Vĩnh Gia đã nói rất hay: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành bày sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang). Mộng là gì? Mê. Khi đã mê thì dường như là thật sự có. Sau khi giác ngộ, nó là huyễn hữu, nó là Diệu Hữu, chẳng phải là thật sự có! Hữu chẳng trở ngại Không, Không chẳng ngăn ngại Hữu. Hữu là Không, Không là Hữu. Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”. Sắc và Không là một, không hai. Quý vị thật sự hiểu rõ điều này, Không và Hữu vô ngại. Vì thế, Bát Nhã quán Không. “Âu hòa chi môn thiệp Hữu. Thiệp Hữu, vị thỉ mê hư” (Môn hòa quyện dính dáng với Hữu. Dính dáng với Hữu, chẳng mê nơi Hư), “hư” (虛) là gì? “Hư” là hư vọng. “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Dính líu đến Hữu mà chẳng mê, biết nó là hư vọng. Biết nó là hư vọng, quý vị đối với hết thảy Hữu, hết thảy các hiện tượng, sẽ chẳng chấp trước, chẳng phân biệt, đương nhiên là càng chẳng thể chiếm hữu nó! Nếu quý vị mong đạt được nó, chiếm hữu nó, [tức là] quý vị chẳng biết bản thể của nó là Không, trọn chẳng thể được!
Từ Bồ Tát, A La Hán trở lên, sẽ có năng lực ấy, lăn lộn trong Hữu mà chẳng mê, biết Thật Tướng của các pháp là chuyện như thế nào! Hòa quang đồng trần cùng hết thảy chúng sanh; khi tôi giảng kinh, thường nói: “Quyết định chẳng dấy lên một ý niệm, chẳng thể có ý niệm chiếm hữu”. Bọn phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm luôn mong chiếm lấy làm của mình, điều ấy sai mất rồi! Thân của chính mình cũng là hư vọng, cũng là chẳng thể được. Vì lẽ đó, chẳng dấy lên ý niệm ấy, sẽ chẳng chiếm hữu, chẳng mê mất tự tánh, biết là do “tâm hiện, thức biến”, quyết định chẳng có ý niệm khống chế. Chúng ta có khống chế, có chiếm hữu, sai mất rồi! Đó là phàm phu, đối với chân tướng sự thật, chẳng biết một chút gì! Qua lại cùng hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, thảy đều chẳng có ý niệm chiếm hữu, phải hiểu điều này! Chẳng có ý niệm khống chế, đấy là chính mình đang thật sự tu hành. Thật sự đang học điều gì? Buông xuống. Thấy người khác làm sai, bèn khuyên nhủ, dùng phương tiện thiện xảo để khuyên dụ họ cải tà quy chánh. Thấy họ làm đúng, bèn dùng phương tiện thiện xảo để khích lệ họ. Bất luận là khích lệ hay khuyên dụ, đều chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sẽ là hoàn toàn đúng. Chẳng khác gì chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian. Đấy gọi là thật sự học, là học xứ của Bồ Tát!
Trong cuộc sống hằng ngày, đối với sự, đối với người, đối với vật, phải biết dùng khởi tâm động niệm làm cảnh giới hòng rèn luyện chính mình. Một trăm bốn mươi mốt nguyện ở đây nhằm dạy chúng ta: Trong cảnh giới, trong hoàn cảnh nhân sự, trong hoàn cảnh vật chất, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, rèn luyện như thế nào, mài sạch tập khí phiền não của chính mình, trí huệ sẽ hiện tiền, sẽ giống như Bồ Tát đã nói trong kinh: Phương tiện thiện xảo, dính líu Sự mà chẳng nhiễm trần lụy, dính líu Hữu mà chẳng mê Không. “Hư” là Không, chẳng mê!
“Thường xử Hữu nhi bất nhiễm, vô yếm Hữu nhi quán Không, cố quán Không nhi bất chứng” (Thường ở trong Hữu mà chẳng nhiễm, chẳng chán Hữu mà quán Không. Vì thế, quán Không mà chẳng chứng). Nếu quán Không mà mong chứng, sẽ xuất hiện phiền phức, sẽ biến thành Tiểu Thừa. Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Thế Tôn thường nói là “đọa vô vi khanh” (đọa trong hầm vô vi). Hàng Tiểu Thừa công phu chẳng đến nơi đến chốn, dính líu Hữu sẽ khó lắm! Nhất là chúng sanh trong Diêm Phù Đề, ương ngạnh, khó hóa độ. Quý vị đối với họ bằng một niềm chân thành, một niềm từ bi, họ ngược ngạo đối xử quý vị bằng ác ý, quý vị có thể chịu đựng hay không? Chịu không nổi! Thôi đi, hạng người đó chẳng có lương tâm, chẳng biết tốt xấu, quên đi, mặc kệ họ. Đấy là [quan niệm] của Tiểu Thừa.
Người Đại Thừa chẳng có quan niệm như vậy. Người Đại Thừa không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, bất luận quý vị dùng thái độ gì đối xử với tôi, hủy báng cũng thế, lăng nhục cũng thế, hãm hại cũng thế, [tôi luôn] như như bất động. Thấy quý vị có khổ nạn, vẫn giúp đỡ quý vị. Quý vị có thể tiếp nhận, bèn giúp đỡ hiển nhiên, giúp đỡ quý vị công khai. Quý vị chẳng thể tiếp nhận, bèn ngấm ngầm góp sức, âm thầm chăm sóc quý vị, âm thầm chúc phước cho quý vị. Tinh thần ấy chẳng thể nghĩ bàn, vì sao? Thế gian chẳng có kẻ ác, hết thảy chúng sanh bản tánh vốn lành! Sở dĩ có kẻ làm ác là vì đã mê mất tự tánh; người giác ngộ chớ nên trách móc họ. Hễ trách họ, quý vị đã sai mất rồi. Cớ sao quý vị lại dấy lên phân biệt, chấp trước? Người giác ngộ chỉ có phương tiện thiện xảo giúp họ quay đầu. Đời này, họ chẳng tiếp nhận, [là do] duyên không đủ. Chúng ta chớ nên đoạn duyên với họ, niệm niệm luôn giúp đỡ họ. Chúng ta tụng kinh, tu trì, tu tập tích lũy các công đức đều hồi hướng, chúc phước cho họ. Đấy là mối quan hệ vĩnh viễn chẳng dứt. Đời này mê hoặc, đời sau có thể giác ngộ, quay đầu. Đời sau chẳng giác ngộ, đời sau nữa sẽ giác ngộ, được rồi! Bồ Tát có lòng kiên nhẫn. Dẫu cho vô lượng kiếp sau mới quay đầu, đều bằng lòng chờ đợi. Tinh thần ấy, nói theo pháp thế gian sẽ là “chẳng thể nghĩ bàn”.
Ở đây, Thanh Lương đại sư bảo:
(Sao) Cố quán Không nhi bất chứng, thị vi nhất niệm chi lực, Quyền Huệ cụ hỹ. Nhất niệm chi lực Quyền Huệ cụ hỹ, hảo tư, lịch nhiên khả giải.
(鈔)故觀空而不證,是為一念之力,權慧具矣,一念之力權慧具矣,好思,歷然可解。
(Sao: Vì thế, quán Không mà chẳng chứng, đó là do sức của nhất niệm, Quyền Huệ đầy đủ vậy. Do sức của nhất niệm mà Quyền Huệ đầy đủ, suy nghĩ kỹ càng, sẽ thấy rành rành dễ hiểu).
“Hảo tư” (好思) nghĩa là quý vị hãy suy nghĩ kỹ càng, rành mạch, rõ ràng, [sẽ thấy những điều đã nói] trọn chẳng khó hiểu. Do vậy, niệm lực chẳng thể nghĩ bàn, nhất là trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, niệm lực chẳng thể nghĩ bàn! Thiện niệm thì Phong Thủy chẳng tốt đều biến thành tốt. Ác niệm thì Phong Thủy tốt liền biến thành xấu. Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng mà! Tâm tưởng có sức mạnh to lớn ngần ấy. Vì sao chúng ta chẳng nghĩ thiện? Vì sao cứ nghĩ ác? Từ nay về sau, nhất định phải hạ quyết tâm, niệm niệm đều tương ứng với thiện, chẳng để cho mảy may bất thiện xen tạp. Đấy là đệ tử Phật thật sự. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này!
Tập 1472
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh, thứ mười một. Đoạn lớn thứ hai:
(Sớ) Trần sở vấn trung, hữu nhị thập vân hà, tổng thập nhất đoạn, đoạn các thập cú, thành nhất bách nhất thập chủng đức.
(疏) 陳所問中,有二十云何,總十一段,段各十句,成一百一十種德。
(Sớ: Trong phần nêu bày những câu hỏi, có hai mươi điều “như thế nào”? Tổng cộng là mười một đoạn, mỗi đoạn có mười câu, hợp thành một trăm mười thứ đức).
Tiếp đó, Thanh Lương đại sư đã giới thiệu đơn giản về cương mục ấy.
(Sớ) Đệ nhất đoạn, minh tam nghiệp ly quá thành đức.
(疏) 第一段,明三業離過成德。
(Sớ: Đoạn thứ nhất, chỉ ra ba nghiệp lìa lỗi sẽ trở thành đức).
Điều này hết sức trọng yếu. “Tam nghiệp” là thân, ngữ, ý. Trong thế gian này, thân, ngữ, ý của phàm phu đều là lầm lỗi. Trong thời đại hiện tại, có thể nói là sai lầm nghiêm trọng!
Học Phật, chúng ta đều tin sâu nhân quả. Tuy chẳng phải là như trong Tịnh Nghiệp Tam Phước đã nói, [“tin sâu nhân quả” trong ấy] nhằm nói với hàng Bồ Tát. “Tin sâu nhân quả” đối với các Ngài, sẽ đặc biệt là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Nói theo lũ người bình phàm chúng ta, [“tin sâu nhân quả” có nghĩa là] thiện tâm, thiện hạnh, quyết định đắc thiện quả. Quả báo có khi là ở trong đời này, có khi thuộc về đời kế, hoặc đời sau nữa, quyết định chẳng hư dối, thật đấy! Vì thế, trước hết, chúng ta phải tin tưởng nhân quả ba đời, phải tin con người có đời trước, có đời sau. Trong xã hội hiện tại, chúng ta thường nghe người ngoại quốc nói tới nhân quyền. Có người đến hỏi tôi, thậm chí trong hội nghị quốc tế, có người hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Thầy đối với vấn đề nhân quyền có cách nhìn như thế nào?” Mọi người đều hết sức coi trọng vấn đề này. Con người có quyền gì vậy? Nếu nói con người thật sự có quyền, tôi hy vọng năm nào cũng là năm mười tám tuổi, có làm được hay không? Chẳng làm được! Quý vị mỗi năm một già nua hơn. Từ sáu mươi hoặc bảy mươi tuổi trở đi, mỗi năm một kém hơn, lấy đâu ra nhân quyền?
Có người hỏi, đời người rốt cuộc có ý nghĩa gì? Sống trên thế giới này, rốt cuộc có giá trị gì? Khá nhiều mệnh đề trong triết học thảo luận chuyện này! Nói theo Phật pháp, thảo luận những vấn đề ấy đều chẳng phù hợp khít khao với thực tế, chúng đều thuộc loại Bất Tương Ứng Hành Pháp. Đức Phật đã dạy về thực tế rất tuyệt. Đức Phật bảo con người sanh vào thế gian để làm gì? Vì sao sanh vào đây? Đức Phật dạy: “Nhân sanh thù nghiệp” (Đời người nhằm đền trả nghiệp). Quý vị thấy một câu nói gồm bốn chữ ấy đã giải đáp rành mạch, rõ ràng: Đền trả nghiệp báo trong đời quá khứ của quý vị! Trong đời quá khứ, quý vị tu thiện tích đức, đời này mới được làm thân người hưởng phước. Trong quá khứ đã tu tập có phước báo [nên mới được như vậy]. Nếu trong đời quá khứ chẳng tu phước, sẽ phải chịu quả báo bần tiện. Vì thế, cùng được làm thân người, [mà có] giàu, nghèo, sang, hèn, yểu, thọ, thảy đều chẳng giống nhau. Trong Phật pháp, đã nói rất rõ ràng, cùng được làm thân người như nhau, tức là dẫn nghiệp tương đồng, [nghiệp ấy] dẫn dắt chúng ta đến thọ sanh trong loài người, nghiệp ấy (dẫn nghiệp) giống như nhau, nhưng mãn nghiệp khác nhau. Mãn nghiệp là nghiệp thiện hay ác, tức là trong đời quá khứ đã tạo nghiệp thiện hay ác khác nhau!
Hiểu rõ chân tướng sự thật này, tự nhiên sẽ hiểu rõ ý nghĩa của đời người là gì! Điều quan trọng nhất trong đời người là tăng cao đức hạnh của chính mình, nâng cao trí huệ của chính mình, từng bước tiến cao hơn trong mười pháp giới. Có ý nghĩa ấy! Đó là “có giá trị”. Quyết định chớ nên ở trong thế gian này tranh giành tiếng tăm, lợi dưỡng, tranh giành vinh hoa, phú quý. Thưa cùng chư vị, sẽ tranh chẳng được. Trong mạng có, quyết định sẽ có. Trong mạng chẳng có, dùng phương pháp gì để tranh lấy, cũng đều chẳng giành giật được! Do vậy, nói rõ ràng, nói minh bạch chuyện này, vẫn là Phật pháp!
Đoạn kinh văn này, nói đến chỗ rốt cùng, đức Phật dạy chúng ta “tam nghiệp ly quá” (ba nghiệp lìa lỗi). Quý vị thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã nói. Các đồng học trong Tịnh Tông chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ nhiều nhất. Khá nhiều đồng học dùng kinh ấy làm kinh nhật tụng, tốt lắm! Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá” (Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi lầm của người khác), xếp chuyện này làm điều thứ nhất. Quý vị hãy ngẫm xem: Do ý nghĩa gì vậy? Thông thường, trong kinh luận, hễ nói tới ba nghiệp, đều là [nói theo thứ tự] thân, khẩu, ý. Kinh Vô Lượng Thọ xếp khẩu nghiệp làm đầu, thứ hai là nói tới thân, thứ ba là nói tới ý. Đấy là chỉ rõ: Phàm phu dễ tạo nghiệp nhất là khẩu nghiệp, hữu ý hay vô tình! Phê phán, hủy báng người khác, bịa đặt đồn thổi, những tội nghiệp ấy rất nặng! Chẳng biết tự mình phản tỉnh, chuyên môn làm khó dễ người khác! Vì thế, đức Phật xếp điều này làm điều đầu tiên. Ngài dạy chúng ta “thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá”. Người khác có lỗi lầm, chớ nên nói! Thấy người khác phạm lỗi lầm, quý vị thấy ngay cả Đệ Tử Quy cũng dạy chúng ta như vậy, lập tức phải phản tỉnh xem ta có phạm lỗi ấy hay không? “Hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn” (Hễ có bèn sửa đổi, không có bèn càng cố gắng hơn). Hễ có, ngay lập tức sửa đổi; chẳng có thì phải cổ vũ chính mình, chớ nên phạm lỗi lầm ấy!
Đặc biệt là trong phẩm kinh này, tức phẩm Tịnh Hạnh, làm thế nào để trong cảnh giới thuận hay nghịch, trong duyên thiện hay ác, ba nghiệp lìa lỗi để trở thành đức? Ở đây, Phật, Bồ Tát chỉ dạy chúng ta. Chúng ta phải thật sự mong học, thật sự mong thành tựu, học bắt đầu từ chỗ nào? Tôi đã nói rất nhiều, nhất định phải học từ Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy có ba trăm sáu mươi câu, mỗi câu gồm ba chữ, tổng cộng là một ngàn lẻ tám mươi chữ. Phải thực hiện từng câu, từng chữ, thật sự làm được. Xác thực là mô tả giống hệt cuộc sống, ngôn hạnh, hành vi, khởi tâm động niệm của chúng ta, ghi chép lại đúng như vậy. Người ấy đã trọn đủ cơ sở để “thành đức”. Đại thánh đại hiền thế gian và xuất thế gian đều lấy những điều này làm cơ sở, kiến lập Thập Thiện Nghiệp từ cơ sở này. Chư vị nhất định phải biết: Nói theo Phật pháp, Thập Thiện Nghiệp là pháp nhân thiên, Thượng Phẩm Thập Thiện sanh lên trời, sanh vào Dục Giới Thiên. Trung Phẩm Thập Thiện được làm thân người. Hạ Phẩm Thập Thiện là A-tu-la, la-sát, có phước báo. Phước báo do đâu mà có? Do tu từ đời quá khứ, chúng ta chớ nên không biết điều này!
Chẳng có Đệ Tử Quy, Thập Thiện sẽ chẳng làm được. Chẳng có Thập Thiện, Tam Quy, Ngũ Giới sẽ làm không được. Chẳng có Tam Quy, Ngũ Giới, các đồng học tại gia sẽ chẳng hành Bồ Tát Giới được. Nói tới giới luật, chính là nói tới đức hạnh. Cho nên chúng ta phải thật sự làm, làm bắt đầu bằng Đệ Tử Quy, nỗ lực dùng một năm hoặc nửa năm để thực hiện. Đã có cơ sở Đệ Tử Quy, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, sẽ có phần trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ, thật sự có thể sanh về đó được. Nếu chúng ta ngay cả Đệ Tử Quy cũng làm không được, dẫu niệm Phật hiệu nhiều đến mấy, mỗi ngày niệm mười vạn tiếng, hai mươi vạn tiếng, sẽ như cổ nhân đã nói: “Gào toạc cổ họng vẫn uổng công”, chẳng thể vãng sanh! Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Đức Thế Tôn giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị thấy ba kinh Tịnh Độ nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, chữ “thiện” ấy trọn đủ Thập Thiện. Đương nhiên là Thượng Phẩm Thập Thiện, chẳng phải là Trung Phẩm, vì Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là “chư thượng thiện nhân, câu hội nhất xứ” (các vị thượng thiện nhân hợp lại cùng một chỗ). Thượng Thiện: Dùng Đệ Tử Quy làm cơ sở để tu Thập Thiện Nghiệp thì là Thượng Thiện. Chẳng có Thập Thiện Nghiệp Đạo, chỉ có Đệ Tử Quy, trong Phật pháp có thể nói là Trung Phẩm Thiện, hoặc Trung Hạ Thiện, chẳng phải là Thượng Thiện. Nó (Đệ Tử Quy) kết hợp cùng Thập Thiện Nghiệp, sẽ biến thành Thượng Thiện. Quý vị nghĩ xem: Chuyện này quan trọng lắm, chúng ta nhất định phải làm từ chỗ này!
Hiện thời là thời kỳ Mạt Pháp, kinh Lăng Nghiêm đã nói rất hay: “Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”. Chúng ta học Phật thì học ở nơi đâu? Ở đâu là đạo tràng Phật thật sự? Thưa cùng chư vị, Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, đã sớm trao môn phương tiện cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta thành tâm thành ý đoạn ác tu thiện, chỗ nào cũng đều là đạo tràng. Phật pháp trọng thực chất, chẳng trọng hình thức. Ví như Tam Quy, Ngũ Giới, cho đến Bồ Tát Giới, chính mình có thể đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát để phát thệ thọ giới, sẽ có thể đạt được, nhưng đối với giới xuất gia thì không được! Giới xuất gia nhất định phải là tam sư thất chứng, tối thiểu phải có năm vị tỳ-kheo, hoặc ba vị tỳ-kheo, hoặc hai vị tỳ-kheo chứng minh. Viên mãn là mười vị pháp sư truyền giới. Tam sư thất chứng, tôn chứng A Xà Lê. Nhưng có tìm được mười vị pháp sư hay chăng? Đã chẳng tìm được từ lâu rồi! Lời này do chính Ngẫu Ích đại sư đã nói vào đời Minh. Ngẫu Ích đại sư nói: “Sau triều đại Nam Tống, Trung Hoa chẳng có tỳ-kheo nữa!” Người xuất gia thọ giới xuất gia là hình thức, có hình dáng tỳ-kheo, chẳng có thực chất của tỳ-kheo! Vì sao? Chẳng hành trì giới luật!
Ngẫu Ích đại sư cũng là Phật, Bồ Tát tái lai, chẳng phải là phàm nhân. Quý vị xem bản chú giải Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngài. Nói thật thà, một đời này, quyển sách tôi thích đọc nhất là chính là cuốn Yếu Giải của lão nhân gia, đúng là viết hay quá, quá viên mãn! Trong quá khứ, tôi ở Mỹ, đã có người từng hỏi tôi. Người ấy nói: “Thưa pháp sư! Kinh điển trong Đại Tạng Kinh nhiều ngần ấy, nếu chỉ cho thầy học một bộ kinh, thầy sẽ chọn bộ nào?” Tôi chẳng có mảy may đắn đo, [đáp] “tôi chọn Di Đà Kinh Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư”. Tôi thích bộ kinh ấy, tôi cũng rất ưa thích giảng bộ kinh ấy. Trong một đời, giảng kinh nhiều ngần ấy, đều là vì người khác khải thỉnh, yêu cầu, chẳng phải là do ý mình. Nếu do ý mình, suốt một đời, tôi sẽ giảng Di Đà Kinh Yếu Giải. [Tác phẩm ấy] hay đến mức độ nào? Ấn Quang đại sư tán thán, quý vị thấy trong Văn Sao, Ngài không chỉ nói một lần. Tổ Ấn Quang nói: “Dẫu cổ Phật tái lai viết chú giải cho kinh Di Đà, vẫn chẳng thể hay hơn được”. Lời ấy tán thán đến cùng cực! Phật đến viết chú giải cho kinh Di Đà, đều chẳng có cách nào viết hay hơn tổ Ngẫu Ích được! Chúng ta hãy nghĩ xem: Rất nhiều người biết tổ Ấn Quang là Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại Thế Chí Bồ Tát hóa thân tái lai. Lời ấy thốt từ miệng của Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngẫu Ích đại sư là hạng người nào? Nếu Ngài chẳng phải là A Di Đà Phật tái lai, khẳng định sẽ là Quán Thế Âm Bồ Tát tái lai. Nếu không, sẽ chẳng viết được, chẳng thể viết hay như thế được! Chúng ta chớ nên không biết.
Do vậy, học Giáo, tu hành quý ở chỗ thâm nhập một môn, huân tu lâu dài. Nhưng trong thời kỳ Mạt Pháp, thật ra, người có thể hiểu Yếu Giải cũng chẳng nhiều lắm. Thuận tiện nhất vẫn là kinh Vô Lượng Thọ do lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập, dễ hiểu! Lại còn giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới rất tường tận. Bản kinh ấy là sách hướng dẫn về Tây Phương Cực Lạc thế giới, là sách thuyết minh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta phải biết tôn trọng, phải nên nghiêm túc học tập. Bắt đầu làm từ chỗ nào? Nhất định phải thực hiện từ “tam nghiệp ly quá thành đức”. Bước ban đầu, phương tiện sơ khởi là Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, đó là tại gia cư sĩ; sau đấy mới thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới, niệm Phật thật sự sanh về Tịnh Độ. Nếu là người xuất gia, còn phải thêm một bộ Sa Di Luật Nghi, mười giới, hai mươi bốn môn oai nghi. Ngẫu Ích đại sư nêu gương cho chúng ta thấy. Ngài xuất gia, thọ giới tỳ-kheo, thọ giới Bồ Tát. Sau khi đã thọ bèn thoái lui giới tỳ-kheo. Vì sao? Giới tỳ-kheo chẳng làm được. Hơn nữa, khi truyền pháp của giới tỳ-kheo, chẳng có năm vị tỳ-kheo thật sự! Lão nhân gia bảo, ở Trung Hoa từ sau đời Nam Tống trở đi, chẳng có tỳ-kheo thật sự, toàn là danh tự tỳ-kheo, hữu danh vô thật! Vì thế, lão nhân gia thoái lui tỳ-kheo giới, suốt đời tự xưng là Bồ Tát Giới sa-di, danh xứng với thật, đúng thật, chẳng giả.
Một người đại tu hành như vậy, một người tu hành thật sự có thành tựu như vậy thị hiện như thế đó. Học trò của Ngài (học trò của Ngẫu Ích đại sư) là Thành Thời, chúng ta thường nói là “đồ đệ”. Pháp sư Thành Thời cũng rất lỗi lạc. Sau khi Ngẫu Ích đại sư viên tịch, đối với trước tác trong suốt một đời của lão nhân gia, pháp sư Thành Thời đã thay Ngài chỉnh lý, thay Ngài khắc ván lưu thông. Công lao ấy rất lớn! Do sư phụ đã xưng là Bồ Tát Giới sa-di, chính pháp sư cũng không dám xưng là sa-di. Ta thấy trong văn chương của Ngài, cuối bài Ngài ghi là “Bồ Tát Giới xuất gia ưu-bà-tắc”, tức là cư sĩ xuất gia. Ưu-bà-tắc là tại gia cư sĩ, Ngài thêm vào hai chữ “xuất gia”, thành “xuất gia ưu-bà-tắc”. Ngài là người đầu tiên dùng chữ “Bồ Tát Giới xuất gia ưu-bà-tắc”, quý vị thấy cổ nhân [làm như vậy đó].
Vào những năm đầu thời Dân Quốc, cũng có vị đại đức dùng kiểu xưng hô ấy, chính là Hoằng Nhất đại sư. Chư vị đều biết: Hoằng Nhất đại sư nghiên cứu giới luật, lão nhân gia cũng tự xưng Bồ Tát Giới xuất gia ưu-bà-tắc. Đều là thị hiện cho người đời sau thấy, khiến cho người đời sau biết hổ thẹn. Nhưng trên hình thức, có cần phải thọ giới hay không? Phải thọ! Chẳng thọ, sẽ có những kẻ hiềm nghi, hủy báng, họ tạo tội nghiệp. Vì chẳng để cho họ tạo khẩu nghiệp, chúng ta cũng thọ. Tuy thọ, nhưng chính mình nhất định phải hiểu rõ ràng, giống như Ngẫu Ích đại sư đã nói, quyết định chẳng thể đắc giới. Đấy là sự thật trong hiện tiền, tôi nói cho các đồng học biết như vậy.
Ngoài ra, muốn thật sự thọ trì giới luật, lúc tôi mới học Phật, [khi ấy tôi] hai mươi sáu tuổi, Chương Gia đại sư dạy tôi, Ngũ Giới, Thập Giới, Bồ Tát Giới, đều có thể đối trước tượng Phật, tự mình phát nguyện thọ trì. Chương Gia đại sư bảo tôi: “Anh phải thật sự hành! Chẳng cần thọ toàn bộ, điều nào anh có thể làm được, anh bèn thọ điều ấy. Có thể hành được hai điều, anh bèn thọ hai điều. Mọi người chẳng thừa nhận, nhưng Phật, Bồ Tát thừa nhận, thần hộ pháp thừa nhận”. Chương Gia đại sư dạy tôi điều ấy. Lần đầu tiên, tôi nghe một câu nói như thế này: “Phật giáo trọng thực chất, không coi trọng hình thức”, Chương Gia đại sư nói [như thế đó]. Sau này, ở Tân Gia Ba, tôi gặp tổng thống Nạp Đan[3], chúng tôi dùng cơm với nhau. Ông ta bảo tôi, ông ta theo Ấn Độ giáo, nguyên quán cũng là người Ấn Độ. Ông bảo: “Tôi phục Phật giáo nhất. Phật giáo trọng thực chất, không coi trọng hình thức”. Tôi nghe câu ấy mà rởn da gà, ông ta là nội hành (tu tập ngấm ngầm bên trong), chẳng phải là ngoại hành, thật sự thấu hiểu, nghiễm nhiên nói cùng một câu với Chương Gia đại sư!
Do vậy, chúng ta phải hiểu học Phật thì phải thật sự hành, coi trọng thực chất, không coi trọng hình thức. Bản thân ta thọ giới, cũng chẳng cần phải bảo cho người khác biết. Đối với Ngũ Giới, có thể làm được mấy điều, bèn thọ mấy điều. Chính mình đối trước Phật, Bồ Tát tuyên thệ, quyết định chẳng vi phạm! Người xuất gia cũng giống như vậy, Sa Di Luật Nghi là cơ sở, có thể đối trước Phật, Bồ Tát, tự mình thọ. Giới tỳ-kheo, giới tỳ-kheo-ni thì không được, nhất định là phải có tam sư thất chứng truyền trao. Bồ Tát Giới thì có thể, có thể đối trước Phật, Bồ Tát, tự mình tuyên thệ thực hiện. Mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới vốn dành cho người xuất gia thọ trì. Các đồng học tại gia thọ Bồ Tát Giới quá nửa là chọn hành theo kinh Anh Lạc. Anh Lạc Bồ Tát Giới gồm sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh. Bởi lẽ, giới điều ít hơn, gần như ít hơn một nửa, gồm sáu điều trọng giới và hai mươi tám điều khinh giới. Chúng ta đọc giới bổn ấy, điều nào có thể thọ thì chúng ta đối trước Phật, Bồ Tát tuyên thệ để thọ. Làm không được, chớ nên miễn cưỡng. Làm không được, cứ miễn cưỡng thọ, quý vị thường phạm giới, phá giới, điều ấy không tốt! Đó là tội càng thêm tội! Phải hiểu điều này. Bất luận quý vị là tại gia hay xuất gia, giới luật cơ sở nhất chính là Đệ Tử Quy. Chẳng thể không vun bồi kỹ lưỡng cơ sở này!
Do vậy, nói đến chuyện “lìa lỗi thành đức”, trong đức có trí huệ, có đức năng, có tướng hảo, không gì chẳng trọn đủ. Những thứ ấy vốn sẵn có trong tự tánh, chúng sanh và Phật chẳng hai! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng và chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là lỗi, lầm lỗi! Tam nghiệp lìa lỗi, trí huệ và đức năng trong tự tánh của chúng ta hiện tiền. Vì thế, hai mươi điều vấn đáp là tổng vấn (câu hỏi tổng quát), bao gồm mười câu. Chúng ta có thể xem trong phần kinh văn tiếp theo.
Đoạn thứ hai:
(Sớ) Đắc kham truyền pháp khí.
(疏)得堪傳法器。
(Sớ: Đáng kham làm pháp khí truyền thừa).
Chuyện này chẳng dễ dàng! Đây là nói về chuyện gì? Truyền nhân của Phật! Phật pháp đời đời truyền thừa, quý vị phải hội đủ điều kiện để có thể tiếp nhận, truyền thừa. Phải có đủ những điều kiện nào? Đương nhiên là nhất định phải trọn đủ “tam nghiệp ly quá” trong đoạn thứ nhất. Để truyền thừa, trừ điều này ra, điều quan trọng nhất là trí huệ! Trí huệ đã khai. Trí huệ chẳng khai, sẽ chẳng thể truyền pháp. Chúng ta thấy một thí dụ rất hay trong Thiền Tông: Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở Hoàng Mai nhiều năm, gặp Huệ Năng bèn đem y bát truyền cho Huệ Năng. Thần Tú theo Tổ nhiều năm, là đệ tử thượng thủ trong các đệ tử của Tổ, thường thay Tổ giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Y bát của Ngũ Tổ chẳng truyền cho Ngài, mà truyền cho Huệ Năng, do nguyên nhân nào? [Thần Tú] chẳng khai ngộ, chẳng kiến tánh. Vì thế, tiêu chuẩn đáng kham làm pháp khí truyền thừa chính là minh tâm kiến tánh; đó là Thiền Tông. Giáo Hạ thì đại khai viên giải, người ấy mới có năng lực tiếp nhận và truyền thừa đại pháp. Về sau, Lục Tổ chỉ truyền pháp, không truyền y bát. Pháp là gì? Dùng tâm ấn tâm, chứng minh cho quý vị, chứng minh quý vị thật sự khai ngộ!
Trong thế giới hiện thời, còn có hạng người ấy hay không? Chúng tôi chẳng dám nói. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã từng bàn với tôi về vấn đề này. Cụ nói trong xã hội hiện tiền, so trong thời kỳ Mạt Pháp dài một vạn năm, đã một ngàn năm trôi qua. Hiện thời bắt đầu một ngàn năm thứ hai của thời Mạt Pháp. Theo ghi chép của người Hoa, [kể từ khi] Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, đến nay là ba ngàn lẻ ba mươi ba năm. Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp một vạn năm. Một ngàn năm thứ nhất của thời Mạt Pháp đã qua, nay là năm thứ ba mươi ba trong một ngàn năm thứ hai. Cụ Hoàng bảo tôi: “Bất luận là Hiển Giáo hay Mật Giáo, đều chẳng có người khai ngộ. Đắc Định thì còn có thể có, chứ khai ngộ chẳng có!” Đối với chuyện đắc Định, phải biết: Có Thiền Định thế gian và Thiền Định xuất thế gian khác nhau. Thiền Định thế gian tu thành công sẽ đến nơi đâu? Đến Sắc Giới Thiên. [Đắc] Tứ Thiền Bát Định, sanh vào Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới, chẳng thoát khỏi lục đạo. Để thoát khỏi lục đạo, phải tu Thiền Định xuất thế gian, chỉ sợ là hiện tiền cũng chẳng có. Phải hiểu loại thường thức ấy.
Có rất nhiều người không biết, thấy kẻ khác nhập Định, nhập Định suốt mười ngày hoặc nửa tháng, hoặc một tháng, hai tháng. Người ấy ngồi đó, như như bất động, mà cũng chẳng ăn, chẳng uống. Chờ đến khi người ấy xuất Định, cho biết: “Cảm thấy dường như chỉ có mấy phút”. Trên thực tế, đã là mười ngày, nửa tháng, người ấy cảm thấy chỉ là mấy phút. Đó là nhập vào một thời gian và không gian khác, chiều thời gian và không gian khác nhau! Tưởng là người ấy đã đắc đạo. Chẳng phải vậy, cách biệt đắc đạo và chứng quả còn xa lắm! Vì thế, nếu quý vị chẳng thông hiểu giáo lý trong Phật pháp, sẽ tạo thành hiểu lầm hết sức dễ dàng. Có những kẻ do tu thành công, có những người là bẩm sinh, hiện thời, nói là “công năng đặc dị”. Trong Phật pháp thì gọi là “thần thông”. Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ thông, cao hơn chút nữa là Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông. Người có năng lực ấy có phải là đã chứng quả hay không? Cũng chưa chắc! Quý vị không hiểu Phật pháp, sẽ chẳng có cách nào phân biệt. Thấy những người thần kỳ ấy, tưởng họ là Phật sống tái lai. Sai mất rồi!
Phật pháp, chư Phật, Bồ Tát, A La Hán đều có thần thông, [nhưng đều] không dùng. Vì sao chẳng dùng thần thông để truyền pháp? Vì đối với thần thông, yêu ma quỷ quái đều có thần thông. Trừ Lậu Tận Thông ra, [những món thần thông khác], bọn chúng đều có. [Sử dụng thần thông] giống như nhau, chánh pháp và tà pháp chẳng có cách nào phân biệt. Vì thế, đức Phật dùng giảng kinh để dạy học, yêu ma quỷ quái chẳng thể làm như vậy. Biến hiện pháp thuật, biến hiện ma thuật thì chúng nó có thể làm, chứ giảng kinh, thuyết pháp, bọn chúng chẳng thể. Vì lẽ này, đức Phật dùng phương pháp ấy (thuyết pháp) để giáo hóa chúng sanh, chẳng dùng thần thông. Ngẫu nhiên dùng thần thông để bổ trợ thì được, chẳng thể dùng nó làm phương thức chủ yếu để giáo học, chẳng thể được! Chúng ta chớ nên không biết chuyện này!
Căn bản nhất của việc truyền pháp là gì? Phải nên biết điều này, cơ sở [căn bản] nhất là trọn đủ Tam Học Giới, Định, Huệ, trì Giới, tu Định, phát Bồ Đề tâm. Trong Tịnh Tông chúng ta, thật sự “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đấy là “đắc kham truyền pháp khí”, hạng người ấy quyết định vãng sanh trong một đời này. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng cần nghĩ phẩm vị cao hay thấp, không cần! Ngẫu Ích đại sư đã vì chúng ta thị hiện, chúng ta phải ghi nhớ giáo huấn của lão nhân gia. Ngài thường nói: “Nếu tôi chỉ có thể hạ hạ phẩm vãng sanh trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ, tôi đã rất thỏa mãn”. Ngẫu Ích đại sư thị hiện [như vậy đó]. Câu nói ấy rất có ý nghĩa. Có cần phải tranh giành phẩm vị hay không? Chẳng cần! Tự nhiên tăng tấn. Trong Phật pháp, chớ nên có ý niệm cạnh tranh. Nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, quý vị thảy đều buông xuống. Phật pháp là pháp bình đẳng, Tây Phương Cực Lạc thế giới là một thế giới bình đẳng. Tuy nó xác thực có ba bậc chín phẩm. Bốn cõi, ba bậc, chín phẩm thật sự có, giống như thế giới Hoa Tạng xác thực là có bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, nhưng như thế nào? Bình đẳng! Vì sao bình đẳng? Vì họ chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Do vậy, chẳng thể nói những phẩm vị ấy là có, mà cũng chẳng thể nói chúng chẳng có. Quý vị phải liễu giải chân tướng sự thật. Đấy là đoạn thứ hai. Đoạn thứ ba là nói:
(Sớ) Thành tựu chúng huệ.
(疏)成就眾慧。
(Sớ: Thành tựu các trí huệ).
Điều này rất trọng yếu. “Chúng huệ” là vô lượng trí huệ. Chúng ta vừa thấy câu này liền hiểu: Thành tựu viên mãn Hậu Đắc Trí, cũng là “phương tiện thiện xảo” như giáo pháp Đại Thừa thường nói. Căn Bản Trí là một, như nhau. Hậu Đắc Trí vô lượng vô biên. Giống như một cội đại thụ, Căn Bản Trí là cội rễ của nó, Hậu Đắc Trí là gì? Là cành, lá, hoa, quả của nó, vô lượng vô biên. Căn Bản Trí do từ Thiền Định mà đắc. Định sanh ra Huệ. Nhân Giới đắc Định, nhân Định khai Huệ. Hậu Đắc Trí là Căn Bản Trí trong các thứ cơ duyên sai khác bèn khởi tác dụng, phương tiện thiện xảo. Vì thế, trí huệ mới có thể giải quyết hết thảy vấn đề. Bất cứ vấn đề phức tạp nào, hễ gặp Bát Nhã đều giải khai, chẳng có gì không giải khai được. Cuối Thập Ba La Mật của Văn Thù Bồ Tát có Phương Tiện, Nguyện, Lực và Trí, bốn thứ ấy hợp thành phương tiện thiện xảo, là Quyền Trí, là Hậu Đắc Trí. Câu thứ tư:
(Sớ) Cụ đạo nhân duyên.
(疏)具道因緣。
(Sớ: Trọn đủ nhân duyên tu đạo).
“Cụ” (具) là trọn đủ, “đạo” (道) là tu đạo. Trọn đủ nhân duyên tu đạo, điều này hết sức trọng yếu! Quý vị thấy trong kinh Di Đà, đức Phật đã dạy: “Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Đối với thiện căn, tôi đã giảng kinh như thế nhiều năm, tôi nói khá rõ ràng, dễ hiểu. Thiện căn là gì? Có thể tin, có thể hiểu, đó là thiện căn. Đã tiếp xúc, ta tin tưởng, chẳng hoài nghi. Đọc kinh, nghe kinh, ta có thể lý giải. Đó là thiện căn. Phước đức là gì? Phước đức là có thể hành, có thể chứng. Ta có thể đem những điều ta tin, ta hiểu, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, sử dụng trong công việc, dùng trong xử sự, đãi người, tiếp vật, phước đức đấy! Nhân duyên thì quá nửa là nói tới tăng thượng duyên và thân nhân duyên thảy đều có. Trong nhân duyên, quan trọng nhất là thầy. Thầy có thể gặp, chứ chẳng thể cầu. Thứ hai là đồng học, thứ ba là đạo tràng. Nếu duyên thù thắng, há có lẽ nào chẳng thành công? Khá nhiều người thật sự trọn đủ thiện căn và có phước đức, nhưng nhân duyên không trọn đủ, thường thoái chuyển, công phu tu học bị gián đoạn nửa chừng, hoặc là đổi sang học theo tôn giáo khác. Chúng ta cũng thường thấy, thường tiếp xúc chuyện này. Nay đã hết thời gian rồi! Chúng tôi giảng tới chỗ này!
**
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Chúng ta lại tiếp tục xem phần Sớ của Thanh Lương đại sư, tức đoạn thứ năm trong mười một đoạn [của phần Thích Văn].
(Sớ) Ngũ, ư pháp thiện xảo.
(疏)五、於法善巧。
(Sớ: Năm, thiện xảo đối với pháp).
Thiện xảo là đại dụng của trí huệ. “Thiện” (善) là chẳng có lầm lỗi, “xảo”
(巧) là rất hay khéo, thành tựu viên mãn. Pháp bao quát quá rộng. Bất luận là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, thường nói là “nghịch thuận giai phương tiện” (nghịch hay thuận đều là phương tiện). Đối với thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, trong ấy chỉ cần có trí huệ Bát Nhã, sẽ đều có thể đạt tới thiện xảo tột bậc. Đến phần sau chúng ta sẽ thấy. Thứ sáu…
(Sớ) Tu Niết Bàn nhân.
(疏)修涅槃因。
(Sớ: Tu cái nhân Niết Bàn).
Đây là chính mình tu hành đạt tới chỗ tột đỉnh, đấy là nói về tự tánh. Niết Bàn (Nirvāṇa) là tiếng Phạn, có rất nhiều cách dịch, chúng ta chớ nên không biết. Cách dịch thường thấy nhất là Diệt. Trong Tứ Đế “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, Diệt chính là Niết Bàn. Cái nhân của Niết Bàn là tu cái nhân bất sanh bất diệt. Nói theo nguyên tắc, nguyên lý tổng quát, chính là “buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”; đấy là cái nhân của Niết Bàn. Chuyện này nói thì dễ, thực hiện đúng là rất khó! Bởi lẽ, Niết Bàn có Đại, Tiểu, [tức là] Tiểu Thừa Niết Bàn và Đại Thừa Niết Bàn khác nhau. Tiểu Thừa Niết Bàn chỉ đoạn Kiến Tư, tức là đoạn Kiến Tư phiền não. Kinh Hoa Nghiêm gọi Kiến Tư là chấp trước, [đoạn Kiến Tư là] đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng chấp trước. Vì sao không chấp trước? Người ấy có trí huệ, thật sự hiểu rõ “vạn pháp đều Không, phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, cho nên không chấp trước. Chấp trước là sai lầm, kinh Bát Nhã đã nói: “Hết thảy các pháp vô sở hữu, rốt ráo không, chẳng thể được”.
Các nhà khoa học hiện thời đã phát hiện vật chất do đâu mà có? Từ trong Không sanh ra Có, sát-na chẳng ngừng. Mấy năm trước, các nhà khoa học đã phát hiện điều này. Phát hiện này rất tương ứng với những điều đức Phật đã dạy trong kinh Bát Nhã. Trong kinh, đức Phật chẳng dùng danh từ “vật chất”, mà dùng gì? Dùng chữ Sắc. Sắc là vật chất. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc và Không chẳng hai. Đấy chính là như khoa học nói về Không, Hữu, Không và Hữu chẳng hai, Hữu là từ trong Vô mà sanh Hữu. Vật chất là từ trong Vô mà sanh Hữu, thời gian tồn tại của nó quá ngắn, diệt mất trong sát-na, diệt rồi, nó lại sanh khởi. Vì thế, những tướng mà chúng ta thấy là tướng liên tục, giống như nay chúng ta đang nhìn vào màn hình TV. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ hiểu sắc tướng trong màn hình là chuyện như thế nào, chính là vô số điểm hợp thành tia, các tia hợp thành hình ảnh. Tốc độ quá nhanh, hiện ra những hình ảnh ấy, chúng ta bị chúng nó mê hoặc, tưởng chúng nó là thật, chẳng biết căn bản là chúng nó chẳng tồn tại. Bốn câu ấy của Tâm Kinh đặt thành một cặp câu đối trước TV sẽ là hay nhất, không có gì hay hơn được nữa! “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”. Đấy chính là chân tướng của màn hình TV.
Các tướng trong màn hình TV là như thế; sau đấy, quý vị mới quay lại suy nghĩ: Sâm la vạn tượng trong hiện tiền có bao giờ lại chẳng phải là như thế? Nếu ai thật sự khế nhập cảnh giới này, sẽ còn có gì chẳng buông xuống được! Buông xuống chính là cái nhân của Niết Bàn. Tánh tịnh Niết Bàn, Niết Bàn chẳng phải từ bên ngoài mà có, vốn sẵn là như vậy. Hết thảy các pháp bất sanh bất diệt, sanh diệt là duyên, chẳng phải là tánh, Pháp Tánh bất sanh bất diệt. Do vậy, duyên sanh, duyên diệt, duyên có sanh diệt. Tánh chẳng có sanh diệt. Sanh diệt và bất sanh diệt là một, không hai, đấy mới là thật sự khế nhập cảnh giới Niết Bàn. Quý vị coi sanh diệt và chẳng sanh diệt như hai chuyện; đó là phàm phu. Lục đạo phàm phu đều có kiến giải này, đều có cách nhìn ấy, sai mất rồi, đã thấy sai rồi!
Đoạn thứ bảy:
(Sớ) Mãn Bồ Tát hạnh.
(疏)滿菩薩行。
(Sớ: Viên mãn hạnh Bồ Tát).
Bồ Tát tu lục độ vạn hạnh. Bồ Tát Hạnh vô lượng vô biên, quy nạp lại sẽ không ngoài sáu loại lớn ấy. Đó là chân tướng sự thật, chẳng thể không nói rõ ràng, chẳng thể không nói minh bạch! Bồ Tát hạnh là thật sự rốt ráo, trí huệ và phước đức đều viên mãn, nhưng phàm phu chẳng biết, phàm phu đang mê, “khởi tâm động niệm, không gì chẳng phải là tội”, kinh Địa Tạng đã dạy như thế. Nhưng người hiện thời chẳng đọc kinh Phật, chẳng biết tới chân tướng của vũ trụ và nhân sinh do những bậc đại thánh đại hiền, chư Phật, Bồ Tát đã nói, họ không biết. Hoàn toàn tùy thuận phiền não và tập khí của chính mình làm chủ, há có lẽ nào chẳng tạo tội nghiệp? Người thế gian dùng gì để làm tâm? Tham, sân, si, mạn. Tâm tham (tham mà chẳng chán), sân khuể, ghen tỵ, ngu si, ngạo mạn. Giáo pháp Đại Thừa gọi những điều này là căn bản phiền não. Phiền não do đâu mà có? Do mê mất tự tánh. Trong tự tánh vốn trọn đủ viên mãn Giới, Định, Huệ. Mê mất tự tánh, biến Giới thành tham (xan tham), biến Định thành tán loạn, biến Huệ thành ngu si, biến khiêm đức thành ngạo mạn. Vì lẽ đó, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Phiền não chính là Bồ Đề”, Thể của phiền não và Bồ Đề là một. Mê thì gọi là phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi; đã giác bèn gọi là trí huệ, đức hạnh, Giới, Định, Huệ Tam Học.
Giáo pháp Đại Thừa đã giảng rất rõ ràng, rất minh bạch, chúng ta phải tin, phải giải, phải hành, phải chứng. “Chứng” có nghĩa là gì? “Chứng” là như trước kia Phương tiên sinh đã nói: “Sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”, quý vị thật sự đạt được. Ví như người trong thế gian tham tài, bất luận là Trung Hoa hay ngoại quốc, cổ nhân hay người hiện thời, có ai chẳng tham tài? Nhưng chúng ta có tự hỏi chính mình hay chăng? Của cải có thể tham được hay không? Nếu có thể tham được, do ai nấy đều có tâm tham, ai nấy đều phát tài cả rồi! Vì sao có người phát tài, có kẻ bần cùng? Có thể thấy: Của cải chẳng do tham mà có. Dùng cái tâm tham, chắc chắn chẳng đạt được của cải! Những gì quý vị tham được vẫn y như cũ là những thứ vốn có trong mạng. Người Hoa nói phải tin vào vận mạng: “Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng phải là tiền định”. Kinh Cổ Lan (Q’uran) của đạo Y Tư Lan (Islam) cũng nói “sáu niềm tin”, trong ấy có một điều là “tin vào tiền định”. Chân Chúa (Allah) sẽ dựa theo tiền định của mỗi người mà an bài cho quý vị hưởng phước hay thọ tội. Nói kiểu ấy hay lắm, nói rõ: Trong đời mỗi người, hưởng phước cũng thế, mà chịu tội cũng thế, đều do Allah an bài. Chẳng phải do Allah yêu hay ghét quý vị, mà là thuận theo định nghiệp trong đời trước của quý vị. Lời này nói hay lắm!
Người Hoa nói tới vận mạng, trong mạng của quý vị có của cải, có thông minh, trí huệ, chức vị hay không? Làm quan thì trong mạng của quý vị có quan ấn hay không, đều hết sức có lý! Đời trước chẳng tu, đời này mong đạt được quyền lực, quan chức, của cải, há có lẽ ấy? Đạt được là do đã tu! Cách tu như thế nào? Trong Lục Ba La Mật của Bồ Tát Hạnh, điều thứ nhất là bố thí, tu bố thí. Bỏ ra của cải [để bố thí], quý vị sẽ đạt được của cải. Do vậy, người trong vận mạng có tài sản sung túc, đó chính là quả báo đạt được do kiếp trước tu tài bố thí. Trong mạng có của cải to lớn, bất luận theo đuổi nghề nghiệp gì, tài nguyên cuồn cuộn đưa tới. Trong khá nhiều kinh luận, đức Phật đã thường dạy, quý vị có thể tin tưởng hay không? Quý vị có chịu bỏ ra của cải để bố thí hay không? Người ta thường nói: Kiếm được tiền rất khó khăn, chẳng muốn thí xả. Hoặc là nghe trong Phật pháp có nói: “Bỏ một, được báo cả vạn”, hay quá! Ta liền bỏ ra một đồng, coi thử có phải là ngày mai sẽ có một vạn đồng đưa lại hay không? Ôm lòng hoài nghi, lòng cầu may, lòng lươn lẹo chụp giựt, sẽ chẳng đạt được phước báo đâu nhé! Không chỉ là chẳng có công đức, mà phước đức cũng chẳng có. Nhất định là phải dùng cái tâm chân thành, phúc hậu! Ta bỏ ra tiền của, chẳng cầu quả báo, mới đạt được nhiều. Bỏ tiền của với hy vọng sẽ thu được bao nhiêu quả báo, những gì quý vị có được là những gì vốn có trong mạng, luôn luôn là hữu hạn, chẳng phải là vô hạn. Chẳng có mong cầu, sẽ là vô hạn; có mong cầu, bèn hữu hạn. Do vậy, phải tin tưởng.
Do pháp bố thí, đạt được thông minh, trí huệ. Do vô úy bố thí, được khỏe mạnh, sống lâu. Trong vô úy bố thí, đơn giản nhất, thuận tiện nhất là ăn chay. Ta đã hiểu đạo lý này, từ nay trở đi, chẳng ăn thịt chúng sanh nữa, oán kết đối với chúng sanh mới có thể hóa giải. Ăn thịt, sẽ vĩnh viễn kết [oán thù], chẳng thể hóa giải được! Phải biết những nỗi oán kết với chúng sanh sẽ là oan oan tương báo chẳng xong, chẳng hết. Chuyện này phiền toái lắm! Thật đấy, chẳng giả tí nào! Chỉ có người thật sự giác ngộ, thật sự hiểu rõ, sẽ sửa đổi từ nội tâm của chính mình, đem công đức do chính mình đã tu tập tích lũy trong một đời niệm niệm hồi hướng cho oán thân trái chủ trong đời trước và hiện tiền thì mới có thể hóa giải tiêu trừ được. Đại khái là có thể hóa giải, bảy tám phần mười, còn có một ít chấp trước hết sức kiên cố, khó lắm, chẳng dễ dàng! Nhưng chính mình phải hiểu: Đời đời kiếp kiếp tu hành, đời đời kiếp kiếp chẳng kết oán cùng chúng sanh, cũng phải mất một thời gian mới có thể hóa giải vấn đề này, chẳng phải là trong một đời này mà có thể hóa giải hết được. Chuyện ấy chẳng làm được đâu nhé!
Do vậy, Bồ Tát tu hành đã đạt tới địa vị cao, vẫn có ma chướng. Nói theo kinh này, chỉ có một địa vị chẳng có ma chướng là Diệu Giác. Diệu là quả, chẳng phải là địa vị tu hành, người ấy (người đã chứng địa vị ấy) chẳng có chướng ngại. Nói cách khác, từ Đẳng Giác trở xuống (Đẳng Giác là địa vị bốn mươi mốt [của hàng Pháp Thân đại sĩ]) thảy đều có chướng. Nay chúng ta đang ở trong địa vị phàm phu, nói theo giáo nghĩa kinh Hoa Nghiêm, ngay cả địa vị Sơ Tín chúng ta còn chưa đạt được. Chúng ta học từ chỗ nào? Nhất định phải ghi nhớ, Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chuyện gì cũng đều phải nhường nhịn, phải học chịu thua thiệt, chẳng sợ bị lừa thì mới có thể đào thải hết sạch những phiền não tập khí ấy, mới có thể thành tựu đức hạnh của chính mình.
Điều khó có nhất trong đời này là chúng ta gặp pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này được gọi là “Phật pháp đương sanh thành tựu”. Chúng ta cũng chớ nên khinh dễ, sai sót; “đương sanh thành tựu” là thành công ngay trong một đời này! Công phu Lục Ba La Mật không cần quá sâu, tức là có được một hai phần. Chúng ta chia Ba La Mật thành một trăm phần, đối với một trăm phần, chúng ta chỉ có một, hai phần trăm là được rồi! Đừng nói là một, hai phần [chẳng đáng kể], nó khởi tác dụng sẽ có thể giúp quý vị vãng sanh Tịnh Độ, phải thật sự hành. Điều nào trong Lục Độ cũng đều trọng yếu. Tài, pháp, vô úy trong bố thí đều thật sự làm, chẳng còn tạo ác nghiệp nữa. Trong Trì Giới, chúng ta nói tới giới điều cơ bản nhất, nay chúng ta không chọn dùng Tiểu Thừa, mà dùng Đệ Tử Quy của Nho gia để làm cơ sở. Hãy nghiêm túc thực hiện Đệ Tử Quy, thực hiện Thập Thiện Nghiệp.
Giáo huấn trọng yếu nhất trong Thập Thiện Nghiệp chính là đức Phật dạy chúng ta “thường niệm thiện pháp”, tâm thiện; “tư duy thiện pháp”, tư tưởng thiện; “quan sát thiện pháp” là hành vi thiện, ba nghiệp đều chẳng bất thiện! Sau đó, còn có một câu hết sức trọng yếu: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”. Thượng Phẩm Thập Thiện mà niệm Phật, há có lẽ nào chẳng vãng sanh! Do vậy, Trì Giới chẳng cần nói nhiều. Quý vị có Đệ Tử Quy, có Thập Thiện, có Tam Quy, Ngũ Giới là được rồi, đảm bảo quý vị được vãng sanh. Điều thứ tư là Nhẫn Nhục, hết sức quan trọng. Nếu quý vị chẳng thể nhẫn, những điều trước đó đều bị phá hoại. Chính là như kinh Kim Cang đã nói: “Hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành”. Người ta thành tựu là do nhẫn nại; quý vị chẳng nhẫn, sẽ bị phá hoại, sẽ chẳng thể thành tựu. Có thể nhẫn thì mới có tinh tấn, mới có Thiền Định, mới có trí huệ. Do vậy, Nhẫn là then chốt, nhất định phải coi trọng. Nói thông thường, cương lãnh của Bồ Tát hạnh là Lục Độ, Tứ Vô Lượng Tâm, phải dưỡng! Tứ Vô Lượng Tâm là từ bi hỷ xả. Từ bi hỷ xả chính là Tứ Vô Lượng Tâm. Thứ tám:
(Sớ) Đắc Thập Lực trí.
(疏)得十力智。
(Sớ: Đắc trí Thập Lực).
Đây là đoạn thứ tám, “đắc Thập Lực trí”. Thập Lực trí thì có Thập Lực nơi quả địa Như Lai, mà cũng có Bồ Tát tu hành Thập Lực nơi nhân vị (địa vị tu nhân). Thập Lực nơi quả địa Như Lai, trong phần trước, chúng tôi đã nói vài lần rồi, đương nhiên là hễ gặp [điều này] trong kinh văn, vẫn phải giảng. Vì sao? Chẳng làm được! Thậm chí đã đọc trong phần trước rồi, đọc xong, quên tuốt! Đó là chỗ khác biệt giữa giáo viên trong Phật pháp và giáo viên trong thế gian. Đức Phật hết sức từ bi, chẳng ngại phiền phức, cứ nói lặp đi lặp lại với chúng ta. Thầy giáo trong thế gian chẳng từ bi như Phật! Quý vị thấy Nho gia thường nói: “Cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản” (Nêu lên một góc mà chẳng suy ra ba góc còn lại), chẳng muốn dạy quý vị, quý vị đần quá! Nhưng đức Phật chẳng vậy, đức Phật có thể chẳng ngán phiền phức mà nói với quý vị vô số lần, đúng là từ bi đến tột cùng! Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai; vì thế, gọi là “đại từ đại bi”.
Đối với Thập Lực của Phật, chúng tôi nói đơn giản một chút.
- Thứ nhất là “thị xứ phi xứ trí lực”. Năng lực này có nghĩa là nói rõ nhân quả báo ứng. Quý vị hành thiện, nhất định đắc thiện quả. Quý vị tạo ác, nhất định mắc ác báo. Đó gọi là Thị Xứ (是處), nhân quả tương ứng! Nói một kẻ làm lành mắc ác báo, tạo ác mà đắc thiện báo, đó là Phi Xứ (非處), [nghĩa là] chẳng có chuyện ấy! Nhưng rõ ràng là thấy có [những trường hợp như vậy] trong thế gian. Kẻ ấy là người ác, [thế mà] phước báo rất lớn; một kẻ khác là thiện nhân, nghèo khổ, rất đáng thương, áo cơm đều thiếu thốn. Đó là do nguyên nhân nào? Người lành chẳng có hảo báo! Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta: Kẻ ác làm ác, nhưng đời trước kẻ đó đã tu phước rất lớn; do tạo tác ác nghiệp, đã chiết giảm phước báo. Sau khi đã chiết giảm, kẻ ấy vẫn còn có dư phước. Ví như trong mạng kẻ ấy có tài sản đến một ức, do không điều ác nào chẳng làm, đã tổn giảm gì? Đã tổn giảm chín ngàn vạn, kẻ ấy hãy còn có của cải một ngàn vạn. Người thế gian chúng ta thấy kẻ làm ác vẫn đang hưởng thụ. Đúng thế, đúng là kẻ đó [đang hưởng thụ], nhưng quý vị phải hiểu: Tài sản của kẻ đó đã bị chiết giảm chín phần mười mà chính kẻ đó chẳng biết!
Nếu kẻ ấy chẳng làm ác, sẽ tuyệt lắm, kẻ đó sẽ hưởng của cải bao nhiêu đời chẳng hết. Đời đời kiếp kiếp bao nhiêu đời chẳng hưởng hết. Đáng tiếc là kẻ ấy chẳng hiểu đạo lý, không điều ác nào chẳng làm, cho nên thiện nhân tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đều bị tiêu hao sạch trong đời này! Hưởng hết phước báo, đại nạn xảy tới, đời sau là tam đồ, địa ngục. Nếu quý vị có thể thấy nhân quả ba đời, sẽ gật đầu, chẳng sai! Quý vị chớ nên chỉ nhìn một đời hiện tại này, quý vị phải nhìn vào quá khứ, phải nhìn vào đời vị lai. Người tốt suốt đời làm lành, vẫn bị bần cùng, cuộc sống hết sức khó khăn là do đời trước chẳng tu. Đời này tuy rất nỗ lực tu tập, kẻ ấy mới miễn cưỡng được no ấm. Nếu kẻ ấy chẳng tu, sẽ còn khổ hơn hiện thời! Phải hiểu đạo lý này. Tuyệt đối chẳng phải là “làm lành mắc ác báo, tạo ác được thiện báo”, chẳng có đạo lý ấy! Nhất định phải hiểu rõ ràng, phải hiểu minh bạch.
Thứ hai là “nghiệp trí lực”. Hết thảy các nghiệp do chúng sanh đã tạo trong đời đời kiếp kiếp, đức Phật đều biết. Vì thế, đức Phật thuyết pháp khế cơ. Trong mỗi điều của Thập Lực đều có chữ Trí, quý vị mới hiểu căn nguyên của lực là do đâu mà có? Trí huệ. Do có trí huệ, quý vị mới có năng lực ấy. Chẳng có trí huệ, sẽ chẳng có năng lực ấy.
Điều thứ ba là “định trí lực”, điều thứ tư là “căn trí lực”, điều thứ năm là “dục trí lực”. Dục vọng: Hết thảy chúng sanh đều có dục vọng, chẳng có gì đức Phật không biết! Điều thứ sáu là “giới trí lực”, giới phân (界分, ranh giới).
Điều thứ bảy là “chí xứ trí lực”, “chí xứ” (至處) là gì? Hết thảy chúng sanh trong đời sau sẽ đến thọ báo ở nơi đâu, họ đến chỗ nào, [đức Phật đều biết] rõ ràng, rành rẽ. Tuy chúng ta chẳng đạt đến năng lực nơi quả địa của Phật, Bồ Tát như vậy, nhưng đọc kinh Phật nhiều, cũng sẽ biết rất rõ chính mình trong tương lai sẽ đi về đâu! Ngẫm lại chính mình trong một đời này, khởi tâm động niệm là thiện hay ác? Ngôn ngữ, tạo tác là thiện hay ác? Đại khái sẽ biết. Thiện mà nếu chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, quyết định sẽ là phước báo nhân thiên. Thượng phẩm thiện sanh thiên, trung phẩm thiện sanh trong nhân gian, hưởng phú quý. Nếu chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác bất thiện, niệm nào cũng đều nghĩ tổn người lợi mình, quả báo đương nhiên là ở trong tam ác đạo. Tâm bất thiện, tư tưởng bất thiện, lời nói và việc làm bất thiện, thường ôm lòng tổn người lợi mình, đối với hết thảy người, sự, vật, có ý niệm khống chế và chiếm hữu, đấy là bất thiện. Những ý niệm ấy chiết giảm phước báo của chính mình, mê mất trí huệ của chính mình, đi vào tam đồ, chớ nên không biết điều này!
Thứ tám là túc mạng, “túc mạng trí lực”. Túc mạng (宿命) là biết đời quá khứ của hết thảy chúng sanh. Đời đời kiếp kiếp quý vị ở trong đường nào, có hình dạng như thế nào, tên là gì, quý vị đã làm những chuyện gì trong một đời, [đức Phật] đều hiểu hết. Vì lẽ đó, Phật, Bồ Tát thuyết pháp khế cơ chẳng phải là không có đạo lý. Các Ngài hiểu biết quý vị quá rõ, chẳng phải là nhìn vào đời này của quý vị, mà là đời đời kiếp kiếp.
Thứ chín là “Thiên Nhãn trí lực”, quá khứ, hiện tại, vị lai Ngài đều trông thấy, chính mắt thấy.
Cuối cùng là “Lậu Tận trí lực”, Lậu (漏) là phiền não. Trong hội Hoa Nghiêm, chúng tôi đã nói: Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thảy đều đoạn sạch. Đấy chính là mười thứ trí lực nơi quả địa Như Lai.
Nơi nhân địa, Bồ Tát cũng tu Thập Lực, điều này càng quan trọng. Vì sao? Đối với quả địa Như Lai, chúng ta chỉ đành nghe. Khi nào, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, quý vị mới có thể chứng đắc. Do Bồ Tát còn đang thuộc địa vị tu nhân, chúng ta còn có chỗ để thực hiện. Vì thế, Thập Lực của Bồ Tát hết sức đáng cho chúng ta tham khảo.
1) Điều thứ nhất trong Thập Lực [của hàng Bồ Tát] là “phát Nhất Thiết Trí tâm kiên cố lực”, phải phát tâm, phát [tâm nguyện] cầu Nhất Thiết Trí. Sau khi đã phát cái tâm ấy, chớ nên thoái chuyển. Nói cách khác cho mọi người dễ hiểu, điều này cũng rất giống như trong Nho gia nói đến “cái tâm hiếu học”. Quý vị thấy có đúng hay không? Hiếu học rất gần với chuyện này! Chính Khổng phu tử thường nói: So với kẻ khác, Ngài chẳng có cảm thấy chính mình có ưu điểm gì, chẳng cảm thấy chính mình khác mọi người. Nhưng Ngài thừa nhận một điều, Ngài nói: Đối với chuyện hiếu học, chỉ sợ có rất nhiều người không bằng Ngài, hiếu học mà! Điều này quan trọng. Vì thế, chúng tôi cho rằng: Chuyện rất hiếu học của Nho gia rất giống, rất gần gũi với câu đầu tiên trong Thập Lực của Bồ Tát.
2) Thứ hai, “bất xả chúng sanh đại từ lực”. Chính là đối với hết thảy chúng sanh phải bình đẳng, phải giống như Quán Thế Âm Bồ Tát, mắt trông thấy, tay bèn vươn tới. Ta đã thấy, ta đã nghe, ta sẽ dùng năng lực của chính mình để giúp đỡ họ. Năng lực chẳng làm được, thì sẽ như cổ nhân đã nói: “Tâm có thừa, mà chẳng đủ sức”. Tôi chẳng đủ sức giúp đỡ quý vị, tôi bèn niệm Phật hồi hướng cho quý vị. Tôi tụng kinh hồi hướng cho quý vị. Có thể làm được chuyện này để chúc phước quý vị, giúp quý vị tiêu nghiệp chướng. Còn như có hiệu quả hay không, đó là chuyện khác. Tâm chúng ta đã làm hết sức rồi, đó là tâm từ bi!
3) Thứ ba, “cụ túc đại bi lực”. Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Thấy chúng sanh khổ sở, bèn chẳng đắn đo, tận tâm tận lực giúp đỡ họ, cứu khổ, cứu nạn.
4) Thứ tư, “tín nhất thiết Phật pháp tinh tấn lực”. Đối với Phật pháp, bèn tu học dũng mãnh, tinh tấn, quyết định chẳng thoái chuyển. Quý vị nhất định phải tin tưởng “hết thảy Phật pháp là pháp bình đẳng”. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Các pháp bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Vì thế, phải tôn trọng hết thảy các pháp. Trong hết thảy các pháp, chúng ta chỉ có thể học một pháp, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài. Đấy là tinh tấn lực. Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Do vậy, nhập một pháp, pháp nào cũng sẽ nhập. Thông một pháp, các pháp đều thông. Phải hiểu Lý và Sự này, chúng ta mới có thể thật sự chọn lựa một pháp môn để suốt một đời tinh tấn chẳng lười nhác, quyết định sẽ có thành tựu.
5) Thứ năm là “tư hành Thiền Định lực” (思行禪定力). Ngàn muôn phần đừng hiểu lầm Thiền Định, ngỡ là chúng ta cũng phải tham Thiền. [Hiểu như vậy] là sai lầm mất rồi! Mọi người đều biết: Phật pháp nói “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, có nghĩa là gì? Tám vạn bốn ngàn phương pháp để tu Thiền Định, chẳng có pháp nào không phải là tu Thiền Định. Vì sao? Không tu Định, chẳng khai huệ! Mục tiêu chung cực của Phật pháp là dạy quý vị khai huệ. Vì thế, tám vạn bốn ngàn pháp môn đều nhằm tu Thiền Định. Đây chính là “một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều chẳng hai”. Chúng ta niệm Phật, có phải là tu Thiền Định hay không? Phải! Trong kinh Đại Tập, đức Thế Tôn đã nói: “Niệm Phật là vô thượng thâm diệu Thiền”. Không chỉ là Thiền Định, mà còn là Thiền Định hết sức cao minh. Mục đích niệm Phật là như kinh Di Đà đã nói rất hay: “Nhất tâm bất loạn”. “Nhất tâm” là Thiền Định, bất loạn, trí huệ mở mang, từ Định khai Huệ, nhất định phải hiểu đạo lý này. Chúng ta cầu Phật, Bồ Tát gia hộ; Phật, Bồ Tát gia hộ như thế nào? Quý vị đắc nhất tâm liền gia hộ. Quý vị bất loạn, trí huệ mở mang, bất luận vấn đề gì, đưa đến trước mặt quý vị, sẽ đều giải quyết.
6) Thứ sáu, “trừ nhị biên trí huệ lực”. Chúng ta gọi “nhị biên” là Biên Kiến, là đối lập. Chỉ có trí huệ lực thì mới có thể diệt trừ nhị biên. Nay chúng tôi tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế, thảo luận làm thế nào để hóa giải xung đột. Trong hội nghị, tôi thường nói: “Hóa giải xung đột từ nội tâm của chính mình”. Nội tâm của chính chúng ta đối lập với người khác, đối lập với sự, đối lập với vật. Đối lập là Nhị Biên. Phải hóa giải điều này, khiến cho thân tâm của chúng ta hài hòa; sau đấy, chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác hóa giải xung đột. Quý vị không thực hiện từ chỗ này, quý vị thực hiện từ chỗ nào?
7) Thứ bảy, “thành tựu chúng sanh lực”. Chẳng có lực này, thì cũng phải có nguyện này. Niệm niệm hy vọng chúng sanh thành tựu, giúp đỡ chúng sanh thành tựu. Chúng sanh tu giỏi hơn tôi, tôi càng vui sướng, càng hoan hỷ. Vì sao? Họ thành Phật sẽ đến độ tôi! Quyết định chẳng có tâm ganh tỵ, quyết định chẳng có tâm chướng ngại kẻ khác, có thể tu tùy hỷ công đức.
8) Thứ tám, “quán pháp Thật Tướng lực”. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, thường dấy lên công phu quán chiếu. Nói thật ra, chúng ta đọc tụng kinh văn, thường nắm vững mấy câu là được rồi. Trong Phật giáo Trung Hoa, đại đa số là dùng kinh Kim Cang. “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Thường nhắc nhở chính mình, biết Thật Tướng của các pháp, không mê, chẳng đến nỗi mê hoặc, chẳng đến nỗi thấy sai!
9) Thứ chín, “nhập tam giải thoát môn lực”. Tam giải thoát môn là Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, phải khế nhập. Cửa vào của ba thứ giải thoát ở đâu? Cửa vô môn quý vị làm thế nào để có thể tiến vào?
10) Câu cuối cùng, “vô ngại trí lực”, là như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Lý vô ngại, sự vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Bồ Tát tu mười thứ trí lực, chúng ta phải nên học tập. À! Hôm nay đã hết thời gian rồi. Chúng tôi giảng tới chỗ này!
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh
Tịnh Hạnh Phẩm
Phần 5 hết
[1] Trường (field) là một khái niệm vật lý rất phức tạp. “Trường” là một thực thể vật lý, có thể hiểu thô thiển như một khoảng không gian mà mỗi điểm trong ấy đều có giá trị riêng biệt cho không gian và thời gian. Một thí dụ thông thường được nói là “trường điện” (electric field), được coi là một khoảng không gian có điều kiện phát sanh từ hiện tượng tương tác điện. Khi một điện tử được đặt trong trường điện ấy, nó sẽ tăng vận tốc.
[2] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải trong trang nhà Trung Hoa Cổ Tịch Bạch Thoại Giải Tích Hệ Lệ Hợp Tập, phần Mạnh Tử Thích Chú.
[3] Ông này có tên đầy đủ là Sellapan Rama Nathan, thuộc sắc dân Tamil, sinh năm 1924, sinh trưởng tại Tân Gia Ba. Ông là Tổng Thống thứ sáu Tân Gia Ba, nhiệm kỳ 1999-2011, kế nhiệm tổng thống Ong Teng Cheong (Vương Đỉnh Xương). Ông Nathan cũng là người đầu tiên làm tổng thống hai nhiệm kỳ của Tân Gia Ba.